Tư lệnh quân đội Thái Lan hôm 25/8 đã báo hiệu sự ủng hộ dành cho thủ tướng bị đình chỉ Prayuth Chan-ocha, bản thân ông cũng là cựu chỉ huy quân đội, trong lúc tòa án cân nhắc về tương lai của ông Prayuth sau thách thức của phe đối lập về tư cách ông tiếp tục nắm quyền.
Tòa án Hiến pháp hôm 24/8 đã đình chỉ chức vụ của ông Prayuth, 68 tuổi, trong lúc chờ xem xét lại giới hạn nhiệm kỳ tám năm của ông theo hiến pháp.
Tranh cãi về nhiệm kỳ của ông Prayuth có thể làm sống lại sự đối đầu trước đây vốn là gốc rễ của gần hai thập kỷ hỗn loạn chính trị ngắt quãng, bao gồm hai cuộc đảo chính và biểu tình bạo lực, xuất phát từ sự phản đối quân đội tham gia vào chính trị và yêu cầu có sự đại diện nhiều hơn khi nhận thức chính trị của công chúng ngày càng tăng.
Tư lệnh lục quân, Tướng Narongpan Jittkaewtae, nói với báo giới rằng Thủ tướng Prayuth là ‘người lính và quý ông’ vì đã chấp nhận quyết định của tòa án tiếp nhận đơn kiến nghị của đảng đối lập chính, mà ông Prayuth đã lật đổ khỏi quyền lực khi ông còn là tư lệnh quân đội trong cuộc đảo chính hồi năm 2014.
“Tôi phải ngưỡng mộ ông ấy, ông ấy là một quý ông, một nhà lãnh đạo và một người lính kiểu mẫu. Tòa án ra lệnh và ông làm theo. Đây là điều tốt cho xã hội, cho đất nước chúng ta và là hành vi đúng đắn trong một nền dân chủ,” Tướng Narongpan nói.
Đảng đối lập Pheu Thai lập luận rằng ông Prayuth đã phục vụ tối đa tám năm, như Hiến pháp năm 2017 vốn được soạn thảo dưới chính quyền quân sự, quy định, bởi vì cần tính luôn thời gian ông làm người đứng đầu chính quyền quân sự.
Tòa án đã đình chỉ chức vụ của ông Prayuth cho đến khi họ ra phán quyết về kiến nghị. Họ không cho biết là ngày nào.
Ông Prayuth đã không phát biểu công khai về quyết định này. Ông ở nhà hôm 25/8 nhưng đã tham dự cuộc họp của Bộ Quốc phòng qua truyền hình, một quan chức bộ cho biết.
Ông vẫn giữ chức vụ bộ trưởng quốc phòng trong nội các.
Một phát ngôn nhân của chính phủ Thái Lan cho biết hôm thứ 24/8 rằng ông Prayuth tôn trọng quyết định của tòa án, đồng thời nói rằng chính phủ vẫn hoạt động bình thường.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, 77 tuổi, cũng là một người bảo hoàng và là cựu tư lệnh quân đội có quan hệ lâu dài với ông Prayuth, đã trở thành thủ tướng lâm thời.
Prayuth lên nắm quyền ở Thái Lan với tư cách là người đứng đầu hội đồng quân sự sau khi ông lật đổ chính phủ được dân bầu vào năm 2014 do bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu thủ tướng và ông trùm viễn thông Thaksin Shinawatra, lãnh đạo.
Lãnh đạo Đảng Pheu Thai Chonlanan Srikaew kêu gọi ông Prayuth từ chức ngay bây giờ.
“Vì lợi ích của đất nước, Tướng Prayuth nên từ chức để chúng ta có thể bắt đầu quá trình lựa chọn thủ tướng dựa trên hiến pháp càng sớm càng tốt,” ông Chonlanan viết trên Facebook.
Những người ủng hộ ông Prayuth lập luận rằng nhiệm kỳ của ông bắt đầu vào năm 2017, khi hiến pháp mới có hiệu lực, hoặc sau cuộc bầu cử năm 2019, có nghĩa là ông được phép ở lại cho đến năm 2025 hoặc 2027, miễn là ông có được sự ủng hộ của Quốc hội.
Ngay cả khi tòa án phán quyết nhiệm kỳ của ông Prayuth đã đến giới hạn, liên minh chủ yếu là thân quân đội của ông vẫn có đủ phiếu bầu ở Quốc hội để chọn thủ tướng mới.
Phản ứng của công chúng đối với việc Prayuth bị ngưng chức là lặng lẽ nhưng một nhóm nhỏ các nhà hoạt động dân chủ đã đốt pháo hoa gần dinh thự của thủ tướng vào cuối ngày 24/8 và giằng co với cảnh sát.
“Prawit luôn ở bên Prayuth... không có nhiều khác biệt giữa hai người họ,” nhà hoạt động thanh niên Patsaravalee Tanakitvibulpon nói với Reuters.
“Những gì chế độ đang làm là đổi người nhưng vẫn cũng chế độ đó nắm quyền,” cô nói.
Tư lệnh quân đội Thái ca ngợi Thủ tướng Prayuth sau khi ông bị đình chỉ chức vụ (voatiengviet.com)
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha bị đình chỉ chức vụ: Chính trường Thái Lan ít biến động
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ, nhưng ngày 25.8, ông Prayut vẫn tham dự cuộc họp của Bộ Quốc phòng Thái Lan trên cương vị Bộ trưởng, trong khi đồng minh lâu năm của ông là Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon bắt đầu ngày đầu tiên trên cương vị Thủ tướng tạm quyền.
Đình chỉ chức thủ tướng
Ngày 24.8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã bỏ phiếu với tỉ lệ 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống về lệnh đình chỉ chức vụ với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Lệnh đình chỉ chức vụ của ông Prayut Chan-o-cha được đưa ra sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan nhận được đơn yêu cầu phán quyết về nhiệm kỳ thủ tướng 8 năm của ông, theo Bangkok Post. Phe đối lập cho rằng, nhiệm kỳ 8 năm của ông Prayut cần kết thúc vào ngày 24.8 do ông đã có 2 nhiệm kỳ 4 năm liên tiếp làm thủ tướng kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014. Mục 158 Hiến pháp năm 2017 của Thái Lan quy định nhiệm kỳ của một thủ tướng không quá 8 năm, bất kể quãng thời gian đó là liền mạch hay ngắt quãng.
Tòa án cho ông Prayut 15 ngày để trả lời về việc đình chỉ của ông. Việc đình chỉ dự kiến sẽ kéo dài khoảng một tháng trong khi tòa án xem xét phán quyết cuối cùng.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho hay, ông Prayut vẫn là thành viên của nội các với vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng. Theo một lệnh của Văn phòng Thủ tướng do ông Prayut ký vào năm 2020, ông Prawit Wongsuwon là người có thứ bậc cao nhất trong số 6 Phó Thủ tướng của Thái Lan và sẽ đảm nhiệm vai trò Thủ tướng tạm quyền.
Ít xáo trộn
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hy vọng quyết định đình chỉ chức vụ thủ tướng của ông Prayut Chan-o-cha sẽ có ít tác động đến việc điều hành của chính phủ và những nỗ lực đang được thực hiện nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang mỏng manh của đất nước.
Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Sanan Angubolkul cho biết, mặc dù thủ tướng bị đình chỉ chức vụ cho đến khi vụ việc được quyết định, các cuộc họp của nội các và chính quyền đương nhiệm vẫn không bị ảnh hưởng.
Ông Sanan thừa nhận, phán quyết có thể khiến một số nhà đầu tư xem xét lại quyết định đầu tư. Theo ông, điều quan trọng nhất đối với khu vực kinh doanh là tăng cường niềm tin vào Thái Lan và xây dựng lại nền kinh tế của đất nước trong năm nay và năm tới, trong khi du lịch đang trở lại và lĩnh vực xuất khẩu vẫn phát triển mạnh mẽ. “Dù có chuyện gì xảy ra với người đứng đầu, khu vực kinh doanh vẫn lạc quan rằng nền kinh tế Thái Lan có thể đạt được mức tăng trưởng 2,75-3,5% như dự kiến" - ông Sanan bày tỏ.
Cùng chung nhận định, ông Chaichan Charoensuk - Chủ tịch Hội đồng các hãng vận chuyển Thái Lan (TNSC) - cho biết, trong ngắn hạn, việc đình chỉ này không có khả năng ảnh hưởng đến các kế hoạch kinh tế quốc gia, đặc biệt là đối với lĩnh vực xuất khẩu, vì các đơn đặt hàng thường được thực hiện trước. Ngân sách tài khóa 2023 đã được quốc hội thông qua, thúc đẩy chi tiêu của chính phủ tăng lên. Chủ tịch TNSC bày tỏ hy vọng tòa án đưa ra phán quyết càng nhanh càng tốt để giải quyết khoảng trống chính trị.
Ông Chamnan Srisawat - Chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) - nói rằng, ngành này cần chờ phán quyết cuối cùng của tòa án, dự kiến vào tháng tới. Tình hình có thể ảnh hưởng đến tâm lý du lịch ở một mức độ nào đó vì các đối tác thương mại và du lịch quốc tế đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ở Thái Lan, đặc biệt là liên quan đến an ninh. Nếu có bất ổn trong nước trong thời gian này, ngành du lịch có thể bị tổn hại. Tuy nhiên, TCT tin tưởng việc đình chỉ sẽ không tạo ra tác động kinh tế to lớn vì chính phủ sẽ tiếp tục hoạt động như thường lệ trong năm tài chính mới, bắt đầu vào tháng 10.
Theo Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Thái Lan (EconThai), việc đình chỉ chức vụ của thủ tướng sẽ không có tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp. Tanit Sorat, Phó Chủ tịch EconThai, cho hay, kế hoạch của chính phủ tăng mức lương tối thiểu hằng ngày cho người lao động cũng sẽ được tiến hành theo kế hoạch.
“Trên thực tế, tôi coi việc đình chỉ là một yếu tố tích cực, bởi sẽ làm sáng tỏ những nghi ngờ về vai trò của Tướng Prayut, đồng thời hạn chế các cuộc biểu tình chống lại ông. Sẽ không có một đợt khủng hoảng chính trị mới do các nhà chức trách ra tay để ngăn chặn các cuộc biểu tình của người dân" - ông Tanit nói, đồng thời cho biết ủy ban tiền lương quốc gia ba bên sẽ tiếp tục xem xét việc tăng lương, dự kiến kết thúc trong tháng này. Đề xuất của ủy ban sau đó sẽ được Bộ Lao động và nội các phê duyệt. Ông Tanit tin rằng lương sẽ tăng 5-8%.
Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết, việc thủ tướng bị đình chỉ sẽ không ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh APEC dự kiến diễn ra tại Thái Lan vào tháng 11 tới. Theo Ngoại trưởng Don, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến niềm tin quốc tế đối với Thái Lan...
https://laodong.vn/the-gioi/thu-tuong-prayut-chan-o-cha-bi-dinh-chi-chuc-vu-chinh-truong-thai-lan-it-bien-dong-1085283.ldo
Geen opmerkingen:
Een reactie posten