Tết qua cung bậc thời gian
Ngày Tết là thời gian người Việt có dịp để nghỉ ngơi và thực hiện những hoạt động mà cả năm không có cơ hội như thăm thú lẫn nhau, tham gia vào các trò chơi đậm tính văn hóa thay đổi cách sống quen thuộc một thời gian ngắn và quan trọng nhất là xum họp gia đình.
Ngày tết đi kèm với phong tục. Dựng nêu, nấu bánh, lì xì đốt pháo… theo thời gian đã bị đời sống công nghiệp hóa khiến tết trở thành sơ cứng đối với những người hoài cổ. Thế nhưng không thể nói sự thay đổi ấy đã giết chết phong tục ăn tết của người Việt vì trong sinh hoạt vẫn có những ý tưởng mới thay vào khiến ngày tết đa dạng và sống động hơn trong một lĩnh vực nào đó.
Nếu người Hà Nội ăn tết vẫn còn giữ phần lớn nét truyền thống thì ngược lại người Sài Gòn hầu như do tiếp xúc với lối sống công nghiệp sát sao hơn và vì vậy tết cũng thay đổi nhiều theo nhịp thở ấy.
Tết vùng miền
Mặc Lâm có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hậu, một nhà khảo cổ học, hiện là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Nhân Văn thành phố. Bà cũng là người nghiên cứu văn hóa học có rất nhiều bài viết về Tết trên các tờ báo xuân hàng năm.Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu vào Sài Gòn sau năm 1975 và bà đã sống, làm việc và ăn những cái tết Sài Gòn từ đó đến nay. Trước tiên bà cho biết sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội nơi bà được sinh ra và trưởng thành mặc dù nguyên quán tại miền Nam:
Tết của Sài Gòn chắc chắn khác Hà Nội ở chỗ thời tiết. Tết Sài Gòn nhằm vào mùa nắng và rất gay gắt cho nên bà con đổ ra đường chơi chứ không chỉ quây quần trong gia đình như ngày tết ở Hà Nội.TS Nguyễn Thị Hậu: Tết của Sài Gòn chắc chắn khác Hà Nội ở chỗ thời tiết. Tết Sài Gòn nhằm vào mùa nắng và rất gay gắt cho nên bà con đổ ra đường chơi chứ không chỉ quây quần trong gia đình như ngày tết ở Hà Nội. Người Sài Gòn nói chung thích đi chơi tết hơn là ăn tết. Họ đi ăn ngoài tiệm, bạn bè rủ nhau ra hàng quán chứ ít khi nấu nướng ở nhà.
-TS Nguyễn Thị Hậu
Ở Hà Nội thì bạn bè thường đến nhà nhau, tổ chức ăn uống trong gia đình hay nhà bạn bè chứ ít khi ra quán. Vì vậy cho nên ở Sài Gòn ngay từ mồng một tết các hàng quán đều mở cửa bình thường, rất tấp nập vui vẻ còn ở Hà Nội mùng một tết rất vắng vẻ, đấy là ngày chủ yếu ở nhà.
Có lẽ vì tính chất đô thị và do những dịch vụ tại Sài Gòn hoạt động rất sớm vì vậy cho nên các loại thức ăn quà biếu người Sài Gòn có thể mua ở các siêu thị mà không quá vất vả phải tự làm hay là tự gói đồ để tặng nhau.
Mặc Lâm: Đó là phần vật chất trong ngày tết riêng về yếu tố tinh thần thì hai thành phố có gì khác nhau xa lắm hay không?
TS Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi thấy người Sài Gòn rất trọng lễ nghĩa nhưng lại không quá câu nệ vào việc phải đến nhà người thân hay bà con vào đúng ngày tết. Có thể họ đến trước hay sau tết lúc nào thuận tiện cho cả hai bên mà không bắt buộc nhau phải có mặt trong những ngày tết.
Tết ở Sài Gòn mang tính hướng ngoại nhiều hơn. Họ có thể vui chơi thậm chí hiện nay các bạn trẻ tầng lớp trung lưu chẳng hạn, ngày tết họ đi du lịch nước ngoài chứ không nhất định phải ở trong gia đình mặc dù ý nghĩa tết họ vẫn giữ trọn vẹn. Mấy ngày tết họ thăm viếng cha mẹ hay là cúng ông bà, nói chung họ thu xếp để vẫn thực hiện những việc ấy nhưng không quá bó buộc như truyền thống cổ xưa như Hà Nội hiện nay. Nói chung họ vẫn còn giữ được nét truyền thống ấy.
Mặc Lâm: Theo như chúng tôi được biết thì TS đã vào Sài Gòn gần 40 năm và trong những năm ấy có khi nào bà về vùng đồng bằng sông Cửu Long ăn tết hay không, và bà quan sát những người nông dân ăn tết khác người dân thành thị ở điểm nào?
TS Nguyễn Thị Hậu: Sau năm 75 từ Hà Nội về thì tôi có vài năm ăn tết ở quê vùng Cao Lãnh, Chợ Mới An Giang. Phải nói cái tết quê nam bộ khác cái tết quê ở Hà Nội nơi mà tôi sinh sống từ nhỏ. Nói chung ở nam bộ thì mối liên hệ giữa bà con hàng xóm, những người ruột thịt được thể hiện trong ngày tết rất rõ. Cùng nhau ăn tết, cùng nhau đi chơi hay cùng nhau đi vui xuân hay lễ hội ....
Ở Sài Gòn thì như tôi nói lúc nãy, người ta đi chơi tết nhiều hơn không hẳn chỉ là ăn tết và từ năm 75-76 cho tới bây giờ thì phong tục ăn tết của người Sài Gòn càng ngày càng hiện đại hơn. Họ đi chơi nhiều hơn, họ sử dụng dịch vụ nhiều hơn gần như là rất ít gia đình gói bánh hay nấu các món ăn truyền thống ngày tết. Trái lại họ sử dụng dịch vụ để mua bánh tết và các loại thức ăn công nghiệp. Tôi nghĩ đây là bước phát triển hiện đại tuy nhiên bên cạnh đấy đứng dưới góc độ một người phụ nữ nghiên cứu về văn hóa thì tôi có chút băn khoăn. Nếu cứ theo cái hướng hiện đại như vậy thì rõ ràng rất nhiều nét văn hóa truyển thống ngày tết của chúng ta sẽ mất đi.
Sự bận rộn lo lắng, sự chăm chút cho cái bếp của gia đình hay những món quà biếu sẽ không còn nữa, do đó cảm giác gọi là ngày tết ở đô thị lớn bây giờ không còn như ngày xưa mà mang tính chất công nghiệp cho nên ăn tết cũng vội vàng hơn. Thế hệ của chúng tôi vẫn nói là có lẽ bây giờ chỉ ngày ba mươi và mùng một tết, thế là xong. Sang mùng hai thì một số đã trở lại bình thường vì họ không còn quá coi trọng nghi lễ hay ăn uống như xưa.
Điều này có tác động khách quan đến với những nghi lễ xưa ở nông thôn và kể cả thành phố thì hiện nay không còn. Những tục lệ du xuân hay mùng bảy hạ nêu hay chục năm gần đây khi tiếng pháo tết không còn ngay thời điểm giao thừa nữa.
Những truyền thống như vậy mất đi thì cuộc sống hiện đại, có thể hữu ích về mặt vật chất, tuy nhiên về mặt giá trị tinh thần thì rõ ràng nó không được lưu giữ trong thời điểm thiêng liêng trong ba ngày tết và không được duy trì trong gia đình nữa.
Báo Xuân
Mặc Lâm: Từ năm 1935 thì Việt Nam đã có số báo xuân đầu tiên và từ đó đến nay báo xuân là một vật phẩm không thể thiếu trong gia đình người Việt khi tết đến xuân về. TS là người có rất nhiều bài viết trên báo xuân mỗi năm, bà có thể chia sẻ điều gì mà tờ báo xuân hấp dẫn độc giả đến nỗi hơn ¾ thế kỷ rồi mà người đọc vẫn không thể thiếu nó mặc dù nội dung năm nào cũng như năm nào thưa bà?Báo xuân là một ấn phẩm văn hóa mà người Việt Nam trông chờ mỗi khi tết đến. Nó gần như là một sản phẩm không thể thiếu được trong mỗi gia đình.TS Nguyễn Thị Hậu: Tôi được biết báo xuân đã xuất hiện từ lâu rồi khi mà nền báo chí ra đời từ những năm 30 thì đã có tờ báo xuân đầu tiên. Đúng là báo xuân là một ấn phẩm văn hóa mà người Việt Nam trông chờ mỗi khi tết đến. Nó gần như là một sản phẩm không thể thiếu được trong mỗi gia đình. Nhà nào giàu hay nghèo thì cũng phải có một tờ báo xuân trong nhà.
-TS Nguyễn Thị Hậu
Nói chung báo xuân viết về phong tục tập quán của ngày tết và có thể nói phong tục cổ truyền chỉ còn tồn tại trên các tờ báo tết. Một vài tờ báo mang tính chất giới thiệu văn hóa của người Việt Nam mình với người nước ngoài, và tôi không nghĩ bi quan như thế. Rõ ràng mật độ về phong tục tập quán tết thì trên các tờ báo xuân rất đậm đặc. Nội dung thứ hai nói về tình yêu quê hương của người Việt đặc biệt của người Việt xa xứ thì gần như tờ báo nào cũng có những chuyên mục giới thiệu về quê hương hay nỗi nhớ quê hương của người Việt xa xứ như vậy.
Nội dung thứ ba nói về tình hình đất nước và nhìn chung những bài báo đều mang tính lạc quan. Phong tục của ông bà mình ngày đầu năm thì phải tốt đẹp không nên chia sẻ những chuyện không may vì vậy cho nên có một tờ báo xuân trong nhà, với trang bìa trang trí rất tươi tắn hoa hay hình những cô gái rất đẹp thì người ta quan niệm nó sẽ mang may mắn vui vẻ đến với gia đình trong dịp đầu năm.
Tôi không rõ khi người ta đọc họ có cảm thấy nhàm chán hay không nhưng thị trường báo xuân năm nào cũng rất sôi động và hình như không bao giờ ế hàng. Các vấn đề về tính truyển thống cũng có nhiều người nói cứ khai thác mãi, nhưng cái mảng truyền thống ngày tết nói chung cũng không nhiều. Hiện nay người ta quan tâm nhiều đến văn hóa của lớp trẻ.
Mặc Lâm: Như TS cũng biết nét đáng yêu trong ngày mùng một tết là cha mẹ ông bà lì xì cho trẻ con khi chúng mừng tuổi. Tuy nhiên trong xã hội hôm nay cụm từ văn hóa phong bì đã làm nhiều người xem lại phong tục lì xì ngày tết vì nó gieo vào lòng trẻ con một thói quen xấu có thể theo các em suốt đời. TS nghĩ sao về những quan ngại như vậy?
TS Nguyễn Thị Hậu: Vâng, cái phong tục này nó bị biến tướng rất nhanh và hiện nay có lẽ là điều không được hay lắm. Ngày xưa một cái bao lì xì như vậy cho trẻ em mang số tiền rất nhỏ và toàn tiền mới với ý nghĩa may mắn. Đồng tiền mới bắt đầu một năm có một chút gì đấy gọi là lộc đầu năm hay mừng tuổi ông bà cho ông bà mạnh khỏe. Thế nhưng hiện nay rõ ràng tiền lì xì đã biến tướng đi và rất nhiều gia đình không có ý thức về giáo dục trẻ em cho nên các em bây giờ cũng bị ảnh hưởng điều này. Nhiều em không biết ý nghĩa của tục lì xì mà chỉ biết giá trị đồng tiền trong cái bao lì xì thôi cho nên nhiều em khi giở bao ra còn chê ít chê nhiều.
Bản thân nhiều ông bố bà mẹ cũng có ý nghĩ như vậy cho nên giáo dục trẻ em không tốt. Khi đã biến tướng, nó còn ẩn chứa một ý nghĩa khác bởi nhiều người đến nhà cấp trên và cần nhờ vả điều gì thì họ dùng bao lì xì cho con cái của sếp.
Về góc độ văn hóa đối với phong tục tập quán mỗi thời nó có sự thay đổi để thích nghi với thời đại mới nhưng nếu không nhấn mạnh tinh thần với ý nghĩa tốt đẹp nhưng theo hướng nhấn mạnh về vật chất, quá coi trọng vật chất thì quả thật phong tục này càng ngày nó càng không hay. Người lớn bây giờ nhiều người có ý tưởng phải giáo dục lại trẻ em và thậm chí còn cho rằng không nên duy trì phong tục này nếu như nó đã bị biến tướng không còn ý nghĩa như trước nữa.
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS, xin chúc bà và gia đình một năm đầy may mắn.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten