zaterdag 4 mei 2013

'Trùm buôn người' bị Anh kết án 5 năm tù

'Trùm buôn người' bị Anh kết án 5 năm tù

Cập nhật: 13:55 GMT - thứ tư, 23 tháng 11, 2011
Bà Thuy Nguyen
Bà Thuy Nguyen bị kết án 5 năm tù
Tòa án ở Anh tuyên án 5 năm tù với một phụ nữ người Việt, là 'trùm cơ sở' tại Anh thuộc một mạng lưới buôn người quốc tế.
Bà Thuy Nguyen, 41 tuổi, bị bắt tại nhà ở quận Bow, phía Đông London hồi tháng Hai năm nay, sau cuộc điều tra của năm quốc gia.
Cơ quan biên phòng Anh nói bà là thành viên mạng lưới buôn người từ Việt Nam sang châu Âu đi qua ngả Moscow hoặc Paris.
Mỗi người phải đóng khoản tiền có thể lên đến 12,000 bảng Anh.
Mạng lưới này có chân rết ở Pháp, Đức, Hungary và Cộng hòa Czech.
Cảnh sát châu Âu (Europol) đã có các vụ bố ráp tại bốn nước này và Anh.
Người đứng đầu nhóm điều tra vùng Đông Nam của Biên phòng Anh, Andy Cummins, cho biết:
"Bà Nguyễn đã lợi dụng những người nhập cư...để kiếm lời cho mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế."
Bà bị giới chức Anh nghi ngờ sau khi xe của bà bị cảnh sát giao thông gọi lại hồi tháng 11 năm ngoái.
Trên xe khi ấy có hai người Việt nhập cư lậu.
Cảnh sát cũng tìm thấy 11,000 bảng tiền mặt trong một cái túi.
Bà bị bắt và sau đó được tạm thả, nhưng các cuộc điều tra cho thấy bà có liên quan một nhóm tội phạm bị cảnh sát Pháp điều tra.
Đã có hơn 30 vụ bắt giữ tại năm quốc gia.
Bà Nguyễn bị kết án hôm 17/11 và giới chức Anh nói họ đã lập một cuộc điều tra mới để thu giữ những số tiền bà Nguyễn kiếm được từ hoạt động tội phạm.

Chủ đề liên quan

     thứ tư, 9 tháng 2, 2011

    Phá vỡ đường dây đưa người Việt

    Biên phòng Anh khám xét xe tải ở cảng
    Cảnh sát Âu châu cho hay họ đã phá một đường dây đưa lậu người Việt xuyên quốc gia, bắt 35 người tại năm quốc gia khác nhau, đa số là người Việt Nam.
    Hàng trăm cảnh sát thực hiện các cuộc bố ráp có phối hợp tại Đức, Pháp, Cộng hòa Cezch, Hungary và Anh sáng hôm thứ Ba.
    Tuyên cáo chung của hai cơ quan thực thi luật pháp của Liên minh Âu châu Europol và Eurojust cho biết: ''Cảnh sát của năm nước đã hành động chống lại các đường dây tội phạm tinh vi chuyên đưa lậu người, chủ yếu đến từ Việt Nam.''
    Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 19 người ở Pháp, 8 người ở Đức, và 8 người tại ba nước còn lại. Nhà chức trách đồng thời cũng tịch thu một số máy vi tính và điện thoại di động.
    Đây chỉ là một trong những vụ bố ráp và bắt giữ gần đây. Từ một năm qua cảnh sát của các nước đã phối hợp khám xét nhiều địa chỉ và bắt giữ một số tình nghi là trong băng đảng tổ chức đưa người lậu từ Việt Nam sang Âu châu.
    ''Trồng cỏ''
    Gần đây nhất, hồi tháng Chín năm 2010, 22 người bị bắt vì bị tình nghi đưa lậu 72 người Việt từ Đức sang Anh.
    Tháng Sáu năm 2010, Europol đã bắt giữ 58 người tại Pháp, Đức và Hungary. Riêng con số bị bắt tại Pháp là 34 người, trong đó có 14 người tình nghi thuộc các băng đảng, và 20 người trả tiền để nhập cư trái phép.
    Europol thậm chí thành lập một đơn vị đặc nhiệm chuyên phụ trách tội phạm có tổ chức liên quan đến di dân người Việt.
    Theo cảnh sát thì người từ Việt Nam được đưa vào Âu châu qua nhiều ngả khác nhau, rồi từ đó họ sẽ được chuyển qua Anh theo đường bộ hoặc đường thủy.
    Theo Cơ quan điều tra quốc gia Hungary thì một người phải trả từ 9 -10 ngàn euro. Một quan chức Hungary còn tiết lộ, nếu ai không đủ tiền để nộp trước khi rời Việt Nam thì qua đến bên này, họ phải làm việc công việc gọi là ''trồng cỏ'', tiếng lóng cho việc trồng cây cần sa.
    Giới chức Âu châu cho biết trong đường dây đưa người đa số là người Việt, họ đưa khách hàng từ Việt Nam sang Âu châu qua nhiều ngả, thí dụ Moscow, Rome hoặc Istanbul.
    Các đường dây đưa người này đặt cơ sở tại nhiều nước như Pháp, Đức, Hungary, Cộng hòa Cezch và Anh.
    Cảnh sát Anh thường xuyên phát hiện các cơ sở trồng cần sa do người Việt trông coi
    Giới chức của Anh - một trong những địa danh được ưa chuộng nhất của người Việt nhập cư trái phép - cho biết các di dân bất hợp pháp này bị các băng đảng trồng cần sa bóc lột.
    Một khi một người từ Việt Nam đã qua tới bên này, anh ta hoặc chị ta, sẽ được đường dây tìm cho một chỗ ở tạm thời, sau đó được phân phối đi ''trồng cỏ'' tại bất kỳ một cơ sở nào đó của họ trên khắp châu Âu.
    Theo cảnh sát thì nhiều người lúc bị bắt sau khi một cơ sở trồng cần sa nào đó bị phát hiện, họ cũng không biết là mình đang ở đâu.
    Trục xuất
    Cảnh sát biên phòng của Pháp cho biết số người toan tính nhập cư trái phép vào Anh từ Pháp mà bị bắt, đã tăng 200% chỉ trong 2 năm 2008-2009.
    Giới hữu trách ở Âu châu cũng nhìn nhận những khó khăn trong việc ngăn chặn các đường dây đưa người này, ít ra là vì nó liên quan đến nhiều quốc gia, cần phải có sự phối hợp mỗi khi muốn ra tay.
    Trước mắt thì theo đúng luật pháp ở đây là đưa các nghi phạm ra tòa. Nhưng chuyện không chỉ dừng ở đó.
    Lấy thí dụ tòa tìm thấy một người có tội, thì không chỉ đơn giản là bỏ tù, mà còn phải tính chuyện trục xuất về nguyên quán, tức Việt Nam.
    Chính sách của Anh là muốn có sự tham gia của nhà chức trách Việt Nam, và hai nước cũng đã đạt được một số thỏa thuận đáng kể trong lĩnh vực này.
    Nhưng điều đó có làm giảm các vụ nhập cư trái phép từ Việt Nam sang hay không thì thời gian mới trả lời được.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/02/110209_vnhumantrafficking.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten