Sunday, May 25, 2014 3:36:42 PM
Phùng Thức/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Sau ngày nổ ra vụ Trung Quốc xâm lăng lãnh hải và nhất là sau các cuộc biểu tình lớn của công nhân Bình Dương, Ðồng Nai... người lao động Sài Gòn cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp của vụ khủng hoảng này.
Trong một xóm ở phường 9 Tân Bình, một người đàn bà cho biết, mấy ngày nay, bà mua ve chai chỉ mua có nửa giá, họ nói là do Trung Quốc ngừng mua phế liệu nên chủ vựa không dám vô hàng.
Trong hẻm nghèo những người Hoa lao động đang theo dõi vụ giàn khoan Trung Quốc xâm lăng và không giấu nỗi lo lắng. (Hình: Phùng Thức/Người Việt) |
Những tin đồn về việc Trung Quốc đóng một số cửa khẩu biên giới, có vẻ như dấu hiệu phá sản của các lò ve chai, các chủ vựa nông sản, hải sản... “Ðánh hàng” xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc trong vài chục năm gần đây, vốn là một ngành béo bở của giới con buôn người Việt móc ngoéo với người Trung Quốc.
Một chủ hàng bán ớt tươi, ớt khô ở chợ nông sản Bình Ðiền cho biết: “Lúc ở An lạc, Bình Dương công nhân nổi dậy, ngay hôm sau là mấy anh Trung Quốc hô biến hết ráo. Mấy bà vựa dưa hấu, thanh long... nháo nhát như gà.”
Nhà nước Việt Nam đang ra sức đền bù, trấn an các doanh nhân Trung Quốc, Ðài Loan... bị thiệt hại do các cuộc biểu tình bạo động, nhưng hoàn toàn không quan tâm đến mức độ thiệt hại của các tiểu thương người Việt lỡ làm ăn với người Trung Quốc.
Những chuyện quái đản như mua đuôi trâu, bò, mua gốc rễ hồ tiêu, dừa non, lá cây phong ba, đọt rau lang... làm náo loạn các vùng quê từ Bắc vô Nam của thương lái Trung Quốc và chính sách phó thác vận mạng giới tiểu thương, giới nông dân vào tay các thương lái Trung Quốc đã được dư luận cảnh báo từ lâu. Nhưng trớ trêu thay, chỉ nhờ vụ giàn khoan xâm lăng mà dân tiểu thương và người nông dân tạm yên chuyện bị thương nhân Trung Quốc lừa gạt.
Như thông lệ, trước những biến động, người Sài Gòn lại chộn rộn chuyện giá vàng và đô la.
Ở một điểm đổi ngoại tệ nằm trên đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, người bán ít, người mua nhiều. Giá thu và mua ở đây không phải là giá niêm yết chính thức và nhân viên cũng không nói giá bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Việt, họ chỉ có mỗi thao tác là xoay cái máy tính cho khách hàng thấy con số báo giá, giao dịch bằng cái gật đầu hoặc lắc đầu là một kiểu làm ăn trong thời khủng hoảng giàn khoan.
Giá đô la Mỹ ở thị trường chợ đen tăng liên tục trong những ngày qua, không ai có thể biết được thị trường ngoại tệ chợ đen phục vụ cho sự tháo chạy của các doanh nhân Trung Quốc, Ðài Loan và Singapore... lớn đến con số nào.
Nhiều người Sài Gòn, trong lúc nóng rực chuyện biển Ðông cũng không mất đi tính hài hước trước chuyện ngân hàng nhà nước khuyên dân trước những biến động mạnh của thị trường, giá vàng tăng, nên bán vàng cho nhà nước.
Từ sau vụ công an xông vào tiệm vàng Hoàng Mai ở Bình Thạnh tịch thu vàng, ngoại tệ, đến vụ giàn khoan của Trung Quốc, tâm lý mua vàng phòng thân đã đưa thị trường vàng lên ngôi bá chủ như trước đây.
Nếu biển Ðông bùng nổ chiến tranh hoặc khủng hoảng giàn khoan Trung Quốc HD 981 kéo dài thì đương nhiên vị thế độc quyền vàng và ngoại tệ của nhà nước cộng sản sẽ phá sản.
Thành phần dân cư vô tư nhất hiện nay vẫn là các thế hệ thanh niên sinh sau 3 cuộc chiến tranh Ðông Dương. Vũ trường, quán nhậu vẫn đầy người, trò cá độ bóng đá vẫn ồn ào khắp các quán cà phê...
Một nhóm người trẻ ngồi ở quán Girval trên đường Võ Văn Tần chỉ bàn sôi nổi về thị trường quần áo hàng hiệu. Khi có ai đó nhắc đến vụ khủng hoảng giàn khoan ở biển Ðông thì lập tức có tiếng đáp lại, “Trung Quốc muốn nước ta từ Vạn Lý Trường Thành đến Mũi Cà Mau, giờ mới biết à. Mà nếu có súng nổ thì ông bố quan to nhà tớ sẽ mua thêm nhà giá rẻ.”
Chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc có xảy ra không? Câu hỏi này hiện chưa có lời đáp. Nhưng những diễn biến thị trường và đời sống của giới lao động, dân trung lưu Sài Gòn đã bắt đầu vào guồng quay chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten