Nổ súng ở Mỹ
Ngọc Huyền Như
Theo thống kê của trang mạng Educator’s School Safety Network (ESSN), trong năm học 2017-2018, ở Mỹ có tất cả 3,654 vụ bạo động, đe dọa đủ loại trên toàn nước Mỹ. Trong số này có 1,851 vụ xảy ra tại các nhà trường trong nhiều học khu ở 10 tiểu bang gồm California, Florida, New York, Michigan, Pennsylvania, Ohio, Texas, Illinois, North Carolina và Virginia chiếm 51% trong tổng số nói trên. Năm học 2018-2019 dù đã kết thúc nhưng chưa có thống kê cụ thể.
Cũng theo Giáo Sư Bác Sĩ Faiz Gani, Ðại Học Y khoa Johns Hopkins, người hướng dẫn cuộc nghiên cứu đầu tiên về thanh thiếu niên được cấp cứu trong các bệnh viện cho biết cứ 100,000 em thì có 11 em bị thương tích do súng đạn gây ra. Nghiên cứu này sử dụng các thông tin do cơ quan chính phủ liên bang Agency on HealthCare Research and Quality cung cấp trong 9 năm qua. Theo đó, trung bình mỗi năm toàn nước Mỹ khoảng 8,000 thanh thiếu niên phải vào cấp cứu vì súng đạn và số em nam nhiều gấp năm lần các em gái. Đại đa số thủ phạm các vụ bắn nhau là nam giới và phần lớn người mua súng hay sở hữu súng là đàn ông da trắng độ tuổi từ 30 đến 65.
Ngoài trường học, súng còn nổ trong gia đình, bệnh viện, tiệm ăn, khách sạn, phi trường…Tháng Mười Một năm ngoái, vụ bắn chết 13 người ở một quán rượu thành phố Thousand Oak, Los Angeles. Sau đó, hung thủ, một cựu Thủy Quân Lục Chiến, đã tự tử và Tòa Bạch Ốc treo cờ rủ tưởng niệm các nạn nhân.
Báo cũng đăng cậu cháu nội 11 tuổi bắn chết bà nội ở Arizona năm ngoái. Ở San Diego, cách đây vài tháng, ông bố già 92 tuổi bắn chết con trai 51 tuổi vì bị con hành hạ quá đáng. Cùng thời gian này, anh trai 13 tuổi ở Ohio bắn chết em trai 11 tuổi bị bệnh vì nghĩ rằng bố mẹ bỏ rơi mình khi dành nhiều thời giờ chăm sóc em nhỏ.
Những vụ bạo động có súng ở trường học làm xã hội lo lắng cho an toàn của học sinh. Một số báo chí đã viết bài hướng dẫn các em học sinh nên ở đâu trong phòng học nếu có vụ nổ súng trong trường. Bà Bộ Trưởng Giáo Dục Besty DeVos, vốn là một doanh nhân tỷ phú, bạn chiến đấu của Trump, với “số không” kinh nghiệm trong giáo dục, vội vã đề nghị trang bị súng cho các trường học và huấn luyện nhà giáo các cấp cách dùng súng. Ông Trump dĩ nhiên ủng hộ bà mạnh mẽ. May sao ý kiến này bị nhiều học khu trên cả nước phản đối gay gắt. Nhờ vậy nhà trường Mỹ chưa thành bãi chiến trường!
Nổ súng ngoài nhà trường hẳn nhiên làm nhiều người mọi nơi lo lắng. Nhiều ý kiến, xuất phát rộng rãi từ dân biểu, nghị sĩ, nhiều tầng lớp xã hội, đề nghị xiết chặt quy chế bán súng của hội súng NRA và quyền sử dụng súng của người dùng. Và tất nhiên NRA la ó om sòm.
Trước khi thử tìm nguyên nhân đưa đến nổ súng và một giải pháp cho vấn nạn, hãy đi ngược lại thời gian khoảng 10 năm khi iPad, iPhone chưa thông dụng như hôm nay. Lúc đó những lần tụ họp gia đình dù chỉ có khoảng 3, 4 trẻ em giữa nhiều người lớn nhưng đủ làm không khí rất ồn ào náo nhiệt vì các em nô đùa, la hét, chạy nhảy không ngừng nghỉ. Nhưng vài năm trở lại đây dù số trẻ em gấp nhiều lần số trên trong những buổi họp mặt như vậy, không khí rất im ắng chỉ người lớn ồn ào trò chuyện vì trẻ em nào cũng ngoan ngoãn bận rộn chơi game với iPad của mình. Mà các trò chơi điện tử này thật phong phú, đa dạng về nội dung đặc biệt chú trọng đến ganh đua, cạnh tranh, đuổi bắt nhau, bắt giữ nhau, bắn hạ nhau để trở thành người thành công, chiến thắng và được trẻ em ưa thích nhất. Người lớn cũng say mê không kém. Người lớn đây có thể là học sinh trung học, sinh viên đại học, thanh niên, tráng niên và cả người già…
Dòng phim hành động do Hollywood sản xuất với những phim vượt thời gian như Star Wars, Terminator, Avengers, Pirates of the Carribbean, Die Hard…còn làm bao người mê mẩn. Gần đây nhất sự trở lại của phim John Wick với Keanu Reeves, việc bắn giết nhau được đưa lên thành một nghệ thuật vô cùng tinh tế ngọt ngào. Chỉ một cú hất tay lên của Keanu Reeves là ít nhất một thân người đổ xuống nhẹ nhàng như lá thu rơi. Người Việt có cụm từ “giết người như ngóe” gợi lên hình ảnh máu đổ thịt rơi vương vãi ngập ngụa khắp nơi làm người ta ghê sợ. Thành ngữ ấy không có chỗ đứng trong John Wick, Chapter 3, với chủ đề Parabellum, “để tự vệ, hãy giết trước,” dù quả thật là từ đầu đến cuối phim chỉ có hai cảnh giết người và người bị dao, kiếm, súng giết chết. Hai cảnh đó được sắp xếp, dàn dựng hợp lý hợp tình ở những góc độ có ánh sáng tuyệt hảo nhất, với những động tác, hình ảnh đẹp nhất. Đẹp đến độ khán giả không thấy ghê tởm, gớm ghiếc. Trái lại, người ta nồng nhiệt vỗ tay, reo hò, huýt sáo khen ngợi và thích thú.
Có vài điểm chung trong tất cả các trò chơi điện tử bạo động và kỹ nghệ làm phim hành động ở Mỹ cũng như các nước khác. Thứ nhất là vì mình mà bắn giết người khác. Thứ đến là gần như không bao giờ phim, game cho thấy hệ lụy xảy ra sau khi giết người. Chẳng hạn như nỗi đau khổ của nạn nhân và gia đình nạn nhân, chấn thương tâm lý của những người chứng kiến hay sự trừng phạt của luật pháp cho kẻ sát nhân.
Khi còn nhỏ cái ta (self, ego) đã tưới tẩm trong bắn giết nhau, lại chẳng thấy hệ lụy gì thì khi lớn lên gặp việc bất như ý sẽ dễ ngỡ rằng rút súng bắn cái đùng là mọi chuyện giải quyết xong. Ngờ đâu chẳng phải vậy. Thủ phạm những vụ nổ súng khắp nơi ở Mỹ nào biết được nỗi đau đớn chịu đựng của những người còn sống, cha mẹ mất con, con mất bố mẹ, anh chị em mất nhau, người yêu mất người yêu… Lý do không biết được vì đa số thủ phạm tự kết liễu đời mình sau khi thảm sát.
Hai mươi năm sau vụ tàn sát tai trường Trung Học Columbine High School, Colorado, 1999 là 20 lần tưởng niệm 13 người đã chết. Năm nay, hai nam sinh còn sống sót, giờ đã là tráng niên, khi trả lời phỏng vấn trên TV, đã không ngăn được nước mắt khi nhớ lại nỗi kinh hoàng chứng kiến 12 người bạn và một người thầy bị bắn chết cùng với 44 người bị thương.
Thủ phạm nổ súng ở trường tiểu học Sandy Hook, Connecticut vào cuối Tháng Mười Hai, 2012 có biết chăng bố của em học sinh 6 tuổi, Avielle Richman bị bắn chết ngày hôm đó, là ông Jeremy Richman, đã tự tử ngày 23 Tháng Ba, 2019. Ông Richman đã viết trên trang mạng, “Tôi và vợ đau lòng đứt ruột suốt từ ngày đó tới nay và cảm thấy bị hành hạ bởi thảm cảnh được nhắc lại nhiều lần với hàng trăm trẻ em bị tàn sát tương tự.” Ông không còn sức chịu đựng nỗi ám ảnh này nên tự kết liễu đời mình. Thử nghĩ xem con đã chết, chồng cũng chết. Vậy, vợ ông, mẹ em Avielle, sẽ sống thế nào?
Ai cũng biết rất nhiều Viện Khổng Tử trá hình của Tàu trong các đại học Mỹ bị đóng cửa. Đó là điều đúng. Nhưng phải chăng tư tưởng Khổng Tử “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Đừng làm cho người khác những điều mình không muốn ai làm cho mình.” vẫn còn giá trị? Nên chăng người Mỹ, già hay trẻ, cần thấy rằng khi mình muốn sống thì cũng phải hiểu rằng ai cũng muốn sống như mình. Phải chăng bằng nhiều cách người ta cần hiểu thêm rằng, “Đừng làm khổ mình, đừng làm khổ người, đừng làm khổ các chúng sinh khác.” là cách làm cho đời sống nhân sinh an lành nhất.
Đầu óc người Âu Mỹ rất rạch ròi, phân biệt rõ rệt. Ăn thịt gà, heo, bò, tôm cá thì không sao vì chúng được xem là những loài sinh vật có mặt để làm thực phẩm cho con người. Nhưng nếu ai đó giết hay ngược đãi thú cưng chó, mèo hay thú hiếm quý khác như cọp, voi, gấu, báo… thì sẽ thấy hậu quả lập tức. Phải chăng sự rạch ròi đó khiến người ta cứ thích thú chơi game bạo động hoặc thưởng thức hết mình những kiệt tác bắn giết nhau trong các loại phim. Đến khi bắn nhau thật sự trong nhà trường và ngoài đời thì nhao nhao đòi xem xét lại và hạn chế luật mua súng và giữ súng.
Nếu đúng như vậy thì nổ súng ở Mỹ có điểm giống bệnh ung thư. Bệnh nhân ung thư thường được điều trị bằng hóa trị và xạ trị. Nhiều người được khỏi bệnh. Nhưng rất nhiều người kéo dài cuộc sống bên cạnh những vật vã về thể chất và kiệt quệ về tinh thần bởi tác dụng của các chất hóa học. Nỗi thống khổ này không chỉ dành cho người bệnh mà còn làm bao người thân chung quanh cùng khổ. Vì thế y khoa luôn nhắc mọi người “phòng bệnh hơn chữa bệnh.” Nói cách khác, thay đổi cách sống và cách nhìn mới đi đến gốc rễ căn nguyên của sự vật.
Khó vô cùng! (Ngọc Huyền Như)
https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/no-sung-o-my/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten