zaterdag 28 februari 2015

Sách dịch và kiểm duyệt ở Việt Nam

Sách dịch và kiểm duyệt ở Việt Nam
Trang mạng The Diplomat ngày 06/02 có bài của nhà báo Helen Clark ( từng làm việc ở Hà Nội trong 6 năm ) nói về vấn đề kiểm duyệt ở Việt Nam qua bản dịch cuốn “Điệp viên yêu chúng ta” ( The Spy Who Loved Us ) , nói về điệp viên Việt Nam Phạm Xuân Ẩn, của tác giả Thomas Bass, hiện viết cho tờ Washington Post.
Kiểm duyệt ở Việt Nam vẫn thường là chủ đề mà báo chí ngoại quốc và các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch hay Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo nói đến. Nhưng họ chủ yếu đề cập đến các biện pháp kiểm duyệt Internet qua việc ngăn chận các trang blog và trang web. Trên thực tế, theo The Diplomat, ngay cả sách dịch cũng bị kiểm duyệt như cuốn tiểu sử điệp viên Phạm Xuân Ẩn của Thomas Bass.
Sau nhiều năm làm việc cho nhiều hãng tin quốc tế, Phạm Xuân Ẩn cuối cùng đã giữ chức trưởng văn phòng Sài Gòn của tuần báo Time. Nhưng vừa làm báo ở miền Nam, ông vừa bí mật làm tình báo cho chế độ Hà Nội. Sau khi Sài Gòn thất thủ, ông được tặng danh hiệu “ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Cuốn tiểu sử Phạm Xuân Ẩn The Spy Who Loved Us của Thomas Bass đã được xuất bản vào năm 2009 và sau đó ít lâu, một bản dịch tiếng Việt Nam được đặt hàng.
Đây không phải là cuốn tiểu sử đầu tiên về Phạm Xuân Ẩn. Trước đó, các nhà xuất bản ở Việt Nam đã phát hành một số sách về điệp viên này bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Vào năm 2003, nhà xuất bản Thế giới đã phát hành một cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn được quảng cáo tuyên truyền rầm rộ.
Theo The Diplomat, tác giả Thomas Bass đã viết: “ Những gì xuất bản ở Việt Nam đều bị kiểm duyệt. Trong 5 năm, tôi đã thấy họ cắt xén, sửa tới sửa lui cuốn sách của tôi”. Theo Thomas Bass, những người kiểm duyệt hay những người nói chuyện với ông là “những người tốt”, nhưng họ lấy làm tiếc đã phải làm như vậy, bởi vì không có sự chọn lựa nào khác. Nhiều đoạn trong cuốn sách đã bị cắt bỏ trong bản dịch tiếng Việt, như đoạn nói cải cách ruộng đất thập niên 1950 và đoạn mô tả Phạm Xuân Ẩn “yêu mến” nước Mỹ như thế nào.
Ông Thomas Bass cũng cho biết: “ Ngôn ngữ của miền Nam và trong bản gốc bị thay thế bằng ngôn ngữ của người miền Bắc đã chiến thắng Sài Gòn năm 1975”. Hai từ chủ đạo của nhà kiểm duyệt là “ phù hợp” và “ nhạy cảm”. Những gì liên quan đến các tệ nạn xã hội như hộp đêm, ma túy, mãi dâm đều bị xem là “không phù hợp” với “truyền thống văn hóa Việt Nam”. Chính trị, tham nhũng hay chính quyền đều là những chủ đề “nhạy cảm” không nên đụng đến.
Nhà báo Helen Clark kết thúc bài viết trên The Diplomat với câu hỏi: “Về mặt chính thức thì chiến tranh đã qua từ lâu và đã được quên đi. Thế thì tại sao lại bỏ đi những đoạn nói điệp viên Phạm Xuân Ẩn đã “yêu mến nước Mỹ” như thế nào, ngay cả bây giờ khi quan hệ giữa hai nước tốt chưa từng có?”
Theo nhà báo Helen Clark, tác giả Thomas Bass đã đặt dịch một bản không chính thức cuốn sách của ông về Phạm Xuân Ẩn. ( RFI cũng xin nói thêm là trên mạng hiện lưu hành một bản dịch tiếng Việt với những đoạn được ghi rõ là bị kiểm duyệt cắt bỏ hoặc sửa đổi và với những từ, cụm từ bị xem là dịch không chính xác ).
"Thảm sát Maidan" và Việt Nam thập niên 1950
Cũng liên quan đến lịch sử Việt Nam, nhà báo Sergei Blagov vừa có bài đăng trên trang mạng Asia Times ngày 09/02, so sánh “Vụ thảm sát Maidan” ở Ukraina với những gì xảy ra ở miền Nam Việt Nam dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm.
Blagov nhắc lại rằng trên trang Facebook cá nhân, đạo diễn Mỹ Oliver Stone vào cuối tháng 12 năm ngoái đã đăng một bài nói về vụ thảm sát trên quảng trường Maidan ở Kiev vào năm 2014. Sau một cuộc phỏng vấn dài bốn tiếng đồng hồ với tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovich, Oliver Stone đã lập luận rằng những tay súng đã bắn chết 14 cảnh sát và làm bị thương khoảng 85 cảnh sát khác, cũng như hạ sát 45 thường dân biểu tình ở thủ đô Ukraina là những kẻ thuộc “thành phần thứ ba”. Theo lời Oliver Stone, nhiều nhân chứng, kể cả Yanukovich và các quan chức cảnh sát, tin rằng những phần tử ngoại quốc, đã được các phe thân phương Tây đưa vào, trong đó có “bàn tay lông lá” của CIA.
Đối với Blagov, nói như thế chẳng khác gì sao y bản chánh “Thảm sát Maidan” từ những vụ đụng độ ở Sài Gòn tháng Tư năm 1955. Thời gian đó, những tay bắn tỉa cũng được mô tả là “Lực lượng Thứ ba”, mà có tin đồn cho là người của tướng Trịnh Minh Thế. Nhưng những tay súng bí ẩn đó, cũng như những kẻ chỉ huy, cho tới nay vẫn chưa được xác định danh tính, cũng như danh tính của những tay súng ở quảng trường Maidan cho tới nay vẫn là một bí ẩn.
Nhà báo Blagov nhắc lại rằng tướng Trịnh Minh Thế cũng đã chết trong hoàn cảnh bí ẩn. Cũng giống như vụ ám sát tổng thống Kennedy ở Dallas năm 1963, tướng Trịnh Minh Thế đã trúng đạn từ một tay súng ngày 03/05/1955.
Trở ngược lịch sử, sau chiến thắng tháng 4/1955, tổng thống Ngô Đình Diệm đã dẹp tan mọi lực lượng chống đối như là bước đầu tiên để giành độc quyền lãnh đạo ở miền Nam. Vụ đụng độ ở Sài Gòn đã được báo chí chính thống lúc ấy mô tả như là xung đột giữa tổng thống liêm khiết Ngô Đình Diện với Vua Bảo Đại thối nát. Cũng như thế, thay đổi chế độ ở Ukraina năm 2014 cũng được mô tả như là cuộc nổi dậy tự phát của dân chúng chống tổng thống Yanukovich tham nhũng.
Điều kỳ lạ, theo Blagov, cả hai lãnh đạo mới của Ukraina và Việt Nam đều từng phục vụ trong chế độ củ. Ngô Đình Diệm từng là Thượng thư Bộ lại dưới triều Vua Bảo Đại, còn tổng thống đương nhiệm của Ukraina Porochenko từng là bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế vào năm 2012, tức là dưới thời tổng thống Yanukovich.
Còn những điểm tương đồng khác được Blagov nêu lên, đó là khi chính quyền Ngô Đình Diệm phải đối đầu với phe đối lập vũ trang, họ liền tố cáo những người chống đối là “những tên khủng bố” và “những kẻ xâm lược”. Những người đối lập vũ trang đó thật ra không phải là “khủng bố”, mà cũng chẳng phải là “xâm lược”, nhưng 3 triệu người Việt Nam và 58 ngàn lính Mỹ đã bỏ mạng để chứng minh điều đó.
Theo Blagov, chính quyền mới của Ukraina cũng đã vội lên án những người đối lập là “khủng bố” và “xâm lược”. Vùng chiến sự miền Đông Ukraina được mô tả là vùng “ Chiến dịch Chống Khủng bố”. Chiến sự chưa biết bao giờ mới chấm dứt và chính quyền Kiev đang hối thúc Hoa Kỳ cung cấp vũ khí. .
Nhà báo Blagov nhắc lại rằng vào cuối năm 1950, sau việc cung cấp vũ khí Mỹ là đến việc gởi các cố vấn quân sự Mỹ, dọn đường cho việc đưa lính Mỹ tham chiến để bảo vệ miền Nam Việt Nam. Cuối cùng, tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị chính quân đội của ông lật đổ và ám sát. Theo Blagov, đó có thể là kịch bản đang chờ đón Ukraina.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten