zondag 30 december 2012

Bức tranh kinh tế ảm đạm và năng lực của lãnh đạo Việt Nam

Thứ tư 26 Tháng Mười Hai 2012

Bức tranh kinh tế ảm đạm và năng lực của lãnh đạo Việt Nam

Một góc chợ Đồng Xuân, Hà Nội, ngày 21/12/2012
Một góc chợ Đồng Xuân, Hà Nội, ngày 21/12/2012
REUTERS

Anh Vũ
«Tăng trưởng kinh tế xẹp lép, lạm phát tiếp tục kéo dài, mô hình phát triển đang bị chỉ trích gay gắt ngay chính trong bộ máy lãnh đạo : Việt Nam đang trong giai đọan khó khăn ». Trên đây là nhận định của phóng viên Bruno Philip thông tín viên khu vực châu Á của báo Le Monde qua bài viết số ra hôm nay (26/12/2012) mang tựa đề « Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất từ 13 năm nay ».

Theo tác giả bài báo, trong những năm 1990, nhiều chuyên gia đã lạc quan về một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam với những dự báo như là đất nước này sẽ trở thành một « con hổ » mới của khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, những con số chính thức công bố hôm 24 /12 vừa rồi đã thừa nhận, trong năm 2012, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức thấp nhất từ 13 năm trở lại đây, chỉ đạt mức 5,3%, không đạt chỉ tiêu chính phủ đặt ra và còn thấp hơn mức 5,9% của năm 2011. Tờ báo trích dẫn đánh giá của ông Vũ Đình Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Tài chính Việt Nam : « Tăng trưởng sụt giảm mạnh. Không phải là suy thoái, nhưng các chỉ số như vậy là quá thấp ».
Trong tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản Việt Nam, các lãnh đạo cao cấp nhất đã phải thừa nhận có nhiều sai lầm trong quản lý kinh tế. Tiếp đó, đầu tháng 11, trước Quốc Hội, đến lượt thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải công khai nhận rằng « tình hình kinh tế vĩ mô không tốt, lạm phát tiếp tục leo thang, nợ xấu ngân hàng chồng chất ».
Tác giả bài viết nhận định, về mặt chính trị, vị thế của người đứng đầu chính phủ hiện đang rất yếu. Ông đang phải hứng chịu công kích trong nội bộ Đảng, vấp phải sự đối kháng của chủ tịch nước Trương Tấn San và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước tình hình như vậy, chính phủ đang phải cố gắng tìm mọi cách giải cứu các doanh nghiệp, khởi động lại nền kinh tế. Động thái mới nhất là thông báo hạ lãi suất chỉ đạo xuống 9%, trong lúc lạm phát vẫn tăng ở mức 7,8%.
Le Monde cũng ghi nhận những vụ bê bối tài chính nổ ra ngay tại những tập đoàn công nghiệp lớn, con cưng của nền kinh tế, đã khiến Hà Nội phải đưa ra những chương trình cải cách mang tính sống còn trong năm 2011. Sau vụ Vinashin, chính quyền Việt Nam đang cố lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Bằng chứng là một bộ luật trong lĩnh vực này vừa được thông qua với hy vọng có được minh bạch tài chính trong hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.
Le Monde cho rằng, đường lối đổi mới của Việt Nam được khởi xướng từ giữa những năm 1980 thực chất là việc áp dụng mở cửa kinh tế thị trường sao chép theo mô hình Trung Quốc.
Tuy nhiên, để kết luận, tác giả bài viết trích dẫn đánh giá của một chuyên gia thuộc tập đoàn tài chính quốc tế Morgan Stanley Investment Management : « Các lãnh đạo Việt Nam không có được tầm mức chuẩn bị cũng như năng lực để đối mặt với nguồn vốn khổng lồ từ nước ngoài đổ vào Việt Nam trong thập kỷ vừa qua ».
Giáo Hoàng kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc tôn trọng tự do tôn giáo
Noel, chủ đề không thể vắng trong các báo Pháp ra hôm nay. Với Le Figaro, đây là dịp để nói về tự do tôn giáo. Trang nhất của nhật báo chạy tựa lớn « Tự do tôn giáo- Lời kêu gọi của Giáo Hoàng Benedicto 16 với Trung Quốc ».
Le Figaro chú ý tới trong thông điệp hàng năm Urbi - Orbi nhân lễ Noel, Đức Giáo Hoàng gửi đến các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc lời kêu gọi tôn trọng tôn giáo.
Theo Le Figaro, hôm qua 25/12, Đức Thánh cha đã gửi đến thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc lời kêu gọi hãy đối thoại với 5,7 triệu tín đồ Công giáo (đây chỉ là con số thống kê chính thức của chính quyền).
Những người Công giáo Trung Quốc đang bị chia rẽ giữa một bên là Giáo hội chính thống nằm dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản và một bên là Giáo hội « thầm lặng » chỉ tuân thủ theo Tòa Thánh Vatican, nhưng lại đang phải chịu đựng sự truy bức thường xuyên của chính quyền.
Le Figaro đặt ra một lọat câu hỏi : Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao về lời cầu chúc công khai gửi đến các vị « tân lãnh đạo » Trung Quốc của Giáo Hoàng Benedicto 16 trong thông điệp Urbi-Orbi trong ngày Noel. ? Chế độ Bắc Kinh sẽ nghe lời kêu gọi can đảm và hiếm hoi về tự do tôn giáo ở Trung Quốc được Giáo Hoàng đưa ra từ ban công nhà thờ Thánh Saint –Pierre này như thế nào ?
Nguyên văn lời kêu gọi với chính quyền Trung Quốc được Le Figaro trích lại như sau « Cầu cho vị Vua của hòa bình hãy hướng nhìn về các lãnh đạo mới của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với những trách nhiệm cao đang chờ họ. Tôi mang rằng đó là trách nhiệm tôn trọng các tôn giáo, sao cho tôn giáo có thể góp phần vào công cuộc xây dựng một xã hội đoàn kết, vì lợi ích của nhân dân mình và của thế giới ».
Theo Le Figaro, lời kêu gọi trên sẽ ghi lại trong sách sử của Tòa Thánh, nhưng Giáo Hoàng, người hiểu quá rõ tình hình tôn giáo ở Trung Quốc, cũng không trông mong sẽ có sự phúc đáp về chính trị từ phía Bắc Kinh.
Vẫn trong khuôn khổ đề tài này, Le Figaro có một bài viết khác với hàng tựa : « Bắc Kinh không chịu nới lỏng chi phối người Công giáo ».
Theo bài báo, căng thẳng giữa Vatican và Bắc Kinh không phải là điều gì mới. Quan hệ ngoại giao giữa hai bên đã bị cắt đứt từ năm 1951. Chỉ bắt đầu từ năm 2000, hy vọng bình thường hóa quan hệ giữa hai Nhà nước này mới được khởi động, nhưng con đường có vẻ vẫn còn dài. Nếu như Giáo Hoàng Benedicto coi hồ sơ Trung Quốc là một trong những ưu tiên thì căng thẳng giữa Vatican và Bắc Kinh vẫn tiếp tục và thậm chí còn gia tăng trong năm 2012 bởi những vụ tấn phong các linh mục Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh vẫn đặt mọi hoạt động của Công giáo Trung Quốc trong « Hiệp hội những người Công giáo yêu nước ». Hiệp hội này lại nằm trong sự chỉ đạo của Ban tôn giáo trung ương. Những ai không tuân thủ cơ cấu nói trên đều bị coi là bất hợp pháp. Chính vì thế mới xảy ra những chuyện như linh mục được chính quyền tấn phong thì Vatican không công nhận, ngược lại, việc phong chức của Vatican cho linh mục Trung Quốc thì cũng bị chính quyền phản đối, coi đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Đối với Le Figaro, sự phát triển cộng đồng Công giáo trong điều kiện như vậy đã làm nảy sinh ra Giáo hội « thầm lặng ». Các con số thống kê chính thức của chính quyền ghi nhận có 5,7 triệu tín đồ. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này có thể lên tới 12 triệu ngườ,i bởi những tín đồ thuộc giáo hội « ngoài quốc doanh » không được thừa nhận, trong khi họ có ở khắp các tỉnh thành của Trung Quốc.
Chính quyền trung ương vẫn luôn để mắt chăm chú đến mọi hoạt động tôn giáo. Bắc Kinh vẫn coi tôn giáo là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với quyền lực tuyệt đối của đảng Cộng sản. Bằng chứng, hồi giữa tháng 12, nhật báo Washington Post đã cho công bố một trích đoạn công văn của chính quyền đề hồi tháng 5/2011, do tổ chức phi chính phủ ChinaAid có trụ sở tại Hoa Kỳ cung cấp. Nội dung công văn trên kêu gọi phải đấu tranh « chống lại các thế lực thù địch ở nước ngoài đang tập trung vào tôn giáo để xâm nhập đất nước và theo đuổi những mục tiêu chính trị nhằm phương Tây hóa và chia rẽ Trung Quốc ».
Tờ báo kết luận, như vậy, chính quyền Trung Quốc không hề muốn nới lỏng việc chi phối toàn bộ của họ với tôn giáo, một vấn đề vẫn còn rất nhạy cảm.
Tự thiêu, cuộc kháng chiến của người Tây Tạng
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde trở lại với những vụ tự thiêu của người Tây Tạng qua bài phóng sự mang tựa đề « Du hành về miền Tây Tạng bị truy bức, trên con đường của những người tự thiêu ».
Phóng viên của Le Monde đã thực hiện bài phóng sự dài trong một chuyến đi về Cam Túc, một tỉnh có đông người Tây Tạng sống, để tìm hiểu về những hành động phản kháng và tuyệt vọng của người Tây Tạng đang ngày càng nhiều.
Tác giả bài báo đã đến vùng tự trị của người Tây Tạng ở phía nam tỉnh Cam Túc, nơi từ tháng 10 đến nay đã xảy ra 15 vụ tự thiêu. Điều đặc biệt, những người tự thiêu đều không phải các sư sãi. Họ, những người thế tục bình thường, là những nông dân và cả vài học sinh. Tác giả kể lại, tại một làng nhỏ nằm cách không xa thị trấn Amchok, một người nông dân chăn nuôi 35 tuổi đã để lại lá thư tuyệt mệnh trước khi tự thiêu tại khu vực mỏ vàng ở cách nhà anh vài cây số. Lá thư cầu mong cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về, cầu mong cho Ban Thiền Lạt Ma, một vị chức sắc cao thứ 2 của Phật giáo Tây Tạng bị Bắc Kinh bắt giữ từ nhỏ, sớm được trả tự do, và anh còn cầu mong người ta chấm dứt bóc lột tài nguyên của người Tây Tạng nữa….
Đó chính là nguyện vọng và cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tự thiêu của người Tây Tạng được bùng lên từ năm 2008, sau khi những cuộc biểu tình của họ khắp vùng bị dập tắt trong bạo lực.
Để lý giải cho những hành động tuyệt vọng của người Tây Tạng, tác giả trích dẫn bài viết của ông Vương Lực Hùng, một trí thức Trung Quốc nghiên cứu về những vấn đề Tây Tạng. Từ năm 2000, ông đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh đối thoại với Đạt Lai Lạt ma. Ông cũng đã nhận thấy người Tây Tạng rơi vào tuyệt vọng bởi họ luôn cảm thấy bị tước đoạt mọi thứ, từ văn hóa, tôn giáo đến kinh tế. Học giả Vương Lực Hùng viết : « Nếu người Tây Tạng có được những phương cách cho phép bày tỏ sự bất bình một cách bình thường thì họ sẽ sử dụng. Năm 2008, họ đã xuống đường biểu tình, nhưng chính quyền Trung Quốc dẹp phong trào đó. Họ chuyển sang phản kháng cá nhân.Thế nhưng, một cá nhân kêu gào đơn lẻ với khẩu hiệu hay phân phát truyền đơn sẽ có tác dụng rất yếu và họ sẽ bị bắt ngay lập tức. Chỉ có cách tự thiêu thì những người đó mới tạo sự khác biệt và từ đó tự thiêu trở thành một hành động phản kháng có hiệu quả nhất ». Theo nhà nghiên cứu này thì giờ đây, mọi người Tây Tạng đã nhận thấy tác động của hành động tự thiêu và ngày càng có nhiều người tìm đến phương cách phản kháng này.
Để ngăn chặn làn sóng tự thiêu, chính quyền Bắc Kinh gần đây đã đưa ra những biện pháp trừng phạt mới hà khắc hơn đối với người tự thiêu cũng như người hỗ trợ hành động này. Tuy nhiên các biện pháp như vậy chỉ có tác dụng tạm thời.
Qua các làng mạc, thôn xóm ở tỉnh Cam Túc, nơi làn sóng đã rộ lên trong tháng trước, tác giả cảm thấy một không khí ngột ngạt của sự kiểm soát của các lực lượng an ninh ở khắp mọi nơi. Các camera theo dõi được đặt trong các khu phố chính của thị trấn và trước từng lối vào các ngôi chùa. Nhân viên an ninh chìm nổi rải khắp nơi.Tối đến sau 22 giờ là lệnh giới nghiêm, người Hán ra đường thì không sao, nhưng bất kỳ người Tây Tạng nào ra khỏi nhà là bị theo dõi, kiểm tra giấy tờ. Người dân trong vùng lân cận khu tự trị Tây Tạng rất khó đến được Lhassa vì mạng lưới kiểm tra kiểm soát gắt gao và phải có một đống giấy thông hành khác nhau do chính quyền cấp.
Đe dọa, theo dõi là những việc làm thường trực trong khắp các vùng có người Tây Tạng sinh sống, người ta có thể bị công an địa phương bắt đi bất cứ lúc nào và bất kỳ ở đâu. Nhưng những cố gắng của chính quyền vẫn không thể dập tắt làn sóng ngầm phản kháng của người Tây Tạng. Các vụ tự thiêu cũng như gia đình của người tự thiêu vẫn nhận được sự ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất của người dân trong vùng, trong đó có cả những người không phải dân Tây Tạng, thậm chí của cả một số công chức chính quyền.
Cuộc kháng chiến của người Tây Tạng đang ngày càng được ghi nhận là một cuộc đấu tranh vì tự do. Hành động tự thiêu của cá nhân là vì tự do cho mọi người khác.
Tunisia: Tài sản gia đình Ben Ali được đem đấu giá
Mục kinh tế của báo Libération hôm nay dành một bài viết đáng chú ý về cuộc triển lãm bán đấu giá khối tài sản xa hoa của gia đình cựu tổng thống độc tài Tunisia, Ben Ali, bị nhân dân vùng lên lật đổ trong cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập.
Hội chợ chưa từng có này bắt đầu từ hôm Chủ nhật (23/12) bày bán một phần trong số đồ dùng xa hoa của gia đình nhà Ben Ali vơ vét của nhân dân trong thời gian cai trị đất nước, bị chính quyền mới tịch thu.
Người ta thấy trong các mặt hàng được bày bán có từ hàng chục chiếc xe loại siêu sang với giá từ vài trăm nghìn đến cả hàng triệu đô la của các thành viên gia đình nhà Ben Ali, đến những vật dụng xa xỉ hàng ngày của vợ chồng con cái nhà Ben Ali như giầy, túi xách, đồng hồ, tranh tượng trang trí, thảm …. Đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số tài sản của nhà Ben Ali bị chính quyền mới tịch thu.
Dự kiến hội chợ bán đấu giá này sẽ thu về khoảng 10 triệu đô la. Số tiền này sẽ được xung vào ngân sách Nhà nước dành cho phát triển các vùng. Như vậy là sau 2 năm lật đổ ben Ali, người Tunisia bước đầu thu hồi lại những gì họ bị bóc lột trong chế độ độc tài.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121226-buc-tranh-kinh-te-am-dam-cua-kinh-te-va-nang-luc-cua-lanh-dao-viet-nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten