Thứ tư, 22/4/2015 | 19:28 GMT+7
Những chuyện chưa kể về bộ não Einstein
Trong quá trình khám nghiệm tử thi Albert Einstein, bác sĩ Thomas Harvey là người phát hiện nguyên nhân cái chết do vỡ động mạch chủ. Sau này, ông cũng là người giữ bộ não trong nhiều năm.
Mô tả phần vỏ não Albert Einstein trong nghiên cứu của Dean Falk năm 2013. Ảnh: BBC
|
01h15 sáng 18/04/1955, nhà vật lý Albert Einstein thì thầm một vài từ tiếng Đức trước khi trút những hơi thở cuối cùng. Vì y tá tại bệnh viện Princeton không hiểu được tiếng Đức, những lời trăng trối của Einstein đã mất đi mãi mãi.
Lễ hỏa táng được tiến hành sau ngày hôm đó tại Trenton, bang New Jersey, nhưng con trai của Einstein là Hans Albert nhận thấy rằng cơ thể trong quan tài không nguyên vẹn. Trang nhất của New York Times đưa tin "Bộ não phát minh nên thuyết tương đối và phân hạch hạt nhân đã được gỡ bỏ để phục vụ nghiên cứu khoa học".
Hans Albert vô cùng tức giận vì biết rằng người cha của mình từng mong muốn tro cốt của ông được rải đi bí mật. Nhưng trên thực tế, các tư tưởng khi còn sống của Einstein khiến người ta tin rằng ông chấp thuận việc giới khoa học sử dụng cơ thể của ông cho mục đích nghiên cứu. Harvey thuyết phục Hans cấp phép cho một nghiên cứu với hy vọng làm sáng tỏ bí mật của thiên tài, một trong những bí ẩn lớn nhất của tự nhiên. Tuy nhiên, chưa nghiên cứu nào được thực hiện dù nhiều năm trôi qua.
Năm 1978, nhà báo trẻ tên Steven Levy tìm gặp Harvey. "Tôi nói với ông ấy rằng tôi đang viết một câu chuyện về bộ não của Einstein. Điều đầu tiên ông ấy nói với tôi là 'Tôi không thể giúp gì cho cậu'. Ông ấy không muốn nói chuyện", Levy kể lại. Để thuyết phục, Steven theo Harvey đến tới tận Wichita, Kansas và biết rằng Harvey vẫn mong muốn xuất bản một báo cáo khoa học về chủ đề này.
Sau khi được xem bộ não đó trong các hũ thủy tinh, Steven trở về và mô tả chúng trên tờ New Jersey Monthly: "Một miếng có hình dạng như vỏ sò, nhăn nheo màu đất sét nung. Một khúc cỡ nắm tay màu xám nhạt với những đường gân rõ và thẳng hàng, thống nhất như một miếng bọt biển. Và ở một chiếc lọ riêng biệt khác, những sợi màu hồng trắng phồng ra như những sợi chỉ nha khoa. Một chiếc lọ khác lớn hơn, chứa hàng chục khối mờ ảo hình chữ nhật và có kích cỡ tương đương hộp đậu phộng Goldenberg".
Trở lại năm 1955, khi được Hans Albert chấp thuận, Harvey đã đo đạc, chụp bộ não, thậm chí nhờ họa sĩ vẽ lại. Harvey chia bộ não thành 240 khối nhỏ và những lát cắt. Chúng được đưa đến những tổ chức nghiên cứu giải phẫu tốt nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên, họ đều nói rằng bộ não của Einstein không khác biệt so với não bình thường, giống kết quả Harvey từng nhận được khi cân não của Einstein.
Những năm tháng tìm hiểu
"Đó là một may mắn lớn, nhưng thật ra nó giống một lời nguyền hơn. Ông ấy đã mất mọi thứ kể từ ngày có bộ não đó. Thất nghiệp, ly hôn, mất việc ở Princeton. Sau những tranh cãi rằng Harvey tham lam ông không bao giờ còn khả năng xin lại việc ở bệnh viện nữa", một chuyên gia kể lại.
Khi bài báo của Levy được xuất bản năm 1978, Harvey lập tức trở thành tâm điểm. Việc nghiên cứu não Einstein thực sự bắt đầu.
Một phần não trong lọ thủy tinh. Ảnh: BBC
|
Trong báo cáo năm 1985, chuyên gia Marian Diamond, Đại học California, Mỹ, chỉ ra rằng 4 vật mẫu não chứa thành phần gọi là tế bào thần kinh đệm nhiều hơn so với não thường. Tế bào thần kinh đệm cố định nơ-ron thần kinh, giúp cung cấp nhiều oxy và dinh dưỡng hơn. Diamond từng chỉ ra rằng môi trường kích thích có thể làm gia tăng số lượng tế bào này.
Năm 1996, chuyên gia Britt Anderson tại Đại học Alabama, Mỹ, công bố một nghiên cứu về vỏ não trước của Einstein. Ông phát hiện rằng số lượng nơ-ron không khác biệt so với với não bình thường, nhưng chúng được xếp gần nhau hơn, do đó xử lý thông tin nhanh chóng hơn.
Ba năm sau đó, Sandra Witelson của Đại học McMaster, Canada, nói rằng tiểu thùy đỉnh dưới, phần não liên quan đến nhận thức không gian và tính toán, rộng hơn và tích hợp tốt hơn so với bình thường. Witelson suy đoán hình dạng này của bộ não liên quan đến lối suy nghĩ của Einstein, trong đó "từ ngữ không có vai trò quan trọng".
Nhà nhân chủng học Dean Falk năm 2012 nhận định điểm nổi bật nhất là não Einstein có thêm một vạch kẻ rộng ở thùy giữa trong não, vốn được dùng để lên kế hoạch và ghi nhớ. Con người chúng ta chỉ có 3 vạch này, nhưng Enstein có tới 4. Bà cũng nhận thấy thùy đỉnh não của Einstein bất đối xứng rõ rệt và bộ não cũng có một phần nhô lên trên dải nếp nhăn. Đây được gọi là "dấu hiệu omega", phổ biến ở những nhạc công thuận tay trái. Trên thực tế, Einstein chơi được violin.
Một năm sau, Falk đứng đầu nghiên cứu về corpus callosum - vùng kết nối bán cầu não trái và phải. Các nhà khoa học nhận ra corpus callosum của Einstein dày hơn, tạo sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa hai bán cầu não.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là những đặc điểm trên do bẩm sinh hay được cấu thành từ quá trình làm việc của Einsten. "Dấu hiệu omega" có thể phát triển khi Einstein thường xuyên chơi violin từ nhỏ, nhưng rất khó để hiểu nguyên nhân hình thành các đặc điểm khác.
Sau mỗi công trình khám phá đó, các tờ báo trên thế giới bắt đầu đăng tải thông tin rằng giới khoa học đã khám phá bí mật về thành công của nhà vật lý lỗi lạc. Tuy nhiên theo nhà tâm lý học Terence Hines, tất cả tuyên bố chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết.
Trên thực tế, các nhà khoa học thừa nhận họ không chắc chắn rằng những điểm khác biệt trên bộ não Einstein có quan hệ mật thiết với tài năng của ông hay không. Einstein không chỉ là một thiên tài, ông còn nói được nhiều ngôn ngữ, chơi đàn và mắc chứng tự kỷ.
Năm 1998, Thomas Harvey đã trao 170 phần não cho bác sĩ Elliot Kraus, Đại học Y Trung tâm Princeton. Krauss nói rằng đây là một vinh dự, nhưng cũng là một gánh nặng. Harvey đã thực hiện trách nhiệm đó suốt 40 năm.
Bích Ngọc (Theo BBC)
http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/nhung-chuyen-chua-ke-ve-bo-nao-einstein-3204070.html
Thứ ba, 8/10/2013 | 09:05 GMT+7
Bí mật trong não bộ Einstein
Một nghiên cứu mới đây cho thấy trí thông minh của thiên tài Einstein có thể được hình thành nhờ sự kết nối chặt chẽ một cách bất thường giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải.
Trí thông minh thiên tài của Einstein có thể nhờ sự kết nối bất thường giữa hai bán cầu não. Ảnh: AP
|
Weiwei Men đến từ khoa Vật lý học của trường Đại học Normal East China, đã phát triển một công nghệ mới để tiến hành nghiên cứu đầu tiên đi sâu vào chi tiết những nhóm dây thần kinh kết nối giữa hai bán cầu não của Einstein.
Công nghệ của Men cho phép xác định vị trí và độ dày của những khu vực mà dây thần kinh di chuyển từ một bên bán cầu não sang bên còn lại. Nhờ đó, nghiên cứu cho thấy được cách thức kết nối giữa hai bán đầu não ở những vùng riêng biệt. Những vùng này có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau tùy thuộc vào nơi sợi thần kinh đi qua.Với công nghệ mới này, các nhà khoa học có thể so sánh những con số đánh giá trong thí nghiệm với Einstein và hai trường hợp nghiên cứu khác, bao gồm một thanh niên 15 tuổi và một trong 52 người cùng tuổi với Einstein ở thời điểm năm 1905.
So với một người trẻ tuổi và một người có độ tuổi tương đồng, não của Einstein, người qua đời năm 1955 ở tuổi 76, có sự kết nối rộng rãi hơn ở những khu vực nhất định thuộc hai bán cầu trái và phải.
"Hơn bất kỳ một nghiên cứu nào khác, nghiên cứu này thực sự đã chỉ ra được bí mật bên trong bộ não của nhà khoa học vĩ đại, cung cấp những thông tin mới có thể giúp xác định cái từng được biết đến là bệ mặt não Einstein" Telegraph dẫn lời tiến sĩ Dean Falk, nhà nhân chủng học của trường đại học Florida State, Mỹ, cho biết.
Albert Einstein là nhà vật lý lý thuyết sinh người Đức. Năm 26 tuổi, Albert Einstein đã công bố 4 bài viết có tầm ảnh hưởng đến nền móng của ngành vật lý hiện đại và làm thay đổi quan điểm của thế giới về vũ trụ, thời gian, khối lượng và năng lượng.
Với thành tựu phát triển thuyết tương đối tổng quát, Einstein được coi là một trong những cha đẻ của vật lý hiện đại và là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Năm 1921, ông nhận giải Nobel Vật lý cho những cống hiến với vật lý lý thuyết và sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện.
Thùy Linh
http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/bi-mat-trong-nao-bo-einstein-2891521.html
Thứ bảy, 18/4/2015 | 18:09 GMT+7
Những điều ít được nói đến về thiên tài vật lý Einstein
Einstein không đi tất bao giờ và từng từ chối làm tổng thống Israel; ông có những bài viết tạo ra nền móng quan trọng cho vật lý thế giới ngay từ năm 26 tuổi.
Albert Einstein là nhà vật lý lý thuyết sinh người Đức. Với thành tựu phát triển thuyết tương đối tổng quát, ông được coi là một trong những cha đẻ của vật lý hiện đại và là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Năm 1921, ông nhận giải Nobel Vật lý cho những cống hiến với vật lý lý thuyết và sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện. Nhà vật lý học nổi tiếng qua đời ngày 18/4/1955.
Albert Einstein (14/3/1879-18/4/1955). Ảnh: pbs.org
|
Chèo thuyền
Einstein chưa từng học bơi nhưng ông là người có kinh nghiệm chèo thuyền thuần thục. Trong thời gian học tại Đại học Bách khoa ở Zurich, Thụy Sĩ, ông thường bơi thuyền và dành thời gian này để suy nghĩ.
Bộ não
Trong phòng thí nghiệm của Bệnh viện Princeton, Thomas Stoltz Harvey thực hiện giải phẫu tử thi và đưa não của Einstein ra khỏi hộp sọ sau khi ông qua đời hơn 7 giờ. Việc não của Einstein được bảo quản theo sự đồng ý trước đó của ông hay không hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, Harvey đã giữ một số phần não được tách nhỏ cho riêng mình và đưa những phần còn lại cho các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Tổng thống Israel
Không lâu sau khi tổng thống đầu tiên của Israel là Chaim Weizmann qua đời (9/11/1952), Einstein được yêu cầu giữ cương vị tổng thống thứ hai của nước này. Einstein đã từ chối đề nghị, nói rằng ông quá già (khi đó Einstein 73 tuổi), thiếu năng khiếu và kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề liên quan đến con người.
Không đi tất
Einstein không bao giờ đi tất. "Khi còn nhỏ, tôi nhận thấy rằng ngón chân cái sẽ tạo ra lỗ ở đôi tất, vì vậy tôi không đi tất nữa", Einstein nói.
Hút thuốc
Người đàn ông với mái tóc bù xù và tẩu thuốc trên tay là hình ảnh quen thuộc khi nhớ đến nhà khoa học vĩ đại này. Năm 1950, Einstein từng nói: "Tôi tin rằng hút thuốc có tác động nào đó đến sự bình tĩnh và sự đánh giá khách quan trong mọi vấn đề của con người".
Kết hôn
Sau khi ly dị người vợ đầu tiên Mileva Maric, Einstein kết hôn với người em gái họ là Elsa Lowenthal vào năm 1919. Elsa có quan hệ họ hàng gần gũi với Einstein: mẹ của ông và mẹ của Elsa là chị em, còn cha của ông và cha của Elsa là anh em họ.
Einstein cùng người vợ đầu Mileva Maric. Ảnh: teslasociety.com
|
La bàn
Niềm đam mê với khoa học của Enstein bắt đầu từ năm 5 tuổi, khi bị ốm và phải nằm trên giường bệnh. Cha của Einstein tặng ông một cái la bàn và món quà này đã khơi gợi sự quan tâm của nhà vật lý học tương lai về lực tác dụng lên kim di chuyển.
Con gái
Năm 1901, trước khi Einstein kết hôn với Maric, họ từng có một kỳ nghỉ lãng mạn ở Italy. Maric nhận ra mình mang thai và vì Einstein không có tiền để kết hôn hay chăm sóc cho đứa trẻ, bà quay về nhà bố mẹ đẻ để sinh con.
Tài liệu cuối cùng liên quan đến Lieserl trong các bức thư của Einstein được biết đến năm 1903. Lieserl được cho là đã không qua khỏi vì sốt ban đỏ hoặc cho làm con nuôi. Người ta cho rằng cô con gái Lieserl không có thân phận rõ ràng.
Năm 1905
Đây là năm đánh dấu một số công trình nghiên cứu khoa học đáng nhớ trong cuộc đời Einstein khi tròn 26 tuổi, với việc công bố 4 bài viết có tầm ảnh hưởng đến nền móng của ngành vật lý hiện đại và làm thay đổi quan điểm của thế giới về vũ trụ, thời gian, khối lượng và năng lượng.
Anh Hoàng (Theo IB Times)
http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/nhung-dieu-it-duoc-noi-den-ve-thien-tai-vat-ly-einstein-3202587.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten