donderdag 23 april 2015

Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc

Trung QuốcChâu ÁXe hơiĐầu tưÔ nhiễmKinh tế

Chuẩn chống ô nhiễm : lộc trời ban cho các nhà sản xuất linh kiện xe tại Trung Quốc

mediaTrung Quốc đặt mục tiêu giảm khí thải từ xe ô tô xuống còn 117gr/m3 từ đây đến năm 2020.REUTERS/Stringer
Chính quyền Bắc Kinh đặt mục tiêu giảm khí thải ô nhiễm cho đến năm 2020. Đối với các hãng phương Tây, chuyên sản xuất linh kiện xe hơi, mục tiêu đó là một « lộc trời cho ». Bởi đó cũng là thế mạnh của họ trên phương diện công nghệ học, được cho là bỏ xa các đối thủ trong nước.
Theo AFP, với quy định mới ban hành, các nhà cung cấp linh kiện xe ô tô của phương Tây có rất nhiều lợi thế. Hãng xưởng sản xuất và cở sở nghiên cứu đã được thành lập khắp nơi tại Trung Quốc. Họ còn được hưởng ưu đãi về mặt luật lệ như không buộc phải thành lập liên doanh với các cơ sở nội địa như các hãng sản xuất xe ô tô ; các ưu đãi về thuế như quyền giữ trọn lợi nhuận hay bảo toàn sở hữu bằng sáng chế, thành quả của những đầu tư tốn kém.
Hơn nữa các cơ sở này đã nắm trong tay các bằng sáng chế tuân theo các chuẩn nghiêm ngặt của Hoa Kỳ và Châu Âu liên quan đến các kỹ nghệ chống ô nhiễm và giảm tiêu thụ năng lượng: « stop & start » (động cơ ngừng tự động khi xe tạm dừng), các chất xúc tác (cho phép lọc khí thải), các vật liệu nhẹ và công nghệ kết hợp xăng – điện.
Trung Quốc do phải đối mặt kinh niên tình trạng ô nhiễm không khí, đã ban hành quy định nghiêm ngặt, với mục tiêu cho đến năm 2020 giảm xuống còn 117gr khí thải CO2/ km mà bước đệm trung gian sẽ là năm 2017. Còn tại Châu Âu, mục tiêu đề ra là đạt mức khí thải 95g/km trong vòng năm năm. Theo giải thích của ông Lĩnh Anh (David Xu), phó chủ tịch chi nhánh Bosch (Đức) tại Trung Quốc, với hãng thông tấn Pháp AFP, « tất cả các hãng sản xuất ô tô muốn đạt đúng hạn các mục tiêu cho năm 2017. Do đó ai cũng muốn có công nghệ do chúng tôi đề xuất ».
Ông Stephane Martinot, giám đốc phụ trách marketing hãng Faurecia cho biết thêm « Hầu hết các công nghệ được chúng tôi phát triển đều nằm trong lãnh vực kiểm soát khí thải, phần xăng tại Hoa Kỳ, và Châu Âu là phần diesel. Hiện nay chúng tôi đang hưởng lợi điều đó tại Trung Quốc ». Ông Martinot còn đánh giá là « Các quy định về giảm khí thải của Trung Quốc đã giúp cho doanh nghiệp rất nhiều bởi vì chúng tôi có những công nghệ tốt vào đúng thời điểm và với giá cả phải chăng ».
Một lợi thế khác cho các hãng phương Tây là họ vừa có thể cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các hãng sản xuất xe ô tô nội địa lẫn các hãng nước ngoài, theo như tiết lộ của ông Edouard de Pirey, chủ tịch hãng Valeo pour la Chine. Do đã làm chủ được các công nghệ giảm khí thải và giảm tiêu thụ năng lượng, các hãng cung cấp linh kiện cho biết sẵn sàng chào mời những công nghệ mới nhất chứ không phải là những « công nghệ có sẵn trên kệ » (tức là đã được kiểm chứng).
Trong bối cảnh đó thì các doanh nghiệp trong nước sẽ ứng phó như thế nào ? Theo AFP, Trung Quốc cũng có những nhà cung cấp linh kiện nội địa, nhưng họ lại « không có công nghệ và vẫn còn bị tụt hậu ». Phần lớn các nhà cung cấp phương Tây đều tỏ ra lạc quan về mức tăng trưởng tại Trung Quốc, cho dù là hiện nay thị trường có vẻ tiến chậm hơn.
Dù biết rằng dẫn trước các đối thủ trong nước rất xa, nhưng các hãng phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng, cho rằng để tồn tại lâu dài cũng phải luôn đầu tư trong nghiên cứu và phát triển, như nhận xét của ông Pirey « Mọi cuộc chơi đều phụ thuộc vào việc có ý tưởng mới hay không và phải đầu tư ồ ạt vào nghiên cứu và phát triển ». Một quan điểm cũng được ông Martinot hãng Faurecia đồng chia sẻ « cạnh tranh tại Trung Quốc sẽ rất gắt gao. Cần phải tiếp tục nghiên cứu để giữ vững lợi thế này ».

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20150423-chuan-chong-o-nhiem-loc-troi-ban-cho-cac-nha-san-xuat-linh-kien-xe-tai-trung-quoc/

Ô nhiễm không khí : Khó tuyển được người đến Trung Quốc làm việc

mediaNgười dân đi trên đại lộ Bund, Thượng Hải phải sử dụng khẩu trang vì ô nhiễm, 26/01/2015.REUTERS/Aly Song (
Hầu hết các công ty Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các cán bộ lãnh đạo, vì nhiều người có năng lực không muốn làm việc ở một nước bị ô nhiễm không khí nặng nề - theo một công trình nghiên cứu được công bố hôm nay 11/02/2015.
Lần đầu tiên, trong cuộc điều tra được Phòng Thương mại Hoa Kỳ thực hiện, đa số các công ty (53%) nhấn mạnh chất lượng không khí tồi tệ tại các thành phố Trung Quốc rất bất lợi cho việc tuyển mộ người sang nước này làm việc.
Tỉ lệ trên vào năm 2014 là 48%, còn năm 2013 chỉ là 34%. Kết quả điều tra dựa trên câu trả lời của 477 doanh nghiệp trên tổng số 1.012 công ty Mỹ đăng ký tại Phòng Thương mại.
Ô nhiễm không khí không phải là quan ngại duy nhất đối với các tập đoàn Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Họ còn cảm thấy không khí kinh doanh bị xuống cấp nghiêm trọng. Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết : « Gần phân nửa số công ty cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài bị phía Trung Quốc đối xử lạnh nhạt hơn so với trước ».
Bên cạnh đó, đến 83% số công ty trả lời các câu hỏi điều tra khẳng định việc kiểm duyệt internet đã đè nặng lên các hoạt động của mình tại Trung Quốc, gây ảnh hưởng tiêu cực. Trong những tuần lễ gần đây, chính quyền Bắc Kinh còn tăng cường kiểm soát thế giới mạng, khi phong tỏa các dịch vụ VPN giúp vượt tường lửa.
Tại các thành phố Trung Quốc có đo lường tỉ lệ ô nhiễm không khí một cách chính thức, trên 90% đã vượt các tiêu chuẩn quốc gia trong năm 2014, theo một báo cáo của Greenpeace công bố cuối tháng 1/2015.
Chất lượng không khí tệ hại đã trở thành một trong những chủ đề chính yếu gây bất bình cho người dân Trung Quốc. Họ đã quá chán ngán khi phải hít thở bầu không khí độc hại, và chứng kiến sự bùng nổ các trường hợp ung thư phổi tại các đô thị.
Chính quyền Bắc Kinh cam đoan sẽ tấn công vào các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm không khí : đó là lưu thông xe cộ tăng vọt, than đá chiếm phần rất lớn trong số các nguồn năng lượng tiêu thụ, các nhà máy và công trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tuy nhiên ý định này của trung ương lại vấp phải sự chống đối của các chính quyền địa phương, vốn cho rằng đấu tranh chống ô nhiễm sẽ làm giảm tăng trưởng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150211-o-nhiem-khong-khi-kho-tuyen-duoc-nguoi-den-trung-quoc-lam-viec/

Biểu tình chống ô nhiễm do nhà máy than tại Trung Quốc

mediaKhói thải của một nhà máy công nghiệp tại Hàng Châu tỉnh Chiết Giang. Ảnh chụp ngày 18/03/2015.REUTERS/Stringer
Hôm qua, ngày 12/04/2014, hàng nghìn người tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã biểu tình phản đối dự án mở rộng một nhà máy nhiệt điện. Đây là dấu hiệu bất bình mới nhất của người dân trước tình trạng ô nhiễm môi trường.
Dẫn lại thông tin từ Tân Hoa Xã, hãng tin Reuteurs cho biết người dân đã từng phàn nàn về khói bụi tại thành phố Hà Nguyên (Heyuan) từ khi nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động năm 2008. Thế nhưng, gần đây, các quan chức đã thông qua giai đoạn hai của dự án.
Vẫn theo hãng tin, « cảnh sát có mặt tại chỗ và không có xảy ra bạo lực từ lúc cuộc biểu tình bắt đầu vào 10 giờ sáng ». Người dân ở đây đã thu thập hơn 10 000 chữ ký từ Tháng Ba vừa qua để phản đối kế hoạch mở rộng nhà máy.
Được tung lên các trang xã hội Trung quốc, tuy nguồn gốc chưa Reuteurs được kiểm chứng, các hình ảnh cho thấy nhiều người diễu hành trên phố, tay cầm biển ngữ phản đối dự án gây ảnh hưởng tới sức khỏe và khí hậu trong lành.
Tân Hoa Xã ước lượng có vài nghìn người biểu tình, nhưng theo một cán bộ dấu tên tại Hà Nguyên, chỉ có 200 người. Ông cũng cho biết : « Không có xung đột. Chúng tôi vừa mới họp để tìm ra cách giải quyết. Cán bộ thành phố đã gặp gỡ và trao đổi với một số người biểu tình ».
Ý thức được bất bình của người dân về môi trường, chính phủ Trung Quốc đã tuyên chiến với ô nhiễm, hứa từ bỏ mô hình tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá khiến nguồn nước, đất đai và không khí tại nước này bị ảnh hưởng nặng nề.
Trung Quốc đang nỗ lức để giảm bớt nhiệt điện và dọa đóng cửa hàng nghìn nhà máy công nghiệp nếu không tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn về khí thải và sử dụng năng lượng. Theo dữ liệu chính thức, năm ngoái, chỉ 8 trên 74 thành phố được Bộ Bảo vệ Môi trường giám sát đạt tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí.
Báo cáo về « sự cố hàng loạt », cụm từ để chỉ các cuộc biểu tình, ngày càng trở nên phổ biến tại Trung quốc, do các nạn tham nhũng, ô nhiễm, chiếm đoạt đất đai và các khiếu nại khác.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150413-bieu-tinh-chong-o-nhiem-do-nha-may-than-tai-trung-quoc/

Trung Quốc : Khuyến khích kiện những công ty gây ô nhiễm

mediaCảnh ô nhiễm ở Liên Vân Cảng, Giang Tô, ngày 05/01/2015.REUTERS/Stringer
Trung Quốc cho các tổ chức xã hội thêm quyền để kiện những công ty hay những cá nhân vi phạm luật về môi trường, vào lúc mà chính quyền Bắc Kinh gia tăng nỗ lực chống nạn ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn.
Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc vừa thông báo quy định mới, có hiệu lực kể từ hôm nay, 07/01/2015, theo đó, các tổ chức bảo vệ môi trường dùng phương tiện pháp lý để chống các công ty và các cá nhân gây ô nhiễm kể từ nay sẽ có một quy chế đặc biệt và sẽ được giảm các chi phí về pháp lý.
Các tổ chức này cũng sẽ được quyền kiện các công ty và các cá nhân ở bất cứ nơi nào ở Trung Quốc, bất kể các tổ chức đó đặt trụ sở ở đâu. Quy định mới được áp dụng cho các tổ chức xã hội do Nhà nước bảo trợ cũng như cho các tổ chức phi chính phủ. Nhưng hiện chưa rõ là các nhà bảo vệ môi trường độc lập có sẽ được hưởng quy chế mới hay không.
Theo kết quả các nghiên cứu gần đây, có đến 2/3 đất của Trung Quốc bị ô nhiễm, và 60% nguồn nước ngầm ở nước này không thể uống được vì quá ô nhiễm.
Trung Quốc hiện là quốc gia phát khí thải gây hiệu ứng lồng kính nhiều nhất thế giới. Do nạn tham nhũng và do các cơ quan bảo vệ môi trường rất yếu kém, nhiều công ty vẫn vi phạm thoải mái các quy định về môi trường.
Vào năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố là Trung Quốc « tuyên chiến » với ô nhiễm. Nhiều biện pháp đã được loan báo, nhưng việc chấp hành còn yếu kém.
Mặt khác, theo hãng tin AFP, mặc dù có thêm cơ hội để hoạt động, các tổ chức phi chính phủ ở Trung Quốc vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, rất khó được cấp phép hoạt động. Quốc hội Trung Quốc cũng đang dự trù ra một đạo luật gia tăng kiểm soát các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150107-trung-quoc-khuyen-khich-kien-nhung-cong-ty-gay-o-nhiem/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten