zondag 15 september 2019

Vì sao Google chịu nộp phạt 1 tỉ euro cho chính phủ Pháp ? [... để tránh "tai tiếng...trốn thuế" hay sợ tòa án sẽ phạt... nặng hơn ? ]

Vì sao Google chịu nộp phạt 1 tỉ euro cho chính phủ Pháp ?
Trên lãnh vực kinh tế, sự kiện đáng chú ý là « Google chi trả gần 1 tỉ euro để chấm dứt bị kiện tụng tại Pháp ». Tòa án Paris vừa chấp nhận việc tập đoàn Mỹ chi 500 triệu euro để tránh ra tòa về tội trốn thuế, đồng thời nộp phạt cho cơ quan thuế vụ với số tiền tương đương.
Les Echos cho biết năm 2016 các nhà điều tra của Cơ quan chống tham nhũng, tội phạm tài chính và thuế (OCLCIFF) phối hợp với Viện Công tố Tài chính Pháp (PNF) đã tiến hành một cuộc « bố ráp » quy mô vào Google France. Hơn 100 điều tra viên cùng với các chuyên gia tin học đi kèm đã ập vào trụ sở, tịch thu nhiều téraoctet dữ liệu và phải mất hơn ba năm mới xử lý xong.
Vì sao tập đoàn khổng lồ này chịu quy phục trước Nhà nước Pháp, trong khi đang ở thế mạnh vì tòa án hành chính Paris hồi tháng Tư bác việc nộp phạt thuế ? Trước hết là vấn đề hình ảnh, mà các tập đoàn GAFA vốn rất nhạy cảm. Mặt khác, Tham chính viện vẫn có thể hủy quyết định của tòa hành chính. Cuối cùng, vũ khí hình sự để chống trốn thuế đã được tăng cường trong những năm gần đây, đặc biệt là một cơ chế theo kiểu Mỹ, cho phép một doanh nghiệp đóng một khoản tiền phạt lớn để tránh một bản án hình sự.
Biện pháp này tỏ ra hết sức hiệu quả, các ngân hàng lớn như HSBC, Société Générale…đều chấp nhận. Một tấm gương tày liếp là UBS. Ngân hàng này chọn ra tòa hơn là thương thảo, và tòa án đã buộc nộp phạt số tiền kỷ lục là 4,5 tỉ euro, trong khi mức thương lượng với PNF chỉ có 2 tỉ euro. Có lẽ tiền lệ này đã khiến Google phải suy nghĩ.
Hưu bổng, Google : Trang nhất báo Pháp
Tựa trang nhất báo chí Paris hôm nay chủ yếu dành cho thời sự nước Pháp. Le Figaro chạy tít « Chế độ hưu : Thủ tướng Edouard Philippe lên tuyến đầu ». Cũng về chủ đề này, Libération nhận định « Chế độ hưu : Chính phủ có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn ». Le Monde cho biết « Điện Elysée vẫn ủng hộ Richard Ferrand sau khi chủ tịch Hạ Viện bị đặt trong vòng điều tra », còn nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến sự kiện « Google thanh toán nợ với Pháp ». Riêng La Croix nhìn sang Bắc Phi, với tựa đề « Tunisie : Nền dân chủ trước thách thức ».
Brexit không thỏa thuận có thể tạo nguy cơ nổi dậy
Ở châu Âu, các báo quan tâm đến kịch bản thảm họa về Brexit không thỏa thuận, mà thủ tướng Anh Boris Johnson buộc lòng phải cho công bố hôm qua. Báo cáo mang tên « Chiến dịch Yellowhammer » báo động tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra, nước Anh sẽ thiếu thốn nhiều loại hàng hóa.
Tài liệu gồm năm trang mô tả một tình hình kinh tế tồi tệ, thậm chí có nguy cơ dẫn đến nổi loạn. Gần 85% xe vận tải nặng đi qua biển Manche sẽ ở trong tình trạng bất hợp lệ theo quy định mới của hải quan Pháp, có thể phải chờ đến hai ngày rưỡi, và như vậy lượng xe lưu thông sẽ giảm từ 40 đến 60%. Một số mặt hàng tươi sống trở nên hiếm hoi, người dân lo sợ, ồ ạt đi mua khiến chuỗi cung ứng rối loạn. Dược phẩm sẽ bị thiếu, gây nguy cơ dịch bệnh ; xăng dầu trở nên hiếm hoi tại Luân Đôn và đông nam nước Anh.
Le Figaro nói thêm, tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tháng, làm hàng hóa tăng giá, ảnh hưởng đến các gia đình thu nhập thấp. Người ta lo ngại bất bình tăng cao sẽ dẫn đến các vụ nổi dậy, và căng thẳng giữa các cộng đồng. Một Brexit « cứng » sẽ làm Anh quốc thiệt mất 16 tỉ euro hàng xuất khẩu sang EU, nhiều tỉ bảng Anh trao đổi với các nước khác cũng tan thành mây khói.
 Le Monde trong bài « Thái Lan và vị bộ trưởng buôn ma túy »
Thái Lan : Vào tù ra khám vẫn được làm bộ trưởng
Tại châu Á, Le Monde trong bài « Thái Lan và vị bộ trưởng buôn ma túy » cho biết theo một tờ báo Úc, bộ trưởng Nông Nghiệp của Thái liên can đến một vụ nhập lậu heroin.
Buôn ma túy, tội phạm, mafia : làm thế nào ông bộ trưởng Thamanat Prompow có thể chống chọi được trước những thông tin tai hại mà nhật báo Úc Sydney Morning Heralt vừa công bố ? Theo đó, ông Thamanat đã từng ở tù bốn năm (1993-1997) tại Úc do một vụ buôn bán ma túy. Ông đã nhận tội nhập lậu 3,9 kg heroin có trị giá vào thời đó là 4,1 triệu đô la. Thamanat bị bắt tại một phòng khách sạn, khi một người giao hàng từ Bangkok vừa mang ma túy đến. Năm 1998 ông lại vào tù ở Thái Lan vì cáo buộc giết người và hãm hiếp, rồi được trắng án sau ba năm trong trại giam.
Vụ tiết lộ này mang tầm vóc chính trị, vì nhân vật này đóng một vai trò trong cơ cấu rắc rối của chính phủ, gồm các bộ trưởng xuất thân từ 17 đảng khác nhau. Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha muốn khoác lên chiếc áo dân chủ, phải lập một liên minh tạp nham để chiếm đa số trong Quốc Hội, trong đó có 10 đảng « siêu nhỏ ». Nếu Thamanat phải ra đi, liên minh này càng dễ tổn thương. Cần nói thêm, bộ trưởng Nông Nghiệp có tài sản kê khai là 42 triệu đô la với một đội xe sang trọng, túi xách Chanel, Hermès, đồng hồ hàng hiệu.
Sự kiện một bộ trưởng từng vào tù ra khám có vẻ không hề gây sốc cho thủ tướng Thái. Hôm 10/9 ông Prayut nói trong cuộc họp báo : « Ai cũng có thể sai lầm », và ông còn chất vấn các phóng viên « Tại sao quý vị luôn đặt ra những câu hỏi làm cho tôi phải bực mình ? »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190913-chien-tranh-cong-nghe-chong-tq-va-cuoc-chien-giua-cac-vi-sao-chong-lx

Geen opmerkingen:

Een reactie posten