zondag 3 juni 2012

Sát thủ trên không Predator

6/10/2010

Với khả năng giám sát và không chiến cực kỳ hiệu quả, phi cơ không người lái là công cụ sát thương hữu ích của quân đội Mỹ trên chiến trường, nhưng cũng là tâm điểm tranh cãi.
> Phi cơ không người lái hạ sát chiến binh

Một chiếc RQ-1 Predator. Ảnh: airforce-technology.com.
Một chiếc RQ-1 Predator. Ảnh: airforce-technology.com.

Việc sử dụng máy bay không người lái trên chiến trường giúp giảm thiểu thương vong cho binh sĩ. Tuy nhiên, trong một số vụ việc, Predator được cho là đã tấn công nhầm thường dân, làm dấy lên những cuộc trannh cãi về việc dùng nó thay cho quân nhân.

Theo BBC, chính phủ Mỹ tin rằng các máy bay không người lái giúp họ tiêu diệt những thủ lĩnh của bọn khủng bố ở những nơi mà các phương tiện quân sự truyền thống không phát huy tác dụng. Giới truyền thông Pakistan từng đưa tin về cái chết của vài trăm dân thường trong những cuộc không kích của phương tiện quân sự này.

Predator là một trong số các máy bay không người lái được sử dụng nhiều hiện nay. Máy bay Predator được sản xuất bởi tập đoàn General Atomics Aeronautical System tại Mỹ. Chiếc Predator đầu tiên bay thử nghiệm vào năm 1994 và bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 1997. Nó được đưa vào sử dụng trong Không quân Mỹ và Cục Tình báo trung ương.

Tạp chí Airforce Technology cho biết, RQ-1 là phiên bản đầu của Predator, có khả năng bay ở độ cao trung bình và dài ngày. Được sử dụng trong hoạt động giám sát và do thám, RQ-1 có radar, máy quay chống rung tự động với hai chế độ quan sát ngày và ban đêm (dùng sóng hồng ngoại), máy quay ở mũi, các loại thiết bị cảm biến. Ngoài ra chúng còn có hệ thống ngắm quang phổ kết hợp với máy dò mục tiêu hồng ngoại và đèn chiếu laser.

Với động cơ Rotax, những chiếc RQ-1 có thể bay qua quãng đường 740 km để tới mục tiêu và hoạt động liên tục 14 giờ trước khi về căn cứ. Chúng thường hoạt động ở độ cao khoảng 7.600 m. Dữ liệu mà RQ-1 Predator thu thập có thể được gửi tới cả binh sĩ trên chiến trường, trung tâm chỉ huy hoặc toàn thế giới (thông qua vệ tinh viễn thông). Một phi đội thường gồm 4 phi cơ Predator và một hệ thống điều khiển.

Khi cất cánh và đáp xuống, Predator được điều khiển từ trạm theo dõi qua hệ thống ăng-ten mặt đất nhưng khi bay trên trời chúng chịu sự điều khiển của hệ thống dẫn đường vệ tinh. Hệ thống điều khiển có thể được lắp cố định dưới mặt đất hoặc được chở trên máy bay vận tải quân sự.

Một chiếc MQ-1 Predator. Ảnh: airforce-technology.com.
Một chiếc MQ-1 Predator. Ảnh: airforce-technology.com.

Thông số kỹ thuật cơ bản của RQ-1 và MQ-1
Chiều dài: 8,23 m
Sải cánh: 14,84 m
Tốc độ: hơn 129 km/h
Độ cao: Hơn 7.600 m
Quãng đường: 740 km
Trọng tải: 202,5 kg

MQ-1 Predator là phiên bản nâng cấp từ RQ-1 nên đa năng hơn. Chúng được sản xuất từ năm 2002. Ngoài giám sát, do thám MQ-1 còn có khả năng chiến đấu. Chúng có thể mang theo hai tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire và nhiều loại đạn khác. Thời gian hoạt động liên tục của MQ-1 cũng tăng lên 40 giờ, gần gấp ba lần so với RQ-1.

Với các tính năng ưu việt, MQ-1 được coi là trợ thủ đắc lực cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là tại Iraq và Afghanistan. Nhiệm vụ chính của chúng là ngăn chặn đối phương và tiến hành trinh sát có vũ khí. Ngoài ra, MQ-1 còn hoạt động như một đài quan sát di động trên chiến trường để hỗ trợ cho các đơn vị khác.

Vào tháng 2/2001, một máy bay Predator bắn tên lửa Hellfire-C (được dẫn đường bằng tia laser) trúng mục tiêu trong một thử nghiệm tại bang Nevada, Mỹ. Tháng 11/2002, một chiếc Predator phóng tên lửa Hellfire trúng một chiếc ô tô bị tình nghi chở những phần tử khủng bố tại Yemen.

Hiện tại General Atomics Aeronautical System đã sản xuất 360 máy bay Predator, trong đó có 285 chiếc RQ-1 và 75 chiếc MQ-1. Chi phí cho mỗi chiếc xấp xỉ 4,5 triệu USD. Biến thể của hai loại máy bay này là MQ-1C Warrior và MQ-9 Reaper.


Minh Long


Geen opmerkingen:

Een reactie posten