Một thiên thạch lao xuống khu vực Bắc Phi vào tháng 7 năm ngoái và hôm qua các nhà khoa học xác nhận viên đá đó từng là một phần của sao Hỏa.
> Sự sống trên địa cầu hình thành nhờ thiên thạch
Một mẩu đá được tìm thấy tại Marốc. Ảnh: AP. |
AP đưa tin nhiều người thấy một thiên thạch bốc cháy trên bầu trời ở khu vực Bắc Phi vào tháng 7 năm ngoái, song mãi tới cuối tháng 12 các nhà khoa học mới phát hiện những mảnh vỡ của nó tại một nơi gần thành phố Foumzgit của Marốc. Tổng khối lượng của những mẩu đá được tìm thấy vào khoảng 7 kg. Mẩu đá lớn nhất có khối lượng hơn 1 kg.
Đây là cơ hội hiếm và quan trọng để giới khoa học tìm hiểu về các đặc điểm địa chất của sao Hỏa – hành tinh được cho là có thể nuôi dưỡng sự sống. Một ủy ban chuyên gia quốc tế đặc biệt, bao gồm nhiều nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) được thành lập để xác định nguồn gốc của những mẩu đá. Hôm qua họ xác nhận chúng tới từ sao Hỏa.
Một giả thuyết cho rằng vài triệu năm trước một vật thể lớn đâm trúng sao Hỏa khiến vật chất của hành tinh đỏ văng ra khắp nơi trong hệ Mặt Trời. Sau một hành trình dài trong vũ trụ, một số thiên thạch từ sao Hỏa lao vào bầu khí quyển trái đất và vỡ thành nhiều mảnh.
Phần lớn đá từ sao Hỏa rơi xuống Nam Cực hoặc các sa mạc. Nếu tính cả thiên thạch tại Marốc thì loài người mới chỉ phát hiện 5 thiên thạch từ sao Hỏa trên hành tinh. Trước đó người ta thấy thiên thạch từ sao Hỏa rơi xuống tại Pháp vào năm 1815, tại Ấn Độ vào năm 1865, tại Ai Cập vào năm 1911 và tại Nigeria vào năm 1962. Tổng khối lượng những thiên thạch từ sao Hỏa trên trái đất là 110 kg. Chúng là loại đá hiếm nhất trên hành tinh nên có giá trị lớn hơn cả vàng.
Từ trước tới nay các phi thuyền chưa lấy được bất kỳ mẫu vật chất nào từ sao Hỏa. Vì thế các thiên thạch từ sao Hỏa là dạng vật chất duy nhất mà con người có để nghiên cứu hành tinh đỏ.
Jeff Grossman, một nhà khoa học của NASA, nhận định rất có khả năng ông và các đồng nghiệp sẽ phát hiện ra “điều thú vị nào đó” về sao Hỏa trong quá trình nghiên cứu những mẩu đá tại Marốc vì chúng mới rơi xuống địa cầu.
Một thiên thạch được phát hiện tại Nam Cực từng trở thành đề tài nóng hổi của giới truyền thông Mỹ và thế giới trong năm 1996. Khi đó các nhà khoa học của NASA thông báo thiên thạch đó chứa nhiều dấu vết của sự sống từ sao Hỏa. Thậm chí Nhà Trắng cũng tuyên bố mẩu đá là dấu hiệu đầu tiên của sự sống ngoài địa cầu. Nhưng nhiều nghiên cứu sau đó kết luận rằng các nhà khoa học chưa có đủ bằng chứng để chứng minh tính xác thực trong tuyên bố của Nhà Trắng.
Minh Long
Geen opmerkingen:
Een reactie posten