Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn về người mất tích đang
được tổ chức với hy vọng tìm giải pháp cho tình trạng buôn
người.
Tại Anh, một lượng lớn thiếu niên mất tích là người có nguồn gốc
Việt Nam. Tại sao vậy?
Mỗi bức hình đăng trên trang chuyên thông báo vẻ trẻ mất tích ở Anh,
Missing Kids UK, là một câu chuyện riêng rẽ, nhưng khi đặt chúng lại bên
nhau, người ta dễ nhận thấy một mô hình đặc biệt, khó có thể bỏ
qua.
Một lượng lớn các thanh thiếu niên này là người gốc Đông Á và Đông
Nam Á, nhưng nếu xem xét cẩn thận hơn thì dường như hầu hết đều đến
từ cùng một quốc gia.
Trong số 113 người được đưa ra, là danh sách không gồm các trường
hợp mất tích ngắn hạn hoặc các trường hợp không được nêu vì những
lý do an toàn, thì có tới gần một phần năm là những cái tên Việt
Nam, mặc dù cộng đồng người Việt ở đây chiếm chưa tới 0,1% dân số
toàn nước Anh.
Người ta tin rằng hầu hết các trường hợp đều được các băng đảng
đưa lậu vào Anh, bị cảnh sát phát hiện và đưa vào các trung tâm chăm
sóc.
Các em rõ ràng là không bỏ trốn khỏi những kẻ bắt giữ mình, mà
còn thường trốn khỏi các gia đình nhận nuôi dưỡng mình và các trung
tâm chăm sóc để trở lại với những kẻ đó, nhằm tìm cách trả các
khoản nợ lớn và nhằm để gia đình ở Việt Nam khỏi bị trả thù.
Văn, một cậu bé người Việt 15 tuổi, mà dường như được đăng tải trên
trang mạng trẻ mất tích dưới một cái tên khác, đã được đưa lậu vào
Anh bằng xe tải và đã bị buộc phải giúp việc nhà cho những kẻ đã
đưa cậu vào. Sau đó, cậu được đưa vào làm "thợ vườn" ở một số trại
trồng cần sa trên cả nước.
Việt Nam thường tuyên truyền phòng chống nạn buôn bán
phụ nữ, trẻ em
Với Harry Shapiro từ Drugscope, câu chuyện này nghe rất quen. Ông nói
rằng các băng nhóm người Việt kiểm soát phần lớn ngành công nghiệp
trồng cần sa ở nước Anh.
"Khởi đầu là các băng đảng người Việt ở Canada," ông nói. "Không
phải là họ có văn hóa trồng cần sa, mà bắt đầu là có một nhóm
phát hiện ra đây là một thị trường béo bở, rồi hoạt động này lan
tới Anh thông qua cộng đồng tội phạm người Việt, có lẽ là vào khoảng
năm 2004."
Các nhà máy sản xuất thường được đặt trong các căn nhà ở khu dân
cư, hầu như đều hoạt động ở mô hình nhỏ nhằm tránh bị phát hiện. Hệ
thống đèn chiếu sáng mạnh cùng hệ thống phun tưới nước giúp cây tăng
trưởng nhanh, và các thiếu niên như Văn thường bị nhốt trong các căn
nhà như vậy.
Các vụ cảnh sát thu giữ cần sa tăng mạnh, từ khoảng 3.000 vụ trong
2004 lên trên 16.000 vụ trong 2011.
Tuy nhiên, như ông Shapiro nói, thì một phần khiến có thêm nhiều vụ
bắt giữ là do giới chức theo dõi chặt chẽ hơn.
Hiệp hội Cảnh sát trưởng (Association of Chief Police Officers - ACPO)
từ chối bình luận về chủng tộc của những người điều hành các cơ sở
sản xuất này, nhưng Klara Skrivankova từ tổ chức chống nô lệ quốc tế
Anti-Slavery International tin rằng có khuynh hướng rõ rệt trong vấn đề
này.
"Có những người khác cũng tham gia - như các băng nhóm người Anh hay
người Hoa - nhưng chủ yếu vẫn là người Việt, và điều này đúng trên
toàn châu Âu," bà nói.
Điều này giải thích vì sao ngày càng có nhều thanh thiếu niên từ
Việt Nam tìm đường sang Anh.
"Các băng nhóm người Việt nhắm vào chính người Việt. Thường thì
giữa nạn nhân và những kẻ buôn người hay có chung quốc tịch với nhay,"
bà Skirivankova nói.
"Khởi đầu là các băng đảng người Việt
ở Canada... bắt đầu là có một nhóm phát hiện ra đây là một thị
trường béo bở, rồi hoạt động này lan tới Anh thông qua cộng đồng tội
phạm người Việt, có lẽ là vào khoảng năm 2004."
Hồi năm ngoái, 96 thiếu niên người Việt đã được chuyển tới cho cơ
quan quản lý tình trạng buôn bán người của chính phủ, khiến Việt Nam
trở thành quốc gia có nhiều đối tượng được cho là nạn nhân ở tuổi
vị thành niên nhất tại Anh.
Văn nói cậu thường bị đánh tại một trong các căn nhà trồng cần sa,
nhưng đã trốn thoát hồi đầu năm 2012.
Sau khi lang thang một ngày, cậu chạy vào một đồn cảnh sát địa
phương nhờ giúp đỡ.
Tại đây, cảnh sát đã lấy dấu vân tay của cậu và thấy có liên hệ
tới một địa điểm trồng cần sa khác. Cậu bị bắt vì bị tình nghi
trồng cần sa.
Tội buôn bán trẻ em không phải là loại tội phạm phổ biến ở Anh,
tuy hiện đang có một thách thức pháp lý nhằm ngăn chặn loại hình tội
phạm này.
Parosha Chandran, một luật sư nhân quyền, hiện đang bảo vệ một trong
ba vụ tại Tòa kháng cáo nhằm lật lại việc kết án một nam thiếu niên
người Việt về tội trồng cần sa.
"Cần phải có cách bảo vệ các em này, là những đối tượng không
được ai bảo vệ; cần bảo vệ các em không chỉ khỏi tay của những kẻ
buôn người mà còn từ hệ thống tư pháp hình sự nữa," bà nói.
Tuy nhiên, vụ việc chỉ hy vọng xử lý được một khía cạnh của vấn
đề mà thôi.
Dù có bị kết tội hay không thì các em rồi vẫn được đưa vào trung
tâm chăm sóc, và từ đó lại phát sinh ra một loạt những khó khăn
mới.
Văn đã không bị truy tố và được một gia đình nhận nuôi. Cậu có vẻ
hòa nhập tốt với cuộc sống mới, nhưng một tuần sau cậu tới lớp học
tiếng Anh để rồi không bao giờ quay lại.
Hoạt động trồng cần sa thường được gắn tới các băng
đảng người Việt
Giới chức tin rằng cậu đã bị chính những kẻ đưa sang Anh buộc phải
rời bỏ gia đình nhận nuôi, và cậu đã mất tích đến nay được hơn một
năm.
Ước tính hơn nửa số thiếu niên bị buôn lậu vào Anh rồi được đưa
vào các trung tâm chăm sóc đã biến mất.
Chloe Setter từ Ecpat UK, một tổ chức thiện nguyện chuyên bảo vệ các
nạn nhân, giải thích rằng sức mạnh của các mạng lưới tội phạm kiềm
chế cả nạn nhân lẫn gia đình các em.
Các đầu mối tại Việt Nam thì hứa hẹn các em sẽ được đi làm, đi
học ở Âu châu. "Có khi cha mẹ các em bán nhà cửa đi để có thể cho con
sang Anh."
Các em tới Anh gánh theo khoản nợ có thể lên tới 15.000 bảng, chưa
kể tiền lãi thêm nữa.
"Những kẻ buôn người nói với các em rằng nếu tìm cách chạy trốn,
chúng sẽ xử lý các em hoặc gia đình các em ở Việt Nam. Đó là lời đe
dọa rất thật, bởi bọn chúng biết ở Việt Nam gia đình các em ở đâu,"
bà nói thêm.
Liam Vernon, giám đốc Trung tâm Buôn bán Người UK, cơ quan thuộc chính
phủ Anh, nói rằng có khi cảnh sát phát hiện ra cửa các căn nhà có
trồng cần sa không khóa, bởi bọn tội phạm biết rằng các nạn nhân rất
sợ hãi, không dám chạy trốn.
"Chúng tôi liên hệ với người ở Việt Nam
để tìm hiểu xem họ có ổn không, và tuy họ không bị đánh đập gì nhưng
trang trại của gia đình đã bị thiêu trụi"
Philip Ishola, Văn phòng Chống Buôn
người
Philip Ishola, người điều hành Văn phòng Chống Buôn người, vừa trở
về từ Việt Nam với một cái nhìn từ bên trong, chạm được tới mạng
lưới tội phạm.
"Chúng tôi biết ít nhất hai trường hợp các gia đình bị nhắm vào,"
ông nói.
Trong một vụ, một em gái sang Anh đã được đưa vào trung tâm chăm sóc,
nhưng lo lắng cho cha mẹ ở nhà. "Chúng tôi liên hệ với người ở Việt
Nam để tìm hiểu xem họ có ổn không, và tuy họ không bị đánh đập gì
nhưng trang trại của gia đình đã bị thiêu trụi," ông nói.
Việc xử lý vấn nạn này đang được thực hiện. Các quan chức từ Bộ
Ngoại giao Anh đã đi cùng Ishola trong chuyến đi Việt Nam, nơi chính phủ
sở tại cũng đang theo dõi các tuyến đường buôn người ra nước
ngoài.
Tại Anh, nhiều tổ chức thiện nguyện đang làm việc cùng các cơ quan
chính phủ nhằm tăng sự nhận thức chung về tình trạng buôn người, trong
đó có cả chuyện liên quan tới Việt Nam.
Hiện đang có những lời kêu gọi nhằm để toàn bộ các đối tượng, sau
khi đã được xác định là nạn nhân thì sẽ được cử người giám hộ, và
người này sẽ chịu trách nhiệm pháp lý cho các em.
"Những gì đã làm được cho đến nay vẫn là chưa đủ," Setter nói tiến
trình thay đổi là quá chậm. "Chúng ta vẫn phải chứng kiến chuyện các
em bị mất tích, rồi lại bị buôn lại."
Vernon đồng ý rằng đây là vấn đề phức tạp, và không nghĩ rằng đã
có bất kỳ tổ chức nào tìm ra câu trả lời cho mọi vấn đề.
"Đó là con đường dài lâu," ông nói, "và chúng ta không thể độc hành
trên con đường đó được."
Bài 'Bấm
The Vanished' của Sam Judah đăng trên
trang Magazine, BBC News Online.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten