dinsdag 9 juni 2020

Việt Nam phê chuẩn Hiệp Định Tự Do Thương mại với LHCÂ

Việt Nam phê chuẩn Hiệp Định Tự Do Thương mại với LHCÂ

Ảnh tư liệu: Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng  trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019.
Ảnh tư liệu: Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương Mại Rumani Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019. Reuters
Quốc Hội Việt Nam hôm nay, 08/06/2020, với tỷ lệ biểu quyết tán thành trên 94%, đã chính thức phê Hiệp Định Tự Do Thương Mại với Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) và Hiệp Định Bảo Hô Đầu Tư Việt Nam–EU (EVIPA).
EVFTA sẽ có hiệu lực 30 ngày sau khi được phê chuẩn, trong khi đó, EVIPA còn phải chờ Quốc Hội các thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn.
Theo thỏa thuận, trong vòng 7 năm tới Liên Hiệp Châu Âu sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với trên 99% hàng hóa của Việt Nam. Chiều ngược lại, Việt Nam có giai đoạn chuyển tiếp 10 năm để xóa dần các biểu thuế đối với một số hàng nhập khẩu từ châu Âu, thí dụ như xe hơi. Thỏa thuận cũng mở cửa thị tường các dịch vụ như bưu điện, ngân hàng...
EVFTA là hiệp định thương mại tự do thứ 2 mà Liên Hiệp Châu Âu ký với một quốc gia Đông Nam Á, sau Singapore. Liên Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Kim ngạch trao đổi thương mại hai bên trong năm 2019 đạt gần 56,4 tỷ đô la, trong đó Việt Nam xuất khẩu trên 41 tỷ đô la và nhập từ châu Âu 15 tỷ, theo số liệu của Việt Nam.
Theo hãng tin Anh Reuters, Việt Nam và Liên Âu đã phải mất nhiều năm để thương lượng. Khởi động từ 2010 đến tháng 6/2019  EVFTA mới được ký, và đến tháng 02/2020 mới được được Nghị Viện Châu Âu thông qua, cho dù vẫn còn một số tiếng nói chỉ trích về tình trạng nhân quyền, cũng như về các chuẩn mực về môi trường tại Việt Nam.
Để ký được hiệp định tự do thương mại này, Liên Âu đặt ra các điều kiện, theo đó Hà Nội phải phê chuẩn tổng cộng 8 Công Ước cơ bản của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về quyền của người lao động. Việt Nam đã phê chuẩn 6 trong số 8 văn kiện trên. Còn 2 công ước quan trọng khác của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế - Công Ước số 87 "về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức" và Công Ước số 105 "về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc" - vẫn chưa được Việt Nam tham gia.
Sau đại dịch Covi-d 19, Hà Nội hy vọng EVFTA sẽ là cú hích cho kinh tế Việt Nam. Ngân Hàng Thế Giới hồi tháng 5 vừa qua đánh giá EVFTA sẽ có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,4% và 12% xuất khẩu từ nay đến năm 2030.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten