vrijdag 14 februari 2014

Sochi: nước Nga đoạn tuyệt cộng sản

Sochi: nước Nga đoạn tuyệt cộng sản

Việt-Long - RFA
2014-02-12
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

sochi-1
Nước Nga trong lịch sử
Courtesy of keepingscore.blogs.time.com


Đặc điểm

Hầu hết mọi người theo dõi Thế Vận Hội Sochi đều trông chờ lễ khai mạc thế vận hội Sochi hôm thứ sáu ngày 7 tháng 2. Mỗi buổi lễ  khai mạc một thế vận hội đều là một công trình hoành tráng của cả quốc gia tổ chức thế vận, nhưng đặc điểm của lễ khai mạc thế vận Sochi là lịch sử nước Nga, một trong những lịch sử quốc gia lâu đời nhất trên thế giới, đã được trình diễn theo một phong cách khách quan gây ấn tượng mạnh mẽ.
waltz
Màn vũ trong 'Chiến tranh và hoà bình' của Leo Tolstoy - Courtesy of army.mil

Lịch sử nước Nga là những trang sử đầy bi tráng của một dân tộc đã khai phá một lãnh thổ bao la bát ngát mà không một nước nào trên thế giới có thể sánh bằng, nói về diện tích, với những điều kiện địa lý và thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
Đế quốc Nga từng trải qua nhiều thời kỳ thịnh đạt và điêu tàn đầy bi tráng; và những giai đoạn thăng trầm đó đã được trình bày thật khúc chiết, đầy ý nghĩa trong lễ hội khai mạc Sochi 2014, nên đã gây ấn tượng mạnh mẽ nhất, so với những kịch bản khai mạc thế vận từ trước tới nay, tuy nước nào tổ chức thế vận hội thì cũng phô trương lịch sử và những điều ưu việt của nước mình.
Có lẽ lịch sử nước Nga có phần nào gắn với Việt Nam trong giai đoạn lịch sử cận đại và hiện đại, nên người Việt chú ý nhiều đến giai đoạn đó. Nhờ vậy người ta thấy kịch bản cũng như nghệ thuật phô diễn kịch bản đó rất xuất sắc, ở chỗ khách quan và phù hợp với trình độ văn minh, văn hóa của người Nga ngày nay.

Đoạn tuyệt quá khứ mê muội

Màn trình diễn hiếm hoi này giúp quốc tế nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt của người Nga và nước Nga, từ một xã hội Cộng Sản đầy u tối, phải nói là mê muội, với những khẩu hiệu đỏ lòe loẹt khắp thủ đô và các thành phố lớn, những chính sách văn hóa tuyên truyền một chiều, chính sách chính trị và xã hội độc ác tàn bạo với người dân Nga và cả với các nước khác... Đó là trạng thái của thời Cộng Sản trong thế kỷ trước, mà vết tích còn sót lại đôi chút trong đầu thế kỷ này trong thời gian chuyển hóa sang dân chủ.
Những vết tích đó khiến người ta vẫn còn ấn tượng xấu với nước Nga về một chế độ độc tài với nền văn hóa thấp kém giống như một số rất ít những quốc gia mà đến nay còn đeo đuổi cái vỏ bọc chủ nghĩa Cộng Sản, một chủ nghĩa đã thực sự mai một từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ.
Nhà sản xuất Konstantine Ernst của màn trình diễn lễ khai mạc, đã diễn tả lịch sử một quốc gia rộng lớn lâu đời thật rõ ràng, khúc chiết và đầy nghệ thuật. Nhưng nhờ điểm nào có thể nói người Nga ngày nay đã tiến bộ và thoát khỏi bóng ma chủ nghĩa Cộng Sản?
'moskva
Màn diễn 'Moskva': tái thiết hậu chiến - Courtesy of olympic.org

Đoạn nói về nước Nga thời Cộng Sản khởi đầu vào lúc màn diễn về thời Sa Hoàng chấm dứt trong tiếng nhạc của bản "Concerto Grosso No. 5", khi một cơn lốc đỏ cuốn khắp không gian phòng khiêu vũ điệu waltz, tượng trưng cho cuộc cách mạng vô sản năm 1917. Mấu răng bánh xe của cỗ máy khổng lồ ngưng chạy như một thời đại chìm vào quá khứ. Nước Nga bước vào thời kỳ Công Sản. Màn này gọi là "Moskva" dành cho nước Nga Cộng sản, nhưng chỉ làm nổi bật những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở và khoa học của Liên Bang Xô Viết, với các diễn viên công nhân, cảnh sát, học sinh, sinh viên, nhà khoa học, phi hành gia, vận động viên... mọi thành phần xã hội tất bật trên các công trường, đường xá, xung quanh những máy móc, xe cộ, kiến trúc... Người ta để ý và thấy có biểu tượng một cái búa va một cái liềm thoáng qua, nhưng ngoài ra không thấy một dấu tích nào của việc tuyên truyền như trong thời Cộng Sản. Đó là điểm son đáng ghi nhận, bên cạnh nhiều đặc điểm khác.

Lịch sử, âm nhạc, và vũ ballet

Khán giả cũng chú ý nhiều tới màn vũ điệu Waltz mà người Nga nào cũng biết là cuộc khiêu vũ trong thời Sa Hoàng, trong tác phẩm “Chiến tranh và hoà bình” của Leo Tolstoy viết năm 1869. Đó là một tác phẩm quen thuộc với người Việt Nam từ những năm sau của thập niên 1960, cùng với “Bác sĩ Zivago” của Boris Pasternak và bộ phim cùng tên, với Omar Sharif và Julie Christy mà ít ai quên được.
Xem đoạn khiêu vũ trong tiếng nhạc waltz của Aleksander Sergeyevich Zatsepin người ta tưởng chừng như được sống lại trong khung cảnh lịch sử mà nhà sản xuất đã dựng lại. Và màn diễn về nước Nga thời Sa Hoàng kết thúc trong hoảng loạn, đổ vỡ, khi xảy đến cuộc cách mạng Cộng Sản tượng trưng bằng cơn lốc đỏ...
Thêm vào đó kịch bản của Konstantine Ernst với chủ đề "Giấc mơ nước Nga", dường như đối ứng với "American Dreams " của người Mỹ, nghe nói được Tổng thống Putin đặt hàng và duyệt xét, đã gây thích thú từ ngay đoạn khởi đầu với những chữ cái Azbuka sơ khai của Nga, rồi đến chữ Nga canh tân, và các công trình khoa học như bảng hóa trị của các hóa chất và tiên đoán những hoá chất mà về sau mới có, là phát minh của nhà bác học Dmitri Mandeleev, rồi đến vệ tinh Sputnik đầu tiên của loài người bay vòng quỹ đạo, cho đến chuyện cổ tích Nga với thơ của Alexander Sergeyevich Pushkin. Lại còn tác phẩm "Bay xa trên cánh gió" của Alexander Borodine từ thế kỷ 18, trong nền âm nhạc và vũ ballet hàng đầu thế giới của Nga. Thật là một màn trình diễn khiến mọi người say sưa trong âm nhạc và những vũ điệu ballet tuyệt vời khét tiếng của người Nga.
Còn nữa, là màn trình diễn về đại đế Peter Alexeyevich, bậc vĩ nhân của Nga đã trị vì triều đại Sa hoàng, canh tân quân đội, đoạt nhiều chiến thắng quân sự, lại còn khai phá cả nước Nga, xây dựng thành phố St Peterburg vĩ đại như ta thấy ngày nay. Peter đại đế  còn đem nền văn minh chính trị, quân sự và kinh tế của châu Âu đến để canh tân xứ Nga khép kín, và đưa nước Nga trở thành một đế quốc lớn của châu Âu.
Và sau cùng không thể không nhắc tới khát vọng chiến thắng của nước Nga trong kỳ thế vận này, như Nguyễn Khanh- RFA đã viết: người Nga nói với báo chí quốc tế rằng "các nước khác đến đây để thắng hay bại, nhưng chúng tôi đến là để sống hay chết"

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/sochi-2014-02122014222815.html

TT Putin bãi bỏ lệnh cấm biểu tình tại Thế vận hội Mùa Đông Sochi


Nữ diễn viên Ino Menegaki (phải) trong vai nữ thần Olympic trao ngọn lửa thiêng trên đến Chủ tịch Ủy ban Olympic Hy Lạp, Spyros Kapralos trên 05 Tháng 10 2013, trong buổi lễ bàn giao ngọn lửa Olympic cho XXII vận hội Mùa đông Sochi 2014 tại sân vận động P
Nữ diễn viên Ino Menegaki (phải) trong vai nữ thần Olympic trao ngọn lửa thiêng trên đến Chủ tịch Ủy ban Olympic Hy Lạp, Spyros Kapralos trên 05 Tháng 10 2013, trong buổi lễ bàn giao ngọn lửa Olympic cho XXII vận hội Mùa đông Sochi 2014 tại sân vận động Panathenaic ở Athens
AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cho bãi bỏ lệnh được đưa ra trước đó là cấm không cho biểu tình phản đối tại Thế vận hội Mùa Đông Sochi sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 23 tháng 2 sắp tới.
Biện pháp của tổng thống Nga cấm biểu tình ở kỳ thế vận hội mùa đông Sochi là nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công bởi các thành phần dân quân Hồi giáo cực đoan.
Tuy nhiên trong nghị định mới được tổng thống Vladimir Putin ký vào ngày hôm qua thì những cuộc biểu tình và tuần hành được phép tiến hành với điều kiện địa điểm và lộ trình phải được giới chức thành phố Sochi và cảnh sát, an ninh trong khu vực đồng ý. Ngoài ra cơ quan chức năng còn có quyền giới hạn số người đăng ký tham gia trong những cuộc biểu tình như thế.
Hiện tổng thống Vladimir Putin đang có mặt tại Sochi để đi thị sát kiểm tra các nơi diễn ra thế vận hội mùa đông sắp đến.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/putin-scraps-ban-protests-sochi-games-01042014102109.html

Người Nga và ước mơ chiến thắng tại Sochi

Nguyễn Khanh, GĐ ban Việt Ngữ
2014-02-11
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

000_DV1639442-600.jpg
Ủng hộ viên Nga cổ vũ cho đội Women's Ice Hockey trong trận đấu với đội Nhật Bản tại Olympic Sochi hôm 11/2/2014
AFP photo

Hình như người Nga không ưa nói đùa và rất dễ giận.
Bằng chứng là cuối tuần rồi khi nói chuyện với cô nhà báo Nga tên Natalia, tôi khoe ở Việt Nam có ông thi sĩ tài ba Nguyên Sa ai ai cũng biết, ông này có viết một bài thơ cho người yêu dấu tên Nga của ông, mở đầu bằng câu “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm”. Khi cô yêu cầu tôi dịch sang tiếng Anh, mồm miệng lỡ dại bảo Nga là một cái tên tuyệt đẹp cho phái nữ, cũng là chữ chúng tôi dùng để gọi quê hương của cô. Nghe như vậy và liên tưởng đến những chữ “Nga buồn như một con chó ốm”, cô nàng mặt mày tái xanh và… giận, gặp nhau làm ngơ, không chào cũng chẳng hỏi!
Cũng như ở các nước khác, chuyện người này giận người kia ở Xứ Nga chắc là chuyện bình thường, nhưng điều tôi khám phá ra là muốn làm lành với một người đang giận mình ở Sochi thì có cách chữa ngay: trước hết, lên tiếng ca ngợi đoàn vận động viên của họ, nếu thấy chưa ổn thì nói thêm câu “tôi tin chắc chắn thế nào đội hockey Nga cũng gặp đội hockey Canada ở trận chung kết, chiến thắng đương nhiên thuộc về Gấu Nga”. Chỉ như thế đã đủ xóa bỏ mọi giận hờn.
Có thể bạn không tin câu chuyện tôi kể để mở đầu bài viết này, nhưng điều sau đây thì bạn phải tin: người dân Nga mong đợi từng giây từng phút các chiến thắng mà đoàn vận động viên của họ sẽ đem lại, tạo thành áp lực đè thật nặng trên đôi vai cùa từng vận động viên một. Nặng đến độ người Tổng Quản Lý các sân vận động tại Sochi là ông Vladimir Cherkasov từng ví von “các đoàn khác đến đây chỉ để thắng hay bại, còn chúng tôi thì để sống hoặc chết”.
000_Par7790627-250.jpg
Tay vợt Nga Mikhail Youzhny. AFP photo

Câu nói đó nghe có vẻ “hơi quá” nhưng là “sự thật”. Lần cuối cùng đoàn Nga đứng đầu bảng xếp hạng các nước đoạt huy chương là tại Olympic Calgary 1988, sau đó bắt đầu tụt hạng, hồi 2010 ở Vancouver đứng thứ 11 trong bảng tổng kết với 3 vàng, 5 bạc và 7 đồng. Thành tích này, theo lời kể của anh Pavel đang làm việc cho đài phát thanh quốc gia Liên Bang Nga “là thành tích tệ nhất, đến độ chúng tôi không muốn nhắc lại”. Lần này tại sân nhà, “chúng tôi không thể tệ như thế được nữa, mọi người đòi đoàn vận động viên 2014 phải thành công và cả nước đều tin họ sẽ thành công”. Sợ chưa đủ mạnh, anh nhà báo chuyên về phóng sự truyền thanh này bảo thêm “bắt buộc phải thành công, không có lý do gì để thất bại”. Đó cũng là câu được ông Dmitry Perlin, Trưởng Ban Điều Hành Sochi 2014 nói với mọi người bên lề cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Ba vừa rồi.
Nói thì hùng hổ như vậy, nhưng thật lòng người dân Nga không vội nghĩ đến chuyện đoàn vận động viên của họ sẽ đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia có huy chương, mà -hình như- chỉ trông chờ vào thành công của đội hockey. Trong những buổi nói chuyện với các nhà báo Nga, ai nấy đều nghĩ đến ngày đội banh của họ sẽ gặp Canada ở trận chung kết để phục thù trận thua 7-3 ở bán kết Olympic Mùa Đông Vancouver cách đây 4 năm. “Với người Nga hockey là môn thể thao vua, do đó chuyện thua trận là điều họ không thể nào chấp nhận được, bất kể là bị loại ở tứ kết hay ở trận chung kết tranh huy chương vàng” là điều bà phát ngôn viên Aleksandra Kosterina của Ban Tổ Chức Sochi nói với giới truyền thông, “chẳng phải gì dân Nga mà dân chúng Canada cũng như thế giới đều trông chờ trận banh này”.
Người Nga có lý do để trông chờ. Dưới thời Sô Viết, hockey được xem là biểu hiệu của “bô máy quyền lực Đỏ”: 9 lần tranh Olympic thì 7 lần lấy huy chương vàng; từ ngày cộng sản Nga sụp đổ cho đến giờ, đội hockey của họ cũng đổ theo: 5 lần tranh Olympic chỉ lấy được 1 huy chương bạc một huy chương đồng, thảm hại tới mức có người bảo “ngày nước Nga thua chiến tranh lạnh cũng không thê thảm cho bằng ngày nhìn thấy đội hockey về nước mà trên cổ không đeo huy chương vàng”. Chẳng biết đúng sai nhưng nghe đâu người nói câu bất hũ này là ông Dmitry Medvedev, từng làm tổng thống Liên Bang Nga (2008-12), giờ đang giữ chức vụ thủ tướng.
Chưa thể biết liệu ước mong của họ có trở thành sự thật hay không, nhưng ngay lúc này hy vọng của người dân Nga đang bùng cháy theo ngọn đuốc cháy sáng trên bầu trời Sochi. Mọi người bảo với nhau Olympic Mùa Đông 2014 chỉ mới bắt đầu, và họ sẽ chiến thắng vào tuần tới khi những cuộc tranh tài trở nên sôi nổi và hào hứng hơn, trong đó có cả chiếc huy chương vàng cho môn hockey mà họ đang mong đợi, trong cuộc đua mà họ bảo với nhau là “bắt buộc phải chiến thắng”.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/sochi2-nk-02112014121138.html

An ninh ở Sochi

Nguyễn Khanh, GĐ ban Việt Ngữ
2014-02-11
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

053_6SOCHI20131231163-600.jpg
An ninh thắt chặt tại ga xe lửa Sochi Station ở Sochi, Nga từ hôm 31/12/2013
AFP photo

Trước hết, phải nói ngay: tôi là người may mắn.
May mắn vì sáng sớm vừa rời khỏi nhà đã nhận được lời nhắn của cậu con trai: “Bố phải cẩn thận nhé” đi kèm với lời chúc bố đi Sochi “bằng an và vui, xem có cái gì hay hay thì mua về cho gia đình”. Đến sở, những người bạn làm việc chung cũng dặn dò và cầu chúc tương tự, ngay anh bạn lái xe đưa tôi ra phi trường cũng nhắc nhở đủ điều, đại để vẫn là vấn đề an ninh vì “em nghe nói lộn xộn lắm, ông Vladimir Putin phải bỏ ra cả chục tỷ bạc chỉ để lo chuyện an ninh thôi”. Xe vừa dừng, chưa kịp bắt tay nói lời giã từ lại phải nghe tiếp “nhớ cẩn thận, nhớ giữ gìn sức khỏe, nhưng quan trọng nhất là anh nhớ tránh chỗ đông người”. Vượt qua hàng rào kiểm soát ở sân bay, chưa đặt chân lên phi cơ đã thấy tin nhắn của anh bạn làm việc cho hãng thông tấn AP gửi thông báo tin mới nhất: tin tức tình báo cho biết khủng bố có thể đặt chất nổ trong tuýp kem đánh răng.
Quả thật, đọc xong bản tin đó tôi bỗng ngần ngừ, muốn quay về, mọi hăng say lúc đầu bỗng dưng không cánh mà bay, chưa đi mà đã nghe toàn tin tức lẫn những lời dặn dò nghe phát khiếp, không kể đến những hình ảnh, phóng sự liên tục được trình chiếu ở Mỹ, đăng tải qua báo chí hoặc phát qua làn sóng radio những ngày trước đó cho thấy mức độ an toàn ở Sochi là “cả một vấn đề”, từ khủng bố đánh bom lẫn đe dọa sẽ đánh bom, cơ quan FBI Hoa Kỳ gửi hẳn một đội ngũ thật chuyên nghiệp sang giúp cho Nga, đại diện đặc trách an ninh tình báo của Mỹ cũng từ Washington sang Matxcova thảo luận với đối tác nước bạn, hứa hẹn “sẽ bắt tay làm việc chung”, đã thế Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ còn “lên kế hoạch” có thể di tản đoàn vận động viên cũng như du khách (có passport Mỹ) khi cần thiết…
Rõ ràng toàn những chuyện làm điên đầu! Chẳng lẽ mình ở lại, không đi Sochi, tôi tự nhủ thầm. Vé máy bay đã mua 2 tháng trước, thẻ báo chí cũng đã xong từ năm ngoái, thủ tục an ninh theo yêu cầu của Bộ Nội Vụ Nga cũng đã hoàn tất cách đây 6 tháng, chỉ chờ ngày lên đường. Chẳng lẽ đã đứng ở ngường cửa máy bay mà lại đi xuống. Thôi đành nhắm mắt đưa chân, tự nhủ “không đi không biết Sochi”, mọi chuyện tính sau vậy.
Và như thế, tôi lên đường đi Olympic Mùa Đông Sochi 2014.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi khi mới đặt chân xuống phi trường Sochi là hình ảnh của những ông lính Liên Bang Nga quần áo nghiêm chỉnh đứng cách nhau chỉ một vài mét, ông nào ông nấy nghiêm chỉnh làm việc, mắt liếc ngang, liếc dọc, trong lúc những cô cảnh sát mặc sắc phục chỉnh tề đầu đội chiếc mũ đỏ đi qua đi lại, sẵn sàng và vui vẻ trả lời mọi thắc mắc của du khách -cho dù phần đông các cô chỉ bập bẹ vài câu tiếng Anh-. Ngay cả đoàn thanh niên nam nữ tình nguyện viên của Ban Tổ Chức Olympic Sochi 2014 cũng thế, lúc nào cũng nở nụ cười chào đón mọi người, nhưng số tình nguyện viên biết tiếng Anh không nhiều, có lẽ lực lượng rất đông đảo này được thành lập với mục đích trợ giúp cho người bản xứ và du khách từ các nước thuộc Liên Sô trước đây.
photo-200.jpg
Anh Nguyễn Khanh tại Sochi

Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, Chuyện thật lớn ở đây là lúc còn ngồi trên phi cơ tôi cứ nghĩ sẽ nhìn thấy một đội ngũ quân đội và công an Nga súng ống chằng chịt, võ trang từ đầu tới chân, nhưng ngược lại tôi không thấy ai đeo súng cả. Với tôi, đó là chuyện rất lạ.
Lạ là phải. Là một nhà báo may mắn được đi nhiều nơi, hình ảnh những binh sĩ hay cảnh sát mang súng canh gác ở phi trường là điều rất bình thường với tôi, đặc biệt trong những ngày lễ hội lớn lúc có đông người sử dụng đường hàng không làm phương tiện giao thông hoặc trong những cuộc tranh tài thể thao lớn như Olympic hoặc Super Bowl ở Mỹ. Thành thử ra nhìn thấy cả trăm binh sĩ không ai mang súng đứng gác ở phi trường Sochi, đương nhiên đó là chuyện không thể nào tin được. Chuyện khó tin này kéo dài trên chuyến xe buýt đưa cánh nhà báo chúng tôi về Trung Tâm Báo Chí Olympic: mọi người thoải mái bước lên xe, không ai bị xét hỏi giấy tờ, ngay cả tấm thẻ báo chí to đùng đeo hay không đeo trước ngực cũng chẳng ai dòm ngó hay thắc mắc, trên xe không có một nhân viên an ninh nào đi theo, người duy nhất không phải là nhà báo là ông tài xế, lái chiếc xe chạy thẳng một mạch tới điểm đến, không có trạm kiểm soát nào phải dừng lại.
Những hình ảnh đó khiến tôi nhớ lại những kỳ Olympic trước đây, khởi đầu là Olympic Athens 2004 và gần nhất là Olympic London cách đây mới 2 mùa hè, xen kẽ là một vài Olympic Mùa Đông. Tất cả những nơi tôi đã có dịp đến tác nghiệp đều có những binh sĩ cầm súng trường hay cảnh sát đeo súng lục bảo vệ an ninh, những chuyến xe buýt chở người đến Trung Tâm Báo Chí, Làng Báo Chí, Làng Thế Vận hay đến sân vận động đều có ít nhất một người cầm súng đi kèm theo, trước khi vào Trung Tâm hay vào “Làng” tất cả các xe bắt buộc phải dừng ở ngay cổng, có người cầm cây gậy gắn chiếc kính rất to rà xét dưới gầm xe. Chuyện này cũng không thấy ở Sochi, thành phố chỉ có 350,000 dân nhưng đang có ít nhất 40,000 binh sĩ và cảnh sát từ mọi nơi được đưa về để giữ an ninh cho Olympic Mùa Đông 2014.
Chắc chắn những binh sĩ và cảnh sát, công an Nga mà tôi và tất cả các nhà báo khác nhìn thấy họ phải mang theo súng, nhưng họ cất dấu ở đâu thì chẳng ai biết. Hỏi một anh nhà báo bạn người Nga ngồi làm việc ngay sát cạnh, anh cho hay lệnh của Tổng Thống Vladimir Putin là “nhân viên đặc trách an ninh cũng chỉ là những tình nguyện viên cho Ban Tổ Chức”, tức họ phải dấu súng “để mọi người không sợ hãi, lo âu”. Anh bạn này còn trấn an “đừng lo, lực lượng an ninh của chúng tôi làm việc chặt chẽ lắm”. Chặt chẽ tới mức nào, tôi hỏi tiếp. “Trong thời gian Olympic diễn ra, tất cả xe hơi mang biển số những tỉnh thành khác không được phép vào Sochi, nếu muốn vào phải đăng ký trước với công an, du khách bị bắt buộc phải khai báo rõ khách sạn họ ở, chuyến máy bay đi đến, điều này áp dụng cả với những nhà báo Nga chứ không chỉ với những nhà báo nước ngoài”.
Nghe anh bạn Nga nói xong, tôi thấy rõ ràng mình đúng là người may mắn. May mắn vì đang ở ngay một trong những điểm “nóng” của thế giới mà không thấy không khí chiến tranh, không thấy một người lính hay ông cảnh sát nào đeo súng đứng ngoài đường, chỉ thấy các nhân viên đặc trách an ninh thay nhau trả lời những câu hỏi của du khách, chỉ thấy hàng ngàn người ngay ngắn xếp hàng chờ lên xe lửa từ thành phố đi vào sân vận động, chỉ thấy nét rạng rỡ trên từng khuôn mặt khi nói đến công trình tổ chức -cho dù họ vẫn than là tốn kém quá-, chỉ nghe những lời bàn đầy hy vọng, tin tưởng đoàn vận động viên Nga sẽ thành công lớn chứ không tệ như ở Vancouver cách đây 4 năm.
Đó là chuyện thật lạ mà tôi không bao giờ nghĩ đến trước khi đặt chân tới Sochi. Càng lạ, càng thấy mình đúng là người may mắn.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten