zondag 31 oktober 2021

Hơn 20,000 người chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ 6 tháng đầu năm 2021

 Hơn 20,000 người chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ 6 tháng đầu năm 2021

WASHINGTON, DC (NV) – Số người chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ trong sáu tháng đầu năm 2021 tăng 18.4% so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Giao Thông Vận Tải (DOT) loan báo hôm Thứ Năm, 28 Tháng Mười, theo Reuters.

Đây là sáu tháng đầu năm ở Mỹ có số người chết nhiều nhất vì tai nạn giao thông kể từ năm 2006 đến nay, DOT cho hay. Và 18.4% cũng là mức tăng cao nhất kể từ khi Hệ Thống Báo Cáo Tử Vong Vì Tai Nạn Giao Thông bắt đầu hoạt động hồi năm 1975.

Cảnh sát phong tỏa xa lộ I-24 sau khi một chiếc xe bị lộn nhào ở Nashville, Tennessee, ngày 16 Tháng Hai, 2021. (Hình minh họa: Brett Carlsen/Getty Images)

Số người chết liên quan giao thông tăng vọt sau khi lệnh phong tỏa chống COVID-19 kết thúc năm 2020 và ngày càng nhiều tài xế lái xe cẩu thả như vượt quá tốc độ cho phép và lái xe trong lúc đang say rượu hay ma túy, theo Cơ Quan An Toàn Giao Thông Xa Lộ Quốc Gia (NHTSA).

“Đúng là khủng hoảng,” ông Pete Buttigieg, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, ra tuyên bố cho biết. “Chúng ta không thể và không nên đơn giản chấp nhận những cái chết này là một phần trong đời sống hằng ngày ở Mỹ.”

Ông Buttigieg cho hay DOT sẽ công bố Chiến Lược An Toàn Giao Thông Quốc Gia vào Tháng Giêng, 2022, trong đó gồm một loạt biện pháp hạn chế bị thương nặng và tử vong.

Khoảng 20,160 người chết vì đụng xe trong sáu tháng đầu năm 2021 ở Mỹ, tăng 3,140 người so với cùng kỳ năm 2020, theo NHTSA. Số lượt xe chạy trên đường phố Mỹ tăng 13% trong giai đoạn này.

NHTSA cho hay chỉ trong ba tháng, Tháng Tư, Tháng Năm và Tháng Sáu, số người chết vì tai nạn giao thông tăng 23.1%, mức tăng hằng quý cao nhất từ trước đến nay. (Th.Long) [qd]

Hơn 20,000 người chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ 6 tháng đầu năm 2021 (nguoi-viet.com)

Mỹ thử nghiệm thành công động cơ lực đẩy siêu thanh

 

Mỹ thử nghiệm thành công động cơ lực đẩy siêu thanh

30/10/2021
Không quân Mỹ thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục đía Minuteman 3.

Ngũ Giác Đài ngày 28/10 thử nghiệm thành công một động cơ rốc-kết đẩy vốn được thiết kế để phóng phi đạn mang vũ khí siêu thanh, Hải quân Mỹ cho hay.

Mỹ và các đối thủ toàn cầu đang tăng cường nỗ lực chế tạo các vũ khí siêu thanh- thế hệ vũ khí kế tiếp không cho đối thủ có thì giờ phản ứng và vô hiệu hoá các cơ chế đánh bại truyền thống.

“Chúng tôi đang đi đúng lịch trình thử nghiệm chuyến bay sắp tới của phi đạn siêu thanh thông thường,” theo Phó Đô đốc Johnny Wolfe Jr, Giám đốc Chương trình Hệ thống Chiến lược của Hải quân, người đứng đầu thiết kế của chương trình. Chuyến bay thử nghiệm sắp tới, kết hợp rốc-kết đẩy với vũ khí siêu thanh, sẽ diễn ra trước mùa thu 2022.

Quân đội Mỹ sẽ dùng phi đạn siêu thanh thông thường làm căn bản để phát triển những hệ thống vũ khí và các bệ phóng thích ứng với các đợt phóng phi đạn từ biển và đất liền.

Các công ty sản xuất vũ khí Lockheed Martin, Northrop Grumman và Raytheon Technologies tuần này cho biết chương trình vũ khí siêu thanh của họ đứng đầu thu hoạch hàng quý trong lúc thế giới tập trung chuyển qua cuộc chạy đua vũ trang mới về một lớp vũ khí đang trỗi dậy.


Mỹ thử nghiệm thành công động cơ lực đẩy siêu thanh (voatiengviet.com)

FDA Mỹ chấp thuận vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi

 

FDA Mỹ chấp thuận vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi

30/10/2021
Trụ sở Cơ quan Quản lý dược phẩm-thực phẩm Mỹ (FDA) ở White Oak, tiểu bang Maryland.

Cơ quan Quản lý dược phẩm-thực phẩm Mỹ (FDA) ngày 29/10 cho phép dùng vaccine Pfizer/BioNTech nơi trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, biến vaccine này trở thành vaccine COVID đầu tiên cho trẻ nhỏ tại Mỹ.

Với quyết định này, vaccine Pfizer sẽ được tiêm cho 28 triệu trẻ em Mỹ, nhiều em đã trở lại học đường.

Một ủy ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự trù họp vào tuần tới để xem xét những khuyến nghị về cách dùng vaccine cho nhóm tuổi này. Giám đốc CDC sẽ có quyết định chung cuộc.

Tới nay chỉ có một ít nước như Trung Quốc, Cuba và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đã chấp thuận vaccine COVID-19 cho trẻ em ở nhóm tuổi này hay nhỏ hơn.

FDA chấp thuận liều 10 microgram của vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi, thấp hơn so với liều 30 microgram nguyên thủy dùng cho 12 tuổi trở lên.

Pfizer/BioNTech nói vaccine của họ chứng tỏ 90,7% hiệu nghiệm chống virus corona trong cuộc thử nghiệm lâm sàng nơi trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Pfizer hy vọng sẽ có dữ liệu của cuộc thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em từ 2 đến 4 tuổi trước cuối năm nay.

Vaccine của Pfizer là vaccine đầu tiên được phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ vào tháng 12 năm ngoái cho 16 tuổi trở lên.

Tới tháng 5 năm nay, vaccine được chấp thuận cho nhóm tuổi từ 12 đến 15 và được chấp thuận hoàn toàn tại Mỹ vào tháng 8 vừa qua.


FDA Mỹ chấp thuận vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi (voatiengviet.com)

G20 muốn 70% dân số thế giới được tiêm chủng trước giữa năm sau

G20 muốn 70% dân số thế giới được tiêm chủng trước giữa năm sau

30/10/2021
Hội nghị G20 tại Rome, Ý.

Bộ trưởng Tài chánh và Y tế của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ngày 29/10 tuyên bố sẽ có các bước để đảm bảo tới giữa năm sau 70% dân số thế giới được tiêm chủng và thành lập lực lượng đặc nhiệm để chống đại dịch trong tương lai.

G20 không đạt được thỏa thuận về một chương trình tài chánh do Mỹ và Indonesia đề nghị, nhưng nói lực lượng đặc nhiệm sẽ thăm dò những giải pháp để huy động các nguồn quỹ thúc đẩy sự chuẩn bị, phòng ngừa và đáp ứng với đại dịch.

“Để tiến tới mục tiêu toàn cầu tiêm chủng ít nhất 40% dân số các nước vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022…chúng tôi sẽ có các bước thúc đẩy nguồn cung vaccine và những sản phẩm y tế thiết yếu cho các nước đang phát triển và gỡ bỏ những trở ngại trong tài chính và nguồn cung,” các bộ trưởng G20 nói trong một tuyên bố nhưng không nêu chi tiết.

Mục tiêu trước đây nhắm tiêm chủng 70% dân số thế giới trước mùa thu năm sau.Các bộ trưởng cũng kêu gọi tăng cường khả năng phục hồi nhanh chóng chuỗi cung cấp thông qua các trung tâm chuyển giao công nghệ tự nguyện, chẳng hạn như Trung tâm mRNA mới thành lập tại Nam Phi, Argentina và Brazil, và qua những thoả thuận sản xuất và chế biến chung.

 G20 muốn 70% dân số thế giới được tiêm chủng trước giữa năm sau (voatiengviet.com)

Triều Tiên thiếu tiền mặt, thực phẩm; phải ăn thiên nga, dùng tem phiếu

 

Triều Tiên thiếu tiền mặt, thực phẩm; phải ăn thiên nga, dùng tem phiếu

29/10/2021
Một cánh đồng ngô của Triều Tiên bị hư hại vì lụt (ảnh tư liệu, 2011).

Từ in tem phiếu để thay cho tiền mặt cho đến nuôi thiên nga đen vốn là động vật làm cảnh để lấy thịt ăn, Triều Tiên đang bị buộc phải “sáng tạo” để giải quyết các vấn đề kinh tế và tình trạng thiếu lương thực khi các đợt đóng cửa biên giới để chống đại dịch cứ kéo dài mãi, theo các báo cáo từ nhiều nguồn khác nhau.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho hay trong một cuộc điều trần kín tại quốc hội nước này hôm thứ Năm 28/10 rằng lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh phải nâng niu từng hạt gạo và nỗ lực hết mình cho nông nghiệp, các nhà lập pháp dự cuộc điều trần tường thuật lại.

Mặc dù vậy, cơ quan tình báo Hàn Quốc đánh giá rằng vụ thu hoạch năm nay của Triều Tiên có lẽ đạt kết quả tốt hơn năm ngoái vì thời tiết nhiều nắng hơn, và họ nói rằng Triều Tiên đang thực hiện các bước để mở cửa biên giới trở lại với Trung Quốc và Nga trong những tháng tới, các nhà lập pháp Hàn Quốc kể lại với các phóng viên.

Triều Tiên từ lâu đã bị mất an ninh lương thực. Các nhà quan sát cho rằng tình trạng quản lý yếu kém nền kinh tế lại càng trở nên trầm trọng hơn vì Triều Tiên phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế đối với chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, ngoài ra là thiên tai và giờ lại thêm đại dịch COVID-19, dẫn đến các đợt đóng cửa biên giới chưa từng có.

Lãnh tụ Kim Jong Un đã thừa nhận tình hình lương thực "căng thẳng" và xin lỗi về những hy sinh mà người dân phải chịu để ngăn chặn sự bùng phát của virus corona.

Nhưng ông cũng cho rằng nền kinh tế được cải thiện trong năm nay, và Triều Tiên đã bác bỏ một báo cáo của các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc trong tháng này trong đó nói rằng hàng nghìn người dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ chết đói.

Theo các cơ quan truyền thông khác nhau trích dẫn các nguồn không rõ danh tính ở Triều Tiên, ngân hàng trung ương nước này đã in tem phiếu dùng thay cho tiền với trị giá khoảng 1 đô la mỗi chiếc do tình trạng Triều Tiên bị thiếu tiền won.

Rimjin-gang, một trang web có trụ sở tại Nhật Bản do những người đào tẩu Triều Tiên điều hành, đưa tin rằng tem phiếu đã được lưu hành ít nhất là từ tháng 8, một phần vì giấy và mực để in đồng tiền chính thức không còn nhập được từ Trung Quốc.

Trong tuần này, truyền thông nhà nước Triều Tiên quảng bá cho việc ăn thịt thiên nga đen, gọi đó là một nguồn thực phẩm có giá trị, và cho biết hoạt động chăn nuôi quy theo mô công nghiệp mới được phát triển sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân.

Tờ Rodong Sinmun của đảng cầm quyền viết hôm 25/10: “Thịt thiên nga đen rất ngon và bổ dưỡng”.

Còn theo NK News, nghiên cứu về nhân giống loài chim cảnh này để làm thực phẩm đã bắt đầu vào đầu năm 2019, và nhà chức trách đã yêu cầu các trường học, nhà máy và doanh nghiệp nuôi, trồng các loại cây, các loại con để làm thực phẩm, bao gồm cả nuôi cá và các động vật khác để tăng khả năng tự cung tự cấp.


Triều Tiên thiếu tiền mặt, thực phẩm; phải ăn thiên nga, dùng tem phiếu (voatiengviet.com)

Trưởng đại diện Mỹ: Washington cam kết giúp Đài Loan tự vệ

 

Trưởng đại diện Mỹ: Washington cam kết giúp Đài Loan tự vệ

29/10/2021
Bà Sandra Oudkirk gặp gỡ quan chức Đài Loan hồi tháng 7/2021.

Trưởng đại diện của Hoa Kỳ ở Đài Loan, bà Sandra Oudkirk, nói hôm thứ Sáu 29/10 rằng Hoa Kỳ cam kết giúp Đài Loan tự vệ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo đầu tiên của bà kể từ khi đảm nhận chức vụ vào tháng 7, bà mô tả mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan là "vững như bàn thạch".

Bà Oudkirk nắm chức giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, về thực chất đó là đại sứ quán của Hoa Kỳ nhưng không gọi tên như vậy do hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Bà Oudkirk phát biểu: “Hoa Kỳ có cam kết giúp Đài Loan có khả năng tự vệ”.

Ý kiến của bà được đưa ra giữa lúc căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc leo thang trong những tuần gần đây. Bắc Kinh không loại trừ khả năng dùng vũ lực chiếm hòn đảo có chính thể dân chủ.

Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ phản đối phát biểu của bà Oudkirk và kêu gọi Hoa Kỳ nhận thức được bản chất nhạy cảm của vấn đề Đài Loan.

"Đừng đùa với lửa, nếu không nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình, ổn định của eo biển Đài Loan", tuyên bố viết.

Mặc dù Hoa Kỳ, cũng như hầu hết các nước khác, không có quan hệ chính thức với hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí chính và là sự hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong thời gian gần đây có động thái tái khẳng định sự ủng hộ đó, trong khi Bắc Kinh tức tối.

Theo luật, Washington phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, nhưng lâu nay Mỹ vẫn có chính sách "mơ hồ chiến lược" về việc liệu họ có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công hay không.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có đứng ra bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hay không, bà Oudkirk cho biết chính sách đối với Đài Loan hoàn toàn rõ ràng và không có gì thay đổi, bà dẫn ra một số luật của Hoa Kỳ điều chỉnh mối quan hệ của họ với Đài Loan.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN phát sóng hôm 28/10, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn xác nhận rằng có một lực lượng nhỏ gồm các quân nhân Mỹ đang ở Đài Loan để huấn luyện binh sĩ Đài Loan.

Khi được đề nghị cho biết thêm thông tin chi tiết về sự hiện diện của lực lượng Mỹ trên hòn đảo, bà Oudkirk từ chối bình luận về các hoạt động hoặc chương trình huấn luyện cụ thể.


Trưởng đại diện Mỹ: Washington cam kết giúp Đài Loan tự vệ (voatiengviet.com)