zaterdag 6 augustus 2022

Little Saigon ra mắt Giáo Khoa Việt Ngữ, giúp giới trẻ tìm về cội nguồn dân tộc

 Little Saigon ra mắt Giáo Khoa Việt Ngữ, giúp giới trẻ tìm về cội nguồn dân tộc

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại và Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt vừa tổ chức buổi ra mắt bộ sách Giáo Khoa Việt Ngữ, với chủ đề “Tiếng Việt Còn, Người Việt Còn,” tại đài truyền hình SBTN, Garden Grove, hôm Thứ Bảy, 30 Tháng Bảy.

Cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên (trái) và Giáo Sư Trần Chấn Trí giới thiệu bộ sách “Việt Sử Bằng Tranh” trong buổi ra mắt Giáo Khoa Việt Ngữ tại đài truyền hình SBTN. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại là tên gọi mới của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California trước đây.

Chương trình giới thiệu ra mắt bộ sách do cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên và Giáo Sư Trần Chấn Trí dẫn giải, với nhiều diễn giả gồm các giáo sư đầu ngành, các nhà nghiên cứu Việt Ngữ, thành viên hội đồng các học khu, cùng với chương trình văn nghệ đặc sắc của các em thiếu nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, học sinh trường Tiểu Học De Mille, học sinh Trường Việt Ngữ Thánh Linh, Liên Đoàn Hướng Đạo Hướng Việt, trình diễn bằng tiếng Việt.

Trong khi đó, tất cả thầy cô trường Việt Ngữ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Santa Ana, phụ trách trực điện thoại gọi đến mua sách.

Các bộ sách Giáo Khoa Việt Ngữ tại buổi ra mắt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bộ sách Giáo Khoa Việt Ngữ ra mắt gồm có:

1-Trọn bộ ba cuốn “Sổ Tay Chính Tả,” do Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt phát hành, được các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại hải ngoại, biên soạn rất công phu, và là một tài liệu thiết yếu cho mọi gia đình, giúp mọi người sử dụng Tiếng Việt trong sáng, nói đúng cách, viết đúng văn phạm.

2-Trọn bộ tám cuốn “Giáo Khoa Việt Ngữ,” do Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ phát hành, dành cho các em học sinh từ cấp Mẫu Giáo lên cấp trung học, được biên soạn theo chương trình giáo dục Hoa Kỳ, gồm cả ca dao tục ngữ mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam. Bộ sách này hiện đang được một số học khu tại California dùng để giảng dạy trong chương trình song ngữ Anh-Việt.

3-Bộ “Việt Sử Bằng Tranh” năm tập, nguyên tác của nhà giáo dục lão thành Bùi Văn Bảo, nay Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ được phép hiệu đính và phát hành bằng hai ngôn ngữ Việt-Anh. Sách in màu rất đẹp, dễ đọc, dễ hiểu, để gìn giữ lịch sử oai hùng chống ngoại xâm, và nuôi dưỡng ý chí độc lập, tự chủ của người Việt Nam. Bộ sách này còn 10 tập nữa mới đủ trọn bộ. “Việt Sử Bằng Tranh” viết về lịch sử nước Việt, từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, đời Hùng Vương đến Vua Quang Trung, những tiền nhân anh hùng và các bậc anh thư đã dầy công dựng nước và giữ nước với những chiến công hiển hách chống ngoại xâm.

Giáo Sư Phạm Thị Huê giới thiệu bộ sách Giáo Khoa Việt Ngữ và “mong là một đóm lửa, kim chỉ nam giúp chúng ta đi cùng một con đường.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sau nghi thức khai mạc là phần phát biểu của Giáo Sư Phạm Thị Huê, hội trưởng Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, cố vấn Hội Giáo Chức Nam California, và Giáo Sư Trần Huy Bích cùng nhiều vị giáo sư đầu ngành giáo dục.

Giáo Sư Nguyễn Dung Hạnh, thuộc đại học University of Hawaii at Manor, giám khảo Giải Học Sinh, Sinh Viên Gương Mẫu, cho hay tại nơi bà dạy, sinh viên gốc Nhật thuộc các thế hệ sau này không biết tiếng Nhật.

“Tôi nghĩ rằng các em Việt Nam thuộc thế hệ sau này, có thể tiếp tục truyền lửa lại cho các đàn em của mình, tiếp tục hướng dẫn tiếng Việt cho các thế hệ kế tiếp nữa. Tiếng Việt rất đẹp vì có cả văn, thơ trong đó. Khi muốn diễn tả tâm tư tình cảm của mình, dù có thể dùng tiếng Anh, nhưng khi nói bằng tiếng Việt vẫn an tâm hơn vì mình còn có gốc rễ của mình,” Giáo Sư Hạnh nói.

Bác Sĩ Nguyễn Anh Hoàng, giảng viên Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm, trưởng ban tổ chức Giải Học Sinh, Sinh Viên Việt Nam Gương Mẫu, nói: “Tôi nhớ tới cụ Lê Quý Đôn từng nói ‘Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Không bằng kinh sử một vài pho.’ Kinh sử chính là gói ghém cái hồn Việt, ngôn ngữ chỉ là phương tiện tiếng nói để đưa cái hồn Việt vào.”

Tiếp đến, Giáo Sư Ngọc Loan, hiền thê cố Giáo Sư Nguyễn Song Thuận, chia sẻ: “Bộ sách ‘Sổ Tay Chính Tả’ không những xác định chuẩn mực mà còn thêm phần định nghĩa, từ đa nghĩa đến ngữ cách. Phần định nghĩa thật tỉ mỉ và đa dạng. Một chữ ghép vần có khi lên đến hơn 400 trang định nghĩa. Thí dụ như ở Tập I, Chương I, gồm năm quy ước như: Cách phát âm và đánh vần. Các dấu tiếng Việt. Cách đánh dấu giọng. Cách viết chữ hoa. Vị trí các dấu câu.”

Bác Sĩ Nguyễn Song Anh Tú (trái), trưởng nam cố Giáo Sư Nguyễn Song Thuận, và mẹ, Giáo Sư Ngọc Loan, giới thiệu bộ sách “Sổ Tay Tiếng Việt.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Hoặc như ở Chương V, phân biệt các vần AU-ÂU-AY-ÂY, thí dụ như số bảy, đòn bẩy, quý báu, bấu (bấu víu, bấu bẹo),… Hoặc như ở Chương II, Tập II: Phân biệt ‘ch’ và ‘tr.’ Chương III: Phân biệt dấu giọng ‘hỏi’ và ‘ngã.’ Tùy theo các vùng miền, các dấu ‘hỏi’ và ‘ngã’ phát âm khác nhau. Cùng một chữ nhưng khác dấu, nghĩa sẽ thay đổi… Và rất nhiều những cách viết chữ và giọng đọc khác nữa, rất ích lợi cho người học tiếng Việt,” Giáo Sư Ngọc Loan tiếp.

Những bộ sách khác cũng được mọi người yêu thích, chia sẻ cảm tưởng.

Giáo Sư Trần Chấn Trí nói ông rất thích bộ về lịch sử và bộ về chính tả, vì khi viết bài hoặc dịch thuật, nhiều người nghĩ rằng mình là người Việt, lúc nào viết chính tả cũng đúng.

“Nhưng không phải vậy, nhiều khi ngồi viết, không biết chữ nào dấu hỏi hoặc dấu ngã, hoặc khi thì d (d trên) hay g (g dưới), hoặc những chữ không có và không bao giờ được viết, lúc đó tôi cũng phải tìm trong ba bộ ‘Sổ Tay Chính Tả’ để xem cho chắc!” ông Trí nói.

Tiếp tục chương trình là các em nhỏ ở lứa tuổi trung học trình diễn nhiều tiết mục văn nghệ bày bằng tiếng Việt lưu loát, rõ ràng, với các vũ điệu “Áo Ba Miền Quê Hương,” do các em thiếu nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ trình diễn, để các em nhỏ thế hệ sau biết đến những trang phục của người Việt ở ba miền đất nước.

Các em thiếu nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ trong vũ khúc “Mẹ Là Tất Cả.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hoạt cảnh “Thằng Bờm” của các học sinh trường De Mille trình diễn thật hài hước và ý nhị qua câu chuyện xưa, cho thấy Thằng Bờm thật thông minh khi từ chối tất cả những món quà quý giá để trao đổi cái quạt, chỉ nhận gói xôi mà thôi!

Các tiết mục văn nghệ khác đều nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt.

Nhận xét về các bộ sách được giới thiệu, thầy Vũ Hoàng, chủ tịch Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại, nhắc nhở: “Một dân tộc, một cộng đồng không có một tiếng nói riêng, chữ viết riêng, không có lịch sử riêng, đó là một dân tộc chết mà biết thở!”

“Hiện nay Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trong nước chủ trương bỏ dạy môn lịch sử từ cấp Tiểu Học. Các em không được học sử thì làm sao biết tổ tiên đã dựng nước và giữ nước như thế nào? Nếu không học sử thì làm sao biết được những chiến thắng lẫy lừng của ông cha, để các em tự hào mình là người Việt Nam. Chính sách giáo dục của Việt Nam ngày nay là lệ thuộc Tàu, không cho trẻ Việt học sử Việt, cốt để làm nhụt chí của giới trẻ sau này, khi lớn lên chỉ biết cúi đầu làm nô lệ,” thầy Hoàng nói.

Các thầy cô hợp ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” kết thúc buổi ra mắt sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông nói thêm: “Hiện tại một số học khu ở Wesminster, Garden Grove, Anaheim, có hàng chục trường dạy tiếng Việt vào cuối tuần. Khắp các tiểu bang ở Hoa Kỳ có hàng trăm trường. Một số các nước khác trên thế giới đang dùng bộ sách của chúng tôi để làm tài liệu dạy các em học tiếng Việt, để các em nói đúng, viết đúng, nói hay tiếng Việt. Các em nghe chuyện sử nước Nam để không tự ti, mặc cảm mà khiếp sợ trước quân thù phương Bắc luôn lăm le đánh chiếm nước ta.”

Ra mắt bộ sách “Giáo Khoa Việt Ngữ” là niềm mong ước của các vị giáo sư Việt Ngữ tại hải ngoại, để làm sao cho các thế hệ trẻ biết viết, đọc và nói tiếng Việt cho đúng văn phạm. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở của các thầy cô Việt Ngữ tại hải ngoại bao năm nay.

Muốn mua sách xin vào trang web www.sbtnhomeshopping.com, nhấn vào “book” để biết chi tiết. [đ.d.]

Little Saigon ra mắt Giáo Khoa Việt Ngữ, giúp giới trẻ tìm về cội nguồn dân tộc (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten