dinsdag 24 september 2019

Việt Nam : Bộ Giao Thông CSVN ‘chọn nhà thầu trong nước làm cao tốc Bắc-Nam’

Bộ Giao Thông CSVN ‘chọn nhà thầu trong nước làm cao tốc Bắc-Nam’


Cao tốc Bắc Nam. (Hình: VietNamNet)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo VietNamNet loan tin Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN “hủy sơ tuyển nhà đầu tư cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, thay vào đó sẽ đấu thầu trong nước.”
Báo chí nhà nước đưa tin này khi dư luận không ít người vẫn còn đang nghi ngờ dự án đường cao tốc Bắc-Nam khó tránh khỏi bàn tay phù thủy của Trung Quốc khi họ toa rập với các quan chức tham nhũng CSVN.
Đường cao tốc Bắc-Nam được coi là “dự án trọng điểm quốc gia” dài 654 km đi qua 20 tỉnh, thành phố, chia thành 11 dự án thành phần, gồm ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phí tổn ước tính 102,513 tỉ đồng (hay khoảng $4.4 tỉ).
Hồi Tháng Bảy vừa qua, Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN tổ chức mời thầu quốc tế vì cho rằng các công ty xây dựng cầu đường trong nước không đủ khả năng tài chính để dự thầu. Do vậy, một số công ty trong nước hoặc liên kết với nhau, hoặc liên kết với công ty nước ngoài, phần nhiều là Trung Quốc, dự thầu.
“Tính đến cuối Tháng Bảy, 2019, sau hai tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các ban quản lý dự án của Bộ Giao Thông Vận Tải) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển,” VietNamNet tường thuật.
“Theo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có bốn dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, hai dự án có duy nhất một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, một dự án có từ hai nhà đầu tư và một dự án có ba nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao,” báo này dẫn chứng.
Quốc lộ 5 qua tỉnh Hải Dương “lượn sóng” “sóng trâu” rất nguy hiểm cho xe chạy. Hình ảnh không hiếm về phẩm chất đường lộ tại Việt Nam. (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)
Ba dự án đầu tư công là Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2.
Còn tám dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (Build-Operate-Transfer, xây dựng-vận hành-chuyển giao) là: Dự án Mai Sơn-quốc lộ 45; quốc lộ 45-Nghi Sơn; Nghi Sơn-Diễn Châu; Diễn Châu-Bãi Vọt; Nha Trang-Cam Lâm; Cam Lâm-Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo-Phan Thiết; Phan Thiết-Dầu Giây.
Lấy lý do “tính cạnh tranh không cao,” Bộ Giao Thông Vận Tải đã bỏ quyết định gọi thầu quốc tế khiến dư luận ngạc nhiên không ít. Ngược lại với lý do chính thức được viện dẫn, một trong những bằng hữu bình luận trên trang Facebook của ông Huỳnh Ngọc Chênh viết là “Do bị chửi nhiều quá.”
Một số báo tại Việt Nam, mấy tháng qua, đăng tải ý kiến của những chuyên viên kinh tế và trong ngành xây dựng cầu đường trong nước, phân tích, chỉ trích việc gọi thầu quốc tế. Nhất là khi họ thấy đa số những công ty nước ngoài muốn dự thầu, có cả công ty Đường Sắt Trung Quốc – công ty đang làm nhà cầm quyền CSVN khốn đốn tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đang như khúc xương mắc ở cổ họng.
Đặc biệt, cuối Tháng Tư, 2019, một bài viết của bà Phạm Chi Lan, một cố vấn kinh tế suốt nhiều năm của chế độ nay đã nghỉ hưu, trên tạp chí Người Đô Thị, chất vấn sự sử dụng một số tiền lớn (phải vay nợ dưới hình thức công trái) vào dự án này trong khi có nhiều dự án khác cấp thiết hơn khi đã có hai đường quốc lộ song song từ Bắc tới Nam.
Đã vậy, bà hoài nghi sự lương thiện của các quan chức nhà nước vì “những thủ đoạn móc ngoặc, gian dối của các nhóm lợi ích để thâu tóm dự án cùng các món lời khủng về tay mình, bán rẻ lợi ích chung, coi thường pháp luật (mà nhiều khi đã bị chúng khuynh đảo hoặc cài cắm lợi ích vào) không còn xa lạ.”
Vì nhà thầu phải “chung chi” cho các quan chức của chế độ, phẩm chất của cầu đường tại Việt Nam phần lớn chưa “thông xe” hoặc mới sử dụng chưa dược bao lâu thì đã “xuống cấp,” đầy những “ổ voi,” “lượn sóng” nhấp nhô nghiêm trọng, thấy không hiếm trên báo chí nhà nước. (TN)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/bo-giao-thong-csvn-chon-nha-thau-trong-nuoc-lam-cao-toc-bac-nam/

Volume 90%
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten