maandag 1 juni 2020

Bảo vệ môi trường: Châu Âu muốn cải tổ triệt để nền nông nghiệp và lối tiêu thụ

Bảo vệ môi trường: Châu Âu muốn cải tổ triệt để nền nông nghiệp và lối tiêu thụ

Vừa phát triển nông nghiệp, vừa bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học là thách thức hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họa
Vừa phát triển nông nghiệp, vừa bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học là thách thức hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họa ®AéroBiodiversité
Ngày 20/05/2020, Liên Hiệp Châu Âu có một bước tiến mới trong nỗ lực hướng đến một xã hội lấy thân thiện với môi trường, sinh thái làm mục tiêu phát triển. Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về một số nét lớn của hai kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh thái và cải cách triệt để nền nông nghiệp và thói quen ăn uống. Thay đổi cùng lúc thái độ với thiên nhiên, cách làm nông nghiệp và ý thức tiêu thụ là chiến lược mà Ủy Ban Châu Âu hướng đến. 
Hai kế hoạch về « bảo vệ đa dạng sinh học » và thúc đẩy một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, được Ủy Ban Châu Âu chính thức công bố, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn thể Liên Hiệp đang tìm kiếm chiến lược chấn hưng kinh tế thoát khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, cùng lúc với áp lực gia tăng trong giới chính trị, trong xã hội, nhằm sao cho chiến lược chấn hưng kinh tế gắn liền với cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh trên quy mô toàn châu lục. 
Ba nét lớn trong hai kế hoạch 
Nhật báo Le Monde cho biết hai kế hoạch Đa dạng sinh học 2030 và Từ Trang trại đến Bàn ăn (F2F) đặt ra nhiều mục tiêu để đa dạng sinh học trên lãnh thổ châu Âu bắt đầu hồi phục, trước năm 2030 và bảo đảm cho mọi người được hưởng các thực phẩm an toàn, cổ vũ cho việc hướng đến một nền nông nghiệp bền vững hơn. Theo phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Frans Timmermans, « cuộc khủng hoảng virus corona cho thấy xã hội chúng ta dễ tổn thương như thế nào và việc tái lập lại cân bằng giữa các hoạt động của con người và thiên nhiên quan trọng như thế nào ». 
Để chặn đứng đà suy thoái đa dạng sinh học, Ủy Ban đề xuất phải có 30% diện tích đất và 30% biển  của Liên Hiệp Châu Âu được bảo vệ, so với mức 26% và 11% như hiện nay. Mục tiêu đặt ra là tương đương với mục tiêu của Công ước Liên Hiệp Quốc về Đa dạng Sinh học, với dự kiến khoảng 30% diện tích Trái đất được bảo vệ (theo dự thảo đầu năm nay). Bên cạnh đó, 10% không gian trên đất liền và trên biển cần được bảo vệ nghiêm ngặt, so với mức 1 % hiện nay. 
Le Monde chú ý đến ba nét chính trong chiến lược đa dạng sinh học và nông nghiệp bền vững của Liên Âu: Thứ nhất là nhiều mục tiêu đặt ra mang tính cưỡng chế, thứ hai là chủ trương siết chặt mối quan hệ giữa người làm nông nghiệp và người tiêu thụ, và thứ ba là các bao bì thực phẩm bắt buộc phải thông tin cho người sử dụng rõ ràng về nguồn gốc, thành phần sản phẩm, để người tiêu dụng có đủ cơ sở lựa chọn. 
Ba thay đổi cùng lúc: Thái độ với thiên nhiên, cách làm nông nghiệp và ý thức tiêu thụ
Chiến lược tổng thể nói trên hướng đến thay đổi cùng lúc thái độ đối với thiên nhiên, phương thức sản xuất nông nghiệp và ý thức của người tiêu thụ. Ủy Ban Châu Âu cam kết hướng đến mục tiêu giảm một nửa số lượng thuốc trừ sâu từ nay đến năm 2030, giảm 20% phân bón hoá học, giảm 50% thuốc kháng sinh trong các hoạt động chăn nuôi. Mục tiêu của Ủy Ban Châu Âu là đưa số lượng đất nông nghiệp thuận tự nhiên lên 25% tổng diện tích đất trồng. Hiện tại, chỉ có Áo là đạt mức này, trong khi mức trung bình của Liên Hiệp Châu Âu là hơn 7,5%. 
Ủy Ban Châu Âu dự kiến năm tới sẽ công bố các mục tiêu bắt buộc trong việc phục hồi tự nhiên. Ngoài việc tăng diện tích đất nông nghiệp thuận tự nhiên, Ủy Ban Châu Âu cũng dự kiến hoàn trả 10% đất nông nghiệp cho việc phát triển các khu vực « đa dạng cảnh quan ở mức cao », phục hồi dòng chảy trên 25.000 km sông ngòi. Mỗi đô thị trên 20.000 dân phải có một chiến lược phủ xanh thành phố quy mô lớn, từ nay đến cuối năm 2021.
Đưa người tiêu thụ đến gần hơn với người làm nông nghiệp là một điểm lớn khác. Nông nghiệp trồng thâm canh, với nhiều phân bón hoá chất, thuốc trừ sâu, làm tổn hại nghiêm trọng đến đời sống của các giống loài động thực vật, hay đa dạng sinh học. Tuy nhiên, việc thay đổi cách sản xuất nông nghiệp là không đủ, vấn đề mà Ủy Ban Châu Âu đặt ra là phải thay đổi chính bản thân chuỗi chế biến thực phẩm, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, nhằm hướng đến việc nối liền sức khoẻ của người tiêu thụ, sức khoẻ của môi trường thiên nhiên, và việc đãi ngộ xứng đáng dành cho các nhà sản xuất.
Việc thay đổi mối quan hệ người sản xuất với người tiêu dùng nói trên để có thể thành công cần phải đi liền với việc cải tổ Chính sách Nông nghiệp Chung của khối (PAC), dự kiến sẽ được tiến hành từ nay đến 2023. Cho đến nay, Chính sách Nông nghiệp chung của khối chỉ chú ý đến phía người sản xuất. Lồng ghép kế hoạch « Từ Trang trại đến Bàn ăn » (F2F) vào Chính sách PAC mới là định hướng chủ đạo của Ủy  Ban. 
Thực phẩm, thói quen ăn uống, những gì chúng ta tiêu thụ trên bàn ăn, liên quan không chỉ đến nông nghiệp, mà đến hàng loạt vấn đề khác như môi trường, xã hội, y tế… Tiêu thụ một cách có trách nhiệm là yếu tố quyết định giúp cho việc thúc đẩy một nền nông nghiệp thân thiện tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Việc thiết lập dán nhãn bắt buộc, cho thấy thành phần của thực phẩm, phương thức sản xuất ra thực phẩm, tình trạng vật nuôi, các điều kiện vận chuyển, giết mổ… sẽ cần phải được đưa lên bao bì. Từ đó người tiêu dùng sẽ có tiếng nói cuối cùng trong việc lựa chọn mua hay không. 
Giới sản xuất hoá chất, nghiệp đoàn nông nghiệp chủ lưu lên án
Truyền thông châu Âu ghi nhận các phản ứng trái ngược, từ các giới. Lẽ dĩ nhiên, bất bình nhất là các nhà sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón hoá chất. Theo AFP, bà Géraldine Kutas, tổng giám đốc ECPA, hiệp hội châu Âu ngàng công nghiệp phân bón thuốc trừ sâu, ngay lập tức đưa ra nhận định là các mục tiêu cắt giảm mà Ủy Ban Châu Âu đưa ra là « phi hiện thực ». Về phần mình, chủ tịch COPA - COGECA, liên minh các nghiệp đoàn lớn nhất châu Âu trong ngành nông nghiệp, ông Joachim Rukwied lên án đây là « một đòn tấn công toàn diện vào nền nông nghiệp châu Âu ». 
Trang mạng chuyên về nông nghiệp châu Âu AGRA cho biết rõ thêm quan điểm của Liên minh các  nghiệp đoàn nghiệp châu Âu COPA-COGECA, đó là « mọi kế hoạch vội vã có thể đe dọa an ninh về thực phẩm, khả năng cạnh tranh của công nghiệp châu Âu, và thu nhập của người làm nông » . COPA - COGECA đặc biệt lo ngại về vấn đề nhãn mác liên quan đến các sản phẩm có nguồn gốc động vật, có thể dẫn đến việc người tiêu dùng từ bỏ nhiều sản phẩm. 
Giới bảo vệ môi trường tương đối hài lòng
Về phần mình, nhiều tổ chức nông nghiệp thuận tự nhiên, tổ chức bảo vệ môi trường tỏ ra tương đối hài lòng với chiến lược của Ủy Ban Châu Âu. IFOAM Europe (vì nông nghiệp hữu cơ) cho rằng mục tiêu tăng lên 25% đất nông nghiệp thuận tự nhiên là khả thi, với điều kiện các nhà nông được đầu tư thích đáng. Các tổ chức phi chính phủ như Birdlife, les Amis de la Terre, hay Văn phòng Môi trường Châu Âu thì hoan nghênh các mục tiêu đầy tham vọng Ủy Ban Châu Âu. 
Riêng Greenpeace thì lấy làm tiếc là Ủy Ban tuy thừa nhận các tác hại ghê gớm của việc sản xuất quá mức và tiêu thụ quá mức thịt đối với sức khoẻ, thiên nhiên và khí hậu, nhưng lại không đề xuất các biện pháp giảm tiêu thụ. Riêng về điểm này, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Frans Timmermans, phụ trách môi trường, cho biết công chúng một khi được thông tin đầy đủ và chính xác sẽ đưa ra các quyết định, và từ đó việc sản xuất cũng sẽ buộc phải thay đổi. 
Các thách thức nào ? 
Các thách thức để thực thi hai chiến lược bảo vệ và khôi phục đa dạng sinh học, thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững là vô cùng lớn, bởi « đây là lần đầu tiên »  châu Âu có một kế hoạch hành động mang tính tổng hợp và tổng thể bao gồm toàn bộ các công đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm, từ người làm nông cho đến người tiêu thụ, như nhận định của ủy viên phụ trách an ninh thực phẩm châu Âu Stella Kyriakides. Chiến lược « Từ Trang trại đến Bàn ăn » bao gồm 27 sáng kiến cụ thể sẽ được lần lượt giới thiệu trong những tháng, những năm tới. Cụ thể như chương trình hành động vì nông nghiệp hữu cơ năm nay 2020, chương trình giảm thuốc trừ sâu năm 2022, sức khoẻ động vật nuôi 2023… 
Để thực hiện được các mục tiêu chung, Bruxelles sẽ phải tiến hành cải tổ triệt để Chính sách Nông nghiệp chung (PAC), xây dựng các quy định mới về thuốc trừ sâu, về thực phẩm biến đổi gien, về sức khoẻ động vật nuôi, cũng như các tiêu chuẩn liên quan đến bao bì thực phẩm… Đơn cử như công đoạn cuối của chiến lược Từ Trang trại đến Bàn ăn, đã gồm hàng loạt vấn đề lớn: tăng cường các tổ chức hợp tác của các nhà sản xuất trực tiếp, cải thiện sự minh bạch trong lĩnh vực này (2021-2022), quy định liên quan đến cạnh tranh, xây dựng luật về thực phẩm bền vững (2023), luật của châu Âu nhằm cải thiện an toàn thực phẩm, xây dựng các quy chế để cải thiện việc tiết kiệm thực phẩm, chống lãng phí (2022). 
Cả một núi công việc khổng lồ. Các chiến lược hành động cụ thể sẽ phải được thảo luận tại Nghị Viện Châu Âu và giữa 27 quốc gia thành viên. Mỗi sáng kiến cụ thể hứa hẹn nhiều tranh luận căng thẳng. Thành ngữ Pháp có câu những điều quỷ quái, bất ngờ thường nằm trong các chi tiết. Tạp chí Science et Avenir cho dù hoan nghênh các mục tiêu của Ủy Ban, nhưng tỏ ra hoài nghi là, không biết trải qua các thương lượng quyết liệt nói trên, liệu nhiều phần quan trọng trong các đề xuất của Ủy Ban có biến mất hay không. 
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200527-bảo-vệ-môi-trường-châu-âu-muốn-cải-tổ-triệt-để-nền-nông-nghiệp-và-lối-tiêu-thụ

Geen opmerkingen:

Een reactie posten