maandag 9 september 2019

Ấn Độ mua tên lửa S-400 của Nga + Mỹ khó xử + Pháp và Ấn Độ ký hợp đồng 36 chiến đấu cơ Rafale

Ấn Độ mua tên lửa S-400 của Nga

mediaTổng thống Nga, Vladimir Putin (T) và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề diễn đàn kinh tế Vladivostok, Nga. Ảnh ngày 04/09/2019.Sputnik/Mikhail Klimentyev/Kremlin via REUTERS
Báo chí Ấn Độ đồng loạt loan tin Matxcơva cam kết sẽ chuyển giao 5 tổ hợp tên lửa S-400 của Nga đúng thời hạn. Thông tin do một lãnh đạo Ngoại Giao Nga đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nga Rossiya-1 ngày hôm qua, 08/09/2019.
Theo thứ trưởng ngoại giao Nga Yuri Borisov, 5 tổ hợp tên lửa sẽ được chuyển cho New Delhi trong vòng từ 18 đến 19 tháng tới, đúng theo các cam kết trong hợp đồng trị giá 5,43 tỉ đô la.
Tổ hợp tên lửa S-400 của Nga, bố trí trên đất liền, được coi là một vũ khí phòng không hùng mạnh, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, đặc biệt là ngăn chặn tên lửa hành trình, phi cơ, các phương tiện bay không người lái, cũng như các tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối, trên đường lao xuống mục tiêu.
New Delhi và Matxcơva đã ký kết hợp đồng tại thượng đỉnh song phương thường niên lần thứ 19 tháng 10/2018, tổ chức tại Ấn Độ. Wahsington nhiều lần đe dọa trừng phạt Ấn Độ nếu mua vũ khí của Nga, theo đạo luật (Luật CAATSA - Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt). Tuy nhiên, cho dù muốn siết chặt quan hệ với Mỹ, New Delhi khẳng định không từ bỏ quan hệ với Nga, đồng minh và bạn hàng lâu đời.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được báo South China Morning Post dẫn lại, nhà nghiên cứu Hồ Chí Dũng (Hu Zhiyong), Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhận xét việc Nga chuẩn bị chuyển giao tên lửa cho Ấn Độ cho thấy quan hệ Ấn – Nga « hiện đang bước sang một giai đoạn quan trọng » và mục tiêu không khó thấy của Nga là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.
Quan hệ Ấn – Nga tiếp tục được tăng cường đặc biệt với cuộc hội kiến giữa thủ tướng Ấn Narendra Modi và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok, Nga, bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (Eastern Economic Forum) ngày 04 và 05/09. Trong dịp này, New Delhi và Matxcơva đã thỏa thuận thiết lập tuyến đường hàng hải xuyên qua Biển Đông, nối liền cảng biển Chennai, đông nam Ấn Độ, với Vladivostok, Viễn Đông nước Nga.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20190909-an-do-mua-5-to-hop-ten-lua-s-400-cua-nga

Ấn Độ mua vũ khí của Nga, Mỹ khó xử

mediaTổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tại Benaulim, bang Goa, ngày 15/10/2016.Sputnik/Kremlin/Konstantin Zavrazhin via REUTERS
Tổng thống Putin bắt đầu công du Ấn Độ trong hai ngày 4 và 5/10/2018. Thủ tướng Modi dự trù ký kết nhiều hợp đồng mua vũ khí của Nga, một quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt. New Delhi và Matxcơva là hai đối tác chiến lược lâu đời, quan hệ cá nhân giữa Narendra Modi với Vladimir Putin luôn tốt đẹp. Liệu đấy có phải là những yếu tố thách thức chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ?
Vế quân sự và các hợp đồng mua bán vũ khí với New Delhi là "trọng tâm" chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Nga. Hai ngày trước khi ông Putin viếng thăm Ấn Độ, điện Kremlin đã thông báo khá chi tiết về những hợp đồng mà nguyên thủ hai nước sẽ chứng kiến lễ ký kết vào ngày 05/10. Trong số này có hợp đồng trang bị cho Ấn Độ hệ thống phòng không S-400 của Nga trị giá 5 tỷ đô la. Theo nhiều nguồn tin thông thạo, cũng tại New Delhi lần này, lãnh đạo hai nước còn thảo luận về dự án Nga cung cấp bốn hộ tống hạm lớp Krivak, trị giá 2 tỷ đô la và kế hoạch Ấn Độ trang bị 200 chiếc trực thăng hạng nhẹ Ka-226, trị giá khoảng 1 tỷ đô la.
Vấn đề là với việc mua vũ khí Nga, Ấn Độ vi phạm một lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Matxcơva. Đạo luật này mang tên CAATSA, được tổng thống Trump ban hành từ tháng 8/2017, quy định rằng mọi quốc gia giao dịch với Nga trong lĩnh vực quốc phòng hay tình báo đều có thể bị Washington trừng phạt. Trong đó bao gồm cả vế mua bán vũ khí và trang thiết bị quân sự.
Cũng nhân danh đạo luật này, hôm 20/09/2018, Hoa Kỳ đã phạt Cục Phát Triển Thiết Bị của Trung Quốc mua 10 chiến đấu cơ Sukhoi-35 hồi năm 2017. Trong năm 2018, Bắc Kinh đã mua nhiều trang thiết bị liên quan đến tên lửa địa đối không S-400 của Nga.
Câu hỏi kế tiếp là Washington có thể phạt chính quyền của thủ tướng Modi như đã xử phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc hay không ?
Theo các nhà phân tích, câu trả lời có lẽ là không, vì nhiều lý do.
Thứ nhất là yếu tố Trung Quốc. Washington cần New Delhi để kềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về mặt kinh tế lẫn quân sự trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 09/2018, Mỹ và Ấn Độ thông báo đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin quân sự mang tính nhạy cảm cao. Đôi bên cũng đã đồng ý tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô vào năm 2019. Với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ khó mà mạnh tay với New Delhi.
Cái khó thứ nhì đặt ra với chính quyền Trump là việc Ấn Độ tăng cường khả năng phòng thủ cũng chính là nhằm để đối phó với đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và đấy là điều buộc Washington phải quan tâm. Vào năm 2017 đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa quân đội hai nước trong khu vực biên giới Ấn - Trung. Chưa kể là theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng với Pakistan, mà trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã ba lần tuyên chiến với nhau.
Điểm kẹt thứ ba của Mỹ là Ấn Độ hiện đang là một trong những quốc gia mua vũ khí hàng đầu thế giới, đang có nhu cầu hiện đại hóa khả năng phòng thủ rất lớn. Đây là một thị trường mà các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ không muốn bỏ qua. Còn Nga thì từ lâu nay vẫn là đối tác ưu tiên của New Delhi, cho dù là khi lên cầm quyền, thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Hoa Kỳ khó có thể thay đổi được thực tế đó.
Đấy là chưa kể trên bàn cờ ngoại giao, Nga đang ủng hộ Ấn Độ giành được một chiếc ghế thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cũng nhờ Matxcơva đỡ đầu, New Delhi đã gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.
Nhưng có lẽ không chỉ có Hoa Kỳ theo dõi sát lễ ký kết các hợp đồng quân sự Ấn - Nga, mà cả Trung Quốc cũng đang khó chịu vì những hợp đồng giúp cho New Delhi nâng cao khả năng phòng thủ.
Biết đâu đây lại là điểm cho phép Washington và Bắc Kinh thông cảm với nhau hơn trong bối cảnh căng thẳng Mỹ- Trung đang dâng cao ?
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181004-an-do-mua-vu-khi-cua-nga-my-kho-xu

Tên lửa S-400 của Nga giúp Ấn Độ tăng cường phòng thủ

mediaTổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tại thượng đỉnh BRICS, thành phố Goa, Ấn Độ ngày 16/10/2016.REUTERS/Danish Siddiqui
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 15/10/2016 đã ký nhiều hợp đồng với tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề thượng đỉnh BRICS  tại thành phố Goa, Ấn Độ. Với trị giá nhiều chục tỉ đô la cho cả hai lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, các hợp đồng trên đánh dấu mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước, cũng như mong muốn hiện đại hóa quân sự của Ấn Độ.
Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis tường trình :
« Theo một số nhà bình luận, hợp đồng mua hệ thống tên lửa địa đối không S-400 có thể thay đổi cán cân trong lĩnh vực quốc phòng tại vùng Nam Á. Thiết bị tân tiến này có thể bắn được ba loại tên lửa, với tầm bắn 400 km, để phòng thủ trước các loại máy bay không người lái, những loại tên lửa khác hay chiến đấu cơ của đối phương. Hệ thống này có thể giúp Ấn Độ lập được mạng lưới phòng thủ trước những cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Pakistan.
Hợp đồng thương mại chính thức sẽ được ký vào năm tới (2017) với trị giá 4,5 tỉ euro. Là nhà cung cấp gần 2/3 vũ khí cho New Delhi, Nga cũng chấp nhận thành lập một công ty liên doanh để sản xuất máy bay trực thăng chiến đấu Kamov 226T trên lãnh thổ Ấn Độ. Mục tiêu mà thủ tướng Narendra Modi muốn hướng tới là phát triển ngành công nghiệp vũ khí cho chính Ấn Độ, hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nước này.
Vì thế, ông Modi đã yêu cầu các đối tác như Pháp hay Nga, chấp nhận chuyển giao công nghệ khi ký các hợp đồng mua vũ khí có trị giá lớn. Trong trường hợp với Nga, một khu công nghiệp lớn sẽ được phát triển để sản xuất 200 máy bay trực thăng theo giấy phép của Nga ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161016-ten-lua-s-400-cua-nga-giup-an-do-tang-cuong-kha-nang-phong-thu

Pháp và Ấn Độ ký hợp đồng 36 chiến đấu cơ Rafale

mediaBộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parrikar tại lễ ký kết ở New Delhi, 23/09/2016REUTERS/Roberto Schmidt/Pool
Cuộc đàm phán dài 9 năm giữa công ty vũ khí Pháp Dassault và Ấn Độ kết thúc. Ngày hôm nay 23/09 tại New Delhi, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian và đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parrikar ký tắt thỏa thuận liên chính phủ bán 36 chiến đấu cơ đa năng trị giá gần 8 tỉ euro trong bầu không khí phấn khởi. Nhu cầu cải tiến không quân rất lớn, Ấn Độ chấp nhận giá đắt.
Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis giải thích :
" Công ty Dassault lao vào cuộc đua giành hợp đồng thế kỷ từ năm 2007. Vào thời điểm đó New Delhi muốn mua 126 chiếc Rafale. Rafale đã thắng cuộc đua này vào năm 2012. Thế nhưng, cách nay 18 tháng, chính phủ mới tại Ấn Độ quyết định chỉ mua 36 chiếc.
Ngành kỹ nghệ quốc phòng Pháp thở phào nhẹ nhõm trong bối cảnh mối quan hệ chiến lược Pháp-Ấn về lâu về dài được tăng cường.
Ấn Độ chi ra tổng cộng 7,8 tỈ euro để mua 36 chiếc Rafale cùng với tên lửa tối tân và sẽ được Pháp chuyển giao kể từ năm 2019. Các chiến đấu cơ này thuộc loại có hiệu năng cao nhất, bổ sung cho lực lượng không quân cũ kỹ của Ấn Độ và có khả năng mang bom nguyên tử. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ cảnh báo hai nước láng giềng Pakistan và Trung Quốc mà quan hệ căng thẳng do xung khắc chủ quyền lãnh thổ.
Có người chỉ trích tại sao chính phủ Ấn Độ chọn chiến đấu cơ của Pháp tuy đa năng nhưng đắt nhất thế giới mà không dùng tiền này để đầu tư phát triển kỹ nghệ vũ khí của quốc gia hiện còn giới hạn. "
Bình luận về thành công này, chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn Dassault, Eric Trappier, dự đoán Ấn Độ sẽ còn đặt mua thêm và trong thời gian tới, không quân Malaysia sẽ là thị trường mới của Rafale.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160923-phap-va-an-do-ky-hop-dong-36-chien-dau-co-da-nang-rafale

Ấn Độ mua Rafale để đối phó với đe dọa từ Trung Quốc và Pakistan

mediaChiến đấu cơ Rafale trong lần bay huấn luyện 9/09/2014.
Ngày 21/09/2016, chính phủ Ấn Độ thông báo mua của Pháp 36 chiếc máy bay chiến đấu Rafale với giá trị đơn hàng gần 8 tỷ euro. Đây là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất của tập đoàn chế tạo máy bay quân sự Dassault, sau khi đã bán được cho Qatar và Ai Cập mỗi nước 24 chiếc Rafale. Hợp đồng mua sắm vũ khí lớn này sẽ tăng cường tiềm lực cho không quân Ấn Độ để đối phó với những đe dọa tiềm ẩn từ hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.
Thông báo chính thức từ phía chính phủ của thủ tướng Narenda Modi được đưa ra sau gần một năm rưỡi thương lượng giữa Paris và New Delhi. Đây cũng là hợp đồng thương mại trọng tâm của quan hệ Pháp- Ấn.
Thực trạng lực lượng không quân Ấn Độ hiện nay
Cho đến năm 2015, Ấn Độ mới chỉ có 35 đội bay chiến đấu mà mỗi phi đội như vậy chỉ gồm 18 chiếc. Trong khi đó không quân Ấn Độ dự trù phải cần ít nhất 42 phi đội để có thể bảo vệ được đường biên giới phía tây và bắc với Pakistan và Trung Quốc.
Đội chiến đấu cơ của không quân Ấn Độ hiện tại không những thiếu mà còn lạc hậu, gồm chủ yếu toàn những loại máy bay đã cũ kỹ và không đồng bộ. Của Nga thì có Mig 21, Mig 27, Mig 29 và các loại SU-30 MKI, của Pháp có Mirage hay Jaguar của Anh và vài chiếc Tejas tự đóng trong nước.
Từ nhiều năm nay, không quân Ấn Độ đã phải rút các loại Mig 21 cũ kỹ vừa lạc hậu vừa hết giờ bay nhưng vẫn chưa được bù lại bằng các loại chiến đấu cơ mới. Năm ngoái, trước Ủy ban Quốc Phòng của Quốc Hội Ấn Độ, một đại diện không quân đã báo cáo là từ nay đến năm 2022, Ấn Độ sẽ co lại chỉ còn 25 phi đội chiến đấu cơ. Về số lượng, như vậy là ngang bằng với Pakistan. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh rằng Ấn Độ còn phải rất chú ý tới mối đe dọa của Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện nay.
36 chiếc Rafale đã đủ cho không quân Ấn Độ ?
Năm 2012, Ấn Độ bắt đầu đàm phán riêng với tập đoàn Dassault trong dự án mua 126 chiến đầu cơ hiện đại với điều kiện được chuyển giao công nghệ. Nhưng hợp đồng khổng lồ đó đã không thể đạt được vì giá thành chuyển gia công nghệ của Rafale quá cao.
Hai bên đã phải trải qua nhiều cuộc thương lượng để xích dần từng bước lại với nhau. Hồi tháng 5 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã giải thích là chính phủ sẽ điều chỉnh lại việc đặt hàng sau khi thảo luận với lực lượng không quân.
Trong chuyến công du Paris hồi tháng 4 năm 2015, thủ tướng Narendra Modi đã thông báo New Delhi có ý định mua 36 chiếc Rafale hoàn chỉnh và hợp đồng mua bán chỉ được đàm phán trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai Nhà nước.
Trang bị chiến đấu cơ hiện đại Rafale, quân đội Ấn Độ sẽ trút bớt nỗi lo về khả năng quốc phòng yếu kém. Từ nhiều năm nay, giới chức quân sự nước này luôn phàn nàn về tình trạng trang bị của quân đội Ấn Độ không đủ tầm để đối mặt với những thách thức địa chính trị trong vùng.
Ngoài mối hiềm khích với người hàng xóm Pakistan từ khi dành độc lập đến giờ, Ấn Độ đang phải sẵn sàng đối mặt với đà gia tăng sức mạnh quân sự cùng với những tham vọng chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại châu Á. Đó là chưa kể Ấn Độ vẫn luôn có những tranh chấp lãnh thổ dai dẳng với hai người hàng xóm này xung quanh vùng núi Hymalaya.
Mua chiến đấu cơ Rafale, mục tiêu trước mắt của Ấn Độ hiện đại hóa lực lượng không quân hiện gồm chủ yếu các máy bay Nga đang gần hết hạn sử dụng. Còn về lâu dài hợp đồng cộng với chuyển giao công nghệ sẽ giúp Ấn Độ phát triển công nghiệp hàng không quân sự, hiện mới chỉ đang còn chập chững với sản phẩm duy nhất là loại chiến đấu cơ Tejas rất hạn chế về khả năng tác chiến.
Theo các chuyên gia quân sự Ấn Độ, hợp đồng 36 chiếc Rafale này mới chỉ là bước đầu, New Delhi sẽ còn phải chi tiêu nhiều hơn nữa để đối phó với sự bành trước sức mạnh của Trung Quốc ngày nay. Cho đến lúc này, với Pakistan, Ấn Độ đã có thể kiềm chế được, nhưng so với Trung Quốc tiềm lực quân sự của Ấn Độ vẫn còn là thấp hơn nhiều.
Rafale từng bước chinh phục thị trường vũ khí nước ngoài
Hợp đồng bán cho Ấn Độ 36 chiếc Rafale là một thắng lợi cho xuất khẩu vũ khí Pháp. Mặc dù được đánh giá là tinh hoa của ngành hàng không quân sự Pháp, nhưng không phải dễ dàng để Rafale có mặt trong không lực Ấn Độ.
Cuộc phiêu lưu của Rafale đến Ấn Độ bắt đầu từ năm 2007 khi New Delhi mở thầu mua 126 chiến đấu cơ, khi đó có không ít các đối thủ cạnh tranh với Rafale nhảy vào cuộc.
Cuối cùng thì Rafale đã thuyết phục được không quân Ấn Độ trước các lựa chọn nhiều loại chiến đấu cơ hiện đại như Eurofighter Typhoon và Gripen của tập đoàn Saab, các loại chiến đấu cơ Mỹ F-16 của Lockheed-Martin, F-18 của McDonnell Douglas hay như Mig-35 của Nga.
Được quân đội Pháp đưa vào sử dụng từ năm 2004, nhưng Rafale liên tiếp gặp phải thất bại trên thị trường xuất khẩu vũ khí. Thành công đầu tiên được biết đến là vào tháng 2/2015, Ai Cập bất ngờ đặt mua của Pháp 24 chiếc Rafale. Hai tháng sau đó, một hợp đồng 24 chiếc khác tiếp tục được ký với Qatar.
Nếu tính cả đơn hàng ký với Ấn Độ vào ngày mai (23/09), số lượng Rafale xuất khẩu đã chiếm được gần một nửa so với tổng số (180 chiếc) mà không quân Pháp đặt hàng của Dassault.
Rafale đã hấp dẫn được không quân Ấn Độ nhờ khả năng tác chiến rộng và đảm trách được nhiều vai trò cùng lúc của một chiến đấu cơ. Ưu điểm của Rafale là một khi xuất kích, chiến đấu cơ này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như : tác chiến phòng không, ném bom chiến lược, oanh kích mặt đất, tấn công tàu chiến và cả do thám trên không.
Rafale đã được không quân Pháp triển khai ngay từ năm 2007 trên chiến trường Afghanistan, can thiệp tấn công ở Libya năm 2011 và tại Mali năm 2013. Hiện tại 12 chiếc Rafale của quân đội Pháp đang tham gia vào các cuộc oanh kích Daech ở Irak.
Chiến đấu cơ Rafale nặng 10 tấn có thể mang theo lượng vũ khí và nhiên liệu nặng gấp 1,5 lần trọng lượng. Về mặt vũ khí, Rafale có thể được trang bị đại liên 30 ly dùng chiến đấu trên không và oanh kích mặt đất, tên lửa không đối không, bom dẫn đường bằng laser và tên lửa hành trình.
Rafale có thể bay với tốc độ 2.200km/h và cất cánh trên quãng đường băng ngắn 400 mét và bán kính hoạt động tới 1850 km. Rafal có thể được trang bị cho không quân và hải quân. Máy bay có thể tác chiến từ tàu sân bay. Hiện tại Rafale là chiến đấu cơ chủ chốt của không quân Pháp, ít nhất cho tới tận năm 2044.
Chính nhờ những hợp đồng bán Rafale đầu tiên ra nước ngoài mà xuất khẩu vũ khí của Pháp trong năm 2015 đã đạt doanh số kỷ lục 16,9 tỷ euro, tức là tăng gấp hai lần so với năm trước.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160922-an-do-mua-chien-dau-co-rafale-de-doi-pho-voi-de-doa-tu-trung-quoc-va-pakistan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten