Thursday, January 29, 2015 4:58:52 PM
Bài liên quan
Ngọc Lan/Người Việt
CENTERVILLE, Texas (NV) – Dù đã được mô tả công việc làm hằng ngày ở trại gà, quả thực, có trải qua một ngày sống ở trại nuôi gà, theo chân người đang làm công việc “baby sit cho gà,” đi vào tận chuồng xem cách họ làm việc, hay chứng kiến cảnh xe đến bắt gà diễn ra làm sao, mới có thể cảm nhận được phần nào công việc mà nhiều người Việt tại Mỹ đang chọn để mưu sinh, làm giàu.
Và cảm nhận rõ nhất là: Sau một ngày vào thăm trại gà, trên suốt chặng đường về, cứ nghe thoang thoảng quanh mình, từ tóc tai đến quần áo, bốc lên mùi ... phân gà.
Đường đến trại gà
Chủ nhân trang trại gà 146 thuộc Công ty Chăn nuôi và Chế biến gà Sanderson là anh Nguyễn Minh, ngoài 40 tuổi, và bà Huỳnh Kim Nga, mẹ anh. Họ là những người đồng ý cho chúng tôi được ở lại một ngày đêm trong trại gà của họ ở Centerville, thuộc Leon, Texas, nơi có dân số chưa đến 900 người, cách khu Bellaire, Houston, khoảng hơn 2 tiếng lái xe.
Anh Nguyễn Minh, người từ bỏ công việc với mức lương gần $90,000/năm ở Houston để “về quê” Centerville nuôi gà công nghiệp. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Đây là điều khá thú vị, bởi lẽ, họ và chúng tôi không hề có một sự quen biết cũng như không hề có một lời giới thiệu từ bất kỳ ai. Xuất phát từ ý nghĩ muốn tìm hiểu một trại nuôi gà của người Việt ở Texas, chúng tôi lần tìm, cuối cùng mừng rỡ khi “moi” ra được một số điện thoại đăng trong mục tìm người làm việc cho trại gà từ... 2 năm trước trên một trang mạng. Đó chính là số điện thoại của trại gà này.
Chưa từng gặp gỡ, nhưng lại không ngại cho chúng tôi đến phỏng vấn và ở lại qua đêm ở trại gà - điều không phải chủ nhân trại nào cũng đồng ý - có thể là duyên hội ngộ thường có trong đời, có thể do uy tín của tờ Người Việt, mà cũng có thể xuất phát từ sự hiếu khách, thân tình của những người gốc Cần Thơ như bà Nga, anh Minh.
Khởi hành trễ nên chúng tôi đến Centerville khi trời đã tuyền một màu đen. Càng gần đến trang trại càng không thấy ánh đèn từ một chiếc xe nào soi tới. Chỉ lờ mờ nhận ra qua ánh đèn xe của mình là những rừng cây. Không một ngôi nhà hiện ra từ khi chúng tôi tiến vào khu vực County Road 104, 105 rồi đến 110.
Bà Huỳnh Kim Nga quyết định dồn sức vào việc nuôi gà sau 14 năm đi làm cho các nhà hàng Mỹ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Im ắng đến lạ. Thoảng những làn khói trắng từ đất bốc lên, là đà trước xe, ma quái, khiến tôi thấy thật may khi trên xe không phải chỉ có một mình.
Có địa chỉ trong tay, nhưng ngôi nhà lại không ghi số. Gọi điện thoại lại chẳng có "signal." Cũng lo lo, run run, bởi tối quá, vắng quá và rờn rợn quá.
Chạy tới chạy lui, thấy có khoảng đất lớn, trong có cái mobile home sáng ánh đèn, phía trước có 3-4 chiếc xe, chúng tôi rẽ vào sân. Chưa biết cách nào liên lạc vào bên trong khi signal điện thoại không có thì chợt nhớ phải lái xe thật nhanh ra khỏi mảnh sân người ta ngay lập tức kẻo… bị bắn oan mạng vì “xâm nhập gia cư bất hợp pháp” trong đêm hôm khuya khoắc.
Lại chạy tới chạy lui. Lại thấy một căn mobile khác cũng sáng đèn. Lần này tỉnh táo hơn, đậu ở ngoài. Cầu may gọi điện thoại. Bà Nga nhấc máy. Và cũng rất may, nơi chúng tôi đang đứng cũng chính là nơi chúng tôi đang tìm đến.
Điều đầu tiên được thấy khi bước vào nhà là sự tinh tươm, ngăn nắp, và không có bóng dáng gì của ... gà!
Bà Nga đón chúng tôi bằng sự cởi mở, ấm áp như người trong nhà. Anh Minh vừa trở về sau khi đi thăm chuồng cũng không tỏ ra chút gì xa lạ với chúng tôi, dù mới lần đầu gặp gỡ. Cả vợ và đứa con trai mới lên 3 của anh cũng gần gũi và dễ mến đến lạ.
Đêm xuống mỗi lúc một sâu, câu chuyện về những ngày đầu bôn ba, vất vả, tìm tòi học hỏi việc nuôi gà của bà Nga và anh Minh cứ từ từ được kể ra cho đến tận giữa đêm
Buổi sáng đi thăm chuồng
Gà con lúc mới được hãng thả xuống cho các trang trại nuôi gia công lấy thịt. (Hình: Minh Nguyễn cung cấp)
|
Bình minh nơi trại gà giúp tôi nhìn rõ lại những gì mình đi qua lúc đêm. Đúng là nơi đây thưa người, vắng nhà, chỉ rừng cây là nhiều. Tuy nhiên, đối diện với căn mobile-home của anh Minh có một giếng dầu của gia đình một người Mỹ trắng, đồng thời đó cũng là nơi chuyên chở đất đá bán đi các nơi.
Cạnh mảnh đất rộng 40 acres của trang trại này là trại gà có 4 chuồng của một người Mỹ khác - người đã bán lại 8 chuồng gà cho gia đình anh Minh. Trại này ngoài gà, họ còn thả bò trên đó. Vậy ra nơi đây cũng có hàng xóm, dù chẳng bao giờ trò chuyện.
Sau bữa điểm tâm sáng bằng xôi lá dứa ăn với muối đậu, khoảng 8 giờ, anh Minh cùng một người phụ việc, cũng là người đang ôm ấp ý định mở trại nuôi gà sắp tới, lái xe đi thăm chuồng trước.
Bà Nga cùng chúng tôi đi bộ theo sau.
Bước ra khỏi nhà, trước mắt chúng tôi là trang trại thoáng đãng, yên ắng. Tám chuồng gà mỗi chuồng có bề ngang 43 ft, dài 500 ft được đặt nằm xeo xéo và song song nhau, chuồng này cách chuồng kia độ 50 ft.
Gà 36 ngày tuổi tại trại gà của gia đình bà Nga Trần ở Centerville. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Cơ ngơi này được mua lại từ cuối năm 2009 bằng cách "cầm hết những căn nhà đang có, credit card kéo maximum, mượn thêm của bạn bè, người quen. Lấy được trại rồi coi như không còn đồng bạc nào hết,” anh Minh nhớ lại.
Do đi trước, anh Minh và người phụ việc hoàn thành những việc cần làm ở 3 chuồng đầu. Chúng tôi đến chuồng số 4. Bước đến cửa, bà Nga dùng tay đập “đùng đùng” vào cánh cửa sắt “để khi mình mở cửa vào, gà không bị giật mình đứng tim chết.”
Dù vậy, khi cánh cửa vừa hé, ánh sáng lọt vào, cả đàn gà trắng bắt đầu xôn xao, lăng xăng, chạy tới chạy lui trong không gian chật hẹp để đến tụ bên những máng thức ăn, mổ lấy mổ để hay tụm dưới những nơi chúng biết có nước uống.
Chuồng gà ngày chúng tôi đến đã nuôi được 36 ngày, tức còn 13 ngày nữa là đến hạn giao. Hơn 26,000 con gà trong chuồng đều đã tầm tầm 5 lbs nhưng vẫn còn chỗ trống cho chúng tôi bước đi. “Đến gần ngày bắt, gà đã 6.5 lbs-7.0 lbs thì chuồng trở nên chật ních, phải len len chân mà đi.” Chủ trại gà mô tả.
Làm việc trong chuồng gà
Chân mang giày ống. Miệng bịt khẩu trang. Đầu đội nón. Tay đeo găng. Tay cầm xô để đựng gà chết. Anh Minh vừa bắt tay làm công việc thường ngày khi đi thăm chuồng, vừa giải thích: Đi xem chuồng gà mỗi sáng là để coi đường nước, đường đồ ăn có bị nghẹt không, bên cạnh việc đi lượm gà chết, hay lật sấp lại những con gà bị lật ngửa.
Khi bước vào chuồng, việc đầu tiên là phải mở đèn cho sáng để thấy đường quan sát mọi thứ. Mà đèn sáng thì gà lại ùa đến ăn, uống. Khi ra thì phải “xuống đèn,” tức để mờ mờ lu lu, vì “để đèn sáng gà sẽ ăn hoài, bị bội thực chết.”
Một góc trang trại 8 chuồng gà của bà Huỳnh Kim Nga và anh Minh Nguyễn ở Centerville, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Kế đến là đưa mắt nhìn xem các “line” đồ, và nước uống có bị nghẹt không. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Minh cho rằng “dễ biết lắm, vì nếu đường nước bị nghẹt sẽ không thấy con gà nào đứng dưới đó hết.”
Những máng thức ăn cũng vậy. Do được thiết kế tự động, sử dụng hệ thống “censor” nên khi gà mổ mổ vào thì thức ăn tự động chảy xuống.
Tuy nhiên, để chắc ăn hơn, chủ nhân đi đến cuối đường “line,” thử đập đập coi thức ăn có chảy xuống không. Nếu nơi cuối đường thức ăn vẫn xuống thì chắc chắn là không bị nghẽn đâu đó.
Theo anh Minh, khi gà khoảng hơn 30 ngày thì một chuồng gà tiêu thụ khoảng 3.5 tấn thức ăn trong vòng 24 tiếng.
Thời điểm thăm chuồng như vậy cũng là lúc phải để mắt xem nhiệt độ trong chuồng có đúng không. Dân trong nghề gọi là “đi độ.”
Anh Minh giải thích, “Nhiệt độ nóng lạnh trong chuồng thế nào thì có qui định hết của hãng để mình làm theo. Ví dụ gà hôm nay 36 ngày, qui định nhiệt độ trong chuồng khoảng 70 độ thì mình phải chạy quạt hay có hệ thống nước cho chuồng mát để khi bước vô chuồng phải cảm thấy thoải mái thì con gà mới ăn, mới lên ký. ”
Một điều ít người để ý nữa là chuồng gà ở đây không giống như ở Việt Nam có nền bằng xi măng. Nền chuồng ở đây thoạt đầu là đất trộn tro, mạt cưa và… phân gà. Dĩ nhiên lớp phân gà mỗi ngày mỗi nhiều lên, nghĩa là khi bước vô chuồng gà là mình bước trên phân gà. Tuy vậy, phân gà lại chính là chất giúp giữ độ ấm trong chuồng, thế nên, như anh Minh cho biết, mỗi năm trang trại anh chỉ bán phân gà một lần nhưng không bán hết mà phải chừa lại từ 4-6 inches trong mùa Đông, và chừng 3-4 inches trong mùa Hè.
Bồn đựng hơn 14 tấn thức ăn được đặt bên cạnh mỗi chuồng gà. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Đi trong chuồng phải đi thật nhẹ nhàng, chậm rãi để gà không bị giật mình hốt hoảng, bay nhảy lên rồi bị lật ngửa ra không thể tự lật sấp lại. Khi thấy gà bị lật ngửa thì phải lật nó lại, coi như cứu sống một con. Và cũng đi chậm rãi mới có thể nhìn thấy gà chết nằm lẫn trong đám gà lố nhố đứng nằm.
“Ngày nào cũng có gà chết, nhất là gà con mới vào 7 ngày đầu chết nhiều lắm. Một hai ngày đầu gà chết ít vì còn sống trong chất dinh dưỡng do mới nở. Ngày thứ tư đến thứ bảy là chết nhiều, 40-50 con một chuồng là chấp nhận được. Nhưng từ ngày tám đến ngày thứ 11 thì số chết phải giảm đi một nửa, chứ nếu vẫn chết nhiều là bất thường, phải báo ngay lên cho hãng biết.” Anh Minh giảng giải.
Một cách tổng quát, hãng cho phép mỗi chuồng có số gà chết đến 3%, tức là khoảng 800 con/chuồng. Nhưng thường gà chết khoảng một nửa hay một phần tư số đó trong 1-2 tuần đầu thôi. Gà từ 14-15 ngày đến khi hãng đến bắt không chết nhiều nữa, chỉ chừng 5-7 con/chuồng. Gà lớn mà chết nhiều quá là mình thiệt. Hôm nào thấy gà chết từ 35 con trở lên ở một chuồng là phải báo ngay cho hãng.
Những con gà chết ở trại gà này được mang bỏ vào lò thiêu. “Mỗi đợt gà tôi tốn chừng $500-$600 tiền gaz đốt gà. Một số trang trại không thiêu mà ủ làm phân, nhưng như vậy phải xây thêm lò ủ, rất tốn kém.” Anh Minh nói.
Việc đi thăm chuồng gà mỗi sáng như vậy mất khoảng 3 tiếng rưỡi cho cả 8 chuồng. Buổi chiều tối chủ trại lại đi thêm một vòng nữa, nhưng không tỉ mỉ như đi buổi sáng, chừng hơn 2 tiếng, cốt ý là để xem đồ ăn thức uống và quạt, máy hút có chạy tốt hết không.
Sau khi “xuống đèn” rời khỏi chuồng, người “chăm sóc gà” còn phải ghi vào quyển “book log” cho biết có bao nhiêu gà chết và nước uống trong ngày của gà là bao nhiêu.
“Điều này cũng tốt thôi, vì nếu trung bình mỗi ngày chuồng gà đó uống 2,000 galons nước, mà hôm nay nó chỉ uống có 1,700 thôi thì biết là bất thường rồi.” Minh giải thích.
Chỉ vào hệ thống nước từ giếng lên, qua hệ thống lọc trước khi được dẫn vào các đường line cho gà uống, anh Minh cho biết anh còn pha thêm chất “giống như nước chanh vậy, để làm giảm độ pH của nước, thì gà uống nhiều hơn, tốt hơn. Mỗi tuần gà được uống ‘nước chanh’ một lần.”
Một điều hơi ngạc nhiên không biết có phải do chú tâm vào công việc tìm hiểu chuồng gà, nghe những lời giải thích, thuyết minh của chủ trại hay không mà tôi quên hẳn phía trong chuồng gà… hôi như thế nào. Chỉ đến khi rời khỏi trại gà, ngồi trên xe mới bắt đầu nghe mùi… phân gà phảng phất đâu đó.
Bỏ gà - Bắt gà
Chúng tôi đến trại gà này khi gà đã 36 ngày nên không chứng kiến được cảnh hãng đến bỏ gà là như thế nào. Tuy nhiên, theo lời kể của anh Minh thì chuồng gà phải được chuẩn bị kỹ càng trước ngày hãng bỏ gà xuống.
“Phải xới phân lên hết, rồi dùng máy đánh nhuyễn như bột để giữ độ ẩm trong chuồng. Nhiệt độ trong chuồng ở ngày gà con được thả xuống là 90 độ. Gà con vừa nở chừng vài tiếng đồng hồ đựng trong những thùng nhựa được chở đến thả xuống từng chuồng, mỗi chuồng là 26,200 con.”
Một cảnh bắt gà: các “line” thức ăn và nước uống được kéo cao lên trên, những chiếc lồng được đặt sẵn để công nhân bắt gà bằng tay bỏ vào lồng, đưa ra xe chở thẳng đến là mổ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Khi gà còn nhỏ, hãng đưa người mỗi tuần 2 lần xuống kiểm tra độ “ammoniac” trong chuồng, vì “gà bệnh thì còn cho thuốc uống, chứ nếu để khí ammoniac cao, sẽ làm nổ mắt gà khiến nó bị đui, mà gà đui coi như bỏ, vì nó không thấy đường ăn uống thì không lớn được.”
Công việc của người nuôi gà thực sự bắt đầu khi gà được thả xuống chuồng bằng sự cẩn thận, chu đáo, nuôi cho đến ngày 49 gà có trọng lượng 6.5 lbs đến 7 lbs là “coi như có tiền.”
Đến ngày bắt gà, hãng đưa trước lịch ngày giờ bắt, bắt chuồng nào.
“Ví dụ chuồng số 1 họ bắt lúc 3 giờ, thì trước đó 8 tiếng mình cắt đồ ăn. Lý do phải cắt đồ ăn vì họ không muốn bắt lúc con gà mới ăn thì khi về tới nơi đưa đi làm thịt, đồ ăn chưa tiêu hết sẽ có vấn đề về vệ sinh. Khi nào gà ăn hết thức ăn còn lại trong máng thì mình đưa hết các line đồ ăn lên trần nhà luôn để xe forklift vào bắt gà không bị vướng. Với các line nước cho gà uống thì trước giờ bắt 30 phút cũng cho lên hết trần nhà.” Anh Minh mô tả.
Tuy không được xem cảnh bỏ gà nhưng chúng tôi lại được chứng kiến cảnh bắt gà cùng ngày trên tại trang trại Henry Farm do ông Henry Nguyễn (Hòa Nguyễn) làm chủ.
Khác với khi bước chân vào chuồng gà đang được chăm sóc, chuồng gà ngày hãng đến bắt trông khác hẳn, bởi nó trống trơn. Tất cả những line nước và thức ăn đều được kéo hết lên phía trần.
Những chiếc xe tải 18 bánh đậu trước chuồng, trên chất khoảng 20 chiếc lồng trống. Một chiếc xe forklift chạy với tốc độ khá nhanh để móc từng chiếc lồng trên xe tải xuống, chạy vèo vào trong chuồng thả xuống. Cùng lúc 7-8 người đàn ông người Spanish cứ túm chân mỗi lần 6 con gà vứt vô lồng, mỗi lồng chứa chừng 270 con. Chiếc forklift xúc lấy chiếc lồng đầy gà chạy nhanh ra ngoài, “ném lên” xe tải.
Một người đàn ông đứng bên ngoài cầm sẵn vòi nước tưới vào các chuồng gà vừa được mang ra cho “gà mát.”
Một chuồng gà được bắt trong khoảng 4.5- 5 tiếng và mất 5 xe tải 18 bánh chuyên chở thẳng đến lò mổ.
Trên xe đã có sẵn cân để cân số lượng gà vừa “thu hoạch.” Một đợt gà ở trại của anh Minh trung bình cân được 1.3 đến 1.4 triệu pounds. Mỗi pound người nuôi được trả 5.95 cents.
“Khi nuôi mình cưng gà từng chút, làm gì cũng nhẹ nhàng, nhưng lúc họ đến bắt, nhìn họ túm lấy gà, liệng vào lồng thấy mạnh dạn lắm. Nhưng lúc này mình không còn trách nhiệm nữa. Từ lúc mở cửa chuồng cho xe vào bắt gà, mọi việc thuộc về hãng.” Anh Minh giải thích.
“Ra gà” xong thì coi như người nuôi gà bắt đầu được nghỉ ngơi chừng 2 tuần, có thể đi chơi, đi du lịch bù lại cho suốt 7 tuần liền chôn chân ở trại gà. Đến khi hãng báo lịch bỏ gà thì người nuôi lại trở về trang trại trước ít ngày để lại bắt đầu công việc chuẩn bị chuồng trại cho đợt mới.
Gà sau khi được bắt nhốt vào lồng và xịt nước cho mát trước khi chở đến lò mổ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
|
Nuôi gà phải tỉ mỉ, cẩn thận
Phương pháp nuôi gà, nhiệt độ, thức ăn, nước uống, tất cả đều được qui định bằng máy móc, còn lại kiếm được nhiều tiền hơn một ít hay bị trừ đi một ít hoặc thậm chí có thể bị rút hợp đồng do để gà chết quá nhiều hoàn toàn nằm ở sự cẩn thận và chăm chút của người nuôi.
“Cứ hình dung nuôi gà như chăm cho em bé vậy, cần cẩn thận và tỉ mỉ. Khi thấy sấm chớp, mưa gió cúp điện, dù biết rằng có máy phát điện mình cũng nên xuống chuồng coi nó chạy hay không, lỡ bị hư gì không chạy, sáng mình mới xuống thì gà bị lạnh hay bị ngộp chết hết rồi.”
Anh Minh lại lấy một ví dụ khác về việc để ý cho gà ăn: “Cho gà ăn phải cố gắng cho ăn đúng giờ, cứ đến giờ là dựng nó dậy để ăn, mình phải mở đèn. Ví dụ gà ăn từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm thì nó ngủ. Mười giờ là đèn tự động tắt hết. Đến 12 giờ gà lại thức dậy ăn nữa, đến 4 giờ sáng. Rồi lại ngủ đến 6 giờ sáng lại thức ăn. Giờ giấc đó đã được ‘set up’ hết. Nhưng nếu mình cứ đinh ninh đèn tắt mở như vậy mà không kiểm tra lại, lỡ đèn hư, không sáng lên, gà ngủ suốt luôn. Mấy tiếng không ăn không uống là mất bao nhiêu pounds rồi.”
“Từng chút như vậy sẽ thấy công mình bỏ vô bao nhiêu thì cuối đợt mình gặt hái bấy nhiêu.” Anh Minh kết luận trước khi rời chuồng gà quay trở lên nhà, chuẩn bị ăn bữa cơm trưa đã được bà Nga nấu sẵn.
Dường như lâu lắm rồi, chúng tôi mới được nhìn thấy cảnh cả gia đình ngồi quây quần ăn cơm trưa trong không khí rộn tiếng nói cười, trước khi mỗi người trở về phòng của mình để “đánh một giấc ngủ trưa” như ngày nào còn ở quê nhà.
---
Liên lạc tác giả: Ngoclan@Nguoi-viet.com
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tan-hiep-fly-stor-02052015053133.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten