woensdag 22 mei 2013

Giải phẫu “Trung Quốc Mộng” Của Tập Cận Bình

Giấc mộng của Trung Quốc Wednesday, May 08, 2013 2:08:23 PM







Hùng Tâm/Người Việt
Giải phẫu “Trung Quốc Mộng” Của Tập Cận Bình

Từ đầu năm nay, truyền thông Anh ngữ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đã trăm lần nói đến “Trung Quốc Mộng,” một mục tiêu do lãnh tụ mới lên là Tập Cận Bình đề ra. Dư luận bèn tìm hiểu nội dung của khẩu hiệu mới để từ đấy suy đoán ra những gì lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiến hành trong những năm tới. Hồ Sơ Người Việt đề cập đến chuyện này hầu quý độc giả...

Các lãnh tụ lập thuyết
Khác hẳn lãnh đạo của các nước trên thế giới, lãnh đạo Trung Hoa từ ngàn xưa đã có thói quen tìm tòi mỹ từ tốt đẹp nhất để nói về triều đại của mình. Ngoài niên hiệu có thể đổi thay, thụy hiệu sử dụng sau khi vị hoàng đế tạ thế có thể là một chuỗi dằng dặc những từ rất kêu, rất đẹp để hậu thế nhắc nhở. Văn hóa Việt Nam dưới ảnh hưởng Trung Quốc cũng có lệ này, làm các nhà viết sử hoặc trẻ em học sử phân vân không ít về cách gọi tên khi sống và khi chết.

Qua thế kỷ 20, và từ năm 1949, lãnh đạo của Trung Hoa dưới chế độ cộng sản có đổi mới. Họ không dùng cách gọi đầy màu sắc phong kiến thời xưa vì có tham vọng khoa học hơn. Dùng chữ nghĩa để làm thay đổi nhận thức của thần dân về chương trình hành động của lãnh đạo. Thế giới bên ngoài thì lầm tưởng là do ảnh hưởng của Marx, các lãnh tụ cộng sản Trung Hoa cải tạo sinh hoạt kinh tế ở dưới hạ tầng nhằm chi phối nhận thức của con người trên thượng tầng theo quy luật “vật chất quyết định tư tưởng,” hoặc “duy vật biện chứng pháp.” Lãnh tụ Bắc Kinh tinh vi hơn vậy.

Ði xa hơn Marx, họ áp dụng phương pháp của Lenin, là làm thay đổi xã hội từ cả hai giác độ vật chất lẫn tinh thần. Nghĩa là vừa cải tạo kinh tế vừa quyết định một cách tiên thiên từ đầu, rằng tư tưởng này là đúng, cách lý luận kia là sai. Ðiều ấy mới giải thích những chiến dịch đàn áp văn nghệ sĩ trong nỗ lực cải tạo tư tưởng hay cách mạng văn hóa. Vào một dịp khác, Hồ Sơ Người Việt sẽ trở lại vấn đề này mà chỉ xin nhắc nhở quý độc giả là phải tìm đọc cuốn biên khảo công phu của Thụy Khuê về vụ Nhân Văn Giai Phẩm và về con người Hồ Chí Minh.

Trở lại chuyện Trung Hoa Cộng Sản, hay Trung Cộng, người ta không quên nét văn hóa Trung Hoa trong chế độ khởi đi từ Mao Trạch Ðông. Là dùng mỹ từ thật ngắn mà thật kêu làm khẩu hiệu cho nhiều chiến dịch cải tạo xã hội hay thanh trừng chính trị. Ðã là lãnh tụ thì phải sính làm thơ và là người lập thuyết, dựng ra những lý thuyết làm tư tưởng chỉ đạo cho cả xã hội. Ðặc tính ấy nổi bật ở Mao Trạch Ðông và được Hồ Chí Minh học theo với cả trăm bài diễn văn được kết tập thành sách và một số bài thơ có khi ăn cắp của người khác.
Những khẩu hiệu huy động
Sau 30 năm hoang tưởng chết người của Mao, Trung Quốc từ thời Ðặng Tiểu Bình trở về sau đã thay đổi theo hướng thực tiễn hơn, với các lãnh tụ không xuất thân cách mạng mà là kỹ sư hay kỹ thuật gia. Nhưng dấu vết văn hóa của lãnh tụ lập thuyết thì vẫn còn.

Vì vậy, người dân được thấm nhuần chuỗi khẩu hiệu về tinh thần chỉ đạo có đẳng cấp thứ tự: 1) Chủ nghĩa Mác-Lenin, 2) Tư tưởng Mao Trạch Ðông; 3) Lý luận Ðặng Tiểu Bình; 4) Phương pháp Giang Trạch Dân và 5) Kỹ thuật Hồ Cẩm Ðào. Là thế hệ lãnh đạo thứ tư vừa ra đi, Hồ Cẩm Ðào chưa có cống hiến nổi bật như Giang Trạch Dân. Mà họ Giang này cũng chưa thể bằng Ðặng Tiểu Bình và dù họ Ðặng mới thật có công cho sự nghiệp “cách mạng,” ông vẫn không vượt qua Mao Trạch Ðông.

Cũng vì Giang và Hồ chưa thể nào sánh với Mao và Ðặng, khi lãnh đạo thì họ cố tìm chữ đẹp như người dán nhãn hiệu lên cái chai với ước mơ rót đầy chai rỗng một nội dung tích cực cho đảng, nhân dân và hậu thế. Tập Cận Bình cũng không làm khác, nhưng đi sớm hơn.

Năm 2000, Giang Trạch Dân đưa ra thuyết “Tam Biểu” (Tam Cá Ðại Biểu) theo đó, đảng Cộng sản là đại biểu chân chính của 1) lực lượng sản xuất tiên tiến (hiểu theo ý nghĩa kinh tế của Marx), 2) văn hóa kỹ thuật tiên tiến (hiểu theo ý nghĩa văn hóa duy chủng của Trung Hoa), và 3) quyền lợi của đại đa số quần chúng nhân dân (hiểu theo tinh thần dân chủ tập trung của đảng).

Ðến Hồ Cẩm Ðào thì có hai khẩu hiệu mang tính chất chỉ đạo về tư tưởng và chính trị.

Khi lên lãnh đạo sau Ðại hội 16 từ năm 2002, vào đầu năm 2003, Hồ Cẩm Ðào nói đến quan niệm phát triển khoa học (“Khoa Học Phát Triển Quan”) để kết hợp các yếu tố đưa đến hình thái xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa do Ðặng Tiểu Bình đề ra. Ðó là 1) xã hội chủ nghĩa khoa học (về tư tưởng), 2) phát triển bền vững (về kinh tế), 3) xã hội phúc lợi (về xã hội), dân chủ (về chính trị). Loại nhãn hiệu có vẻ bao đồng này không có giá trị bằng một khẩu hiệu khác.

Ðó là “Hòa Hài Xã Hội” đưa ra từ năm trong tinh thần 1) phát triển xã hội hài hòa của nền văn hóa Khổng nho truyền thống, 2) cải sửa những dị biệt và bất công của chiến lược phát triền thời Ðặng và Giang; 3) tìm sự hòa đồng giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, nhất là Hoa Kỳ.

Phải nhắc đến bối cảnh ấy, chúng ta mới hiểu ra chuyện thời nay. Vừa lên lãnh đạo sau Ðại hội 18 vào Tháng Mười Một năm ngoái, và cầm quyền từ khóa họp của Quốc Hội vào Tháng Ba vừa qua, Tập Cận Bình đã rất nhiều lần nói đến “Trung Quốc Mộng.”

Nội dung “Giấc mơ của Trung Quốc” có thể là gì?
Viễn ảnh Tập Cận Bình
Do thể chế đặc biệt của Trung Quốc Cộng sản hiện nay, các lãnh tụ mới lên đều là ẩn số với rất ít thông tin được công bố ra ngoài. Vì vậy, khi họ lên cầm quyền, giới quan sát bên ngoài phải ráo riết tìm hiểu để từ đó suy đoán ra chiều hướng của quốc gia này trong tương lai. Thật ra, Tập Cận Bình hay Lý Khắc Cường - hai nhân vật tiêu biểu đứng hạng nhất hạng nhì của “thế hệ thứ năm” - đã được các thế hệ lãnh đạo Giang-Hồ sàng lọc từ cả chục năm rồi.
Họ được gọi là “Thế hệ Tập-Lý.”

Nhưng khác với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào, Tập Cận Bình vừa lên ngôi là nắm ngay ba ấn tính lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Nhà nước và Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội. Quân ủy hội là hai cơ chế có cùng tên và cùng thành phần nhân sự bên đảng và nhà nước để lãnh đạo quân đội. Giang và Hồ phải chờ ba năm mới giữ vị trí đó. Tập Cận Bình thì được Hồ Cẩm Ðào nhường chức ngay sau Ðại hội 18. (Xin quý độc giả tìm lại loạt bài của Hồ Sơ Người Việt về hệ thống quyền lực Trung Quốc từ năm ngoái, trước khi có Ðại hội 18).

Người ta có nhiều cách giải thích hiện tượng tập trung quyền lực rất sớm như vậy.

Một là Tập Cận Bình có bản lãnh. Hai là được hậu thuẫn của Giang Trạch Dân, phe “Thái tử đảng” và “cánh Thượng Hải” để sớm đẩy lui Hồ Cẩm Ðào và “Ðoàn phái,” các đảng viên cao cấp xuất thân từ Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản. Ba là vì tình hình có quá nhiều vấn đề cấp bách nên các phe phái đều đồng ý gác bỏ mọi dị biệt để Tập Cận Bình sớm có đầy đủ quyền hạn.

Thế giới bên ngoài chưa thể biết sự thật, nhưng nhiều khó khăn chồng chất về kinh tế, xã hội và nhất là chính trị trên thượng tầng đảng suốt năm ngoái (kể cả vụ cách chức Bí thư Bạc Hy Lai của Trùng Khánh) có thể là lý do chính khiến Tập Cận Bình thâu tóm được quyền lực rất sớm.

Không những vậy, cách bố trí nhân sự lãnh đạo đảng với bảy ủy viên (thay vì chín người) trong Thường Vụ Bộ Chính Trị theo xu hướng bảo thủ còn cho thấy ý chí quyết liệt củng cố quyền lực của đảng. Thứ nữa, việc tái tổ chức nhân sự lãnh đạo Quốc Vụ Viện (Hội Ðồng Chính Phủ) cho tinh giản với ít phủ bộ hơn mà mỗi bộ phận lại có nhiều quyền hạn hơn có thể phản ảnh nỗ lực kiện toàn một bộ máy hành động bén nhạy hơn tại trung ương. Thứ ba, nhiều nhân vật thuộc xu hướng thực tiễn - không hẳn là cởi mở - có thể đã mất cơ hội vào Thường Vụ Bộ Chính Trị (như Lưu Yến Ðông, Uông Dương hay Mã Khải) nhưng lại giữ vị trí phó thủ tướng và phụ trách các hồ sơ kinh tế.

Thứ tư, nhân vật số hai trong đảng không là người chỉ đạo về chính trị, như trường hợp Ngô Bang Quốc trước đây, mà là tổng lý Quốc Vụ Viện tức là Thủ Tướng Lý Khắc Cường.

Như vậy, ưu tiên của thế hệ Tập-Lý vẫn là phát triển kinh tế, nhưng với điều kiện là bảo vệ hệ thống chính trị. Việc cải cách chính trị theo cùng nhịp độ cải cách kinh tế là không có. Ðấy là bối cảnh rộng lớn và sâu xa để chúng ta tìm hiểu về “Trung Quốc Mộng” của Tập Cận Bình.
Hiện đại hóa giấc mơ ngàn đời
Nhiều nhà quan sát Tây phương có thể bị ảnh hưởng từ tinh thần chủ quan của Hoa Kỳ mà cho là Tập Cận Bình chọn khẩu hiệu là “Giấc mơ Trung Quốc” như một phản diện của “Giấc mơ Hoa Kỳ,” the American Dream. Thật ra, họ Tập không đến nỗi thụ động, tiêu cực hay nông cạn như vậy.

Lần đầu tiên ông ta nói ra khẩu hiệu này là tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia (Quốc Gia Bác Vật Viện) tại Bắc Kinh trong cuộc triển lãm nặng tính chất tuyên truyền về “Ðường Canh Tân” vào Tháng Mười Một năm ngoái. Cuộc triển lãm khai thác hội chứng nạn nhân của Trung Quốc khi bị liệt cường sâu xé làm xã hội lụn bại, quốc gia lâm nguy cả trăm năm, từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Với khẩu hiệu mới, Tập Cận Bình khơi dậy tinh thần ái quốc và tự ái dân tộc và nhấn mạnh đến vai trò phục quốc của đảng Cộng sản. Ðộng lực chính trị nằm ở đó, với hậu quả tất nhiên là tỏa ra nhiều mặt, kể cả mặt quân sự hay nhu cầu bảo vệ “quyền lợi cốt lõi” mà các nước khác gọi là chủ nghĩa bành trướng, bá quyền.

Thực tế thì Trung Quốc đã từng là bá quyền, với tổng sản lượng kinh tế bằng phân nửa của sản lượng toàn cầu vào thời thịnh đạt của nhà Ðại Thanh. Ngày nay, Trung Quốc sẽ tìm lại giấc mơ họ coi là chính đáng này.

Một cách cụ thể hơn, ít ra về kinh tế, giấc mơ đó là trong 10 năm sắp tới, lãnh đạo phải nâng được lợi tức đồng niên của mỗi người dân qua cái ngưỡng tâm lý là 10 ngàn đô la. Hiện nay, mỗi người mới chỉ có được chừng sáu ngàn và dù nhân với dân số hơn một tỷ ba thì sản lượng toàn quốc có thể mấp mé sản lượng của Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn là nước nghèo. Mỗi người dân Mỹ hiện có lợi tức quãng 42 ngàn đô la một năm, gấp bảy dân Tầu đông gấp bốn lần rưỡi. Giấc mơ của Tập Cận Bình là đến ngày kỷ niệm trăm năm lập quốc của đảng (1949-2050), người dân sẽ có lợi tức 42 ngàn, bằng dân Mỹ ngày nay. Nhìn lại thì giấc mơ đó cũng dễ hiểu và tầm thường.

Ðấy là sự hiện đại hóa giấc mơ “tiểu khang” của Ðặng Tiểu Bình: lấy chữ từ một bài ca dao trong Kinh Thi, họ Ðặng thực tiễn đề ra chủ trương cải cách kinh tế hầu cho nhà nào cũng có đủ ăn trong một “xã hội tiểu khang,” có mức thịnh vượng trung bình. Ba chục năm sau khi Ðặng Tiểu Bình cải cách và mở cửa, tiêu chuẩn “tiểu khang” được nâng lên chút đỉnh để theo kịp thiên hạ.

Nhiều nhà quan sát Tây phương có thể nhìn vào nỗ lực đó mà kết luận rằng lãnh đạo thời nay của Trung Quốc đã lặng lẽ buông bỏ ý thức hệ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa để đi tìm thành quả thực tế về kinh tế. Ðiều này vẫn có thể sai. Lãnh đạo Trung Quốc muốn hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội bằng văn hóa tư tưởng Trung Hoa và gọi đó là “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa.” Giấc mơ của Tập Cận Bình nhắm vào đó.

Sau khi phát biểu, rằng “giấc mơ Trung Quốc là lý tưởng của mọi người dân Trung Hoa,” lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Hoa nhấn mạnh, rằng “người cộng sản phải có lý tưởng cao hơn, đó là chủ nghĩa cộng sản.”
Kết luận ở đây là gì?
Chúng ta mỉm cười nhớ lại lý luận vòng vo của Hồ Chí Minh, rằng “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa.” Hiện tượng đó không mới lạ vì vẫn phản ảnh tinh thần duy ý chí của người cộng sản.

Rằng chủ nghĩa, tư tưởng và quyền lực của đảng sẽ cải tạo mọi mặt kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa của quốc gia để đưa đất nước lên trình độ cao hơn.

Và trong giấc mơ mà Tập Cận Bình phả vào tâm trí của quần chúng như khói thuốc phiện, hoàn toàn không có giấc mơ cải cách hiến pháp để tiến tới một chế độ chính trị hiện đại. Họ vẫn theo đuổi chén cơm tiểu khang và bảo rằng đó là nhờ đảng.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=166013&zoneid=403#.UZ1GLfnCTL8
 

Wednesday, May 22, 2013

Tập Cận Bình & "Giấc mộng Trung Hoa"

QLB 
Đây là bản tin đặc biệt của TTXVN để mọi người tham khảo.

Ngày 1/5, viện “Jamestown Foundation” của Mỹ công bố bài viết của nhà phân tích Trung Quốc Willy Lam, trong đó nhấn mạnh kể từ khi trở thành Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 18 tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình nhắc đến “Giấc mộng Trung Hoa” ít nhất 5 lần. Trong tất cả những lần đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng “Giấc mộng Trung Hoa” là “hoàn thành cuộc phục hưng vĩ đại của Trung Quốc” và “đây là ước mơ lớn nhất của Trung Quốc trong lịch sử cận đại”. 
Ai cũng biết ông Tập Cận Bình không phải nhà lý luận nổi tiếng, do đó “Giấc mộng Trung Hoa” được coi như một khẩu hiệu quan trọng trong kỷ nguyên Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường, được đề ra từ nay đến Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào năm 2022. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu việc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” có thể nâng lên ở mức độ giống như các tuyên bố có ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình như cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. ông Hồ Cẩm Đào đưa ra những khẩu hiệu như “xây dựng xã hội hài hòa” và thực hiện “quan điểm phát triển khoa học”, trong khi đó ông Giang Trạch Dân đưa ra “Thuyết Ba đại diện”. Nhưng thực tế, do ý nghĩa mơ hồ của “Giấc mộng Trung Hoa”, các phe phái trong đội ngũ cán bộ và trí thức Trung Quốc đang tranh luận gay gắt về khẩu hiệu liên quan đến tương lai của cải cách, đặc biệt là sự tự do hóa chính trị ở Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, “Giấc mộng Trung Hoa” hay phục hưng dân tộc Trung Hoa có nghĩa là một nước Trung Quốc thịnh vượng về kinh tế và hùng mạnh về quân sự. Ông Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng này lần đầu tiên khi đến kiểm tra một cuộc triển lãm lịch sử tại Viện bảo tàng Quốc gia Trung Quốc tháng11/2012, trong đó bao gồm hai mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế. Đến năm 2021, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, Trung Quốc phải đạt mục tiêu “xây dựng xã hội khá giả”. Xa hơn nữa, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2049, Trung Quốc sẽ phát triển thành một “nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa”. Theo dự đoán của nhà kinh tế cấp cao Vương Nhật Minh thuộc ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước, GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 90 nghìn tỷ nhân dân tệ (14,6 nghìn tỷ USD) vào năm 2020 và ở thời điểm đó GDP bình quân đầu người Trung Quốc có thể đạt 10.000 USD. Năm 2050, GDP của Trung Quốc có thể đạt 350 nghìn tỷ nhân dân tệ (56.600 tỷ USD) và GDP bình quân đầu người có thể đạt 42.000 USD. Về phát triển chính trị-xã hội, đặc biệt là vấn đề dân chủ, ông lập cam kết theo đuổi chủ nghĩa bình quân khi ông xem xét lại những nội dung chính của “Giấc mộng Trung Hoa”. Ồng cho biết: “Giấc mộng Trung Hoa là ước mơ của dân tộc Trung Hoa cũng như ước mơ của mỗi người Trung Quốc”. Các nhà lãnh đạo tối cao từng cam kết tất cả người Trung Quốc phải “có cơ hội khẳng định mình trong cuộc sống. Họ phải có cơ hội biến ước mơ thành sự thật. Họ phải có cơ hội trường thành và tiến bộ cùng với quê hương và thời đại”. Nhưng rõ ràng ông Tập Cận Bình không đề cập tới các khái niệm về dân chủ và quyền bình đẳng của phương Tây hoặc nhân loại. Ông cam kết Chính phủ Trung Quốc “sẽ tránh đi theo tất cả các con đường cũ và cũng không theo đuổi con đường thay đổi màu cờ và sắc áo” của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Thực tế, trong bài phát biểu trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) tháng 3/2012, ông Tập Cận Bình đưa ra 3 điều kiện tiên quyết để đạt đưọ’c “Giấc mộng Trung Hoa”: “Giấc mộng Trung Hoa” chỉ có thể được thực hiện bằng cách đi theo con đường của Trung Quốc; “Giấc mộng Trung Hoa” tất yếu có nghĩa là truyền bá tinh thần Trung Quốc; thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” nhất thiết phải tập trung và kết tinh sức mạnh của Trung Quốc”. Điều này cơ bản loại bỏ việc áp dụng tư tưởng và định chế quản lý của phương Tây. Hơn nữa, Chính quyền Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường đã thông qua hàng loạt biện pháp tái cơ cấu hành chính nhằm tập trung quyền lực nhiều hơn nữa vào các tổ chức của Đảng và một số cơ quan cấp cao như Ban bí thư Trung ương.

Những người bảo thủ cảnh báo, không ai được phép hiểu khẩu hiệu của ông Tập Cận Bình là ủng hộ các giá trị “tự do tư sản”. Ông Vương Nghĩa Nguy, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng các nhà trí thức tự do muốn đánh đồng “Giấc mộng Trung Hoa” với phương Tây hóa là hoàn toàn sai lầm. Thực tế “Giấc mộng Trung Hoa” có nghĩa “Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác phù hợp với điều kiện Trung Quốc để mở ra con đường chủ nghĩa xà hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Trong bài bình luận về chủ đề tương tự, Nhật báo Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy lòng yêu nước cũng như thực hiện nghiêm sắc lệnh của ĐCSTQ. Tờ báo nhấn mạnh: “Chúng ta phải cùng nhau thực hiện giấc mơ của đất nước và ước mơ của dân tộc Trung Hoa cùng với giấc mơ của mỗi cá nhân. “Giấc mộng Trung Hoa” là mục tiêu mà các đảng viên Cộng sản phải đấu tranh gian khổ để đạt được… đó cũng là nguyện vọng của mọi người dân Trung Quốc”. Mặc dù thực tế ông Tập Cận Bình tránh đề cập tới những vấn đề nhạy cảm liên quan đến cải cách chính trị hay tự do hóa tư tưởng trong thập kỷ qua, nhưng một số trí thức có tư tưởng tự do đã hiểu không đúng “Giấc mộng Trung Hoa”. Nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu Bào Đồng và cũng là thư ký riêng của cố Tổng Bí thư Triệu Tử Dương, kêu gọi ông Tập Cận Bình nên “trả lại giấc mơ cho người dân”. Ông Bào – người đang bị công an theo dõi 24/24 giờ cho rằng chí ít ông Tập Cận Bình cần nhận thấy “đối tượng” của “Giấc mộng Trung Hoa” là từng cá nhân người Trung Quốc chứ không phải Nhà nước. Trong một bài báo công bố trên Đài RFA tháng 3/2012, ông Bào cho biết: “Ông Tập Cận Bình cho biết “Giấc mộng Trung Hoa” phải được thực hiện theo chế độ sở hữu tư nhân”, ông Bào cũng cho rằng: “Nhà nước không được độc quyền “Giấc mộng Trung Hoa”, Đất nước nên cho phép chúng tôi thực hiện giấc mơ của mình”. Ông Bào cho biết giấc mơ của ông là tất cả mọi người dân Trung Quốc “có thể có tự do ngôn luận… không bị quấy rối và kiểm duyệt”. Tương tự, giáo sư luật của Đại học Bắc Kinh Hạ Vệ Phương nói: “Mục tiêu quan trọng nhất của một đất nước hiện đại hóa là cho phép mọi người có phẩm giá, tự do và các quyền để mỗi người có thể làm việc chăm chỉ nhằm thực hiện ước mơ của họ”. Điều quan trọng là, các học giả có quan hệ với các cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra một số đánh giá tương đối không chính thống về “Giấc mộng Trung Hoa”. Đối với nhà lý luận Chu Thiên Dũng, giảng viên chính trị tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ, “Giấc mộng Trung Hoa” có nghĩa “mỗi người Trung Quốc có thể làm việc và sống trong nền dân chủ, bình đẳng, công bằng, công lý và trong một xã hội hài hòa trật tự”. Giáo sư Chu cho biết thêm: “Nhà nước cần đưa ra các chính sách để mỗi người nỗ lực và có cơ hội thực hiện ước mơ của họ”. Ông Xin Ming, một học giả nổi tiếng khác ở Trung Quốc, cho biết “Giấc mộng Trung Hoa” phải mang ý nghĩa dân chủ đầy đủ, quy định luật pháp toàn diện như: bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của công dân… bảo đảm sự phát triển tự do và toàn diện của tất cả công dân”. Bất đồng về nghĩa và tầm quan trọng của “Giấc mộng Trung Hoa” cũng được thể hiện qua những lời giải thích khác nhau về tác động của nó đối với chính sách đối ngoại. Ông Tập Cận Bình cho rằng ý tưởng của “Giấc mộng Trung Hoa” không chỉ giới hạn đối với công dân và đất nước Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn của báo giới từ các nước BRICS tháng 3/2012, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, “Giấc mộng Trung Hoa” cũng sẽ tạo nhiều cơ hội cho thế giới và “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ được thực hiện thông qua con đường hòa bình. Khi phát biểu tại Học viện Quan hệ Quốc tế Mátxcơva, ông Tập Cận Bình nhắc lại: “Giấc mộng Trung Hoa sẽ mang lại phúc lành và sự tốt đẹp không những cho người dân Trung Quốc mà cả người dân ở các nước khác”. Đặc biệt trong thời gian đến thăm Tandania tháng 3/2013, tân Chủ tịch Trung Quốc khẳng định rõ tầm quan trọng toàn cầu của “Giấc mộng Trung Hoa”, “Giấc mơ châu Phi” và “Giấc mơ của Thế giới”. Ông nói: “Cùng với cộng đồng quốc tế, các dân tộc Trung Hoa và châu Phi sẽ nỗ lực thực hiện giấc mơ toàn cầu về hòa bình và thịnh vượng chung bền vững”. Qua những tuyên bố đó dường như ông Tập Cận Bình muốn nhấn mạnh cam kết của Bắc Kinh với “sự phát triển hòa bình” và xóa bỏ “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”. Nhưng rõ ràng, Trung Quốc có một quân đội quyết đoán gắn liền với “Giấc mộng Trung Hoa” và “phục hưng dân tộc Trung Hoa”.

Trong khi kiểm tra các sư đoàn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tháng 12/2012, ông Tập Cận Bình nhắc lại “Giấc mộng Trung Hoa” cũng có nghĩa “giấc mơ về một Trung Quốc hùng mạnh và giấc mơ một quân đội hùng mạnh. Để đạt được sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, chúng ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp của một quốc gia thịnh vượng và một quân đội hùng mạnh. Chúng ta phải xây dụng và củng cố quốc phòng và một quân đội hùng mạnh”, ông Tập Cận Bình cũng nhiều lần kêu gọi các sĩ quan và chiến sĩ PLA “sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng các cuộc chiến tranh”. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo quân sự PLA dường như đang lợi dụng “Giấc mộng Trung Hoa” như một công cụ để tăng cường vận động hành lang nhằm đạt được các nguồn kinh tế nhiều hơn và tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc gia. Trong bài xã luận gần đây dưới nhan đề: “Toàn quân ủng hộ mạnh mẽ để bảo đảm thực hiện thành công “Giấc mộng Trung Hoa”, tờ “Quân giải phóng” của Trung Quốc khẳng định các lực lượng vũ trang sẽ “phải vật lộn rất nhiều để thực hiện giấc mơ một Trung Quốc hùng mạnh và một quân đội hùng mạnh. Chỉ khi xây dựng quốc phòng hùng mạnh mới bảo đảm xây dựng kinh tế. Tăng cường xây dựng quốc phòng mạnh cũng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội”. Thực tế, so với những người tiền nhiệm như cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nhanh chóng củng cố vững chắc quyền lực của ông trong Đảng, Chính phủ và quân đội. Nhưng hiện nay ông Tập Cận Bình phải chứng minh với khán giả trong và ngoài Trung Quốc rằng ít nhất ông cũng có khả năng bằng cha mình, cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, về tầm nhìn xa trông rộng, đồng thời đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại từ lâu ở Trung Quốc. Nếu không khẩu hiệu “Giấc mộng Trung Hoa” của ông cũng chỉ là khẩu hiệu suông và dần dần bị chìm lấp như những các khẩu hiệu của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm.

(Tạp chí The Economist, số ngày 4/5/2013)

Tầm nhìn của vị tân chủ tịch nước Trung Quốc phải phụng sự nhân dân, chứ không phải là phụng sự một nhà nước dân tộc chủ nghĩa.

Năm 1793, một công sứ nước Anh, Huân tước Macartney, đã tới cung điện của hoàng đế Trung Quốc, hy vọng mở một đại sứ quán. Ông mang theo những món quà được lựa chọn kỹ lưỡng từ quốc gia mới công nghiệp hóa của mình. Vua Càn Long, đất nước của ông khi đó chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu, đã thẳng thừng từ chối. Nhà vua viết cho vua George III: “Chúng tôi có thể thấy rõ sự khiêm nhường và phục tùng chân thành của Ngài”, nhưng chúng tôi không có “nhu cầu dù là nhỏ nhất đối với các hàng hóa công nghiệp của đất nước Ngài”. Người Anh đã quay trở lại những năm 1830 cùng với những chiếc pháo hạm để ép buộc mở cửa thương mại, và những cố gắng cải cách của Trung Quốc kết thúc trong sự sụp đổ, bẽ mặt và, cuối cùng là chủ nghĩa Maoít.

Trung Quốc đã thực hiện một cuộc hành trình phi thường trên con đường trở lại sự vĩ đại. Hàng trăm triệu người đã tự mình thoát khỏi đói nghèo, và hàng trăm triệu người nữa đã gia nhập tầng lớp trung lưu mới. Trung Quốc ở ngưỡng cửa của việc giành lại được cái mà nước này coi là vị trí chính đáng của mình trên thế giới. Ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc đang mở rộng và trong vòng một thập kỷ, nền kinh tế của nước này được cho là sẽ vượt nền kinh tế Mỹ. Trong những tuần đầu tiên lên nắm quyền, vị lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản cầm quyền, Tập Cận Bình, đã gợi lại sự trỗi dậy đó với một khẩu hiệu mới mà ông đang sử dụng để đoàn kết một dân tộc ngày càng đa dạng, khi niềm tin vào chủ nghĩa Mác mất đi. Ông gọi học thuyết mới của mình là “giấc mộng Trung Hoa”, gợi lại học thuyết tương tự về Mỹ của nước này. Những khẩu hiệu như vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng ở Trung Quốc. Các bản tin tràn ngập giấc mộng của ông. Các trường học tổ chức những cuộc thi diễn thuyết về đề tài này. Một chương trình tài năng trên TV hiện đang tìm kiếm “Tiếng nói của Giấc mộng Trung Hoa” (The Voice of Chinese Dream).

Đất nước, cũng như người dân, phải có mơ ước. Nhưng tầm nhìn của ông Tập chính xác là gì? Tầm nhìn đó dường như gồm có cả khát vọng kiểu Mỹ nào đó, khát vọng được hoan nghênh, nhưng cũng là một dấu hiệu gây rối của chủ nghĩa dân tộc và của chủ nghĩa độc đoán được gói ghém lại.

Sự kết thúc của hệ tư tưởng

Kể từ khi bị bẽ mặt trong thế kỷ 19, các mục tiêu của Trung Quốc bao gồm sự giàu có và sức mạnh. Mao Trạch Đông đã cố gắng đạt được những mục đích đó thông qua chủ nghĩa Mác. Đối với Đặng Tiểu Bình và những người kế vị của ông, hệ tư tưởng đã linh hoạt hơn (mặc dù sự kiểm soát của đảng là tuyệt đối). Thuyết “Ba Đại diện” của Giang Trạch Dân nói rằng đảng phải là hiện thân cho xã hội được thay đổi, cho phép các doanh nhân gia nhập đảng. Hồ Cẩm Đào thúc đẩy “quan điểm phát triển khoa học” và “phát triển hài hòa” để giải quyết tình trạng không cân đối do khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn gây ra.

Mặc dù vậy, giờ đây đã xuất hiện một nhà lãnh đạo mới có phong cách mới và một người vợ ăn ảnh nổi tiếng, ông Tập nói về cải cách; ông đã phát động một chiến dịch chống lại sự phung phí của quan chức. Mặc dù thiếu chi tiết, nhưng giấc mộng của ông khác với bất kỳ giấc mộng nào từng có trước đây. So sánh với các hệ tư tưởng nặng nề của những người tiền nhiệm thì hệ tư tưởng này lôi cuốn cảm xúc của người dân. Dưới thời Mao Trạch Đông, đảng đã công kích tất cả nhừng gì cũ kĩ và xóa bỏ quá khứ mang tính quân chủ, giờ đây việc ông Tập nhấn mạnh vào sự vĩ đại của quốc gia đã biến những nhà lãnh đạo đảng trở thành người thừa kế các vị vua thế kỷ 18, khi mà những vị hoàng đế nhà Thanh đòi hỏi các công sứ phương Tây phải khấu đầu (Macartney đã từ chối).

Nhưng cũng có những hoạt động chính trị thực tiễn đơn thuần. Với tăng trưởng chậm lại, thuyết ái quốc của ông Tập có vẻ như chủ yếu được coi là nguồn lực mới cho tính hợp pháp của Đảng Cộng Sản. Không phải trùng hợp ngẫu nhiên mà lần đầu tiên ông Tập đề cập đến giấc mộng của mình về “sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” là vào tháng 11 trong một bài phát biểu tại bảo tàng quốc gia ở Quảng Trường Thiên An Môn, nơi một cuộc triển lãm được gọi là “Con đường tiến tới sự hồi sinh” phơi bày sự đau khổ của Trung Quốc dưới bàn tay của các cường quốc thực dân và sự giải thoát của Đảng Cộng Sản.

Mơ một giấc mơ nhỏ bé của Tập Cận Bình

Không ai nghi ngờ rằng ưu tiên của ông Tập sẽ là giữ cho nền kinh tế tăng trưởng – các nhà lãnh đạo của nước này nói về việc phải mất nhiều thập kỷ đề quốc gia nghèo khó của họ bắt kịp với những người Mỹ giàu có hơn nhiều – và điều đó có nghĩa rằng sẽ mở cửa Trung Quốc hơn nữa. Nhưng giấc mộng của ông có hai mối nguy hiểm rõ ràng.

Một là chủ nghĩa dân tộc. Một ý thức lâu đời về tình trạng luôn bị xâm lược trong lịch sử có nghĩa rằng lối nói khoa trương về một quốc gia hồi sinh có thể vô cùng dễ dàng trở thành điều nguy hiểm. Khi các cuộc va chạm nhỏ và sự khiêu khích gia tăng ở các vùng biển xung quanh, các blogger yêu nước không cần cổ vũ cũng tự đưa ra yêu cầu rằng người Nhật phải được dạy một bài học khiến cho bẽ mặt. Ông Tập đang đùa giỡn vợi các lực lượng vũ trang. Vào tháng 12, trong một chuyến kiểm tra lực lượng hải quân ở miền Nam Trung Quốc, ông đã đề cập đến một “giấc mơ quân đội hùng mạnh”. Các lực lượng vũ trang rất vui mừng với cuộc trò chuyện như vậy. Cho dù mục đích chính của ông Tập trong việc nuông chiều những người hiếu chiến chỉ là để giữ họ ở lại phe của mình, thì điều đáng lo sợ là lời nói này báo trước một lập trường hiếu chiến hơn ở Đông Á. Không ai cần phải bận tâm về một Trung Quốc tự tin cảm thấy thỏa mãn với chính mình, nhưng một đất nước biến đổi từ một nạn nhân thuộc địa thành một kẻ bắt nạt nóng lòng muốn tính nợ với Nhật Bản sẽ đem lại tổn thất lớn hơn cho khu vực – bao gồm cả chính Trung Quốc.

Rủi ro thứ hai là “Giấc mộng Trung Hoa” cuối cùng sẽ chuyển giao nhiều quyền lực cho đảng hơn là cho người dân. Tháng 11/2012, ông Tập gợi nhớ lại Giấc mơ Mỹ, tuyên bố rằng “Đáp ứng khát vọng [của người dân chúng ta] về một cuộc sống hạnh phúc là nhiệm vụ của chúng ta”. Những công dân Trung Quốc bình thường có không ít tham vọng hơn người Mỹ trong việc sở hữu một ngôi nhà, cho con học đại học hay chỉ là vui chơi. Nhưng trọng tâm chính của ông Tập dường như là việc tăng cường việc nắm quyền lực tuyệt đối của đảng. Ông nói với lực lượng hải quân rằng “tinh thần của một quân đội hùng mạnh” nằm ở việc tuyệt đối tuân theo các mệnh lệnh của đảng. Cho dù “Giấc mộng Trung Hoa” tránh lối nói khoa trương Cộng sản, thì ông Tập đã tỏ rõ rằng ông tin Liên Xô sụp đổ vì Đảng Cộng sản ở đó đã xa rời hệ tư tưởng chính thống và kỷ luật nghiêm khắc, ông nói: “Giấc mộng Trung Hoa là một lý tưởng. Những người Cộng sản phải có một lý tưởng cao hơn, và đó là Chủ nghĩa Cộng sản”.

Một thử nghiệm cơ bản về tầm nhìn của ông Tập sẽ là thái độ của ông đối với sự cai trị của pháp luật. Mặt tốt của “Giấc mộng Trung Hoa” cần có điều này: nền kinh tế, hạnh phúc của nhân dân và sức mạnh thực sự của Trung Quốc phụ thuộc vào việc giảm bớt các quyền lực độc đoán. Nhưng nạn tham nhũng và tình trạng dư thừa quan chức quá mức sẽ chỉ được kiềm chế khi hiến pháp trở nên có quyền lực hơn đảng. Thông điệp này được đưa ra trong một bài xã luận trên một tờ báo cải cách vào ngày 1/1/2013 có tựa đề là “Giấc mơ Chủ nghĩa hợp hiến”. Bài xã luận kêu gọi Trung Quốc sử dụng sự cai trị của pháp luật để trở thành một “đất nước tự do và hùng mạnh”. Nhưng những người kiểm duyệt đã thay đổi bài báo vào phút chót và gạch bỏ tiêu đề này. Nếu đó là biểu hiện thực sự cho giấc mộng của ông Tập thì Trung Quốc vẫn còn một hành trình dài phía trước.

***

TTXVN (Angiê 15/5)

Nếu muốn mình được nhìn nhận một cách nghiêm túc là một thủ lĩnh về phương diện quốc tế, tạp chí “Statafrik” cho rằng chính quyền mới ở Trung Quốc phải hành động để chấm dứt trò hề thô thiển của chế độ Kim Châng Un.

Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi nhậm chức, đã tiến hành chuyến công du đối ngoại đầu tiên của mình. Tiếp đó, theo truyền thống của nước này đôi khi thiếu tinh tế hay ngược lại, ông tung ra chiến dịch chính trị của mình. Trong một bài xã luận đăng trên tờ “Nhân dân nhật báo”, người ta giải thích Đảng cộng sản làm thế nào để tiếp tục thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm “mang lại sự thịnh vượng và sức sống mới cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân”. Thuật ngữ “giấc mộng Trung Hoa” bắt đầu lan truyền trong giới truyền thông Trung Quốc cũng như trong các bài phát biểu chính thức và các mạng xã hội.

Đó có thể là một khẩu hiệu trống rỗng vì rốt cuộc, nội dung của “Giấc mộng Trung Hoa” (điều cần làm là làm sao thực hiện được giấc mộng này) vẫn là điều mơ hồ. Đó có thể là cuộc đấu tranh chống tham nhũng và rất chắc chắn, điều đó nhằm giúp Đảng cộng sản Trung Quốc được người dân ủng hộ mạnh mẽ hơn trong lúc đảng này đang ngày càng xa rời dân chúng và sa đà vào chủ nghĩa tinh hoa. Nhưng theo tờ “Nhân dân nhật báo”, biến “Giấc mộng Trung Hoa” thành hiện thực cũng là lật lại “sự nhục nhã” mà các chính phủ nước ngoài bắt Trung Quốc phải chịu đựng trong một thời gian dài. Tập Cận Bình dường như muốn khuấy động trở lại lòng yêu nước, và thậm chí có thể còn hơn thế nữa: “sức sống mới” có thể được mang lại cho toàn dân tộc cả sức mạnh quân sự lẫn vị thế quốc tế của nước này.

Đó có thể cũng là điều bình thường vì Trung Quốc là một cường quốc kinh tế quan trọng có mức tăng trưởng cao. Nhưng nếu đó đúng là điều họ mong muốn thì tại sao Bắc Kinh không nắm lấy vận hội đó? Trung Quốc có thể đã bắt đầu có vai trò quý giá trên thế giới, một vai trò không những có thể cho phép nước này có thêm bạn và người hâm mộ trong số các nước khác, mà cùng với thời gian, còn có thể giảm được sự có mặt về quân sự của Mỹ ở vùng Bắc Á bằng cách loại trừ mối đe dọa tiềm tàng của một trong các cuộc xung đột nghiêm trọng nhất trong vùng. Nếu bắt đầu từ bây giờ, Trung Quốc có thể chấm dứt được trò hề thô thiển của chế độ Bắc Triều Tiên và, nếu cùng hành động với Mỹ, có thể bắt đầu tái thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có bằng lòng với việc chỉ muốn Bắc Triều Tiên ngừng phóng tên lửa không? Rốt cuộc, họ không cần phải thực hiện các biện pháp trừng phạt. Họ cũng không phải đáp trả các mối đe dọa quân sự gây ầm ĩ với việc phô trương sức mạnh không quân như giới quân sự Mỹ vẫn làm.

Trung Quốc có thể chỉ cần làm một việc đơn giản là phong tỏa việc cung ứng năng lượng và lương thực cho Bình Nhưỡng vì họ là nước cung cấp nhiều nhất. Và nếu muốn thực sự thay đổi một chế độ đang giam giữ hàng chục nghìn người trong các trại tập trung hoàn toàn giống kiểu trại giam dưới thời Xtalin, Trung Quốc có thể mở cửa đường biên giới chung dài gần 1.300 km với Bắc Triều Tiên. Cuộc di dân ồ ạt có thể nảy sinh từ đó chắc chắn sẽ gây ra hậu quả tệ hại đối với Bắc Triều Tiên như khi Bức tường Béclin sụp đổ đối với Đông Đức.

Một số người ở Trung Quốc tin vào sự cần thiết phải thay đổi chính sách của nước mình đối với Bình Nhưỡng. Ông Deng Yuwen, một biên tập viên thuộc một tờ báo quan trọng của Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 2/2013 tuyên bố trên tờ “Financial Times” rằng Trung Quốc nên “từ bỏ Bắc Triều Tiên” và “chủ động” tạo thuận lợi cho việc thống nhất Triều Tiên. Các nhà quan sát ở Trung Quốc cho rằng một bài báo như vậỵ, được viết bởi một nhân vật như vậy, chắc chắn phải được một nhân vật có ảnh hưởng nào đó cho phép và thậm chí có thể phản ánh chính kiến của nhà lãnh đạo mới. Nhưng cho dù có ai đó đồng ý với suy nghĩ này, nhân vật có ảnh hưởng nói trên cũng thực sự không có ảnh hưởng mấy vì Deng Yuwen sau đó “bị miễn nhiệm vĩnh viễn”.

Điều rõ ràng là một số thành viên trong ban lãnh đạo Trung Quốc đã sẵn sàng để thay đổi, nhưng không phải là tất cả. Dù đó là hoài niệm về những người bạn chiến đấu hay vì nghĩ vẫn là hữu ích nếu có được một người bạn chí cốt để chống lại Mỹ và Nhật Bản, họ muốn duy trì chế độ Bắc Triều Tiên.

Nói cách khác, một số người trong giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn gắn bó với nhãn quan cổ hủ về vai trò của Trung Quốc trên thế giới và, từ đó, không thay đổi nhãn quan cổ hủ của họ về thế giới. Theo họ, chính sách đối ngoại là một cuộc chơi được mất ngang nhau và cái xấu đối với đế quốc là điều tốt cho Trung Quốc, và thuật ngữ “lòng yêu nước” gợi nhớ lại các vụ bạo loạn chống Nhật Bản và những lời lẽ hùng hổ khi nói đến các hòn đảo ở Biển Đông. Đồng thời, bản thân Bắc Triều Tiên cũng là một thứ cổ hủ, một sản phẩm của những năm 1950, một nhà nước tàn tạ và sống khép kín đến mức các nhà ngoại giao đến thăm Bình Nhưỡng đều được đề nghị để điện thoại di động của mình ở lại Bắc Kinh, nơi quyền tự do và an ninh gần như được bảo đảm.

Nếu chính phủ mới của Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ chế độ Bắc Triều Tiên (do chính họ lập ra và hỗ trợ trong hơn 50 năm qua), “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ không phải là cái gì khác ngoài một thứ khẩu hiệu. Trái lại, nếu chính phủ Trung Quốc muốn có cái gì đó cụ thể hơn thì có thể có được bằng cách giải quyết cuộc khủng hoảng mà chính họ là tác giả chính./.

TTXVN Từ New York
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten