maandag 24 december 2012

Hình Ảnh Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Chủng Viện Simon Hòa Đalạt (1962-2012) ngày 12-12-2012

Hình Ảnh Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Chủng Viện Simon Hòa Đalạt
1962 - 2012
Ngày 12-12-2012
Hình: Nguyễn Hiệp, Gx Chính Tòa
Previous
Next



http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/MUCVU/2012/MV1212/11SimonHoa50Nam/50NamSMH.html



CHỦNG VIỆN MINH HÒA

50 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


1. Tiểu chủng viện Simon-Hòa (1962-1980)

Ngay sau ngày nhận Giáo phận Đàlạt vừa được thiết lập, Đức cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục tiên khởi Giáo phận, đã gửi thư đến công đồng Dân Chúa nói lên mối ưu tư “bảo đảm cho tương lai Giáo phận nhiều linh mục thánh thiện và đầy đủ khả năng làm việc tông đồ”. Vì chưa có cơ sở thiết lập tiểu chủng viện, nên số 44 tiểu chủng sinh ban đầu được gửi học tại Tiểu chủng viện Tân Thanh thuộc Giáo phận Thanh Hóa di cư, niên khóa 1961-1962.

Sang niên khóa 1962-1963, Giáo phận đã mượn nhà của ông bà Farrault tại Chi Lăng để bắt đầu sinh hoạt của một Tiểu chủng viện mang tên Simon-Hòa, một Chân phước (thời đó gọi là Á Thánh) giáo dân tử đạo, với 2 lớp đệ thất và đệ bát. Tại đây, cha Giuse Phạm Văn Trần được Đức Giám mục đặt làm Bề trên với Ban Giám đốc gồm các linh mục và thầy giúp xứ, có các nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Thiêm phục vụ. Các tiểu chủng sinh học tại nhà theo chương trình trung học và được cấp học bạ của Trường tư thục Trí Đức. Bên cạnh việc học, các chủng sinh còn được đào luyện về đạo đức phù hợp với đời sống theo Chúa, thêm các môn học cần thiết là la văn và sinh ngữ.

Sau khi được cấp đất xây dựng cơ sở, và sau hơn một năm thi công, ngày 23.02.1967, Tiểu chủng viện Simon Hòa chính thức khai giảng niên khóa 1966-1967 tại Đa Thiện, với 6 lớp : Giuse, Phanxicô Xaviê, Mẹ Vô Nhiễm, Kitô Vua, Têrêsa, Các thánh Tử đạo Việt Nam. Cha Luy Phạm Văn Nhượng làm Giám đốc thay cha Giuse đau bệnh nghỉ hưu. Niên khóa 1967-1968 có thêm lớp Ba Vua.

Niên khóa 1968-1969 khai giảng ngày 03.8.1968 với đầy đủ các lớp bậc trung học. Một dãy nhà xây được làm thêm để có chỗ cho 54 chủng sinh nhỏ nhất thuộc lớp 6 (Mông Triệu). Cha Phêrô Trần Bảo Thạch làm Giám đốc. Từ đây, Tiểu chủng viện chuẩn bị để thiết lập trường tư thục riêng mang tên Thụ Nhân. Niên khóa này được ghi nhớ đặc biệt với lễ mừng Bổn mạng trang trọng qua chương trình đồng diễn vào ngày 12.12. Tiểu chủng viện cũng có một ca đoàn mang tên Thông Reo. Cuối niên khóa, các chủng sinh lớp đầu tiên ra trường, được gửi học tại các đại chủng viện.

Vì không muốn có một năm dự bị đệ thất (đệ bát), nên từ niên khóa 1968-1969, hai lớp thứ năm (Têrêsa) và thứ sáu (Các thánh Tử đạo Việt Nam) được chuẩn bị để nhập chung khi bước vào đệ nhị cấp, lớp 10, trong niên khóa 1970-1971. Cũng từ niên khóa này, bên cạnh Tiểu chủng viện Simon-Hòa, còn có Chủng viện Đàlạt, mượn cơ sở của Biệt thự Thánh Tâm. Tại đây, các thầy bắt đầu chương trình Đại chủng viện với việc theo học Đại học Đà Lạt, để sau chu kỳ triết học, các thầy có thể lãnh bằng cử nhân.

Ngày 01.8.1971 khai giảng niên khóa 1971-1972, với cha Gioan B. Trần Thái Huân, Giám đốc thứ tư. Niên khóa 1972-1973 được ghi dấu bằng kỷ niệm 10 năm thành lập. Thêm vào số sinh hoạt của Tiểu chủng viện, có chương trình sinh hoạt hiệu đoàn, phối hợp những sinh hoạt của các phong trào Hùng tâm Dũng chí, Thiếu nhi Thánh Thể và Hướng đạo giúp cho các chủng sinh có những kỹ năng sinh hoạt căn bản khi đi giáo xứ; có chương trình giao lưu với các học viện và chủng iện khác trên Đà Lạt, chủ yếu qua các buổi tranh tài thể thao

Để đáp ứng nhu cầu của Chủng viện, một dãy nhà xây thứ hai, song song với dãy nhà xây năm 1968, được làm thêm. Cũng từng bước, chủng viện trang bị thêm cabin điện, sân basket, hồ nước. Chủng viện có các nữ tu thuộc hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm (Gò Vấp) đến phục vụ.

Bước vào niên khóa 1973-1974, Đức cha Simon-Hòa lâm trọng bệnh, và qua đời ngày 05.9.1973. Từ đây, các chủng sinh mất đi một người Cha và không còn một người khi đến thăm, huấn đức, thì ban phép cho các chủng sinh được “nghỉ tự do” một buổi… Dầu sao mối quan tâm và ước muốn của Đức cha Cố là các linh mục tương lai biết sống tinh thần đơn sơ, nghèo khó… vẫn luôn được gia đình Simon-Hòa ghi nhớ.

Tháng 3.1975 Giáo phận đón chào vị Chủ chăn mới sau một thời gian dài “trống tòa” (05.9.1973 – 19.3.1975). Nhưng liền sau đó, Tiểu chủng viện bước vào một giai đoạn mới : tại Đàlạt chỉ còn 2 lớp Giuse 2 và Phanxicô Xaviê 2, theo học chương trình trung học tại trường Trần Hưng Đạo. Để sinh sống, các chủng sinh phải chia nhau chăn nuôi hay làm vườn. Ở đây đất rộng người thưa, tương đối thuận lợi cho những công việc này. Cha Giuse Đinh Lập Liễm được đặt làm Giám đốc từ tháng 5.1975. Khoảng cuối năm 1978, cha Micae Trần Đình Quảng tiếp tục công việc của Giám đốc với 2 lớp đại chủng sinh. Riêng tại Bảo Lộc, các chủng sinh còn lại rất ít, được gửi tại nhà xứ Thanh Xuân do cha Luy Nguyễn Mạnh Trình phụ trách. Tại chủng viện, hai cô giúp việc cũng thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đến phục vụ, thay cho các nữ tu về Tòa Giám Mục.

2. Đại chủng viện Minh-Hòa (1972-1980)

Như đã nói trên, niên khóa 1968-1969 kết thúc với việc các “chú” lớp Giuse tốt nghiệp chương trình trung học và được gửi học các Đại chủng viện : có 6 thầy đi du học ngoại quốc, 2 thầy học ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt, và các thầy còn lại theo học Đại chủng viện Thánh Giuse Sàigòn.

Vì tại Đàlạt có Viện đại học công giáo, nên Đức cha Simon-Hòa đã quyết định cho các thầy cũng có thể theo học chương trình đại học, để thuận lợi hơn trong việc mục vụ, có thể đứng tên hiệu trưởng các trường tư thục khi đến phục vụ các giáo xứ sau này. Từ đây, khi mãn Tiểu chủng viện, các thầy tiếp tục ở lại Giáo phận để theo học Đại học và học một số môn tại Giáo hoàng Học viện. Ban đầu, trong khi chờ đợi có cơ sở thích hợp, các thầy sống tại Biệt thự Thánh Tâm dưới sự chăm sóc của cha Giuse Vũ Đình Tân từ tháng 8.1970 đến tháng 2.1972.

Sau khi ngôi nhà “Cư xá” trên đồi Mục Đồng, Đa Thiện, được xây dựng xong, vào giữa tháng 2.1972, các thầy lớp Phanxicô Xaviê và Mẹ Vô Nhiễm bắt đầu dọn về sống tại đây. Đây chính là Đại chủng viện Minh-Hòa của Giáo phận, nhưng vì lý do tế nhị, nên được gọi là “cư xá”. Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được đặt làm Giám đốc, có cha Phaolô Bùi Văn Đọc và cha Luy Phạm Văn Nhượng cộng tác, sau này có thêm cha Giuse Võ Đức Minh du học về. Tại đây, các thầy sẽ theo học 3 năm triết học, cộng với 1 năm đi giúp xứ, một thời gian 4 năm vừa đủ để hoàn tất chương trình cử nhân; sau đó bắt đầu học thần học tại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn.

Lớp Phanxicô Xaviê là lớp đầu tiên theo mô hình đào tạo tại Đại chủng viện mới này. Các thầy đi giúp xứ niên khóa 1973-1974, rồi niên khóa sau 1974-1975 học thần học tại Chủng viện Sàigòn.

Cũng như tại Tiểu chủng viện, ngày 20.3.1975 các thầy đại chủng viện được lệnh giải tán… Nhưng bước vào giai đoạn mới, sinh hoạt tại Đại chủng viện cũng thay đổi. Không còn quy tụ đông đảo tại Đàlạt, các thầy được chia về các trung tâm và giáo xứ. Tại Đàlạt, ngoài Cư xá Minh Hòa còn có thêm biệt thự số 3 Cộng Hòa (căn nhà của Đan viện Châu Sơn), cha Phaolô Bùi Văn Đọc được đặt làm Giám đốc Đại chủng viện ; các trung tâm : tại giáo xứ Thánh Tâm Lộc Phát cho các thầy lớp lớn do cha Gioan B. Trần Thái Huân phụ trách, tại Kitô Viện Lộc Thanh cho các thầy lớp nhỏ do cha Giuse Nguyễn Hữu Duyên phụ trách, tại giáo xứ An Hòa cho các thầy thuộc vùng Đức Trọng do cha Luy Phạm Văn Nhượng phụ trách. Vào đầu tháng 9, các thầy ở 3 Cộng Hòa và An Hòa được gọi về sống tại Minh Hòa. Dì Năm Hữu (Maria Nguyễn Thị Hữu) giúp việc nấu ăn hằng ngày.

Bắt đầu từ đây, sinh hoạt của Đại chủng viện được thích nghi với hoàn cảnh chung của đất nước. Không còn theo học đại học, các thầy tập trung vào các môn thuộc chương trình triết học và thần học, khi có giáo sư. Trong phần lớn thời gian, các thầy tham gia sinh hoạt chăn nuôi hay làm vườn… tại nhà hay tại các khu vườn ở Thánh Mẫu, Đa Thiện. Phải ghi nhận rằng tại Đàlạt, các thầy có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn để được đào sâu việc trí thức, như có nhiều cha giáo dòng triều sẵn sàng giúp…

Từ 1975-1980, trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, có hai biến cố được nhiều anh em sinh sống luôn ghi nhớ : việc Đức cha Bartôlômêô âm thầm phong chức linh mục ngày 25.01.1977 cho 6 cha trẻ lớp Phanxicô Xaviê I, và việc 17 anh em, trong đó có 5 anh em bên nhà Tiểu chủng viện, lên đường đi thanh niên xung phong trong Tuần Thánh 1978. Trong thời gian anh em đi thanh niên xung phong, anh em ở nhà được phân chia đi làm tại các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ.

Nhìn lại thời gian này, mọi người đều nhận ra bàn tay quan phòng yêu thương của Chúa đã luôn che chở giữ gìn, để dầu có vất vả, gian khổ … nhưng anh em sống với nhau rất chân thành. “Ơn của Thầy đủ cho con, vì sứ mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9). Cuối năm 1978, một số khá đông anh em, vì những lý do này khác, đã về gia đình… làm cho số chủng sinh giảm bớt đáng kể.

3. Chủng viện Minh-Hòa (22.4.1980 đến nay)

Bước vào năm 1980, nhiều cơ sở tôn giáo tại Đàlạt được bàn giao cho Nhà Nước quản lý, trong đó có hai Đại chủng viện là Giáo Hoàng Học Viện và Cư xá Minh Hòa.

Ngày 22.4.1980 các cha các thầy từ Cư xá Minh Hòa trở về lại mái trường Tiểu chủng viện. Từ đây nhà Simon-Hòa trở thành Chủng viện Minh-Hòa, với tổng số 28 người (8 cha, 20 thầy). Trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài các giờ phụng vụ và đạo đức, anh em lao động buổi sáng tại nhà, buổi chiều có giờ lớp hoặc làm việc riêng. Cũng như bên Cư xá Minh Hòa, việc học có nhiều thuận lợi. Đặc biệt Chủng viện có hai thư viện khá lớn: thư viện của Giáo Hoàng Học Viện, với khoảng 50.000 đầu sách, và thư viện của Chủng viện. Về việc linh hướng, hằng tuần có cha Phi-Khanh Vương Đình Khởi dòng Phanxicô, từ tu viện tại Đàlạt, đến giúp anh em.

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, cơ sở Chủng viện được sửa chữa thêm. Đây là lần đại tu thứ hai sau năm 1975. Sau này, từ năm 2004, còn có một lần đại tu nữa cho phù hợp với điều kiện sống mới và để chuẩn bị mừng 50 năm. Tuy được sửa chữa, nhưng nhìn đại cương, cơ sở Chủng viện vẫn duy trì những nét cũ.

Đáng ghi nhớ trong thời gian này là lễ mừng Ngân khánh linh mục của Đức cha Bartôlômêô (29.6.1982). Trước lễ mừng là tuần tĩnh tâm linh mục Giáo phận được tổ chức lần đầu tiên tại Chủng viện. Anh em trong nhà có một chương trình văn nghệ nhỏ nhưng rất cảm động. Bài ca “Linh mục, đầy tớ vô dụng” lần đầu tiên được hát lên cùng với tập sách nhỏ “Mầu nhiệm Linh mục”, được in ronéo, gồm những bài nghiên cứu và suy tư thần học về chức linh mục, là “hoa quả của tình yêu dành cho Đấng Chủ Chăn vô hình là Chúa Kitô và Người chủ chăn hữu hình là Đức Giám mục”.

Trung tuần tháng 3.1983 cụ Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Vát (Bát), người vẫn ở Chủng viện từ trước năm 1975, được Chúa gọi về. Lần đầu chủng viện có tang lễ. Và để tỏ lòng biết ơn những người đã ngày đêm phục vụ Nhà Chúa, Đức cha Bartôlômêô đã chủ sự lễ an táng cho cụ tại nhà thờ giáo xứ Thánh Mẫu Đàlạt.

Sinh hoạt tại Chủng viện tiếp tục bình thường cho đến tháng 8.1985 khi có đợt xét duyệt lý lịch: một số anh em được đề nghị trở về gia đình. Ngôi nhà dần dần bớt người, khi các cha được Nhà Nước công nhận, lần lượt đi làm việc mục vụ trong các giáo xứ, và các thầy già đi giúp xứ.

Đầu năm 1987, Đại Chủng viện thánh Giuse Sàigòn mở cửa đón nhận các thầy thuộc Tổng giáo phận Sàigòn, Mỹ Tho, Phú Cường, Phan Thiết, Xuân Lộc và Đà Lạt. Số thầy được chấp thuận gửi đi theo học chưa nhiều nhưng cũng mở ra một giai đoạn mới. Cũng năm này, sau một thời gian dài không được phép, vào tháng 8.1987, có hai lễ phong chức linh mục được chính thức tổ chức tại Đà Lạt và Bảo Lộc, làm cho các thầy còn lại cảm thấy một tương lai tốt đẹp hơn đang hé mở.

Để có những người tiếp nối các thầy đã đi tu từ trước năm 1975, thì vào cuối thập niên 80, Chủng viện bắt đầu nhận những em mới. Những em này, từ các giáo xứ hoặc đang theo học Đại học, được các gha giới thiệu, đến tập tu tại chủng viện một thời gian lâu hay mau tùy điều kiện và hoàn cảnh.

Một sinh hoạt khác được chủng viện quan tâm đáp ứng: từng người hay từng nhóm muốn tìm một “bầu khí thinh lặng” để làm việc trí thức hay tĩnh tâm. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ hay nhóm các cha thuộc Ủy ban Giám mục về Phụng Vụ, mỗi nhóm đã có mấy tuần làm việc tại Chủng viện.

Từ 1990 nhà nguyện Chủng viện được chọn làm nơi cử hành lễ phong chức phó tế khi có các ứng viên.

Từ năm 1992 việc nấu ăn hằng ngày được trao cho các chị thuộc Tu hội Tận hiến ICM, thay cho dì Năm đã cao niên.

Ngày 22.4.1994 Tòa Thánh loan tin Đức cha Bartôlômêô được bổ nhiệm làm Giám mục Thanh Hóa và Đức cha phó Phêrô kế vị. Trước khi lên đường nhận Giáo phận, ngày 31.5 Đức cha đã đến Chủng viện chia sẻ niềm vui tạ ơn của hai cha Giuse Trần Văn Chiến và Đaminh Nguyễn Văn Mạnh vừa mới được thụ phong. Tại đây, ngài nhắn nhủ anh em hãy giữ lấy truyền thống của Minh Hòa, nơi “toát ra một bầu khí đạo đức, hiếu khách và hiếu học”.

Khi Đức cha Phêrô chính thức coi sóc Giáo phận, cha Giám đốc Phaolô được chọn làm Tổng đại diện. Ngày 28.5.1996, Đức cha đặt cha Micae Trần Đình Quảng làm Giám đốc để cha Tổng đại diện có thể về sống tại Tòa Giám mục. Cộng tác với cha Giám đốc mới, ngoài cha Gioan B. Trần Quang Truyền và cha Giuse Giuse Trần Ngọc Liên, lần lượt có các cha Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm, Giuse Lê Anh Tuấn, Đaminh Nguyễn Quốc Việt.

Khóa đầu tiên thuộc “thế hệ mới” ra trường vào tháng 9.1993 đã hình thành tiến trình đào tạo tiền-chủng-viện mới. Bước đầu các ứng sinh được giới thiệu đến Chủng viện để tìm hiểu. Các em có thể tiếp tục theo học cao đẳng hay đại học, trong khi đó vẫn đến Chủng viện sinh hoạt vào các buổi sáng chúa nhật và tĩnh tâm tháng. Vào năm lẻ, Chủng viện tổ chức thi tuyển với số được chọn từ 15 đến 20 người. Các em trúng tuyển sẽ vào sinh sống hai năm tại Chủng viện. Ngoài các giờ đạo đức và thiêng liêng, hằng ngày các em có giờ lao động và học tập về Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, Dẫn vào Kinh Thánh, sinh ngữ, cổ ngữ, nhân bản và tu đức… chuẩn bị cho chương trình đại chủng viện.

Kết thúc thời gian đào tạo 2 năm, các chú được mặc áo soutane để thành chủng sinh của Giáo phận, và được sai đi giúp xứ trước khi được gửi học Đại chủng viện liên giáo phận, trước đây là Sàigòn, nay là Xuân Lộc, không kể một số được gửi đi học khóa bổ túc tại chủng viện Sao Biển Nha Trang. Từ năm tới, sau hai năm đào tạo, một nửa số các em được gửi đi học Đại chủng viện, nửa còn lại sẽ học thêm tai Mninh Hòa, chờ đến lượt.

Đã có 10 khóa tốt nghiệp :

1. Tôma Thiện (1989-1993)

2. Emmanuel Lê Văn Phụng (1993-1995)

3. Philipphê Minh (1995-1997)

4. Anrê Phú Yên (1997-1999)

5. Phaolô Lê Bảo Tịnh (1999-2001)

6. Phêrô Khanh (2001-2003)

7. Micae Nguyễn Huy Mỹ (2003-2005)

8. Anrê Nguyễn Kim Thông (2005-2007)

9. Phêrô Đoàn Công Quý (2007-2009)

10. Anrê Trần An Dũng-Lạc (2009-2011)

Hiện chủng viện đang đào tạo khóa XI với 19 em.
http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/MUCVU/2012/MV1212/13HinhThanhPhatTrien.htm

Geen opmerkingen:

Een reactie posten