vrijdag 19 augustus 2022

Việt Nam: Trình Bộ Chính trị xem xét dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam 58 tỷ USD

 

Việt Nam: Trình Bộ Chính trị xem xét dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam 58 tỷ USD

Tàu cao tốc Shinkansen thế hệ mới của Nhật Bản (Ảnh chụp năm 2010)

NGUỒN HÌNH ẢNH,JOHN S LANDER/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tàu cao tốc Shinkansen thế hệ mới của Nhật Bản (Ảnh chụp năm 2010)

Việt Nam đang xem xét xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào tháng 9 với mức đầu tư có thể lên tới 58,7 tỷ USD, chính phủ cho biết hôm Chủ nhật.

Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, chi phí thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác 5,82 tỷ USD và chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.

Bộ Giao thông vận tải Việt Nam vào tháng tới sẽ trình đề xuất xây dựng tuyến đường sắt dài 1.545 km này lên Bộ Chính trị, cơ quan ra quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo thông cáo báo chí.

Thông cáo báo chí không đề cập tới Việt Nam sẽ chọn đối tác nước ngoài nào cho dự án tham vọng này.

Dự kiến dự án sẽ được trình Quốc hội nếu Bộ Chính trị thông qua.

Theo nghiên cứu của Bộ Giao thông vận tải trình các cấp có thẩm quyền, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô đầu tư là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.

Cụ thể tuyến đường sắt trên có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM) và đi qua 20 địa phương gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, và Tp. Hồ Chí Minh.

'Lo ngại về nguồn vốn'

12 năm trước Quốc hội Việt Nam đã không thông qua chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình.

Kết quả bỏ phiếu với 41% không tán thành và 37% số đại biểu tán thành được thực hiện vào ngày 19/6/2010.

Tuy nhiên đến năm 2015, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng chỉ đạo tiếp tục lập đề án đường sắt cao tốc Bắc-Nam để trình Quốc hội trước năm 2020.

Vào tháng Bảy năm nay Thủ tướng Việt Nam nghị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản "hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam".

Ông Phạm Minh Chính được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói trong buổi tiếp lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) rằng "phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam có thể theo tinh thần làm từng đoạn, dễ trước, khó sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm".

Vào tháng Bảy tạp chí Diplomat có bài nói phân nửa nợ nước ngoài của Lào (14,5 tỉ USD) là nợ Trung Quốc.

Bắc Kinh cấp vốn cho một số dự án tại Lào bao gồm cả dự án đường sắt 1.000 km nối thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với thủ đô Vientian có số vốn là 5,9 tỉ USD.

Việt Nam, một trung tâm sản xuất trong khu vực, đang tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, theo Reuters.

Được biết giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh chiều dài 665km, tổng vốn đầu tư dự kiến 24,72 tỷ USD. Trong đó, chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020 - 2026, thi công giai đoạn 2027 - 2031 và đưa vào khai thác khoảng năm 2032.

Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894km, tổng mức đầu tư dự kiến 33,99 tỷ USD. Trong đó, khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng; khoảng năm 2045 - 2050 khai thác đoạn Đà Nẵng - Nha Trang.

Với mức đầu tư dự kiến là 58 tỷ USD, nhiều người lo ngại về nguồn vốn, trình độ quản lý của Việt Nam, cũng như về việc chậm tiến độ và việc vỡ nợ. Nhiều người lấy ví dụ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) cũng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ bị sáu năm và bị đội vốn, tăng 7,8 triệu USD chi phí hợp đồng tư vấn giám sát.

Dư luận cũng bày tỏ lo ngại Việt Nam nên cân nhắc so sánh với quốc gia có cùng mức thu nhập, nợ công gần chạm ngưỡng 60-65% GDP thì họ có làm đường sắt cao tốc như Việt Nam dự kiến hay không, thay vì so với các nước phát triển.

Báo Pháp luật TPHCM hồi tháng 11/2021 đưa tin, Bộ GTVT công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mà quy hoạch trước đây chưa từng đề cập.

Chụp lại video,

Sau 10 năm chờ đợi, người Hà Nội đi thử tàu Cát Linh - Hà Đông

Theo đó, Bộ GTVT phân tích:

"Với giá vé tàu tốc độ cao 320 km/giờ được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay thì người dân có thể lựa chọn tàu tốc độ cao. Xét thêm về tính thuận tiện đi lại và tính đúng giờ của đường sắt tốc độ cao sẽ càng hấp dẫn với hành khách…"

Điều này đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng với giá vé 75% vé máy bay thì liệu mấy người chọn đi tàu?

Ông Nguyễn Ngọc Chu hồi tháng 11/2021 ý kiến trên Facebook cá nhân: Giá vé đường sắt phụ thuộc vào ba nhân tố chính, chi phí xây dựng, chi phí vận hành và "sức mua" của dân. Nghĩa là phải dựa trên thu nhập của người dân, chi phí xây dựng và chi phí vận hành để xác định giá vé đường sắt, chứ không phải là 75% giá vé của hàng không.

"Giá vé đường sắt cao tốc sẽ đắt. Chỉ khoảng 30% dân số có thu nhập cao đủ khả năng đi đường sắt cao tốc. Trong khi 70% dân số còn lại sẽ không có đủ tài chính để đi đường sắt cao tốc. Nếu xây đường sắt tốc độ 200 km/giờ thì giá vé giảm hơn một nửa. Lúc đó thì tuyệt đại đa số người dân sẽ có khả năng đi tàu, cùng với vận chuyển hàng hoá. Bỏ số đông lớn, lấy số nhỏ để làm mục tiêu phục vụ của đường sắt là cách đặt vấn đề sai," ông Chu phân tích.

Bên cạnh đó ông Chu cũng cho rằng, xây dựng đường sắt tốc độ 320 km/giờ (thời gian đầu chỉ 250 km/giờ), đắt đỏ (58,7 tỷ USD), chỉ chở được khách mà không chở được hàng là vô cùng lãng phí. Mất tiền nhiều mà hiệu quả thấp.

Thông tin cơ bản

Dự án này đã được Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều nghiên cứu từ năm 2005.

Đến 2009, Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư nhưng chưa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2010.

Ngày 11/7/2019, Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu, hoàn thiện và trình Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 09/TTr-BCSĐ ngày20/9/2021.

Tuy nhiên, cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 113-CV/BCSĐ ngày 6/10/2021 gửi Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị báo cáo Bộ Chính trị cho phép lùi thời hạn báo cáo về chủ trương đầu tư dự án đến khi có kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62502156

Geen opmerkingen:

Een reactie posten