dinsdag 10 september 2019

Mùa Trung Thu 2019, người Sài Gòn nay thích ‘bánh nhà làm’


Mùa Trung Thu, người Sài Gòn nay thích ‘bánh nhà làm’

Trần Tiến Dũng/Người Việt


Bánh Trung Thu làm tại nhà để bán của một người có tên Thu Lâm. (Hình: Facebook)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ở các đô thị lớn Việt Nam hiện đang có một “siêu thị khổng lồ” bán đủ mọi thứ hàng, nhiều nhất là thực phẩm và đặc biệt cùng chung thương hiệu là “Đồ Nhà Làm!” Thế nên, trong đỉnh điểm mùa bánh Trung Thu năm Kỷ Hợi, các loại “bánh Trung Thu nhà làm” đang ào ạt tung ra thị trường, còn phẩm chất chỉ có người ăn mới biết ra sao.
Tại Sài Gòn, khách hàng chỉ cần gõ Google, Facbook hay “quẹt mạng” Zalo… là được tiếp thị đến tận răng các loại bánh. Nếu thích thì gọi tên tiếng Anh cho nó sang như “bánh Trung Thu Handmade” hay “Made by home,” còn ưng ta về ăn bánh nhà ta thì gọi bình dân bánh Trung Thu nhà làm.
Để cụ thể hơn, xin mới đọc một đoạn rao bán bánh Trung Thu thuần Việt từ một trang Facebook, lời rao như sau: “Nếu chưa từng thưởng thức chiếc bánh Trung Thu phong cách handmade thì ngại ngần gì mà không nhanh tay đặt bánh ăn. Ăn từ đầu mùa cho nó đã thèm… Do bánh chỗ này không bỏ chất bảo quản nên để được tầm 1-2 tuần thôi. Riêng bánh dừa phải ăn luôn mới ngon.”
“Bánh Trung Thu, thức quà giản dị mùa trăng tròn, không đơn giản là lớp vỏ nướng giòn thơm, nhân mềm, ngọt thanh. Mỗi miếng bánh chan chứa tình cảm yêu thương của cả gia đình. Còn gì hơn khi trong đêm trăng rằm, cả nhà ngồi quay quần bên nhau, cùng ăn từng miếng bánh thơm ngon và nhâm nhi từng tách trà nóng, xen kẽ những điệu nhạc của mùa Trung Thu. Để góp phần tăng thêm ‘CHỮ TÌNH’ trong mùa yêu thương. Nay bên Moon Cake gửi đến cả nhà.”
Trong báo cáo của các thống kê về kinh doanh điện tử thì Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, với tỉ lệ người dùng dành nhiều thời gian nhất trên mạng chỉ sau Thái Lan. Thế nên, dù bánh Trung Thu chỉ là mặt hàng thực phẩm thời vụ, nhưng cũng trở thành mùa thu lợi nhuận đáng kể của nhiều trang cá nhân chuyên bán đồ nhà làm.
Trên trang Facebook Huỳnh Phương Ngọc, một cô gái khéo tay và nhiều năng lượng trong giới Xã Hội Dân Sự ở Sài Gòn, cô viết về làm bánh và bán bánh của cô: “Cô Tư oải quá rồi. Khách sỉ hôm nay vẫn cứ kêu, hy vọng kịp gửi để bán trước Rằm. Ngoài kia đã mua 1 tặng 2, riêng cô vẫn còn cày bánh mới giá cao cho khách, sự khác nhau ở bánh công nghiệp và bánh homemade là rứa đó.”
Để cạnh tranh với bánh Trung Thu của các lò bánh lớn lâu đời thì, đặc điểm nổi bật của bánh Trung Thu nhà làm là biết được nhu cầu thay đổi từng mùa Trung Thu của người ăn bánh, rất nhiều diễn đàn cũng như trang cá nhân facebook đã liên tục cập nhật cách làm bánh, tìm tòi, sáng tạo thêm hương vị, kiểu dáng cũng như kích cỡ của bánh.
Bên cạnh đó, ngoài các loại bánh truyền thống hạt sen, đậu xanh, thập cẩm… các chiếc bánh Trung Thu làm tại nhà được sáng tạo thành các con vật ngộ nghĩnh, làm bằng nhân thạch rau câu, trà xanh, đậu đỏ, socola, trứng muối… Với cách làm hoàn toàn thủ công, không chất bảo quản, không theo dây chuyền, người làm bánh có thể tự điều chỉnh hương vị của bánh, độ ngọt, nhân bánh, độ dày, mỏng của bánh tùy khẩu vị khách hàng ruột của mình.

Các mẫu bánh Trung Thu mới quảng cáo trên trang Facebook của một người làm bánh có tên Phương Xa. (Hình: Facebook)

Nhưng với nhiều người kỹ tính thì bánh Trung Thu nhà làm vẫn khiến họ e ngại, do thị trường cung cấp các nguyên liệu làm bánh hiện nay đa phần không bảo đảm phẩm chất. Tất nhiên các chủ nhân bán bánh Trung Thu nhà làm đều lấy uy tín cá nhân ra để thuyết phục khách hàng ruột, nhưng mặt khác thị trường bánh Trung Thu nhà làm đang tiến dần đến việc cùng nhau hùn hạp để nhập nguyên liệu từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Có một chi tiết thú vị về mùa bánh Trung Thu năm Kỷ Hợi (2019) là do ảnh hưởng tích cực từ các cuộc biểu tình vì Tự Do của người dân Hồng Kông, mà bánh Trung Thu làm theo kiểu Hồng Kông được giới khách hàng trẻ yêu cầu và nhiều lò bánh nhà làm không đáp ứng được do chưa học được kỹ thuật làm loại bánh này. Thật ra bánh Trung Thu Hồng Kông đã là mốt thời thượng từ nhiều năm trước. Năm nay hàng xách tay Hồng Kông cũng nhập đều, không khó để tìm được cửa hàng hoặc shop online ở Sài Gòn hoặc Hà Nội với mức giá cả triệu đồng một hộp.
Trào lưu bánh Trung Thu nhà làm dù bề ngoài không thấy gì nhưng thật sự đang dần khiến các hiệu bánh Trung Thu truyền thống khó sống dù vẫn thấy các sạp hàng, cửa hiệu sáng choang khắp các đường phố.
Có thể ai đó cho rằng thế hệ trẻ sẽ quên dần truyền thống văn hóa ăn Tết Trung Thu, nhưng qua cách nghĩ thực dụng của người trẻ cho thấy, họ vừa hưởng ứng giá trị truyền thống vừa nhìn thấy ở đó cơ hội khởi nghiệp để kiếm tiền. Hầu hết các kiểu hàng hóa nhà làm đều thuộc người trẻ kinh doanh cách riêng của mình vừa hiệu quả, vừa rất thực tế.
Lướt mạng đặt một hộp bánh Trung Thu nhà làm, tuy không có không khí bằng ra hiệu bánh nổi tiếng ngoài phố, nhưng chắc rằng sẽ cảm nhận được vị bánh ngon và lạ theo một kiểu cách tạm gọi là bánh thời công nghệ mà trước sau gì cũng làm chủ thị trường. (Trần Tiến Dũng)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/mua-trung-thu-nguoi-sai-gon-nay-thich-banh-nha-lam/

Cách làm bánh dẻo đơn giản

Bánh dẻo nhân đậu xanh. (Hình: Nhân Quách)
Người hướng dẫn: Nhân Tâm
Nguyên liệu cần có:
-250 g bột nếp chín
-350 g đường cát trắng
-200 g đậu xanh đãi vỏ
-Nước hoa bưởi
-Khuôn bánh dẻo (bánh trung thu)
Nguyên liệu cần có để làm bánh dẻo. (Hình: Nhân Quách)
Cách thực hiện
*Nấu nước đường:
Cho 250 g đường cát + 250 ml nước lạnh vào trong nồi. Nấu cho đường tan. Cho thêm vào nồi 1/8 muỗng bột tartar hoặc nước cốt 1/2 trái chanh. Chờ đường sôi bùng lên thì tắt lửa để nguội.
*Nhân bánh:
-Đậu xanh rửa xanh, ngâm trong nước ấm ít nhất 2 tiếng (nếu có thời gian ngâm lâu thì không cần nước ấm).
-Cho đậu xanh đã ngâm nở vào nồi + 800 ml nước lạnh + 100 g đường cát + 1/2 muỗng cà phê muối. Khi đậu sôi, vớt bọt. Để lửa nhỏ cho đậu nhừ, cạn nước (đừng để khét).
-Cho đậu xanh đã nấu nhừ vào máy xay sinh tố + 1/2 chén nước, xay nhuyễn.
-Trút đậu ra chảo không dính + 2 muỗng canh dầu dừa (hoặc dầu ăn thường). Sên đậu với lửa nhỏ cho đến khi thấy đậu quyện lại thành một khối dẻo là được.
Đậu xanh đã được xay nhuyễn trút ra chảo và thêm dầu dừa. (Hình: Nhân Quách)
-Chia đậu thành từng viên 50g-60g (dành cho khuôn bánh 150 g, hoặc 10 g nếu làm dùng khuôn rau câu làm bánh nhỏ).
-Bọc nhân lại cho đừng bị khô.
*Vỏ bánh:
-Cho nước đường đã nấu để nguội vào thau + 1/2 muỗng cà phê nước hoa bưởi (Nếu muốn pha màu cho bánh dẻo thì pha chung vào nước đường trước khi cho bột vào).
Cho bôt từ từ vào thau nước đường, trộn đều cho bột quyện lại. (Hình: Nhân Quách)
-Lấy khoảng 150 g bột nếp cho vào từ từ trong thau nước đường, quậy đều.
-Cho khoảng 50 g bột nếp ra một thau khác, hoặc trải xuống mặt bàn sạch. Để khối bột đã trộn nước đường lên trên, bắt đầu nhồi cho bột quyện vào nhau.
-Nếu như thấy khối bột còn quá ướt thì cho thêm từ từ phần bột còn lại vào nhồi tiếp (tùy theo độ nở của bột, nhưng sẽ không thêm quá 3 muỗng canh bột, vì nếu hơn chắc chắn bột đã bị cứng). Bột còn dư sẽ dùng áo bên ngoài bánh khi đóng khuôn để không bị dính.
-Bọc khối bột lại cho không bị khô. Để yên khoảng 30 phút cho bột nở.
*Đóng bánh:
-Chia bột ra mỗi phần 100 g (nếu làm khuôn 150 g).
-Vo tròn từng viên bột, sau đó lấy lòng bàn tay ấn viên bột xuống cho thành hình tròn. Nhớ trải bột nếp còn lại lên mặt bàn để bột không bị dính.
-Đặt nhân đậu xanh vào giữa. Túm miếng bột lại. Vo tròn. Lăn qua bột nếp còn lại để áo bên ngoài viên bột.
-Ấn viên bột vào khuôn cho thật chặt. Và ép bánh ra.
-Bánh mới đóng khuôn sẽ có một ít bột bám bên ngoài, nhưng để qua một ngày lớp bột đó sẽ thấm luôn vào bánh, làm bánh trở nên trong hơn. Bánh dẻo ăn sẽ ngon và nhìn đẹp hơn sau 1-2 ngày.
-Bánh dẻo đạt yêu cầu sẽ có vỏ bánh thật dẻo, không cứng, không bị mất nét của hình khuôn, thơm mùi nước hoa bưởi, ngọt đủ, nhân đậu xanh ngọt vừa, mịn, thơm mùi dầu dừa, dính chặt vào vỏ bánh.

< Video >
Hàng ngàn thiếu nhi Little Saigon tưng bừng đón Trung Thu
Nhiều hoạt động vui chơi sôi động, đặc sắc, đậm nét truyền thống được tổ chức ở Little Saigon vào Thứ Bảy, 7 Tháng Chín, để mừng Trung Thu 2019.

https://www.nguoi-viet.com/phu-nu/cach-lam-banh-deo-don-gian/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten