dinsdag 5 juni 2012

'Em bé napalm' tròn 40 tuổi

1/6/2012

Phan Thị Kim Phúc trong bức ảnh sẽ mãi là một cô bé 9 tuổi đang hoảng loạn, thân mình bỏng rát, vừa gào lên thất thanh: "nóng! nóng quá!", vừa chạy khỏi ngôi làng đang bốc cháy của em.
> Kim Phúc được cứu như thế nào
> Những bức ảnh thay đổi thế giới


Mọi người sẽ chỉ nhớ về một cô bé đang trong tình trạng khỏa thân sau khi quần áo và da thịt em bị những giọt napalm nóng bỏng đốt cháy. Cô bé vô tội ấy sẽ luôn chỉ được biết tới với tư cách một nạn nhân vô danh, nếu không có bức ảnh gây chấn động thế giới mang tên "Em bé napalm".

Khoảnh khắc vô giá này, do nhiếp ảnh gia Huỳnh Công "Nick" Út, phóng viên hãng tin AP chụp được, sắp tròn 40 tuổi. Bức ảnh, với sức mạnh hơn mọi ngôn từ, đã gợi nhớ về một quá khứ kinh hoàng của thời chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời một trong những giai đoạn đen tối của lịch sử nước Mỹ.

In this June 8, 1972 file photo, crying children, including 9-year-old Kim Phuc, center, run down Route 1 near Trang Bang, Vietnam after an aerial napalm attack on suspected Viet Cong hiding places as South Vietnamese forces from the 25th Division walk behind them.
Bức ảnh chụp ngày 8/6/1972. Các em nhỏ đang khóc và chạy trên đường quốc lộ 1 gần Trảng Bàng, Tây Ninh sau khi bom napalm dội xuống làng của các em. Kim Phúc là cô bé ở giữa. Phía sau các em là binh lính của Sư đoàn 25 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Tuy nhiên, phía sau bức ảnh vô giá ấy là một câu chuyện ít được biết tới, về cuộc đời của một đứa trẻ đang cận kề với cái chết và nỗ lực của một nhiếp ảnh gia trẻ. Chính khoảnh khắc hỗn loạn và đau thương ấy đã cứu sống một cô bé vô tội và là động lực để cô thay đổi cuộc sống của chính mình.

"Tôi thực sự muốn thoát khỏi hình ảnh bé gái ấy", bà Kim Phúc, nay 49 tuổi, chia sẻ. "Nhưng dường như bức ảnh đó không chịu buông tha tôi".

Đó là ngày 8/6/1972, tại ngôi làng ở thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh, khi Phúc đột nhiên nghe thấy một tiếng hét thất thanh: "Rời khỏi đây! Nơi này sẽ bị đánh bom! Chúng ta sẽ chết!".

Vài giây sau, cô bé khi ấy mới 9 tuổi nhận ra một quả bom với "cái đuôi" màu vàng rơi nhanh xuống Thánh thất Cao đài, nơi hai mẹ con cô bé đang tá túc.

Rồi Phúc nghe thấy những âm thanh ồn ào trên không. Khi cô bé xoay đầu để tìm hiểu xem đang có chuyện gì xảy ra, Phúc nhận ra một chiếc máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đang lao thẳng về phía em, không ngừng dội bom xuống ngôi làng nhỏ bé.

"Bum! Bum!"

Mặt đất rung chuyển. Sức nóng của hàng trăm quả bom tỏa ra mọi hướng.

Lửa bùng cháy trên cánh tay trái, rồi bén vào quần áo của Phúc. Cây cối trở thành những ngọn đuốc rực lửa, trong khi dân làng tìm mọi cách chạy trốn.

"Mình sẽ xấu xí. Mình sẽ không còn bình thường được nữa", Phúc nghĩ, khi lấy bàn tay phải cố gắng dập tắt lửa trên cánh tay kia. "Mọi người sẽ nhìn mình thế nào".

Quá hoảng hốt, cô bé thu hết sức chạy ra quốc lộ 1, ngay sau anh trai. Phúc không nhìn thấy các phóng viên nước ngoài khi cô vừa chạy vừa la hét về phía họ.

Sau đó, cô bé bất tỉnh.

Út, nhiếp ảnh gia Việt Nam 21 tuổi, người đã chụp bức ảnh, đưa Phúc tới một bệnh viện nhỏ. Ở đó, người ta nói với ông rằng tình trạng của con bé quá nặng, không thể chữa trị. Nhưng sau đó, ông đã đưa ra phù hiệu nhà báo, yêu cầu các bác sĩ cứu chữa cho Phúc và đảm bảo rằng cô bé được chăm sóc thích đáng.

In this March 29, 2012 photo, Associated Press photographer Huynh Cong "Nick" Ut visits Cao Dai temple near the place he took his famous Pulitzer Prize winning photograph of her as a terrified 9-year-old in Trang Bang, Tay Ninh province, Vietnam.
Ảnh chụp tháng 3/2009, khi phóng viên AP Huỳnh Công Nick Út thăm Thánh thất Cao Đài gần nơi ông chụp bức ảnh nổi tiếng.

"Tôi đã khóc khi nhìn con bé bỏ chạy", Út nói. Anh trai của ông, người cũng từng là một phóng viên của AP, đã chết khi làm nhiệm vụ tại chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. "Nếu tôi không giúp con bé, nếu điều đó xảy ra và con bé không thể qua khỏi, tôi nghĩ sau đó tôi cũng sẽ tự kết liễu chính mình".

Trở về tòa soạn có trụ sở ở Sài Gòn, ông rửa phim. Khi bức ảnh về cô bé napalm xuất hiện, mọi người đều lo sợ nó sẽ bị cấm bởi chính sách nghiêm ngặt của hãng tin với ảnh khỏa thân.

Tuy nhiên, cựu chiến binh Việt Nam, biên tập viên ảnh Horst Faas đã xem xét nó và biết rằng bức ảnh này đáng để phá vỡ quy tắc. Ông lập luận rằng đây là bức ảnh có giá trị đặc biệt, và điều đó cần được quan tâm hơn bất cứ mối lo ngại nào, và ông đã đúng.

Hai ngày sau khi bức ảnh kinh hoàng được công bố trên toàn thế giới, các nhà báo khác đã tìm ra rằng cô bé vẫn còn sống sau vụ tấn công. Christopher Wain, một phóng viên của ITV, Anh, người đã lấy nước trong bi đông dội vào cơ thể đang bỏng rát của cô bé, đã đấu tranh để Phúc được chuyển tới một bệnh viện của Mỹ ở Sài Gòn. Đó là nơi duy nhất ở miền nam Việt Nam có đủ khả năng chữa trị những vết thương nghiêm trọng của cô.

"Tôi không hề biết gì về nơi tôi được đưa tới hay điều gì đã xảy ra với tôi", bà Kim Phúc kể lại. "Tôi tỉnh dậy và thấy mình đang ở bệnh viện với cơ thể đau đớn, rồi các y tá vây quanh tôi. Tôi tỉnh giấc với nỗi sợ hãi tới kinh hoàng".

30% cơ thể mỏng manh của Phúc đã bị bỏng cấp độ ba, trong khi gương mặt cô bé cũng bị ảnh hưởng. Qua thời gian, phần cơ thể từng bị bỏng cháy của cô bé dần được chữa lành.

"8h sáng mỗi ngày, các y tá đặt tôi vào một cái bồn tắm để cắt bỏ hết phần da chết của tôi", bà kể lại. "Tôi chỉ biết khóc và khi không thể chịu đựng nổi, tôi lại ngất đi".

Sau nhiều lần phẫu thuật và ghép da, Phúc cuối cùng cũng được xuất viện, 13 tháng sau vụ đánh bom. Cô bé nhìn thấy bức ảnh của ông Út, thứ sau đó đã giành được giải thưởng báo chí danh tiếng Pulitzer Prize, mà không hề hay biết sức ảnh hưởng của nó.

Cô bé chỉ muốn được về nhà và làm một đứa trẻ bình thường.

Tuy nhiên, cuộc sống không thể trở lại như trước. Bức ảnh đó rất nổi tiếng, nhưng Phúc vẫn là một cô bé vô danh. Chỉ có những người sống ở ngôi làng nhỏ gần biên giới Campuchia biết cô bé là ai. Ông Út và vài nhà báo khác đôi lúc tới thăm cô, nhưng điều đó cũng chấm dứt sau khi chiến tranh chính thức kết thúc vào ngày 30/4/1975, khi quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập.

Cuộc sống mới khó khăn hơn. Thuốc giảm đau rất hiếm. Những vết thương vẫn khiến Phúc đau đớn. Cô đã học tập rất chăm chỉ và được nhận vào một trường y tế để theo đuổi ước mơ trở thành một bác sĩ. Năm 1982, Phúc được một nhà báo Đức phát hiện. Sau đó, Thủ tướng Việt Nam khi đó, người đã rất cảm động vì câu chuyện của Phúc, đã tạo điều kiện cho cô gái trẻ đi du học và chữa bệnh ở Cuba.

Trong khi ở trường, Phúc gặp một thanh niên Việt Nam. Cô chưa từng tin rằng có người thanh niên nào thực sự yêu cô, bởi cô biết mình có vẻ ngoài xấu xí với những vết sẹo trên lưng và cánh tay, nhưng Bùi Huy Toàn dường như còn yêu cô hơn chính vì những điều đó.

In this May 25, 1992 file photo, Phan Thi Kim Phuc and her husband, Bui Huy Toan, sing during a service at the Faithway Baptist Church in Ajax, Ontario, Canada. The couple met in Cuba where Kim Phuc was sent from Vietnam to study in 1986. Phuc, who was the main subject in Associated Press photographer Nick Ut's iconic image of the aftermath of a June 8, 1972 napalm attack in Vietnam, was granted political asylum in Canada in 1992.
Kim Phúc và chồng trong một lễ ở nhà thờ tại Canada năm 1992. Hai người gặp nhau ở Cuba trước đó.

Cả hai quyết định kết hôn vào năm 1992 và có tuần trăng mật ở Moscow. Khi máy bay chở đôi vợ chồng trẻ dừng chân tại Newfoundland trên đường trở về Cuba, hai người bỏ trốn và quyết định ở lại Canada.

Phúc liên lạc với Nick Út để cung cấp thông tin, và ông đề nghị bà kể câu chuyện về cuộc đời cho thế giới. Nhưng bà không muốn tiếp tục bị chú ý. "Tôi đã có chồng và một cuộc sống mới. Tôi muốn một cuộc sống bình thường giống mọi người", bà nói.

Giới truyền thông vẫn tìm ra Phúc khi bà sống gần Toronto, và bà quyết định cần phải kiểm soát câu chuyện đời mình. Cuốn sách được viết năm 1999 và một tài liệu cũng được công bố, theo đúng cái cách bà muốn nó được kể. Bà được đề cử làm Đại sứ Thiện chí của Liên Hợp Quốc để giúp các nạn nhân chiến tranh. Bà và Út đã được đoàn tụ nhiều lần để kể câu chuyện của họ, thậm chí được tới London để diện kiến Nữ hoàng Anh.

"Hiện tại, tôi rất hạnh phúc vì được giúp Kim Phúc", Út, người vẫn làm việc cho APmới quay lại làng Trảng Bàng, nói. "Tôi gọi con bé là con gái".

Sau 4 thập kỷ, Phúc, giờ là mẹ của hai cậu con trai, cuối cùng có thể nhìn vào bức ảnh chính bà đang chạy trốn và hiểu tại sao nó vẫn rất có sức mạnh.

"Phần lớn mọi người, họ biết về bức ảnh của tôi nhưng chẳng hiểu nhiều về cuộc đời tôi", bà nói. "Tôi rất biết ơn rằng giờ tôi có thể chấp nhận bức ảnh như một món quà đầy sức mạnh. Rồi nó là lựa chọn của tôi. Rồi tôi có thể làm việc với nó vì hòa bình".

Kim Phúc từng đọc một bài luận dài trên kênh phát thanh quốc gia ở Canada vào năm 2008 có tên Đường dài tới sự tha thứ: "Tha thứ giúp tôi quên đi lòng thù hận. Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trên cơ thể và mỗi ngày vẫn đau đớn vô cùng song trái tim tôi đã được thanh tịnh. Bom napalm công phá mạnh mẽ song lòng tin, sự tha thứ và tình yêu còn lớn hơn thế. Chúng ta sẽ chẳng có chiến tranh nếu mọi người đều có thể học cách sống với tình yêu chân thành, hy vọng và sự tha thứ".

Ảnh "Em bé napalm ấn tượng nhất trong lịch sử"
Kim Phúc hội ngộ ân nhân sau 38 năm

Quỳnh Hoa (theo AP)

29/4/2010
Ảnh 'Em bé napalm' ấn tượng nhất lịch sử
Bức ảnh cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc bị cháy hết quần áo, chạy trốn bom napalm trên con đường ở Tây Ninh vừa được tờ New Statesman bình chọn là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
> Những bức ảnh làm thay đổi thế giới
Dưới đây là 10 tấm ảnh thời sự chính trị được New Statesman đánh giá cao nhất.
Ảnh do Nick Ut, phóng viên của hãng AP, chụp ngày 8/6/1972. Nó đã giúp ông giành được giải thưởng Pulitzer năm 1973. New Statesman đánh giá bức ảnh này đứng đầu trong top 10 bức ảnh chính trị vĩ đại nhất thế giới.
Trong ảnh "Em bé napalm", cô bé Kim Phúc cùng một số trẻ em Việt Nam vừa khóc vừa chạy sau khi bom napalm dội xuống. Kim Phúc lúc đó bị bỏng nặng ở lưng, còn quần áo thì bị cháy hết. Cô được chính phủ Việt Nam cho đi chữa trị các di chứng tại Cuba. Kim Phúc từng trải qua 14 tháng ròng chịu 17 ca phẫu thuật: "Đau đớn không thể nào tưởng tượng được. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ mình sẽ chết đi. Nhưng sức mạnh sâu thẳm bên trong của một cô gái nhỏ đã giúp tôi vượt qua".
Trong ấn bản của New Statesman, nhiếp ảnh gia Nick Ut trò chuyện với độc giả về bức ảnh và tình bạn với Kim Phúc, người vẫn hay gọi ông là "ông già" hay "chú". Kim Phúc hiện là công dân Canada và từng đọc một bài luận dài trên kênh phát thanh quốc gia ở đây vào năm 2008 có tên Đường dài tới sự tha thứ: "Tha thứ giúp tôi quên đi lòng thù hận. Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trên cơ thể và mỗi ngày vẫn đau đớn vô cùng song trái tim tôi đã được thanh tịnh. Bom napalm công phá mạnh mẽ song lòng tin, sự tha thứ và tình yêu còn lớn hơn thế. Chúng ta sẽ chẳng có chiến tranh nếu mọi người đều có thể học cách sống với tình yêu chân thành, hy vọng và sự tha thứ".
Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm trấn áp đạo Phật năm 1963. Ảnh do Malcolm Browne chụp trên đường phố Sài Gòn.
Tổng thống John F. Kennedy được cho là đã thốt lên "Chúa ơi" khi nhìn thấy bức ảnh trên. "Không một bức ảnh thời sự nào trong lịch sử lại gây ra nhiều cảm xúc khắp thế giới như ảnh đó", ông nhận định. Gương mặt điềm tĩnh của hòa thượng cũng được ghi lại trong một đoạn video.
Cùng có mặt tại hiện trường lúc đó với Browne là David Halberstam khi còn là phóng viên trẻ của tờ New York Times. Halberstam chia sẻ giải thưởng Pulitzer với Browne nhờ bài viết về sự kiện này.
"Lửa bốc lên từ cơ thể của một con người, thân thể ông ấy từ từ khô quắt và teo lại, đầu ông ấy cháy và đen thui. Không khí đầy mùi thịt người cháy. Cơ thể con người cháy mới nhanh làm sao. Phía sau, tôi có thể nghe thấy tiếng khóc tấm tức của những người Việt Nam. Tôi quá ngỡ ngàng tới mức không khóc nổi, quá bối rối để nghĩ tới chuyện ghi chú hay phỏng vấn ai, quá bàng hoàng không nghĩ nổi điều gì ... Khi bốc cháy, cơ thể ông ấy vẫn lặng phắc, cũng không phát ra một tiếng kêu, trái hẳn với những người đang khóc rấm rứt xung quanh".
Tháng 2/1945, lính Mỹ đã sang Bỉ, Liên Xô bắt đầu chiến dịch ở Đông Âu, phần châu Âu bị Quốc xã chiếm đóng đã thu hẹp. Ngày 4/2, Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin (ảnh) nhóm họp để bàn về việc tái thiết châu Âu.
Cuộc gặp gỡ diễn ra bí mật tại dinh thự Livadia ở Biển Đen. Tại đây, các nhà lãnh đạo đồng ý chia cắt Berlin sau khi Đức Quốc xã đầu hàng vô điều kiện. Đây cũng là lần cuối cùng Roosevelt xuất hiện trong một hội nghị quốc tế. Ông qua đời hai tháng sau đó.
David Blanchflower, cây viết kinh tế của New Statesman, nhận định cuộc gặp gỡ này định hình phần lớn lịch sử thế giới sau đó, bao gồm cả cuộc Chiến tranh Lạnh. Churchill sau đó cũng thất bại trong cuộc bầu cử của Anh năm 1945. Theo Blanchflower, một nhà lãnh đạo đưa Anh lâm chiến không phải là người sẽ dẫn dắt quốc gia trong hòa bình.
Một người Do Thái chống cự binh sĩ Israel cầm theo phán quyết của Tòa án Tối cao yêu cầu dỡ bỏ những ngôi nhà định cư bất hợp pháp ở gần thành phố Ramallah năm 2006. Bức ảnh của Oded Balilty làm rõ xung đột quanh các khu định cư ở Bờ Tây.
Cái tên Abu Ghraib, nhà tù của Mỹ ở Iraq, giờ đây được gắn với vụ ngược đãi tù nhân. Năm 2004, một loạt các bằng chứng về việc ngược đãi về tinh thần cũng như lạm dụng tình dục đối với tù nhân bị phanh phui, khiến quân đội Mỹ buộc phải tiến hành một cuộc điều tra. Trong ảnh là một tù nhân không rõ tên ở nhà tù Abu Ghraib.
Trong một bài phỏng vấn với kênh truyền hình vệ tinh al-Hurra hồi tháng 5/2004, Tổng thống Mỹ lúc đó là George Bush mô tả vụ ngược đãi là ghê tởm. Ông nói thêm: "Các vị phải hiểu rằng những chuyện xảy ra trong nhà tù đó không phản ánh hình ảnh nước Mỹ. Trong một nền dân chủ, không phải điều gì cũng hoàn hảo. Lỗi lầm đôi khi cũng xảy ra".
Trong bức ảnh chụp năm 1968 này, hai vận động viên chạy nước rút của Mỹ Tommie Smith và John Carlos giơ tay, ăn mừng chiến thắng và thể hiện sức mạnh của người da đen. Đây là lúc họ nhận huy chương vàng và đồng sau cuộc thi chạy 200 m tại Thế vận hội ở Mexico. Cùng đứng trên bục là vận động viên người Australia Peter Norman, giành huy chương bạc. Smith và Carlos đều không đi giày còn Norman đeo một huy hiệu của Dự án Olympic về nhân quyền, ủng hộ hai người bạn Mỹ.
Bức ảnh chân dung của nhà cách mạng Che Guevara có tên Guerrillero Heroico, nghĩa là du kích anh hùng. Tác phẩm chụp năm 1960 của Alberto Korda về sau trở thành một trong những biểu tượng của giới trẻ khắp thế giới và là một trong những bức ảnh được in nhiều nhất hành tinh.
Thủ đô Beirut của Libăng trở thành mục tiêu đánh bom trong cuộc xung đột năm 2006 giữa Israel và nhóm Hezbollah. Trong bức ảnh này của Spencer Platt, một nhóm thanh niên nhà giàu Libăng đi thăm khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì bom. Cuộc xung đột kéo dài cả tháng vào năm 2006 đã khiến hàng nghìn người chết, phần lớn là công dân Libăng. Nó đoạt giải thưởng ảnh báo chí của năm.
Gần một triệu người mất nhà cửa sau khi nước sông Ohio dâng lên, gây ra lũ lụt năm 1937. Thảm họa này cũng trùng với thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế kỷ 20. Ảnh của Margaret Bourke-White làm nổi bật sự trái ngược trong đời sống nước Mỹ lúc bấy giờ. Hàng người da đen ở Louisville xếp hàng chờ viện trợ, phía sau họ là tấm biển quảng cáo có hình một gia đình trung lưu da trắng.
Xen giữa xe tăng và lưỡi lê, những người biểu tình vì nhân quyền đi dọc con phố Beale ở bang Tennessee, nơi khởi nguồn của dòng nhạc blue ở Mỹ. Bức ảnh cho thấy những tháng ngày nóng bỏng trong tháng 3/1968, và càng làm căng thẳng cuộc đấu tranh vì nhân quyền. Chưa đầy một tuần sau, Martin Luther King Jr. bị ám sát.
Điểm nhấn của ảnh chính là người đàn ông không mang tấm biển có dòng chữ "Tôi là người" trên tay. Anh này đi chậm rãi và nhìn đám binh sĩ. Không rõ anh ta có tham gia cuộc biểu tình hay không song sự tương phản mà anh ta tạo ra càng nhấn mạnh thông điệp mà họ đang cố nói lên.
Hải Ninh (theo New Statesman)

19/5/2010
'Em bé napalm' hội ngộ ân nhân sau 38 năm
Phan Thị Kim Phúc, cô bé Việt Nam trong bức ảnh chiến tranh "Em bé Napalm", hội ngộ với người đã cứu sống cô năm xưa, Christopher Wain, phóng viên ITN, sau 38 năm.
> Ảnh chiến tranh Việt Nam ấn tượng nhất mọi thời đại
Bà Kim Phúc bên cạnh người ân nhân năm xưa, Christopher Wain. Ảnh: BBC.
BBC đã tổ chức cuộc hội ngộ giữa Kim Phúc và Christopher Wain. Cuộc gặp gỡ được phát sóng trên đài BBC Radio 4 hôm nay.
Ngày 8/6/1972, Chris và các đồng nghiệp đã ở Việt Nam được 7 tuần và đưa tin về cuộc chiến đang diễn ra cho hãng ITN. Ký ức về ngày hôm đó với Chris vẫn vô cùng rõ nét. "Buổi sáng hôm đó chúng tôi tới ngôi làng Trảng Bàng, nhiều binh sĩ phía bắc Việt Nam đã tới đây hai ngày trước đó. Họ đang chờ đợi phản công", ông nói.
Rất nhiều dân làng sơ tán vào một ngôi chùa, trong đó có Kim Phúc, 9 tuổi. "Chúng tôi nghĩ nơi đó an toàn, nhưng sau đó tôi thấy máy bay, nó quá gần", Kim Phúc nhớ lại. "Tôi nghe thấy tiếng bom nổ, rồi đột nhiên lửa bùng lên quanh tôi. Tôi hoảng sợ và chạy. Quần áo tôi bị lửa thiêu trụi".
Chris và các đồng nghiệp đứng cách vị trí 4 quả bom napalm phát nổ khoảng 400 mét. "Đó là một vụ nổ nhiệt, cảm giác như ai đó vừa mở cửa một lò nướng. Sau đó, chúng tôi thấy Kim và những đứa trẻ khác. Chúng không kêu la gì cho đến khi thấy người lớn. Và rồi chúng bắt đầu khóc thét lên".
Một phóng viên ảnh người Việt, Nick Út, làm việc cho hãng AP, đã chụp lại được hình ảnh lúc đó. Cô bé Kim Phúc trên người không một mảnh áo quần, đang chạy trên đường, tay cô bé giang ra và kêu cứu. Bức ảnh vừa được tờ New Statesman bình chọn là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Chris đã chặn Kim Phúc lại và đổ nước lên người cô bé. Ông cũng nói với các đồng nghiệp ghi lại cảnh tượng đó. "Chúng tôi gần hết phim và nhà quay phim Alan Downes sợ rằng tôi đang yêu cầu ông dùng những thước phim quý giá để ghi một cảnh tượng quá kinh khủng. Nhưng tôi nghĩ phải cho thế giới thấy cuộc chiến này thế nào".
Video quay cảnh phóng viên ITN cứu Kim Phúc
Nick Út đã đưa Kim Phúc đến bệnh viện nhi đồng do người Mỹ điều hành. Ngày chủ nhật sau đó, Chris tìm gặp Kim Phúc trong một căn phòng bệnh nhỏ. "Tôi hỏi một y tá Kim thế nào và được thông báo rằng cô bé sẽ chết vào ngày mai", Chris kể lại. Ông đã chuyển Kim Phúc đến một bệnh viện chuyên về phẫu thuật chỉnh hình để cứu mạng sống của cô bé.
Đấy là lần cuối cùng Chris gặp Kim Phúc. Cô bé nằm trên giường bệnh với những vết bỏng cấp độ một trên nửa phần thân thể.
Kim Phúc đã ở lại bệnh viện đó 14 tháng và trải qua 17 cuộc phẫu thuật. Cho đến hôm nay, những cơn đau vẫn thường xuyên hành hạ cô. Hình ảnh "em bé napalm" vẫn còn ám ảnh một thế hệ song Kim Phúc không hề xuất hiện trước công chúng.
Chris đổ nước lên cô bé Kim Phúc. Ảnh: AP.
10 năm sau, một nhà báo từ Đức tìm lại Kim Phúc, lúc này cô đang học y tại một trường đại học ở Việt Nam. Sau đó, Kim Phúc chuyển đến Cuba tiếp tục việc học. Tại Havana, cô gặp Toan, cũng là một du học sinh từ Việt Nam. Họ kết hôn và nghỉ tuần trăng mật ở Nga. Sau đó, Kim Phúc và chồng chuyển đến Canada và họ có hai con.
Về phần Chris, ông tiếp tục làm việc cho ITN trong ba năm với vai trò phóng viên chiến tranh. Sau đó, ông chuyển sang làm cho BBC. Chris nghỉ hưu năm 1999. Ông chưa bao giờ mong gặp lại Kim Phúc. "Khi đó, nó cũng chỉ là một câu chuyện, dù rất kinh hoàng. Tất nhiên, đấy là điều kinh khủng nhất mà tôi từng chứng kiến", ông nói.
Chris cho biết ông từng cảm thấy Kim Phúc bị các phương tiện truyền thông lạm dụng. Đó là lý do vì sao 10 năm trước ông đã từ chối một cuộc gặp mặt với Kim Phúc trong talk show của Oprah Winfrey. Ông cảm thấy nó mang đầy tính thương mại.
Tuy nhiên, trong lần hội ngộ này sau 38 năm, Chris cho biết ông đã thay đổi cách nhìn và không còn nghĩ cô như là một nạn nhân của bức ảnh kinh điển đó.
"Bất chấp mọi thứ xảy đến với cô ấy và tất cả những gì cô ấy trải qua, Kim Phúc đã trở thành một phụ nữ rất ấn tượng", Chris nói. "Cuộc hội ngộ này cảm động hơn tôi mong đợi. Kim Phúc là người rất tình cảm và điều đó thật sự lôi cuốn".
Bức ảnh "Em bé napalm" đã lưu lại một trong những khoảnh khắc dữ dội nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ảnh: AP.
Hải Minh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten