maandag 24 december 2012

10 sự kiện thể thao năm 2012

10 sự kiện thể thao năm 2012


Cùng với các sự kiện Olympic London, EURO, AFF Cup, những cái tên Messi, Lance Armstrong, Nguyễn Anh Khôi, Chelsea, Tây Ban Nha đã gây ấn tượng mạnh trong giới thể thao năm qua.

Việt Nam giành quyền đăng cai Asiad trong sự lo lắng của người hâm mộ
Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 2019 với mức kinh phí được coi là tiết kiệm: 150 triệu USD, không kể kinh phí xây dựng một số công trình thể thao mới như sân đua xe đạp lòng chảo, hai nhà thi đấu đa năng ở Mỹ Đình, Hà Nội. Những công trình còn lại như cụm sân đua ngựa, hockey, tennis ở khu thể thao Hà Nội đặt tại Đông Anh, làng VĐV... một phần sử dụng kinh phí tổ chức, một phần kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa.
asiad-jpg-1356317040_500x0.jpg
Sự kiện này nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Bên cạnh sự e ngại vì đấu trường ASIAD quá lớn, thể thao Việt Nam chưa đủ tầm, thường thi đấu trầy trật, thì nỗi lo lớn nhất là kinh phí. Làm chủ nhà một kỳ Đại hội thể thao lớn và quan trọng nhất của châu lục đòi hỏi trình độ tổ chức, nhân lực và kinh phí tốn kém. Nhiều người cho rằng việc Việt Nam xin đăng cai ASIAD 2019 khi chưa hết khủng hoảng kinh tế là một quyết định lãng phí.
Xem thêm về ASIAD 2019
Với 25 kỷ lục thế giới, Olympic London là một trong những kỳ đại hội có nhiều cột mốc bị xô đổ nhất, ở môn điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn súng, bắn cung, đua xe đạp lòng chảo… Đây cũng là kỳ Olympic chứng kiến sự tỏa sáng của các huyền thoại: VĐV vĩ đại nhất Olympic Michael Phelps giành tấm huy chương thứ 28. "Tia chớp" Usain Bolt cùng đội phá kỷ lục thế giới chạy tiếp sức 4x100m nam, bảo vệ thành công trọn bộ 3 HC vàng 100m, 200m, 4x100m.
VĐV Việt Nam tại Olympic London.
VĐV Việt Nam tại Olympic London.
Đoàn thể thao Việt Nam tới Anh đông kỷ lục với 18 VĐV ở các môn thể dục dụng cụ, bắn súng, judo, vật, taekwondo, điền kinh, cầu lông, rowing, đấu kiếm, cử tạ, bơi lội. Cả về phong độ lẫn thành tích cá nhân, nhiều VĐV đánh mất mình, thậm chí kém xa chính họ trong tập luyện. Số lượng nhiều nhưng phải trắng tay rời cuộc chơi phản ánh rõ chất lượng của VĐV Việt Nam và chiến lược đầu tư có vấn đề của ngành thể thao, khi từ lâu vốn coi may mắn là yếu tố quan trọng để có huy chương Olympic.
Phan Thị Hà Thanh giành HC vàng thể dục châu Á
Sau khi cùng đồng đội Phạm Phước Hưng, Đỗ Ngân Thương tham dự Olympic 2012, Phan Thị Hà Thanh - tiếp tục tạo dấu ấn bằng huy chương vàng đầu tiên của Việt Nam tại giải vô địch châu Á diễn ra tại Phúc Kiến, Trung Quốc hồi tháng 11.
Hà Thanh lập hat-trick huy chương vàng thể dục cho Việt Nam trong năm 2012.
Hà Thanh lập hat-trick huy chương vàng thể dục cho Việt Nam trong năm 2012.
Ở nội dung nhảy chống sở trường, cú nhảy santo 2 vòng đạt 14.700 điểm của Hà Thanh đã giúp cô vượt qua các đối thủ rất mạnh của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản... Đây là tấm huy chương có ý nghĩa chuyên môn lớn nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2012.
Sau thành tích đột phá bất ngờ này, Hà Thanh còn hai lần chiến thắng nội dung nhảy chống ở giải Challenge Cup và Toyota Cup - hai giải đấu quốc tế thu hút những ngôi sao của thế giới tham dự trong những ngày cuối năm.
Xem thêm Hà Thanh lập kỳ tích thể dục dụng cụ
Khi kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm không duy trì được phong độ ấn tượng như năm 2011, làng cờ nổi lên điểm sáng bất ngờ: Chức vô địch thế giới nhóm tuổi U10 do kỳ thủ nhí Nguyễn Anh Khôi giành được tháng 11 tại Slovenia. Thắng lợi này khép lại 4 năm cờ vua Việt Nam trắng "vàng" trên đấu trường thế giới, và là chức vô địch U10 thứ hai (sau Nguyễn Ngọc Trường Sơn 12 năm trước).
Anh Khôi toàn thắng cả 11 ván trước nhiều đối thủ được đánh giá cao hơn hẳn. Đây là một kỷ lục thắng tuyệt đối chưa từng có của bất kỳ nhà vô địch U10 thế giới nào. Bài giới thiệu về chiến công của Khôi trên trang thông tin chính thức của giải đấu viết: “Rồi chúng ta sẽ phải nhớ đến cậu bé này”.
khoi-jpg-1356060624_500x0.jpg
Kỳ thủ nhí Anh Khôi.
HLV Lâm Minh Châu - HLV trưởng đội tuyển cờ vua quốc gia Việt Nam nhận xét: “Anh Khôi là một kỳ thủ sở hữu tố chất của một nhà vô địch, điều rất hiếm gặp. Nếu có sự đầu tư và phối hợp tốt của các cơ quan chuyên môn và gia đình, Anh Khôi hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa”.
Sau những phát biểu hoành tráng của bầu Kiên và sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF, giới hâm mộ bóng đá trong nước hân hoan chờ đón một mùa giải mới hứa hẹn nhiều thay đổi cách mạng. Ít ai ngờ đây là đỉnh cao của các giải đấu quốc nội trước khi quả bóng bắt đầu xì hơi.
bau-Kien-jpg-1356326172_500x0.jpg
Bầu Kiên - người một thời là nhân vật chủ chốt khởi xướng các thay đổi cho giải bóng đá đỉnh cao của Việt Nam.
VPF không để lại nhiều ấn tượng, ngoài vụ tranh chấp ồn ào bản quyền truyền hình các giải đấu trong nước. Mùa giải V-League 2012 kết thúc với những dư âm không hay. Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thấm vào bóng đá. Hàng loạt ông bầu chia tay đội bóng: Bầu Kiên bị bắt. Bầu Thọ biệt tăm biệt tích trước khi bán tống Navibank Sài Gòn. Bầu Hiển lấy cớ không muốn mang tiếng một ông chủ hai đội bóng, quyết định thoái vốn khỏi bóng đá. Bầu Trường "thất vọng" vì cách hành xử của cầu thủ. Bầu Tiến Anh lặng lẽ bán lại CLB Khánh Hòa. Bầu Thụy nhường lại cuộc chơi cho em trai.
V-League 2013 bị thu hẹp từ 14 xuống 12 đội. Giải hạng nhất chỉ có 8 đội so với con số 14 của mùa trước. Các cầu thủ không còn cơ hội chơi bóng, giá trị cầu thủ từng có lúc được bơm lên phi lý, nay lao dốc không phanh. Nhiều cầu thủ rơi vào cảnh thất nghiệp phải tìm đường mưu sinh khác.
Nền bóng đá rơi vào thời kỳ đen tối rối ren.
Khi các giải đấu quốc nội đi xuống, người hâm mộ đặt chút hy vọng còn lại vào đội tuyển, mong chờ một điều thần kỳ ở AFF Cup. Dưới sự dẫn dắt của ông Phan Thanh Hùng, HLV nội tài năng bậc nhất hiện tại, tuyển Việt Nam được đầu tư kỹ càng với các đợt tập trung rèn thể lực và thi đấu giao hữu trước thềm giải đấu.
Tuy nhiên, trong cả ba trận đấu vòng bảng diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), thầy trò HLV Phan Thanh Hùng thể hiện phong độ phập phù, lối chơi cứng nhắc và tinh thần bạc nhược chưa từng có trong lịch sử. Việt Nam vất vả hòa 1-1 Myanmar sau trận thủy chiến, thua Philippines 0-1 ở cuộc chiến quyết định trước khi cúi mặt rời giải đấu với thất bại 1-3 trước chủ nhà Thái Lan.
vn-jpg-1356060793_500x0.jpg
Tuyển bóng đá nam Việt Nam gây thất vọng lớn ở AFF Cup.
Thất bại phơi bày hàng loạt bất cập: Quy trình quản lý đội tuyển quốc gia của VFF có vấn đề, tuyển thủ bị thương mại hóa không có động lực màu cờ sắc áo, chất lượng chuyên môn của nền bóng đá đi xuống. Nhưng kết cục, chỉ HLV Phan Thanh Hùng phải từ chức.
Tây Ban Nha giữ vững ngôi vương Euro 2012
Chiến thắng đậm 4-0 trước Italy ở chung kết ở Kiev giúp Tây Ban Nha trở thành đội tuyển đầu tiên trong lịch sử bóng đá thế giới vô địch ba giải đấu lớn liên tiếp. Trước Euro 2012, họ đã lên ngôi ở Euro 2008 và World Cup 2010.
spain-the-champ-jpg-1356326172_500x0.jpg
Tây Ban Nha - nhà vô địch thế giới và châu Âu.
Thành công vang dội này là thành quả từ sự kiên định với triết lý bóng đá tiqui-taca vốn được áp dụng nhiều năm trước, cùng sự ổn định và tính kế thừa cao của cả nền bóng đá Tây Ban Nha. Bên cạnh bộ khung trụ cột cũ vẫn giữ phong độ đỉnh cao như Casillas, Ramos, Alonso, Xavi, Iniesta… là sự bổ sung các tài năng mới như Jordi Alba. Những nhân tố ít được trọng dụng trước đây như Arbeloa, Fabregas cũng được trao cơ hội và có ảnh hưởng lớn trong đội.
Chức vô địch Euro 2012 ghi nhận dấu ấn chuyên môn của HLV Vincente Del Bosque. Do Villa vắng mặt, Torres sa sút, Bosque áp dụng sơ đồ 4-6-0 với một tiền vệ, thường là Fabregas, được đẩy lên cao đá như một tiền đạo ảo. Trong trận chung kết, hai tiền đạo ảo Fabregas và Silva đã phối hợp ghi bàn mở tỷ số, tạo tiền đề thuận lợi và mở toang cánh cửa chiến thắng cho Tây Ban Nha.
Không sở hữu những danh hiệu lớn trong năm 2012, nhưng Messi khiến cả thế giới túc cầu ngả mũ kính phục bởi thành tích ghi bàn cá nhân chỉ có thể gói gọn trong hai từ "khủng khiếp".
Messi-Mueller-jpg-1356326172_500x0.jpg
Nhiều năm qua, Messi và kình địch Ronaldo thường xuyên ghi hơn 40 bàn thắng một mùa dù chơi tại giải đấu quốc nội được xếp hạng cao nhất của châu Âu, La Liga. Năm 2012, chân sút thuộc biên chế Barcelona đã có tới 91 bàn thắng chỉ trong một năm qua. Anh giành danh hiệu vua phá lưới La Liga mùa 2011-2012, đoạt luôn chiếc giày vàng châu Âu.
Thành tích của Messi phá sâu kỷ lục 85 bàn mà huyền thoại Gerd Mueller lập được hồi năm 1972, giúp anh bước vào ngôi đền lịch sử bóng đá thế giới ở tuổi 25. Nhờ thành tích ghi bàn cùng phong độ cao trong thời gian dài, Messi một lần nữa được đề cử cho Quả bóng vàng FIFA. Anh được nhiều chuyên gia đánh giá cao cho cơ hội lần thứ tư đoạt ngôi cầu thủ xuất sắc nhất thế giới này.
Chelsea - nhà vô địch châu Âu gây tranh cãi
Cái tên tạo ấn tượng nhất cho bóng đá cựu lục địa không phải Barca, Real, hay Man City, mà chính là đội bóng già nua Chelsea. Lớp cựu binh cũ kỹ tưởng như không còn đất diễn, được dẫn dắt bởi một HLV tạm quyền, cuối cùng đã trở thành nhà vua mới của châu Âu.
drogba-jpg-1356060869-1356060976_500x0.j
Chức vô địch châu Âu thuộc về The Blues là một trong những bất ngờ lớn nhất của bóng đá thế giới 2012.
Chelsea trải qua hơn nửa đầu mùa giải một cách khó khăn. Việc sớm loại các công thần khỏi đội hình Chelsea khiến HLV Villas Boas bị cô lập. Abramovich sa thải Boas, đưa lên Roberto di Matteo. Nhà cầm quân đóng thế này dẫn dắt Chelsea lần lượt vượt qua các cửa ải Napoli, Benfica, Barcelona và cuối cùng là Bayern Munich. Trong cuộc hội ngộ Barca tại bán kết, Chelsea trả sòng phẳng món nợ ở mùa giải 2009 với lối đá lỳ lợm đúng với hình ảnh dưới thời Mourinho.
Dù nhiều người không phục lối đá của Chelsea, thầy trò Di Matteo cho thấy họ xứng đáng lên ngôi. Chelsea mất đến 4 năm để sửa chữa cú trượt chân trong đêm mưa Moscow của Terry. Tuy nhiên, chỉ cần nửa năm, họ đã trở thành cựu vương Champions League, khi nhanh chóng bị loại ngay từ vòng bảng.
Xem thêm Chung kết Champions League: Bayern Munich - Chelsea
22/10 có lẽ là "ngày tận thế" của làng đua xe đạp, khi Liên đoàn thế giới UCI đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ án doping thế kỷ Lance Armstrong. Cựu tay đua người Mỹ bị cấm thi đấu suốt đời, bị tước toàn bộ 7 danh hiệu vô địch Tour de France do sử dụng chất cấm trong một thời gian dài.
Trong sự nghiệp, Armstrong từng trải qua 500 cuộc kiểm tra doping, trong đó Ủy ban phòng chống doping Mỹ USADA xét nghiệm không dưới 60 lần và UCI tiến hành kiểm tra khoảng 125 lần, nhưng chưa một lần có kết quả dương tính. Cuộc điều tra toàn diện với lời khai của 11 cựu đồng đội của Armstrong đã cho kết quả gây sốc: Ngôi sao người Mỹ bị cho là đã sử dụng Steroids và EPO để nâng cao khả năng thi đấu từ năm 1996 - sau khi thoát khỏi căn bệnh ung thư tinh hoàn. Sau khi Steroids và EPO bị kiểm soát gắt gao, Armstrong chuyển sang sử dụng thủ thuật truyền máu đã hòa chất kích thích.
Armstrong mất tất cả vì doping.
Armstrong mất tất cả vì doping.
USADA gọi Lance Armstrong là "kẻ dùng doping tinh vi, chuyên nghiệp và thành công nhất trong lịch sử thể thao". Anh bị tước toàn bộ danh hiệu, bị gạch tên khỏi Trung tâm huấn luyện Mỹ, bị các nhà tài trợ cắt hợp đồng và đương đầu với nhiều kiện cáo từ các nhà tài trợ, tổ chức trước đây.
Armstrong vẫn khẳng định sự vô tội, nhưng không muốn tiếp tục đứng ra bào chữa "vì đã cảm thấy mệt mỏi". Armstrong cho rằng việc có gian dối hay không chẳng có ý nghĩa gì so với cuộc chiến chống ung thư mà anh theo đuổi trong 15 năm qua.
Vnexpress

Geen opmerkingen:

Een reactie posten