zondag 4 mei 2014

Philippines có thể sẽ cho quân đội Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự

Thứ bảy 03 Tháng Năm 2014

Philippines có thể sẽ cho quân đội Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự

Tuần dương hạm Mỹ USS Texas neo đậu bên cạnh tàu tiếp liệu cho tàu ngầm USS Emory S.Land tại vịnh Subic. Ảnh chụp ngày 10/11/2011.
Tuần dương hạm Mỹ USS Texas neo đậu bên cạnh tàu tiếp liệu cho tàu ngầm USS Emory S.Land tại vịnh Subic. Ảnh chụp ngày 10/11/2011.
REUTERS/U.S. Navy

Trọng Nghĩa
Sau khi Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines được ký kết, Manila và Washington đang thương thuyết về những điểm cụ thể. Theo trưởng đoàn đàm phán Philippines vào hôm qua, 02/05/2014, nước này có thể mở cửa ít ra là năm căn cứ quân sự của mình cho phía Mỹ sử dụng trong việc luân chuyển phi cơ, tàu bè, thiết bị và binh lính. Sự hiện diện được tăng cường của lực lượng Mỹ được cho là sẽ góp phần giúp Manila kháng lại sức ép của Bắc Kinh.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Manila, ông Pio Lorenzo Batino, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines, cho biết : « Ngay từ bây giờ, nội dung các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh số lượng từ ba đến năm căn cứ quân sự ». Theo ông, đó chỉ là khởi điểm của cuộc thương thuyết dự trù sẽ kết thúc chậm nhất là vào ngày 30 tháng Chín.
Trưởng đoàn đàm phán Philippines tuy nhiên chỉ tiết lộ hai nơi có thể sẽ được mở cửa cho quân đội Mỹ, một là cơ sở huấn luyện chiến đấu trong rừng rậm tại Fort Magsaysay, phía bắc Manila, nơi mà quân đội hai bên thường chọn để tổ chức các cuộc tập trận chung, và một phần căn cứ hải quân Subic, vốn dĩ là cơ sở của Mỹ tại Philippines cho đến đầu thập niên 1990. Ba căn cứ còn lại không được ông Batino tiết lộ.
Tuy vậy, theo báo chí Philippines, một số nguồn tin quân sự thông thạo đã cho biết là phía Mỹ còn yêu cầu được sử dụng các căn cứ cũ trước đây của họ tại Philippines : Sân bay quân sự, căn cứ hải quân Subic Bay, căn cứ không quân Wallace tại mũi Poro Point và Trại Aguinaldo tại Manila, hiện là tổng hành dinh quân đội Philippines.
Bên cạnh đó, phía Mỹ đang xem xét khả năng đòi quyền tiếp cận 4 phi trường dân sự tại Philippines là Palawan, Cebu, General Santos và Laoag, cũng như sân bay Batanes. Những cơ sở dân sự này sẽ được dùng vào việc tiếp liệu và cung ứng dịch vụ khẩn cấp khi cần thiết. Ngoài ra, còn có các căn cứ quân sự gần Cebu và Palawan.
Các giới chức quân sự và quốc phòng cho rằng với Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng vừa ký với Mỹ vào đầu tuần, năng lực phòng thủ của Philippines đã được nâng cao vào lúc Manila đang bị Bắc Kinh chèn ép về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Sự tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines cũng được thảo luận ở Mỹ trong khuôn khổ chuyến ghé thăm của Phó Tổng thống Philippines Jejomar Binay.
Vào hôm qua, tại Lầu Năm Góc, Phó Tổng thống Philippines đã có cuộc họp với Quyền Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Christine H. Fox để thảo luận thêm về việc tăng cường quan hệ quốc phòng song phương và các vấn đề an ninh khu vực.
Theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, phía Washington nhân dịp này đã nhắc lại cam kết giúp Manila phát triển năng lực giám sát và bảo đảm an ninh trên các vùng biển Philippines.
TAGS: CHÂU Á - HOA KỲ - PHILIPPINES - QUÂN SỰ - QUỐC TẾ
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140503-philippines-co-the-se-cho-quan-doi-my-su-dung-nam-can-cu-quan-su

Thứ bảy 03 Tháng Năm 2014

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á đến Hà Nội vào tuần tới

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel (www.state.gov)
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel (www.state.gov)

Trọng Nghĩa
Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm qua 02/05/2014 thông báo : Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Daniel Russel sẽ dẫn đầu một phái đoàn Mỹ ghé Hà Nội trong hai ngày 07-08/05. Mục tiêu được loan báo là tham gia cuộc họp của cơ chế Đối thoại Mỹ-Việt vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được hai bên thảo luận.

Trong bản thông cáo báo chí ngắn gọn về chuyến công du Việt Nam của ông Russel, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm là Trợ lý Ngoại trưởng sẽ tiếp xúc với các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, đồng thời giao lưu với các cựu sinh viên từng tham gia các chương trình trao đổi cấp chính phủ.
Theo giới quan sát, chuyến công du Việt Nam của người trực tiếp nắm hồ sơ Đông Nam Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra chỉ ít lâu sau khi đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm hai nước Đông Nam Á khác là Malaysia và Philippines.
Điều này phản ánh mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnhlãnh đạo 10 quốc gia trong khối ASEAN chuẩn bị họp Hội nghị Thượng đỉnh tại Miến Điện trong hai ngày 10-11/05.
Trong thời gian qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á – Thái Bình Dương đã không ngần ngại có những lời lẽ rất cứng rắn đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, nêu bật một số hành vi sách nhiễu của Trung Quốc nhắm vào Philippines chẳng hạn, đặc biệt là tại hai bãi ngầm đang tranh chấp là Scarborough và Second Thomas ngoài Biển Đông.
Ví dụ cụ thể nhất là bản điều trần của ông Daniel Russel trước Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 05/02 vừa qua, trong đó ông đã cảnh cáo Trung Quốc về những yêu sách lãnh thổ đáng quan ngại ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Về Biển Đông, ông Russel là một nhà ngoại giao Mỹ hiếm hoi công khai phê phán tính chất không phù hợp với luật pháp quốc tế của tấm bản đồ « Chín đường gián đoạn » mà Trung Quốc sử dụng để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Ông cũng đã chỉ trích các quy định mới đây của Trung Quốc về đánh đánh bắt cá trên một phần Biển Đông, và cảnh cáo Bắc Kinh về ý đồ muốn thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới trên Biển Đông.
TAGS: HOA KỲ - QUỐC TẾ - VIỆT NAM
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140503-tro-ly-ngoai-truong-my-dac-trach-chau-a-se-ghe-ha-noi-tham-gia-doi-thoai-my-viet

Geen opmerkingen:

Een reactie posten