Putin: Nga cho phép thanh tra quốc tế tới nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia

  • Matt Murphy
  • BBC News
Image shows serviceman before nuclear plant

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,

Một người lính với lá cờ Nga đứng gác gần khu phức hợp hạt nhân Zaporizhzhia

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các quan chức Liên Hợp Quốc sẽ được phép tới thăm và thị sát khu phức hợp hạt nhân Zaporizhzhia.

Điện Kremlin đưa ra thông báo này sau cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo Nga và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Động thái này diễn ra sau khi người đứng đầu Liên hợp quốc Antonio Guterres nói với BBC rằng ông "quan ngại" về tình hình tại nhà máy.

Ông Guterres nói các hoạt động quân sự xung quanh Zaporizhzhia cần phải được chấm dứt và thúc giục Moscow cấp quyền tiếp cận cho các thanh tra quốc tế.

Nhà máy này đã bị quân đội Nga chiếm đóng từ đầu tháng 3 nhưng vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành dưới sự chỉ đạo của người Nga.

Trong một thông báo sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga, Điện Kremlin cho biết ông Putin đã đồng ý cung cấp "sự hỗ trợ cần thiết" cho các nhà điều tra Liên Hợp Quốc tiếp cận địa điểm này.

"Cả hai nhà lãnh đạo đều lưu ý tầm quan trọng của việc cử phái đoàn thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới nhà máy điện hạt nhân càng sớm càng tốt để đánh giá tình hình thực địa", Điện Kremlin cho biết.

Tổng giám đốc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc IAEA, ông Rafael Grossi hoan nghênh tuyên bố của ông Putin và cho biết ông sẵn sàng tự mình dẫn đầu chuyến thăm nhà máy.

Ông Grossi cho biết: "Trong tình hình có nhiều biến động và bấp bênh này, điều quan trọng là không có hành động mới nào có thể gây nguy hiểm hơn nữa cho sự an toàn và an ninh của một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới".

Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã biến khu phức hợp Zaporizhzhia thành một căn cứ quân sự - triển khai thiết bị quân sự, vũ khí và khoảng 500 binh sĩ đang sử dụng địa điểm này như một lá chắn để tấn công các thị trấn bên kia sông Dnepr.

Trong những tuần gần đây, khu vực xung quanh nhà máy này đã hứng chịu hỏa lực pháo kích dữ dội, trong đó Kyiv và Moscow đổ lỗi cho nhau về các cuộc tấn công này.

Hôm 18/8, trong cuộc gặp gỡ với ông Guterres và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích các cuộc tấn công "có chủ ý" của Nga vào nhà máy hạt nhân.

Chụp lại video,

Xem: Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị pháo kích

Mặc dù thể hiện sẵn sàng cho các thanh tra quốc tế tiếp cận địa điểm, các quan chức Nga đã thẳng thừng từ chối các yêu cầu của quốc tế về việc phi quân sự hóa địa điểm này.

Ivan Nechayev, Phó giám đốc bộ phận thông tin và báo chí của Bộ Ngoại giao Nga hôm 19/8 cho biết rằng những động thái như vậy sẽ khiến nhà máy "thậm chí còn dễ bị tổn hại hơn".

Trong khi đó, Nga đã đệ trình một bức thư lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nêu chi tiết về "những hành động khiêu khích" mà nước này cáo buộc Ukraine âm mưu tiến hành tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Phái bộ Nga tại LHQ cáo buộc rằng Ukraine muốn gây ra "những gì họ tin là một tai nạn nhỏ", bao gồm một vụ rò rỉ phóng xạ, có thể khiến Nga bị cáo buộc thực hiện "khủng bố hạt nhân".

Bức thư bác bỏ thông tin rằng quân đội Nga đang cất giữ vũ khí tại cơ sở này, đồng thời lặp lại một cáo buộc rằng phía Ukraine đã pháo kích vào nhà máy.

Map showing Zaporizhzhia nuclear power plant.

Tổng Thư ký LHQ: 'Nga phải rời khỏi nhà máy điện Zaporizhzhia'

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC tại Odesa, người đứng đầu LHQ Antonio Guterres cho biết tình hình tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu "rất khó hiểu", khi Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau vì đã nã pháo vào địa điểm này, căng thẳng làm dấy lên lo ngại về một thảm họa có thể xảy ra.

"Tất nhiên là tôi lo ngại," ông Guterres nói.

"Khi có các hoạt động quân sự, bắn phá gần nhà máy điện hạt nhân, đây là vấn đề mọi người quan tâm".

"Tôi hy vọng rằng có thể bắt đầu tham gia theo cách mà ít nhất là vào lúc này, sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự."

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần cáo buộc Nga "tống tiền hạt nhân", và một số quan chức cho rằng Nga đã bịa đặt ra một cuộc khủng hoảng để buộc Ukraine và các nước khác tuân thủ các điều kiện của họ, vì cuộc chiến kéo dài gần 6 tháng này dường như đang đi vào bế tắc.

Các tuyên bố này không thể được xác minh một cách độc lập, vì địa điểm này đã bị Nga chiếm đóng từ đầu tháng Ba.

Tuy nhiên, cơ sở này vẫn do các nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành dưới sự chỉ đạo của Nga, một số người nói rằng bị chĩa súng vào người. Người điều hành nhà máy cho biết, hiện tại, nhà máy hạt nhân vẫn an toàn, nhưng đã cảnh báo rằng Nga có thể cố gắng ngắt kết nối cơ sở này khỏi lưới điện Ukraine.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-62615286