maandag 8 augustus 2022

Bị phạt $200,000 vì thay nhãn ‘Made in China’ bằng ‘Made in USA’

 Bị phạt $200,000 vì thay nhãn ‘Made in China’ bằng ‘Made in USA’

BLUFFDALE, Utah (NV) – Một công ty quần áo có trụ sở đặt tại tiểu bang Utah, vẫn được khách hàng biết tới qua các kiểu trang phục đòi hỏi quyền giữ súng và ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump, vừa bị ủy ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Federal Trade Commission (FTC) phạt vì để nhãn “Made in USA” trên các sản phẩm làm ở nước ngoài.

Theo báo USA Today hôm Thứ Hai, 8 Tháng Tám, công ty “Lions Not Sheep” và chủ nhân là ông Sean Whalen tuần qua bị phạt $211,335 sau khi FTC có chứng cớ rằng công ty tháo nhãn “Made in China” sau khi nhập cảng và thay bằng nhãn “Made in the USA.”

Một sản phẩm làm ở Mỹ. (Hình minh họa: NV Online)

Quyết định phạt này được đưa ra sau khi cơ quan FTC hồi Tháng Năm thông báo mở cuộc điều tra do có tố cáo của người tiêu dùng.

Theo thông cáo của FTC, công ty “Lions Not Sheep” để nhãn “Made in USA” lên các sản phẩm quần áo, nón….nhập cảng từ Trung Quốc và các quốc gia khác. FTC không nói rõ các quốc gia khác là những nước nào.

Các mặt hàng công ty này bán ra, qua trang mạng của chính họ cũng như trên Amazon và Etsy, gồm cả áo thun, áo sweatshirt và áo khoác.

FTC nói rằng các sản phẩm của công ty được quảng cáo mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội nói rằng y phục của họ sẽ giúp khách hàng thấy rằng “có thể sống cuộc đời của Sư Tử chứ Không là Con Cừu.”

Phán quyết của FTC về công ty Lions Not Sheep. (Hình: FTC)

Một số áo thun quảng cáo trên trang web của công ty thấy có hàng chữ “cho bạo động có được cơ hội” (give violence a chance), với hình cựu Tổng Thống Trump thể hiện nhân vật Terminator cùng với các võ khí quân sự.

Ông Whalen hiện chưa trả lời yêu cầu có lời bình luận về sự việc của USA Today.

Cá nhân ông Whalen trước đây từng than phiền trên mạng về việc hàng hóa làm ở Trung Quốc nhưng lại để nhãn “Made in USA.”

Trong quyết định dài 12 trang, FTC nói công ty và chủ nhân phải “ngưng việc quảng cáo sai lạc rằng sản phẩm làm ở Mỹ” và nói rõ cho khách hàng biết đây là hàng hóa sản xuất ở nước ngoài. Công ty cũng phải liên lạc với các khách hàng đã mua sản phẩm của họ và thông báo về việc này. (V.Giang) [kn]

Bị phạt $200,000 vì thay nhãn ‘Made in China’ bằng 'Made in USA’ (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten