donderdag 28 juni 2012

Vỏ sao Hỏa chứa nhiều nước

27/6/2012

Một nghiên cứu mới đây cho thấy vỏ sao Hỏa chứa nước với tỷ lệ tương đương, thậm chí lớn hơn, so với vỏ địa cầu.
> Đá từ sao Hỏa rơi xuống trái đất


Hình minh họa thiết bị tự hành của Mỹ trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: cornell.edu.
Thiết bị tự hành của Mỹ từng phát hiện bằng chứng về sự tồn tại của nước trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: cornell.edu.

Từ trước tới nay giới khoa học vẫn cho rằng địa cầu là hành tinh duy nhất chứa nước với khối lượng lớn trong vỏ. Nhưng tiến sĩ Francis McCubbin và tiến sĩ Erik Hauri, hai nhà nghiên cứu của Viện Carnegie tại Mỹ, nghĩ rằng vỏ sao Hỏa cũng chứa nhiều nước. Để chứng minh, hai ông cùng các đồng nghiệp phân tích hai mẫu thiên thạch từ sao Hỏa. Chúng văng ra khỏi sao Hỏa khoảng 2,5 triệu năm trước sau khi hành tinh đỏ va chạm mạnh với một thiên thể lớn.

Kết quả phân tích cho thấy nước chiếm tỷ lệ từ 70 tới 300 phần triệu trong vỏ sao Hỏa. Trong khi đó, tỷ lệ nước trong vỏ trái đất vào khoảng từ 50 tới 300 phần triệu, Space cho biết.

“Điều đó cho thấy nước tồn tại trong quá trình hình thành của sao Hỏa và hành tinh này có khả năng giữ nước bên dưới bề mặt của nó”, tiến sĩ Hauri nhận xét.

Một phần nước trong vỏ sao Hỏa đã xuất hiện trên bề mặt của nó trong quá khứ. Hai thiết bị tự hành của Mỹ - Spirit và Opportunity – từng phát hiện nhiều bằng chứng về sự tồn tại của nước và khí hậu ấm trên bề mặt sao Hỏa từ hàng tỷ năm trước. Tiến sĩ Hauri cho rằng nước trong vỏ sao Hỏa ngoi lên bề mặt nhờ các núi lửa.

Nhiều nghiên cứu trước đây kết luận rằng nước chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong vỏ sao Hỏa.

"Chúng tôi không hiểu tại sao những nghiên cứu trước lại khẳng định vỏ sao Hỏa rất khô. Phát hiện của chúng tôi chẳng những giúp giới địa biết nhiều hơn về sao Hỏa và lịch sử của nó, mà còn giúp giới khoa học hiểu rõ quá trình tiến hóa của những thiên thể đá lớn trong vũ trụ", tiến sĩ Hauri phát biểu.

Nghiên cứu của Viện Carnegie được công bố trên tạp chí chuyên ngành địa chất Geology.

Minh Long

Geen opmerkingen:

Een reactie posten