Thứ bảy, 31/5/2014 | 22:47 GMT+7
Mỹ ủng hộ Nhật Bản tăng vai trò quân đội
Mỹ hôm nay bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với kế hoạch tái định hình vai trò quân đội của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong bối cảnh an ninh châu Á - Thái Bình Dương đang diễn biến phức tạp.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La hôm qua. Ảnh: Reuters
|
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định nước này ủng hộ những nỗ lực Thủ tướng Abe nhằm "tái định hướng vị thế Phòng thủ Tập thể, hướng đến hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng một trật tự khu vực hòa bình và vững mạnh".
Để bổ sung cho nỗ lực của Nhật Bản, Washington và Tokyo "đã bắt đầu sửa đổi các quy tắc quốc phòng chung lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ", Japan Times dẫn lời ông Hagel nói với những người đồng cấp, các quan chức quân sự cấp cao, các nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh tại hội nghị. "Điều này sẽ đảm bảo cho liên minh của chúng tôi phát triển nhằm tương thích với môi trường an ninh đang thay đổi và năng lực ngày càng tăng của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản".
Trước đó, trong bài phát biểu khai màn hội nghị hôm qua (30/5), Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc duy trì an ninh khu vực châu Á, khi ông chuẩn bị thay đổi các quy định về vai trò của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản.
Đặt Nhật Bản trên cán cân đối trọng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc, ông Abe đề nghị hỗ trợ cho các đối tác khu vực, trong đó có các nước Đông Nam Á, "đảm bảo an ninh biển và trời".
Sau khi đầu hàng ở Thế chiến II năm 1945, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản chưa hề nổ phát súng nào. Lực lượng vũ trang hùng mạnh một thời của nước này trở nên suy yếu, bị hiến pháp tước quyền phát động chiến tranh và bị giới hạn ở vai trò tự vệ. Những cuộc tham vấn chặt chẽ đang diễn ra ở Nhật Bản nhằm tái định hình vị thế hoàn toàn phòng thủ của quân đội nước này, ông Abe cho biết.
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích rằng Thủ tướng Abe "đã đùa giỡn với luật pháp quốc tế nhằm thúc đẩy những mục tiêu dân tộc chủ nghĩa lộ liễu" trong bài phát biểu trên. Bắc Kinh và Tokyo đang đối đầu căng thẳng về chủ quyền của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Gần đây nhất, máy bay quân sự của hai nước đối mặt trong khoảng cách chỉ vài chục mét trên vùng biển tranh chấp, dẫn đến những chỉ trích lẫn nhau gay gắt.
Anh Ngọc
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-ung-ho-nhat-ban-tang-vai-tro-quan-doi-2998319.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten