Ô nhiễm môi trường tác động kinh tế ra sao?
Ô nhiễm môi trường tác động đến kinh tế vì con người phải bỏ tiền ra để giải quyết những hậu quả do ô nhiễm gây nên trong nhiều lĩnh vực.
Thực tiễn ở Việt Nam thế nào trong lĩnh vực này? Cũng như một số bài học từ nước láng giềng Trung Quốc ra sao?
Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, mời quí thính giả theo dõi.
Đánh giá tình trạng
Ngân hàng Thế giới, WB, vừa rồi công bố số liệu cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm của nước này.Con số thiệt hại cụ thể của năm 2007 là gần bốn tỷ đô la trên tổng sản phẩm nội địa 71 tỷ đô la của năm đó. Sang năm 2008, con số tăng lên 4,2 tỷ đô la thiệt hại do ô nhiễm môi trường trên tổng sản phẩm nội địa 76 tỷ đô la.
Ngoài khoản thiệt hại chung như vừa nêu, hằng năm, Việt Nam còn phải chi ra 780 triệu đô la cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên.
Các cơ quan môi trường của tỉnh Phú Thọ và Nam Định cho biết khoản chi chữa trị những chứng bệnh về đường hô hấp do hít phải những thứ độc hại trong không khí bị ô nhiễm là chừng 14 đô la mỗi năm tính theo đầu người. Riêng ở thủ đô Hà Nội khoản chi phí này là gần gấp đôi ở mức 27 đô la mỗi đầu người hằng năm.
Cũng theo Ngân hàng Thế giới thì ở Việt Nam có đến 80% những ca bệnh lỵ và tiêu chảy đều do nguồn nước ô nhiễm mà ra. Trong bốn năm qua, có đến 6 triệu trường hợp bệnh lỵ và tiêu chảy là có liên quan đến nguồn nước ô nhiễm.
Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 quốc gia có chất lượng không khí tệ nhất trên thế giới.
Hẳn nhiều người đều đồng ý với những đánh giá mà Ngân hàng Thế giới nêu ra. Trong thực thế tình trạng ô nhiễm các dòng sông, nhất là những con sông nằm ven các thành phố lớn như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, rồi các sông Nhuệ, Đáy tại khu vực đồng bằng Sông Hồng… lâu nay nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.
Các khu công nghiệp, các làng nghề vẫn tiếp tục xả thải gây hại cho môi trường. Các loại rác thải sinh hoạt hằng ngày, rồi rác thải y tế, rác thải độc hại… vẫn chưa thể được xử lý đến nơi đến chốn theo đúng cách… Ông Đỗ Thành Tích, giám đốc công ty Intoc chuyên sản xuất chất liệu chống thấm, nói về tình hình ô nhiễm do các doanh nghiệp gây ra tại Việt Nam như sau:
Đúng là cảnh sát môi trường có lập những bộ phận chuyện biệt, cũng có tập trung các khu công nghiệp xử lý nước thải nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn chưa giảm nhiều.“Thỉnh thoảng vẫn phát hiện những trường hợp vi phạm nghiêm trọng về môi trường, ví dụ như xả nước thải từ những đường dẫn bí mật xả thẳng ra thay vì xử lý nước thải đúng qui trình tốn kém nhiều. Họ làm hình thức để đối phó. Hay 10 phần nước thải, họ làm nửa này, nửa kia để giảm chi phí. Trường hợp này rất nhiều. Đúng là cảnh sát môi trường có lập những bộ phận chuyện biệt, cũng có tập trung các khu công nghiệp xử lý nước thải nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn chưa giảm nhiều. Sông ngòi vẫn ô nhiễm khu dân cư vẫn khói bụi. Hiện trạng vẫn còn những công ty, những cơ sở sản xuất nằm xen lẩn với khu dân cư. Đồng ý có chuyển biến là những doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng có chuyển đi vào khu công nghiệp; nhưng trong khu dân cư vẫn có những trường hợp đáng lý phải dời đi nhưng chưa làm triệt để. Ngay tại khu công nghiệp việc xử lý nước thải cũng còn nhiều chuyện, vì xử lý không hết. Đó là chưa nói nhiều khi còn có vấn đề tiêu cực trong chuyện này nữa.”
Đỗ Thành Tích
Theo ông Đỗ Thành Tích, trong vấn đề bảo vệ môi trường, đầu tư để giảm thiểu ô nhiễm do hoạt động sản xuất gây ra, ở Việt Nam hiện nay có thể áp dụng câu ‘Phú quí, sinh lễ nghĩa’. Lý do nhiều doanh nghiệp phải chật vật để tồn tại thì khó có thể lo chuyện đầu tư cho công tác xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm bởi hoạt động sản xuất gây ra.
"Ở Việt Nam, ông bà hay nói ‘phú quý, sinh lễ nghĩa’; tức là nếu có thu nhập kinh tế ổn định thường người ta lo nhiều về môi trường hơn, còn nếu khó khăn quá, thường người ta nghĩ đến việc giải quyết cuộc sống trước mắt đã.
Tôi nghĩ cũng có không ít doanh nghiệp ý thức chuyện môi trường; nhưng ngược lại cũng không ít trường hợp doanh nghiệp vì lý do phải vật lộn với cuộc sống nhiều quá, ‘cơm, áo, gạo, tiền’, nhu cầu thiết thực trước thì cũng có nghĩ về môi trường nhưng điều đó hơi xa với thực tế một chút. Hiện nay vẫn xen lẫn giữa hai hiện trạng đó: có một số nhiều ý thức; nhưng cũng có số không nhỏ vì khó khăn."
Ý kiến chức trách
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam, ông Bùi Cách Tuyến thừa nhận những khó khăn trong lĩnh vực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường như là cách làm hiệu quả lâu dài về mặt kinh tế.Tuy nhiên theo ông Bùi Cách Tuyến thì ở cấp độ trung ương, chính quyền Hà Nội đã có chủ trương bằng Nghị quyết số 35 đưa ra bảy công tác cần thực hiện trong tình hình môi trường ô nhiễm gây hại đến cuộc sống người dân và tác động đến hiệu quả kinh tế chung của cả nước.
Trong nước cũng nhận thấy tình hình cấp bách; chính phủ đã ra nghị quyết 35 trong đó nêu ra rất rõ những việc phải làm.
Một số hoạt động trong lĩnh vực này được ông thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết như sau:
“Đó là sự phối hợp giữa hệ thống văn bản pháp lý ngày càng chặt chẽ và ngày càng hoàn thiện hơn, khép kín và tạo hành lang pháp lý để các cơ quan môi trường có thể điều khiển được việc thi hành Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản thi hành tại các đơn vị có nguồn thải ở các thành phố lớn. Thứ hai trong thời gian vừa qua, Bộ Tài Nguyên- Môi trường cùng các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra một cách rất mạnh mẽ. Song song đó là tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thông báo cho các đơn vị xả thải để họ hiểu hơn về luật mà thực hiện.
Nhờ đó đã có tác động rất lớn: lãnh đạo của các địa phương ngày càng nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường là rất cần thiết cho cộng đồng dân cư tại địa phương. Các doanh nghiệp dần dần cũng nắm thêm thông tin; đặc biệt tiếp tục nâng cao ‘đạo đức môi trường’ trong nhóm lãnh đạo doanh nghiệp. Ngoài ra tại các địa phương đã hình thành hệ thống xử lý chất thải qui mô lớn như ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.”
Là một doanh nghiệp sản xuất, ông Đỗ Thành Tích, nêu lên một số điểm trong công tác thực thi luật pháp bảo vệ môi trường từ phía các cơ quan chức năng như sau:
“Thực ra Nhà nước phải chủ xướng chuyện này và đưa ra những qui trình hợp lý và doanh nghiệp làm theo là đúng hơn. Còn bây giờ để doanh nghiệp, từng doanh nghiệp ý thức (chuyện đó cũng cần thiết ); nhưng điều kiện kinh tế của Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam nhất là vào thời điểm này có nhiều khó khăn. Nên nếu không có qui trình chặt chẽ, không có cơ chế hợp lý và hổ trợ thiết thực, mà đợi doanh nghiệp làm thì còn nhiều bước nữa mới đạt hiệu quả.”
Chuyện bên Tàu
Nếu không có qui trình chặt chẽ, không có cơ chế hợp lý và hổ trợ thiết thực, mà đợi doanh nghiệp làm thì còn nhiều bước nữa mới đạt hiệu quả.Trung Quốc là lân bang của Việt Nam với vấn nạn ô nhiễm do phát triển nóng trong những năm qua cũng đang gây đau đầu cho các nhà quản lý nước này.
Đỗ Thành Tích
Tin cho biết những mẩu đất khắp Hoa Lục đều có dư lượng kim loại nặng mà dấu vết thời gian lâu nhất là ít nhất một thế kỷ; ngoài ra còn có dấu vết của những loại thuốc trừ sâu bị cấm từ thập niên 80. Con số cho thấy 70% đất tại Trung Quốc đã bị ô nhiễm.
Vị quan chức đứng đầu Vụ Sinh Thái, thuộc Bộ Bảo vệ Môi trường của Trung Quốc cho biết cuộc đều tra đất toàn quốc cho thấy Trung Quốc đã phải trả một giá đắt cho cuộc cách mạng nông nghiệp làm tăng gấp đôi năng suất trong vòng 30 năm qua, với lực lượng lao động sử dụng ít hơn.
Tình trạng ô nhiễm đất được xem là một trong những mối nguy sức khỏe nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc. Đất ô nhiễm các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học cũng như các chất độc hại như chì, arsenic, và cadium. Chuỗi thức ăn đang bị nhiễm độc bởi những hóa chất nguy hiểm này trong đất.
Thống kê nói có đến 65% các loại phân bón ở khu vực nông thôn Trung Quốc không được sử dụng đúng cách dẫn đến ô nhiễm đồng ruộng và các dòng sông.
Cũng như tại Việt Nam, chính quyền Trung Quốc từng lên tiếng nói cương quyết sạch ô nhiễm. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực thi vẫn rất ít vì hiệu lực luật pháp thấp. Các công ty sản xuất cũng vì lợi nhuận mà trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường qua đầu tư những trang thiết bị cần thiết.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc gần đây cũng cho biết sẽ cố gắng thiết lập một hệ thống toàn quốc bảo vệ đất không bị ô nhiễm; tuy nhiên phải đến năm 2020, hệ thống đó mới có thể ra đời.
Hồi đầu năm nay, chính quyền Bắc Kinh cũng đồng ý cải thiện cách thức giám sát và công bố chất lượng không khí tại những thành phố lớn. Tình trạng khói mù cao đến mức kỷ lục khiến chính quyền thủ đô Bắc Kinh buộc phải áp đặt những giới hạn khẩn cấp đối với xe cộ và nhà máy.
Chính quyền Trung Quốc cũng cho công bố kế hoạch năm nay chi ra 1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương gần 162 triệu đô la, nhằm bảo vệ vùng Tam Giang Nguyên. Đây là nơi xuất phát ba dòng sông chính của Trung Quốc là Dương Tử, Hoàng Hà và Lan Thương Giang- tức đoạn sông Mê kông ở Trung Quốc. Khoản chi này được sử dụng vào ba công tác chính là khôi phục rừng, bảo vệ đất ngập nước, và tái tạo những cánh đồng cỏ bị suy thoái.
Năm nay Trung Quốc đánh dấu năm cuối cùng của dự án chín năm cải thiện công tác bảo vệ môi trường của kh vực Tam Giang Nguyên.
Hệ sinh thái của khu vực này bị suy thoái đáng kể trong những năm gần đây. Nguyên nhân được nói do tình trạng ấm nóng toàn cầu và hoạt động chăn nuôi quá mức. Vào năm 2005, chính quyền Bắc Kinh phải đưa ra dự án 7,5 tỷ nhân dân tệ để bảo vệ môi trường cho khu vực đó.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten