woensdag 28 mei 2014

Việt Nam : Hệ thống song trùng Đảng-Nhà nước trong cuộc khủng hoảng Biển Đông

Hệ thống song trùng Đảng-Nhà nước trong cuộc khủng hoảng Biển Đông

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-05-27
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_Hkg5156689-600.jpg
Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng và TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tại Hả Nội tháng 7/2011
AFP photo

Hệ thống song trùng Đảng- Nhà nước là một hệ thống rất đặc biệt trong các quốc gia có thể chế cộng sản. Trong hệ thống này cứ mỗi một vị trí hành pháp là có một người đương nhiệm bên phía đảng cộng sản cầm quyền.
Đặc biệt hơn nữa là người của bên phía hành pháp cũng là đảng viên đảng cộng sản. Ví dụ như tương đương với vị trí Bộ trưởng bộ ngoại giao sẽ có một vị là Trưởng ban đối ngoại trung ương của đảng cộng sản. Những người cộng sản gọi hệ thống này là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý.
Có thể là trong các quốc gia có nhiều đảng phái thì trong các đảng phái ấy sẽ có những người theo dõi các công việc của hành pháp để từ đó đưa ra chính sách của đảng mình trong công cuộc cạnh tranh chính trị. Nhưng ở các quốc gia cộng sản, các đảng cộng sản nắm quyền tuyệt đối, không phải cạnh tranh với ai, nhưng hệ thống song trùng Đảng - Chính phủ cứ tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử cộng sản của các quốc gia này.
Trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản Việt nam, cho mãi đến những năm 80 của thế kỷ 20, hệ thống song trùng vẫn tồn tại, nhưng chỉ về mặt hình thức vì quyền lực tuyệt đối lần lượt nằm trong tay các ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, và Nguyễn Văn Linh dù chức vụ của các ông này có thể khác nhau. Sau cái chết của ông Linh, người ta không thấy quyền hành tập trung vào một người nữa mà thường có sự xuất hiện một cách song song, một người bên đảng và một người bên chính phủ. Nếu bên chính phủ có lần lượt các ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, và bây giờ là Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng thì bên kia cũng lần lượt là các ông Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và bây giờ là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trống đánh xuôi kèn thổi ngược
Ở những tầng mức thấp của hệ thống quyền lực, đã có lúc truyền thông của nhà nước Việt Nam từng nói đến sự dẫm chân nhau của hệ thống song trùng này, cụ thể là các công việc thường nhật của các vị chủ tịch hành chính và bí thư đảng ở cấp tỉnh và huyện.
Những sự khác biệt đảng-chính phủ thấy rõ nhất là trong các quan hệ đối ngoại. Chuyện đầu tiên xảy ra vào năm 2000 trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa kỳ Bill Clinton. Trong lúc bên hành pháp của thủ tướng Phan Văn Khải tất bật hoan nghênh kẻ thù cũ, thì ông tổng bí thư lúc đó là Lê Khả Phiêu lên tiếng chỉ trích nặng nề người bạn mới trong một cuộc gặp gỡ mặt đối mặt.
000_Hkg8885450-250.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh tham dự cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Thái Lan tháng 8/2013. AFP photo
Sự khác biệt trong đối ngoại thấy rõ nhất trong mối quan hệ với với Trung Quốc. Cứ mỗi lần có xung đột gì đó giữa hai quốc gia thì bên cơ quan ngoại giao của chính phủ lên tiếng chỉ trích, trong khi bên cơ quan đảng cộng sản vẫn là những câu chữ ca ngợi tình hữu nghị như 16 chữ vàng, bốn tốt.
Bình luận về vai trò của Bộ ngoại giao, trong một lần trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Vũ Tường, một người quan sát chính trị Việt Nam từ đại học Oregon, Hoa Kỳ nói rằng:
Đó là đặc biệt ở Việt Nam, nó do các cơ chế chính trị của Việt Nam thực ra là từ xưa đến nay các chính sách ngọai giao lớn đều do Bộ chính trị và ban bí thư quyết định, ngay từ thời ông Lê Duẩn đã vậy. Sau này nó vẫn như thế, chỉ có trong một thời gian ngắn ông Nguyễn Cơ Thạch đóng một vai trò đặc biệt làm nổi lên vai trò của Bộ ngoại giao vào thời kỳ bắt đầu đổi mới, nhưng sau đó thì không có ai. Tức là Bộ ngoại giao đóng vai trò làm theo những quyết định chiến lược của Bộ chính trị. Trong Bộ chính trị thì Tổng bí thư, hay trưởng ban đối ngoại trung ương, trong một tình huống nào đó có thể đóng vai trò quan trọng hơn Bộ trưởng Bộ ngoại giao.
Sự lấn lướt này của quyền lực đảng trong hệ thống song trùng đối với những vấn đề ngoại giao càng rõ hơn trong bối cảnh thế giới chỉ còn có vài đảng cộng sản cầm quyền. Trong bối cảnh đó có vẻ như đảng cộng sản Việt Nam đặt tầm quan trọng rất cao mối quan hệ giữa họ và đảng cộng sản TQ.
Trớ trêu thay, đảng cộng sản TQ lại đang lãnh đạo một quốc gia hay thể hiện sức mạnh cơ bắp với những nước láng giềng nhỏ hơn trong thời gian gần đây. Đối với trường hợp Việt Nam thì quan hệ lịch sử với TQ lại còn có cả chiều dài lịch sử phức tạp hàng nghìn năm. Đứng trước thực tế không muốn làm phật lòng một đảng cộng sản lớn hơn, những động thái đối ngoại của đảng cộng sản Việt Nam chịu nhiều chỉ trích. Ông Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến, đồng thời đã sống và làm việc nhiều năm ở Đông Âu cộng sản nói với chúng tôi:
TQ phải giữ Việt Nam ở chế độ cộng sản, vì chỉ có ở chế độ cộng sản thì mới có cái kiểu hai đảng làm việc với nhau, nhượng bộ quyền lợi với nhau, còn nhân dân thì chẳng có vai trò gì.”
Chuyện làm việc với nhau giữa hai đảng cộng sản trong cuộc khủng hoảng biển Đông vào thời điểm tháng 5/2014 có vẻ không được xuôi chèo mát mái lắm khi nhiều cơ quan truyền thông đưa tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư đảng cộng sản VN bị từ chối lời đề nghị gặp mặt của ông để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Về mặt chính thức, khi TQ bắt đầu kéo dàn khoan nước sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, người đứng đầu đảng cộng sản Việt nam và các cơ quan truyền thông của nó không có một tuyên bố nào. Hai tuần lễ sau đó trang thông tin điện tử của đảng cộng sản VN mới đăng bài chỉ trích TQ, còn ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không nói gì. Trong khi đó bên hành pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ, mà đỉnh cao là lời tuyên bố của ông tại Manila rằng hành động của TQ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Sự xung đột phe phái
image-250.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (giữa) cùng các thành viên trong đoàn tại nơi diễn ra lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN 24 tại Myanmar hôm 11/5/2014. AFP photo
Sự xung đột bên trong hệ thống song trùng đảng – chính phủ được cho là lên rất cao khi hồi năm 2013, một hội nghị trung ương đảng đã không kỷ luật được ông Dũng vì những tệ hại của nền kinh tế quốc gia. Nay trong cuộc xung đột với TQ, dường như một lần nữa sự xung đột ấy lại lên cao. Ngay sau khi cuộc khủng hoảng giàn khoan bùng nổ, Tiến sĩ Vũ Tường có nhận định rằng sự lấn lướt của TQ có thể làm phe của ông Nguyễn Tấn Dũng mạnh lên.
Tuy nhiên cũng theo Tiến sĩ Tường thì những người lãnh đạo công an và quân đội Việt Nam có khuynh hướng nghiêng về phe của đảng hơn.
Và trong cuộc khủng hoảng đang xảy ra, người ta thấy rằng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ quốc phòng có nói với người đồng nhiệm Trung Quốc rằng Việt nam vẫn tìm cách giải quyết vấn đề một cách hữu nghị, không sử dụng quân đội, dù rằng ông Bộ trưởng quốc phòng TQ vượt qua cả sự tế nhị ngoại giao mà công kích gay gắt rằng Việt Nam là một quốc gia gây sự trong cuộc gặp đôi bên.
Trong hoàn cảnh một nền chính trị không công khai, những tuyên bố trái khoáy giữa những người của đảng và của chính phủ, mà lại cũng là của đảng, càng tăng thêm sự đồn đoán về sự xung đột phe phái. Điều này thấy rõ nhất trong cuộc bạo loạn Bình Dương-Vũng Áng với sự chậm trễ của công an, sự can thiệp của quân đội…
Nhưng điều mà mọi người có thể thấy rõ nhất trong gần một tháng qua là sự leo thang xung đột Việt Trung, người chết và nhà xưởng bị đốt cháy,…
Hệ thống song trùng đảng chính phủ đương đầu thế nào với thách thức mới trong những ngày sắp tới? Liệu họ sẽ đồng thuận chống lại đe dọa của nước ngoài? Hay họ thu xếp để trở về nguyên trạng với sự phân công đảng lo hữu nghị, còn chính phủ lo phản đối, trong bối cảnh cuộc xung đột với nước cộng sản anh em lắng dịu? Hay đi xa hơn là không còn hệ thống song trùng nữa?
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bicephalou-system-party-state-kh-05272014115801.html


Geen opmerkingen:

Een reactie posten