donderdag 25 juni 2020

Mỹ thêm 4 hãng truyền thông Trung Quốc vào diện “phái bộ nước ngoài”

Mỹ thêm 4 hãng truyền thông Trung Quốc vào diện “phái bộ nước ngoài”

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phó thú tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại lễ ký kết "giai đoạn một" của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ngày 15/01/2020 tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phó thú tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại lễ ký kết "giai đoạn một" của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ngày 15/01/2020 tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ. REUTERS - Kevin Lamarque
Trong một động thái nhằm siết chặt thêm quyền kiểm soát trên các cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ, bộ Ngoại Giao Mỹ ngày hôm qua, 22/06/2020 đã thông báo quyết định đưa thêm 4 hãng truyền thông lớn của Trung Quốc vào diện “phái bộ ngoại quốc” trên đất Mỹ, tức là cơ quan đại diện Nhà Nước Trung Quốc, chứ không phải là cơ quan báo chí bình thường.
Trong một thông cáo báo chí, bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, xác nhận 4 cơ quan truyền thông Trung Quốc vừa bị coi là phái bộ nước ngoài: Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, hãng tin China News Service, và hai tờ báo Nhân Dân Nhật Báo (People's Daily) và Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times).
Bốn thực thể này bị thêm vào danh sách được thiết lập từ tháng Hai vừa qua, vốn đã bao gồm 5 hãng truyền thông khác là Tân Hoa Xã, Mạng Lưới Truyền Hình Toàn Cầu Trung Quốc CGTN, Đài Phát Thanh Quốc Tế Trung Quốc CRI, cùng hai công ty China Daily Distribution Corporation chuyên phát hành tờ China Daily, Công Ty Phát Triển Hải Thiên (Hai Tian), chuyên phân phối tờ Nhân Dân Nhật Báo tại Mỹ.
Giải thích về quyết định của Washington, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rõ: “Trong thập kỷ vừa qua và đặc biệt dưới nhiệm kỳ của tổng bí thư Tập Cận Bình, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tổ chức lại các cơ quan tuyên truyền nhà nước Trung Quốc, được cải trang thành các cơ quan báo chí và áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với các cơ quan này”.
Đối với bộ Ngoại Giao Mỹ, trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây có nhiệm vụ nói lên sự thật, thì các phương tiện truyền thông Trung Quốc chỉ là công cụ tuyên truyền cho Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Trung Quốc, do đó phải được đối xử như một cơ quan của chính quyền Trung Quốc.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell hôm qua cũng xác nhận rằng 4 hãng truyền thông Trung Quốc có liên quan chỉ là những cơ quan tuyên truyền và “chính phủ Trung Quốc không điều hành hoạt động, nhưng có quyền kiểm soát toàn bộ nội dung của những cơ quan đó.”

Donald Trump tung tín hiệu “hòa hoãn” về phía Bắc Kinh

Cũng về quan hệ Mỹ - Trung, trong hai ngày qua, tổng thống Mỹ Donald Trump lại tung ra các tín hiệu “hòa hoãn” đối với Bắc Kinh.
Trả lời phỏng vấn với trang thông tin Axios ngày 21/06, tổng thống Mỹ cho biết ông đã quyết định hoãn trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến các vấn đề ở Tân Cương, vì sợ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Bắc Kinh, cho dù vào tuần trước, ông đã ký đạo luật kêu gọi trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương mà Quốc Hội Mỹ đã thông qua.
Và vào hôm qua 22/06, ngay sau khi cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, trả lời đài truyền hình Mỹ Fox News, cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã đổ vỡ vì đại dịch Covid-19, tổng thống Donald Trump đã lập tức bắn đi một tin nhắn Twitter, khẳng định rằng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc “hoàn toàn nguyên vẹn” và bày tỏ hy vọng là Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực thi những nội dung đã cam kết.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten