zondag 30 december 2012

Ðiểm sáng Ðông Á

Ðiểm sáng Ðông Á Wednesday, December 26, 2012 4:55:54 PM
Hùng Tâm/Người Việt

Trong sự ảm đạm chung của kinh tế toàn cầu, năm 2013 sẽ thấy khu vực Ðông Á khởi sắc. Nhưng tại Ðông Á, kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc cũng có vấn đề. “Hồ Sơ Người Việt” trình bày bức tranh toàn cảnh này theo báo cáo mới nhất của Ngân Hàng Thế Giới.

Phân định lằn ranh

Hôm 19 vừa qua, Ngân Hàng Thế Giới công bố phúc trình cập nhật hóa về tình hình kinh tế của khu vực Ðông Á Thái Bình Dương, được họ gọi tắt là EAP. Trước hết ta nói đến cách xếp loại.
Trong khu vực Ðông Á Thái Bình Dương, định chế tài chánh quốc tế chuyên về yểm trợ các nền kinh tế nghèo hay đang phát triển không phân tích tình hình kinh tế Nhật Bản, vốn thuộc loại đã phát triển của các nước công nghiệp hóa, như Hoa Kỳ và đa số quốc gia Âu Châu, hoặc Canada, Úc, Tân Tây Lan (New Zealand). Ngân Hàng Thế Giới cũng không nhắc đến các nền kinh tế đang lên (hay “tân hưng,” mới nổi), như trường hợp Nam Hàn, Ðài Loan, Hong Kong hay Singapore. Nhóm quốc gia tiên tiến đó được gọi chung là “có lợi tức cao,” để phân biệt với nhóm “đang phát triển,” là trọng tâm của công trình nghiên cứu.
Khu vực này gồm có 14 nền kinh tế đang phát triển là Trung Quốc, Indonesia (Nam Dương), Malaysia (Mã Lai Á), Philippines (Phi Luật Tân), Thái Lan, Việt Nam, Căm Bốt, Lào, Mông Cổ (Mongolia), Miến Ðiện (Myanmar hay Burma), Fiji, Papua New Guinea, Solomon Island và Timor-Leste. Bốn nước sau cùng là loại quốc gia hải đảo rất nhỏ và nghèo của Thái Bình Dương nên ít được chú ý. Trong nhóm 14 quốc gia đang phát triển, Ngân Hàng Thế Giới cũng xếp riêng 13 nước gọi là “Ðông Á ngoài Trung Quốc.”
Giới đầu tư quốc tế thì phân biệt hơi khác. Họ gọi chung là “Ðông Á ngoài Nhật Bản” để nhấn mạnh đến vị trí của nước Nhật ở một bên và bên kia là tất cả các quốc gia còn lại, kể cả Trung Quốc. Nhưng mà vì sao “Hồ Sơ Người Việt” phải mất công nói về định nghĩa như vậy?
Câu trả lời là để độc giả chúng ta chú ý đến vị trí của Trung Quốc. Xứ này có sản lượng kinh tế hạng nhì thế giới và còn được dự đoán là sẽ vượt Hoa Kỳ, nhưng thực chất chỉ là một xứ đang phát triển và còn đòi Ngân Hàng Thế Giới viện trợ! Chi tiết ly kỳ khác là đến giữa năm ngoái, nhân vật số hai của định chế này (kinh tế trưởng kiêm phó chủ tịch) một kinh tế gia Bắc Kinh được đào tạo tại Mỹ, là sĩ quan từ Ðài Loan đào thoát vào Hoa Lục năm 1979, đó là Lâm Nghị Phu hay Justin Yifu Lin....
Bây giờ mình mới trở lại chuyện kinh tế Ðông Á...

Một vòng chân trời

Hoàn cảnh kinh tế của thế giới là thế nào trong năm 2012?
Trong năm nay, toàn cầu chỉ đạt mức tăng trưởng là 2.3%, gồm có 1.6% của các nước có lợi tức cao (đã phát triển) và 5.1% của các nước đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng của riêng Ðông Á là 5.8%, trong đó có 7.5% của nhóm đang phát triển. Không kể Trung Quốc thì, nhóm đang phát triển tại Ðông Á có đà tăng trưởng trung bình là 5.8%, trong đó có Việt Nam là 5.2% như Ngân Hàng Thế Giới dự báo và Tổng Cục Thống Kê của Hà Nội công bố hồi đầu tuần.
Trên toàn cảnh thì trong năm 2012 sắp chấm dứt, các nền kinh tế đang phát triển của Ðông Á tương đối vẫn khá hơn cả, với tốc độ tăng trưởng trung bình được dự đoán ở khoảng 7.5%, dù có thấp hơn mức 8.3% của năm ngoái (2011) thì vẫn dẫn đầu thế giới. Qua năm tới thì đà tăng trưởng được dự đoán ở khoảng 7.9%, dù có cao hơn cả thì vẫn thấp hơn tốc độ 9.3% và 8.3% của hai năm trước. Nghĩa là kinh tế toàn cầu có bị đình trệ nhưng các nước đang phát triển của Ðông Á vẫn chống đỡ khả quan hơn cả.
Ðếm theo cách khác thì Ðông Á góp sức đến 40% cho đà tăng trưởng của toàn cầu. Mỗi khi kinh tế thế giới mà tăng được thí dụ như 5% một năm thì 2% là nhờ Ðông Á, 3% là nhờ nơi khác. Ðộng lực chính là sức mua của thị trường nội địa khi số cầu của thế giới qua xuất cảng đã giảm mạnh.
Nhìn lại năm 2012 thì sự sút giảm tương đối của Ðông Á, từ 8.3% xuống 7.5% xuất phát từ hai lẽ. Kinh tế toàn cầu bị co cụm là một lẽ, lý do thứ hai là kinh tế Trung Quốc với dân số lớn nhất thế giới cũng giảm đà tăng trưởng, mất 1.4% so với năm 2011 nên chỉ còn có 7.9%. Giới kinh tế nhấn mạnh rằng mức 7.9% này là tốc độ thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1999. Có phải là một ngẫu nhiên hay không khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như vừa công bố hôm Thứ Ba cũng là thấp nhất kể từ năm 1999?
Nếu không kể Trung Quốc đang có triệu chứng sa sút, năm nay kinh tế đang phát triển của Ðông Á tăng được 5.6%, cao hơn năm ngoái là 4.4% là nhờ sức kéo của kinh tế Thái Lan và Philippines, dù có bị giảm vì kinh tế Indonesia và Việt Nam. Nói cách khác, cùng với Trung Quốc và Indonesia, kinh tế Việt Nam có làm Ðông Á bị chậm lại...

Viễn ảnh 2013

Bước sang năm 2013, tình hình Ðông Á sẽ ra sao qua dự phóng của Ngân Hàng Thế Giới?
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu sẽ khá hơn chút đỉnh, với tốc độ tăng trưởng từ 2.3 nhích lên 2.4% và nâng số cầu về xuất cảng. Thứ nhì, là số cầu của thị trường nội địa Ðông Á tiếp tục tăng và xứ nào có tỷ trọng cao nhất của số cầu nội địa thì sẽ đạt mức tăng trưởng sản xuất cao nhất. Thứ ba là tại Ðông Á, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ khá hơn chút đỉnh nhờ các biện pháp kích cầu, bơm tiền và đầu tư mạnh vào các dự án lớn. Nhưng riêng về Trung Quốc thì Ngân Hàng Thế Giới dự báo sự giảm sút trong lâu dài vì năng suất suy sụp và dân số lao động hết còn dồi dào như xưa. Chi tiết ấy rất đáng chú ý.
Cũng nhìn trong trường kỳ, người ta còn thấy một khuynh hướng chung là khu vực dịch vụ đã góp phần tăng trưởng nhiều hơn xưa, và nhiều hơn khu vực chế biến kỹ nghệ. Lý do giải thích trào lưu này gồm có hai phần. Thứ nhất là vì số cầu của thị trường nội địa: người ta cần dịch vụ ở tại địa phương chứ không nhập cảng. Thứ hai và quan trọng nhất là sự thành hình của một tầng lớp trung lưu có sức mua sắm cao hơn. Nói chung, dịch vụ xưa nay vẫn là khu vực có mức đóng góp ít nên dễ chiếm tỷ trọng cao hơn trong tương lai, để trở thành một đầu máy tăng trưởng của Ðông Á, thay cho đầu máy xuất cảng.
Nhìn như vậy thì trong các nền kinh tế Ðông Á, khu vực dịch vụ sẽ còn tăng, và ai kinh doanh trong khu vực này sẽ dễ thành công hơn, với điều kiện là quốc gia phải có nền giáo dục và đào tạo thích hợp. Trường hợp của Việt Nam là một vấn đề.
Một vấn đề khác là khả năng quản trị kinh tế quốc dân (hay “quản lý vĩ mô” như cách nói của người Việt trong nước). Các nước Ðông Á đều học được kinh nghiệm của vụ khủng hoảng tài chánh và kinh tế năm 1997-1998 nên cố gắng duy trì sức mạnh và sự quân bình của kinh tế quốc dân cùng khả năng điều tiết kinh tế của bộ máy nhà nước. Nhờ vậy, các nước đã và sẽ có thể ứng phó khá hơn với những biến động ngoại nhập, như khủng hoảng của khối Euro hay bờ vực ngân sách của Hoa Kỳ hoặc sự đột ngột sút giảm đầu tư tại Trung Quốc.
Nhưng trong khối Ðông Á này, Việt Nam được chú ý như quốc gia có khả năng quản lý vĩ mô tệ hại nhất.

Những rủi ro trước mắt

Trong bản phúc trình cập nhật hóa về Ðông Á, Ngân Hàng Thế Giới cũng nhậm định về các rủi ro cho năm nay.
Trước hết là rủi ro từ khối Euro. Mặc dù tình hình tài chánh toàn cầu có được cải thiện kể từ tháng 7 năm nay, khối tiền tệ thống nhất Âu Châu của 17 nước dùng chung đồng Euro vẫn còn nhiều bất ổn và đòi hỏi sự cảnh giác để tiếp tục cải cách cơ chế và ngân sách. Nếu việc cải cách bị trở ngại, các nước sẽ lãnh hậu quả bất lợi là tăng trưởng thấp, thị trường mất niềm tin và khủng hoảng hối đoái lại tái phát. Trong giả thuyết ấy, Ðông Á sẽ bị ảnh hưởng là sụt đà tăng trưởng mất ít ra một điểm bách phân, thí dụ như từ 5.7% thì chỉ còn 4.7%, vì xuất cảng co cụm, gặp hoàn cảnh khe khắt hơn về đầu tư (nhận được đầu tư ít hơn từ các nước công nghiệp hóa) làm người dân sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn.
Thứ hai là rủi ro từ bờ vực ngân sách của Hoa Kỳ. Dù bản chất của vấn đề chi thu này của Mỹ có thể không phức tạp bằng vấn đề của khối Euro (là một tập thể của 17 nước đã thống nhất về tiền tệ mà chưa thống nhất về chính sách và chính trị), nếu lãnh đạo nước Mỹ không giải quyết nổi qua luật lệ mới của Quốc Hội, kinh tế toàn cầu sẽ bị hậu quả tai hại. Lý do là nước Mỹ sẽ giảm chi và tăng thuế ở mức độ 5% của Tổng sản lượng Nội địa GDP và kinh tế Mỹ sẽ bị suy trầm nặng trong năm nay. Hậu quả là Ðông Á có thể mất một điểm bách phân trong đà tăng trưởng.
Một rủi ro thứ ba là trường hợp trái ngược, khi các nước Ðông Á không hấp thụ nổi một lượng tư bản đầu tư quá lớn trong những dự án có năng suất cao của họ. “Hồ Sơ Người Việt” phải trình bày sự thể rắc rối này cho độc giả như sau.
Trong hoàn cảnh đình trệ chung của toàn cầu, các dự án đầu tư có giá trị của Ðông Á trở thành cơ hội hấp dẫn cho luồng tư bản quốc tế, của các chủ đầu tư hay chủ nợ. Nếu họ ào ạt trút tiền vào Ðông Á để kiếm lời thì dễ làm kinh tế móng máy, gây ra lạm phát. Khi ấy xứ nào mà có bộ máy quản lý kém, hệ thống tài chánh ngân hàng bấp bênh, có mức tín dụng quá cao so với sản lượng, thì sẽ bị tai họa nặng nhất. Trường hợp yếu kém của Việt Nam lại trở thành một ám ảnh.
Tuy nhiên người ta còn phải để ý đến một kịch bản khác. Tư bản tràn vào như thủy triều có thể nhậm chìm nhiều quốc gia hay cơ sở èo uột. Nhưng nếu luồng tư bản này lại rút chạy, như hiện tượng đã xảy ra năm 1998 sau vụ khủng hoảng hối đoái năm 1997, thì Ðông Á sẽ chết ngộp! Nghĩa là các nước phải có khả năng điều tiết với chừng mực để tránh cả hai loại rủi ro úng thủy và hạn hán!
Rủi ro thứ tư là những đột biến tại Trung Quốc. Xứ này phải giảm đà tăng trưởng để cải tổ cơ chế kinh tế nhưng vẫn sợ nạn suy trầm nên đã lại bơm tiền kích thích và thực hiện hàng loạt dự án có quy mô lớn. Vì vậy, kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn và đẩy lui kịch bản “hạ cánh nặng nề,” hay hard landing. Nhưng không hẳn vì vậy mà các nước Ðông Á có thể tin vào sức tăng trưởng cao hơn của Trung Quốc nên vẫn phải canh chừng.
Sau cùng là những biến động trên thị trường thương phẩm hay “commodity.”
Thương phẩm là loại nguyên nhiên vật liệu và kim loại hay nông sản được mua bán dưới dạng gọi là “để xá,” hay bulk, thí dụ như dầu thô, ngũ cốc. Ðông Á có các nước bán thương phẩm và cũng có nước thiếu loại tài nguyên đó mà phải nhập cảng từ bên ngoài. Thí dụ như Việt Nam hay Thái Lan thì bán gạo, Malaysia bán dầu, nhưng lệ thuộc nhiều nhất vào việc xuất cảng thương phẩm (đến 80% của số xuất cảng) là Mông Cổ, Lào hay Papua New Guinea... Các nước kia nói chung thì phải nhập. Nếu kinh tế toàn cầu bị suy trầm vì hiệu ứng Âu-Mỹ là hai rủi ro trên cùng vừa nói thì các nước sống về xuất cảng thương phẩm sẽ mất nguồn lợi và bị rủi ro lớn. Ngược lại, nếu tình hình khả quan thì giá thương phẩm sẽ tăng vọt và gây rủi ro lạm phát cho các nước nhập cảng thương phẩm!

Kết luận ở đây là gì?

Kinh tế thế giới vẫn đang ở vào giai đoạn ngặt nghèo, và Ðông Á ở vùng tranh tối tranh sáng, sáng nhiều hơn tối. Trong không gian nhá nhem ấy, Việt Nam lại bị tối nhiều hơn sáng!
Trong sáu nước đông dân nhất của khu vực này (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam) thì Việt Nam bị nhiều rủi ro hơn cả. Bốn rủi ro tới mức báo động của Việt Nam là lạm phát, hối đoái (dự trữ ngoại tệ so với số nhập cảng), ngân sách và đà gia tăng tín dụng. Ðáng chú ý nhất là nhận xét của Giáo Sư Jonathan London của một đại học ở Hong Kong được đài BBC tường thuật, rằng lãnh đạo Việt Nam đang gặp hoàn cảnh “hơi chết đứng.” Trong khi đó, giới tiểu doanh thương tại Việt Nam thì nói đến tình trạng “chết lâm sàng” - comatose.
Dù có vui về Tết nhất, chúng ta nên theo dõi chuyện này...
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=159602&zoneid=403

Geen opmerkingen:

Een reactie posten