donderdag 25 juni 2020

« Yếu tố Trung Quốc » ngăn cản đàm phán Nga – Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân

« Yếu tố Trung Quốc » ngăn cản đàm phán Nga – Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân

Washington và Matxcơva sẽ nối lại các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí tại Vienna, Áo ngày 22/6. Ảnh :  Nga, Mỹ trao nhau hiệp ước New Start ký tại Mátxcơva 08/04/2010.
Washington và Matxcơva sẽ nối lại các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí tại Vienna, Áo ngày 22/6. Ảnh : Nga, Mỹ trao nhau hiệp ước New Start ký tại Mátxcơva 08/04/2010. AFP - DMITRY ASTAKHOV
Ngày 09/06/2020, bộ Ngoại Giao Nga xác nhận Washington và Matxcơva sẽ nối lại các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí tại Vienna, thủ đô nước Áo vào ngày 22/6. Trọng tâm của cuộc họp là Hiệp ước song phương New Start, đúc kết năm 2010, nay sắp hết hạn vào đầu năm 2021. Nhưng theo giới quan sát, vai trò của Trung Quốc mới chính là tâm điểm trong cuộc thảo luận gay gắt này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần lượt rút Hoa Kỳ ra khỏi ba thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí : Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước INF – kiểm soát tên lửa tầm trung và Hiệp ước Open Skies – cho phép quan sát các di chuyển quân sự và kiểm soát các biện pháp hạn chế vũ khí của các nước có ký kết hiệp ước. Trong hai hiệp ước sau cùng, nguyên thủ Mỹ tố cáo Nga vi phạm các văn bản đó. 
Hiện chỉ còn New Start, ký kết năm 2010 là thỏa thuận hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai nước, cho phép khống chế số đầu đạn hạt nhân không vượt quá mức tối đa quy định. Thế nhưng, văn bản này sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2021, ngay sau khi ông Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ hiện nay.
Trong nhãn quan của chính quyền Donald Trump, các cơ chế kiểm soát vũ khí có từ thời Chiến Tranh Lạnh nay đã « lỗi thời », có quá nhiều khe hỡ, không phản ảnh đúng « thời kỳ mới », không theo kịp với những thay đổi tình hình địa chính trị ngày nay. Nói một cách khác, Hoa Kỳ muốn lôi kéo Trung Quốc vào cuộc đàm phán lần này. Washington cho rằng những thỏa thuận này chỉ phản ảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, nhưng không bao gồm cả Trung Quốc, giờ cũng là một cường quốc có ngân sách quân sự đứng hàng thứ hai trên thế giới.
Theo số liệu do Arms Control Association, một tổ chức độc lập của Mỹ, công bố năm 2019, chỉ riêng Hoa Kỳ và Nga mỗi bên đã có đến hơn 6.000 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc tuy số lượng sở hữu còn khiêm tốn, chỉ đứng sau Pháp (300), chiếm hàng thứ tư với 290 đầu đạn, nhưng trên cả Anh Quốc chỉ có 200.
Chỉ có điều như phân tích của bà Valerie Niquet, chuyên gia về châu Á, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (FRS) trên báo Le Figaro ngày 29/5/2020, « Trung Quốc cũng đang phát triển và hiện đại hóa chương trình vũ khí hạt nhân chiến thuật nên nước này sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân tầm trung như mong muốn của Hoa Kỳ ».
Nhận định này đã được phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 09/6 một lần nữa xác nhận khi thẳng thừng tuyên bố lập trường rõ ràng của Bắc Kinh là « không có chút ý định nào tham gia vào cuộc họp tự cho là đàm phán về kiểm soát vũ khí ».
Theo đánh giá của AFP, cuộc đàm phán lần này sẽ là cam go. Chỉ còn có hai tuần nữa là hai bên bước vào cuộc đàm phán, thứ trưởng Ngoại Giao Nga ông Sergueï Riabkov lưu ý Nga sẵn sàng mở rộng hiệp ước để cứu vãn New Start, thế nên, « quả bóng giờ nằm trên sân Mỹ ». Washington có thật sự muốn tiếp tục đàm phán với Nga hay là đặt việc Trung Quốc tham gia là điều kiện tiên quyết. Matxcơva khẳng định không thể thuyết phục Bắc Kinh đổi ý « một sớm một chiều » như mong muốn của Washington.
Về điểm này, giới chuyên gia nghi ngại yếu tố « Trung Quốc » chỉ là một cái cớ để Nhà Trắng một lần nữa phá hủy thêm một thỏa thuận hạt nhân quan trọng. Cuộc đua trang bị vũ khí hạt nhân sẽ còn tăng tốc nhanh hơn nữa vào năm 2021 một khi hiệp ước New Start, cột trụ giải trừ vũ khí cuối cùng bị phá vỡ và nhất là khi Hoa Kỳ cho xúc tiến trở lại các vụ thử hạt nhân. 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten