Hạn hán đe dọa Châu Âu và Trung Quốc
Hạn hán tồi tệ nhất 500 năm ở Châu Âu hiện ảnh hưởng đến gần 2/3 lục địa. Trong khi đó, đợt nắng nóng chưa từng thấy đã xảy ra ở Trung Quốc làm sông hồ khô cạn, mùa màng tổn thất, gây cháy rừng và dẫn tới thiếu điện.
Ảnh hưởng tới 2/3 Châu Âu
Đài quan sát Hạn hán Toàn cầu của Ủy ban Châu Âu công bố báo cáo trong tuần này cho biết, 47% Châu Âu đang chịu cảnh báo hạn hán - tức ít mưa và đất đang khô cằn - trong khi 17% châu lục đang được cảnh báo hạn hán - tức cùng với đất khô cằn và các vấn đề về lượng mưa, thảm thực vật đang có dấu hiệu căng thẳng.
"Hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của Châu Âu kể từ đầu năm đã tiếp tục mở rộng và trở nên tồi tệ hơn từ đầu tháng 8. Những điều kiện khô hạn có liên quan đến ít mưa trên diện rộng và dai dẳng kết hợp với chuỗi nắng nóng từ tháng 5 trở đi" - báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Romania, Hungary, phía bắc Serbia, Ukraina, Moldova, Ireland và Vương quốc Anh đang trong tình trạng ngày càng nguy hiểm khi phần lớn Châu Âu chịu ảnh hưởng của thời tiết khô hạn nghiêm trọng và dự kiến tiếp tục duy trì. Nước Anh vừa trải qua tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1935.
Báo cáo của Đài quan sát Hạn hán Toàn cầu chỉ ra, rất ít khu vực, chỉ có phía nam Cộng hòa Czech, miền bắc Áo và các khu vực nhỏ ở miền trung nước Pháp, ghi nhận sự phục hồi. Những đợt nắng nóng và khô hạn khắc nghiệt dẫn tới thiệt hại có thể nhìn thấy được ở phạm vi rộng lớn khắp Châu Âu.
Mực nước của các con sông đã xuống thấp đến mức nhiều cổ vật chìm dưới lòng sông đã phát lộ. Trong tháng 6, nước của con sông lớn nhất Italia - sông Po - đã hạ sâu tới mức chiếc sà lan 164 năm tuổi vận chuyển gỗ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai bị chìm năm 1943 đã xuất hiện. Hàng chục tàu chìm cũng đã nổi lên dọc theo con sông dài thứ hai của Châu Âu, sông Danube.
Cháy rừng cũng càn quét châu lục, thiêu rụi mùa mang, buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa. Đầu tháng 8, đám cháy kinh hoàng càn quét vùng rượu vang Bordeaux và biến một vùng đất thành tro bụi. Khoảng 10.000 người phải sơ tán riêng trong vùng này. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang ứng phó với cháy rừng trong nước, hàng nghìn lính cứu hỏa được triển khai trong nỗ lực kiểm soát hỏa hoạn.
Tình hình thời tiết khiến Ủy ban Châu Âu cảnh báo, "hạn hán hiện nay ở Châu Âu dường như tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm" đồng thời nhấn mạnh "những tác động của biến đổi khí hậu đang trở nên rõ ràng hơn mỗi năm".
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ảnh hưởng đến một số lĩnh vực ở Châu Âu, bao gồm năng lượng và nông nghiệp. Nguồn cung cấp nước giảm gây căng thẳng cho vận hành thủy điện và tác động nghiêm trọng đến hệ thống làm mát của nhà máy điện.
Căng thẳng về nguồn nước và nhiệt độ cũng "làm giảm đáng kể" năng suất vụ hè. Ngô, đậu nành và hoa hướng dương bị ảnh hưởng nhiều nhất. So với mức trung bình 5 năm, năng suất của những loại cây trồng này lần lượt giảm 16%, 15% và 12%.
Nắng nóng Trung Quốc đang phá mọi kỷ lục
Đợt nắng nóng chưa từng thấy xảy ra ở Trung Quốc trong mùa hè năm nay làm sông hồ khô cạn, mùa màng tổn thất và dẫn tới những đám cháy rừng. Hạn hán cũng khiến giao thông đường thủy ngưng trệ, gây ra tình trạng thiếu điện và buộc các thành phố lớn ở Trung Quốc phải tắt đèn để tiết kiệm điện. Nước sông, hồ rút làm những cây cầu cổ và tượng Phật bị chìm lâu năm nổi lên.
Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, đã bị rút nước tới 2/3. Truyền thông Trung Quốc gọi hình ảnh trong lòng hồ cạn là “cây đất”, nhấn mạnh tình trạng của hồ Bà Dương là lời cảnh báo về một tương lai nguy hiểm của thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Đợt nắng nóng ở Trung Quốc hiện nay đã vượt qua ngày thứ 73 và vẫn tiếp tục đã phá kỷ lục nắng nóng 62 ngày mà nước này ghi nhận năm 2013. Nhà sử học khí hậu Maximiliano Herrera nhận định: “Đợt nắng nóng này vượt qua bất cứ điều gì từng thấy trước đây trên toàn thế giới”.
Nhiều đám cháy đã bùng phát trong tuần qua khi nắng nóng cao độ và hạn hán, với những đám cháy đặc biệt dữ dội ở miền trung Trung Quốc, gần Trùng Khánh. Thành phố ven sông Dương Tử ghi nhận nhiệt độ tới 35 độ C trong những ngày gần đây, kỷ lục về nhiệt độ tối thiểu hằng ngày trong tháng 8. Trong số các kỷ lục gần đây nhất, tỉnh Tứ Xuyên ghi nhận mức nhiệt 44 độ C vào 24.8, một tuần trước đó Bắc Bội ở Trùng Khánh ghi nhận mức nhiệt 45 độ C - mức cao nhất từ trước tới nay ở Trung Quốc không kể sa mạc Tân Cương.
Vikki Thompson, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bristol ở Anh, chỉ ra: “Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm phần lớn những khu vực xây dựng nhiều hơn ở Trung Quốc, dẫn đến tác động lớn đến xã hội". Tình trạng thiếu điện đã xảy ra. Khi sản lượng thủy điện của Tứ Xuyên giảm xuống dưới một nửa mức bình thường, 67 nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh này đã hoạt động hết công suất để tạo ra nhiều năng lượng nhất có thể nhằm ứng phó khẩn cấp với thiếu hụt, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông tin ngày 23.8.
Tình trạng hỗn loạn trên thị trường năng lượng toàn cầu do xung đột Nga - Ukraina cũng làm tăng thêm mối lo ngại lâu nay của Trung Quốc về an ninh năng lượng. Bắc Kinh lệnh cho các mỏ than trong nước tăng sản lượng và chính phủ Trung Quốc cũng nhập khẩu số lượng kỷ lục cả than đá và dầu mỏ từ Nga.
https://laodong.vn/the-gioi/han-han-de-doa-chau-au-va-trung-quoc-1085284.ldo
Geen opmerkingen:
Een reactie posten