Sài Gòn đột nhiên làm đám giỗ lớn cho Lê Văn Duyệt
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lễ giỗ lần thứ 190 của Tả Quân Lê Văn Duyệt được Sài Gòn tổ chức theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình Triều Nguyễn trong ba ngày liền, báo Thanh Niên hôm 26 Tháng Tám cho hay.
Trong loạt ảnh do báo này đăng tải, người ta thấy ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, và ông Phan Văn Mãi, chủ tịch thành phố, cùng nhiều thuộc cấp, tạo dáng thắp nhang tại mộ cũng như ở đền thờ ông Lê Văn Duyệt.
Việc lãnh đạo ở Sài Gòn tổ chức lễ giỗ linh đình trong ba ngày được giải thích là nhằm “tưởng nhớ các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước.”
Tuy vậy, theo giới quan sát, việc hai ông Nên và Mãi làm đám giỗ lớn cho Lê Văn Duyệt như một hình thức tâm linh và để “cầu an,” trong bối cảnh giới chức lãnh đạo ở Sài Gòn liên tiếp vướng vòng lao lý hoặc thiệt mạng.
Tờ Thanh Niên cũng cho hay, tuy là lễ giỗ nhưng an ninh được thắt chặt, với việc điều động các lực lượng công an, an ninh, dân phòng tại lăng Lê Văn Duyệt ở quận Bình Thạnh.
Trong dịp này, lăng Lê Văn Duyệt đón khách thập phương đến dâng hương và thưởng thức tuồng hát bội “Phụng Nghi Đình.”
Việc tổ chức đám giỗ diễn ra hai năm sau khi Sài Gòn gắn bảng tên đường Lê Văn Duyệt cho đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ Cầu Bông đến giao lộ Phan Đăng Lưu ở quận Bình Thạnh.
Ở Sài Gòn và Gia Định trước năm 1975 có tới hai đại lộ mang tên Lê Văn Duyệt. Đại lộ Lê Văn Duyệt của Đô Thành Sài Gòn hiện nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, còn đại lộ Lê Văn Duyệt của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Đinh Tiên Hoàng.
Sau biến cố 30 Tháng Tư, cả hai con đường mang tên Lê Văn Duyệt đều bị đổi tên vào cùng ngày 14 Tháng Tám, 1975. Ngoài ra trước năm 1976, quận 3 còn có phường Lê Văn Duyệt, ngày nay là các phường 10 và 11 của quận 3.
Tác giả Lê Ngọc Trác bình luận trên trang Văn Hóa Học, trường Đại Học Khoa Học và Xã Hội Nhân Văn thuộc Đại Học Quốc Gia TP.HCM: “…Tả Quân Lê Văn Duyệt có một số phận lịch sử đặc biệt. Sau khi ông qua đời, có nhiều nhận định, đánh giá trái ngược nhau. Ca ngợi tài năng và công lao của ông cũng nhiều, mà phê phán cũng không ít. Những người có cảm tình với Nhà Tây Sơn thì xem Lê Văn Duyệt như một tên tội đồ, một người thân Pháp và Thiên Chúa Giáo.”
“Các sử gia Triều Nguyễn từng thời kỳ cũng bất nhất và có phần khắt khe trong đánh giá về Lê Văn Duyệt. Có thời thì xem ông như một tội phạm của triều đình. Cũng có thời Lê Văn Duyệt được xem là một tướng lừng danh có nhiều công lao to lớn đối với Triều Nguyễn và đất nước. Về sau này, có thời mà tư tưởng dân tộc cực đoan và quá khích thì người ta xóa sạch công lao của Lê Văn Duyệt,” theo trang Vanhoahoc.vn. (N.H.K) [qd]
Sài Gòn đột nhiên làm đám giỗ lớn cho Lê Văn Duyệt (nguoi-viet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten