Tây Ban Nha tiết kiệm gần 200 triệu euro nhờ ngô biến đổi gene
Tiết kiệm 156 triệu Euro, tương đương gần 4.500 tỷ đồng; giảm khí thải C02 là thành tựu đáng ghi nhận có được từ việc thương mại hóa ngô biến đổi gene chống sâu đục thân tại Tây Ban Nha trong 15 năm qua.
Một giống ngô biến đổi gene. Ảnh: motherearthnews.com.
|
Nhân kỷ niệm 15 năm (1998 - 2013) cây ngô biến đổi gene chống sâu đục thân chính thức cho phép trồng tại Tây Ban Nha, Quỹ Antama vừa công bố báo cáo “15 năm trồng ngô biến đổi gene tại Tây Ban Nha - Những lợi ích về kinh tế xã hội và môi trường”, được chủ trì bởi tiến sĩ kinh tế Laura Riesgo đến từ Đại học Oveido.
Báo cáo là công trình nghiên cứu hoàn chỉnh với các đánh giá tổng quan dựa trên khoa học. Đây cũng được xem là kết quả nghiên cứu đầu tiên, chuyên biệt phân tích các lợi ích của việc ứng dụng cây ngô biến đổi gene chống sâu đục thân tại Tây Ban Nha.
Báo cáo kết luận việc ứng dụng trồng ngô biến đổi gene chống sâu đục thân tại Tây Ban Nha đã giúp quốc gia này giảm thiểu hơn 850.000 tấn ngô nhập khẩu từ năm 1998 đến 2013, qua đó tiết kiệm khoảng 156 triệu euro.
Trong 15 năm qua, ngô biến đổi gene đã giúp Tây Ban Nha sản xuất thêm 853.201 tấn ngô hạt. Ngô biến đổi gene còn giúp gia tăng quá trình cố định hoá carbon tương đương với khoảng 662.937 tấn khí CO2 (khối lượng tịnh), điều này đồng nghĩa với việc giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 22.934 xe ô tô hàng năm tại Tây Ban Nha.
Lợi ích kinh tế mang lại từ việc ứng dụng ngô biến đổi gene chống sâu đục thân là chi phí đầu tư thấp nhờ việc giảm liều lượng thuốc trừ sâu sử dụng, giảm chi phí đầu vào; đồng thời tăng năng suất là do bảo đảm được năng suất thu hoạch không bị thất thoát do tác hại của nấm mốc (mycotoxins) và của sâu đục thân ngô.
Theo báo cáo, ngô biến đổi gene còn giúp hạn chế những ảnh hưởng bất lợi đối với một số loại côn trùng có lợi. Năng suất trung bình tăng 7,38% tới 10,53% tuỳ thuộc vào địa bàn canh tác và mức độ sâu bệnh hại mỗi vụ.
Theo các nhà khoa học, lợi ích lớn nhất mà ngô biến đổi gene đem lại là mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mà nông dân thu về so với cây ngô truyền thống. Trung bình mỗi ha ngô biến đổi gene sẽ đem về cho nông dân thêm 147 euro (tương đương 4,2 triệu đồng). Cùng với các lợi ích về kinh tế, canh tác ngô biến đổi gene cũng giúp nông dân dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
Mới đây, công bố về một loại ngô biến đổi gene có thể khiến chuột ung thư được cho là nghiên cứu đầu tiên về mặt trái của cây trồng biến đổi gene, đã bị tạp chí khoa học nổi tiếng rút bài. Tác giả nghiên cứu là Gilles Eric Séralini, từ Đại học Cannes. Thông tin này cũng gặp sự phản đối của nhiều nhà khoa học trên thế giới. "Có rất ít bằng chứng khoa học uy tín trong nghiên cứu", chuyên gia công nghệ sinh học Martina Newell-McGloughlin, Đại học California, Mỹ nói.
Tân Trung
Thứ sáu, 10/8/2012 09:48 GMT+7
Năm 2015, ngô biến đổi gene trồng đại trà
Ngô biến đổi gene đã trồng khảo nghiệm tại Việt Nam, nhưng phải 3 năm nữa, loài cây này mới có thể được chính thức trồng đại trà.
> Cây biến đổi gene vẫn gây nghi ngại
> Tranh cãi về kế hoạch trồng ngô biến gene
Cây ngô sẽ là cây trồng biến đổi gene đầu tiên trồng trên diện rộng ở Việt Nam trong 3 năm tới. Ảnh: N.H.
|
Thông tin trên được tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, Cục Trưởng Cục Trồng trọt cho biết tại hội thảo “Công nghệ sinh học - hướng phát triển cho tương lai”, do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm qua.
Dự kiến năm 2015, Việt Nam sẽ đưa vào sản xuất cây trồng biến đổi gene (Genetically Modified -GM), đầu tiên là giống ngô.
Các giống ngô GM được khảo nghiệm tại Việt Nam gồm kháng sâu đục thân và kháng thuốc diệt cỏ, có giống kết hợp cả hai loại này. Ngô GM khả năng chống chọi sâu bệnh (sâu đục thân) và thuốc trừ cỏ cho năng suất cao hơn. Thực tế trên đồng ruộng gần như không có sự khác nhau giữa giữa ngô GM và ngô bình thường.
Ông Ngọc khẳng định chủ trương của Việt Nam trong phát triển GM là thận trọng, tiếp nhận và ứng dụng có chọn lọc những thành tựu khoa học GM của thế giới.
Theo tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, thành viên Hội đồng an toàn sinh học về cây trồng biến đổi gene, Hội đồng đã có kết quả đánh giá an toàn sinh học về ngô GM sau khi trồng khảo nghiệm trên đồng ruộng.
Kết quả sẽ trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời gian tới. Nếu được Bộ thông qua, Hội đồng an toàn sinh học cấp quốc gia thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường tiếp tục thẩm định.
Tuy nhiên, ông Xô cho rằng, một số chỉ tiêu cơ bản trên đồng ruộng chưa thể giải quyết và trả lời được hết các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với sức khỏe và môi trường sinh thái. Ngay cả khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học thì đơn vị cung cấp giống cây chuyển gene vẫn phải tiếp tục theo dõi, đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra.
Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học-kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đưa quan điểm, hiện Việt Nam chỉ mới nói đến cây trồng GM dùng cho gia súc, còn nghiên cứu về cây trồng biến đổi gene dùng cho con người, như lúa chịu hạn, chịu mặn, bổ sung thêm dinh dưỡng dù đã nghiên cứu, nhưng chỉ dừng ở phòng thí nghiệm.
Ông Paulo Paes de Andrade đến từ Đại học liên bang Pernambuco của Brazil, đồng thời là thành viên Ủy ban an toàn sinh học nước này nói, để đánh giá GM có an toàn hay không, cần phải có nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực, bộ, ngành ngồi lại với nhau.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hướng phát triển GM sẽ giúp tăng năng suất cây trồng, nhất là ở một nước nông nghiệp như Việt Nam, nhưng vẫn nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn ngô, đậu nành, hàng triệu tấn lúa mỳ.
Đất Việt
http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/nam-2015-ngo-bien-doi-gene-trong-dai-tra-2239438.html
Thứ sáu, 24/2/2012 17:12 GMT+7
Cây biến đổi gene vẫn gây nghi ngại
Chuyên gia quốc tế cho rằng cây biến đổi gene có thể giúp tăng sản lượng nông nghiệp, trong khi các nhà khoa học Việt Nam vẫn lo ngại nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
> Cây trồng biến đổi gene và tương lai ở Việt Nam
> Giới khoa học cảnh báo về mặt trái của cây biến đổi gene
Việt Nam sẽ tiến hành thử nghiệm trồng ngô biến đổi gene trên diện rộng. Ảnh minh họa: : coextra.eu.
|
Clive James, Chủ tịch quốc tế về tiếp thu các ứng dụng về công nghệ biến đổi gene trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết tại Hội nghị triển vọng cây trồng biến đổi gene (GMC) diễn ra hôm qua tại Hà Nội, rằng GMC sẽ giúp tăng sản lượng nông sản với chất lượng tốt.
"Trên thế giới đã có gần 20 năm trồng GMC, rủi ro rất ít. Việt Nam không nên bỏ qua khi lợi ích từ GMCđang được nhiều nước trên thế giới công nhận", ông Clive James nói.
Ông Clive James cho biết, chỉ tính riêng năm 2011 đã có thêm 12 triệu ha được đưa vào canh tác, tăng 8% so với năm 2010, và tăng gấp 94 lần so với năm 1996 - thời điểm GMC được thương mại hóa toàn cầu.
"Công nghệ biến đổi gene đã mang lại lợi ích kinh tế xã hội và môi trường bền vững", James nói thêm.
Tại Việt Nam, cây biến đổi gene đã được cho phép trồng thử nghiệm và dự kiến sau năm 2015 có thể trồng ở quy mô thương mại. Mục tiêu đặt ra là đến 2020 diện tích GMC chiếm khoảng 5% diện tích cây trồng trên cả nước.
"Hiện các bộ liên quan trong quá trình xây dựng nguồn nhân lực, đánh giá tác động đến sức khỏe, đánh giá chi tiết các rủi ro về GMC trước khi ứng dụng vào nước ta", ông Phạm Văn Tỏa, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết.
Cũng theo ông Toản, mục tiêu đưa ba giống cây ngô, đậu, bông trên khảo nghiệm trước do xuất phát từ nhu cầu phục vụ chăn nuôi ở Việt Nam rất lớn, trong khi các cây trồng thường cho năng suất thấp, hàng năm vẫn phải nhập lượng lớn từ nước ngoài. Do đó, nếu ứng dụng công nghệ biến đổi gene, Việt Nam sẽ nâng cao sản xuất, tiết kiệm tiền nhập, đồng thời bình ổn chăn nuôi, ông Toản dự đoán.
Cây biến đổi gene gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam chưa nên trồng cây biến đổi gene vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại lâu dài tới sức khỏe cộng đồng.
Theo giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch hội giống cây trồng, GMC có thể gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra độc tố và gây độc lâu dài cho cơ thể con người.
"Gene kháng sinh có thể được chuyển vào các cơ thể vi sinh vật trong ruột của người và động vật ăn thịt thành phần biến đối gene. Điều này sẽ dẫn tới việc tạo ra vi sinh vật có khả năng kháng thuốc", ông Long nói.
Theo quan điểm của ông Long, Việt Nam không phản đối cây trồng biến đổi gene, "nhưng tiếp cận với chúng thế nào thì cần phải thảo luận". Ông đề nghị trong 10 năm tới không nên trồng cây biến đổi gene ở nước ta.
GMC là những cây mà vật liệu di truyền của chúng được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người nhờ công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là công nghệ gene. Trên thế giới, GMC đã xuất hiện cách đây hai thập kỷ. Ở nhiều nước, thực phẩm làm từ nông sản biến đổi gene đều được ghi rõ điều này trên bao bì để người tiêu dùng tự cân nhắc sử dụng.
Hương Thu
http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/cay-bien-doi-gene-van-gay-nghi-ngai-2223741.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten