maandag 23 februari 2015

Tết Nguyên đán có từ bao giờ? Tìm hiểu về nguồn gốc Tết Nguyên đán, cung hoàng đạo với 12 con giáp và lễ đón năm mới ở các cộng đồng Á châu.

Tết Nguyên đán có từ bao giờ?

21 tháng 2 2015 Cập nhật lúc 19:53 ICT
Tìm hiểu về nguồn gốc Tết Nguyên đán, cung hoàng đạo với 12 con giáp và lễ đón năm mới ở các cộng đồng Á châu.


Hơn một tỷ người đang trong kỳ đón mừng năm mới âm lịch, một trong những dịp lễ quan trọng nhất trong năm đối với nhiều nước Á châu và các cộng đồng người Á sống trên toàn thế giới. Theo truyền thuyết, tục đón Tết Nguyên đán có từ thời Thế kỷ 14, khi một con quái vật có tên là Niên thú ập xuống làng Hoa Đào vào ngày đầu tiên trong năm âm lịch, ăn thịt gia súc, phá hoại mùa màng và thậm chí ăn thịt cả trẻ em. Một cụ già khôn ngoan bảo dân làng lấy giấy đỏ treo lên, rồi đốt pháo để đuổi Niên thú. Từ đó trở đi, Niên thú không bao giờ quay trở lại nữa, và dân làng lại được sống yên vui. (Hình: Feng Li/Getty)

Tết Nguyên đán được tính theo lịch âm của Trung Quốc và được tổ chức rộn rã tại những nơi chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa hoặc có những cộng đồng người Trung Quốc sinh sống, như Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Nơi đón Tết Nguyên đán to nhất ở bên ngoài Á châu là tại khu China Town của San Francisco, Hoa Kỳ. (Hình: Ron Dicks/Getty)

Năm mới Âm lịch tính theo cung hoàng đạo Trung Quốc, với chu kỳ 12 con giáp, mỗi năm được gắn với một con vật. Chu kỳ 12 con giáp lần đầu tiên được đưa ra làm cơ sở tính lịch là vào khoảng giữa năm 206 trước Công nguyên cho tới 220 sau Công nguyên. Mỗi con giáp mang những con số, ngày và màu sắc may mắn riêng. Năm 2015 theo lịch Trung Quốc là Dương Niên, trong tiếng Hán có nghĩa là năm con dê, hoặc năm con cừu, các số đẹp là số 2 và 7, màu tốt lành là các màu nâu, đỏ và tía, những thứ sẽ đem lại may mắn cho những ai chào đời trong 12 tháng tới. Người Việt Nam gọi năm nay là năm Ất Mùi, tức năm con dê. (Hình: AFP/Getty)

Trước Tết, mọi người thường đi lễ, thắp hương để xua đi những điều xúi quẩy, xui xẻo của năm cũ. Mọi người dọn dẹp nhà cửa, làm lễ tiễn ông Công ông Táo, và có những gia đình nhân dịp này làm lễ cúng tổ tiên tại các đền chùa, đi thăm mộ, treo câu đối lên cổng nhà. Đa phần mọi người mặc quần áo mới, cắt tóc gọn gàng và cố trả hết nợ để mong bước sang năm mới nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng. (Hình: Ed Jones/Getty)

Hầu hết các đồ vật truyền thống dùng trang trí trong dịp Tết đều là màu đỏ, biểu tượng cho sự may mắn và giúp xua đuổi tà ma. Trong dịp Tết, cha mẹ thường mừng tuổi con trẻ phong bao lì xì màu đỏ, với những khoản tiền thường là số chẵn để cầu may. (Hình: Michael Siward/Getty)

Các đội múa sư tử từ các võ đường thường biểu diễn dọc các phố. Các đội múa của người Trung Quốc thường có màn leo lên đớp cải, thường là cây cải hoặc xà lách lớn buộc treo trên chiếc gậy kèm phong bao lì xì đỏ. Các hình thức múa sư tử khác cũng khá phổ biến tại Nam Hàn, Nhật Bản, Tây Tạng, Indonesia và Việt Nam. (Hình: Feng Li/Getty)

Lễ rước Chingay (Lễ Chân Nghệ) là lễ ăn mừng độc đáo ở Singapore, bắt nguồn từ lễ rước đón năm mới truyền thống ở Trung Quốc. Ngày nay, nó trở thành lễ rước đường phố lớn nhất tại Á châu. Chữ 'Chingay' bắt nguồn từ chữ của người Phúc Kiến, có nghĩa là "nghệ thuật hóa trang và giả trang". Kể từ lễ hội lần đầu tiên được tổ chức vào 1973, tới nay Chingay đã trở thành lễ hội có ảnh hưởng toàn cầu, với khoảng 2000 người tham gia trình diễn đến từ Singapore và các nước khác như Ghana, Brazil và Slovenia. (Hình: Cameron Spencer/Getty)

Vào ngày mùng 7 Tết, người Hoa ở Malaysia và Singapore tổ chức lễ ẩm thực truyền thống 'lo hei', tiếng Quảng Đông có nghĩa là “đoán vận cát tường". Các gia đình, bạn bè tụ tập nhau để đoán xem các nguyên vật liệu làm món gỏi cá này gồm những gì, vừa đoán vừa hò reo những câu chúc may mắn. Món gỏi cá thường làm với củ cải xanh, củ cải trắng, cà rốt, gừng muối chua và cá tươi thái lát, mà thường là cá hồi, thêm các gia vị là sốt mận và ngũ vị hương. (Hình: Lan Lan Tee/Getty)

Năm mới âm lịch của Nam Hàn là lễ hội Seollal kéo dài trong ba ngày. Theo phong tục, đây là thời gian người Triều Tiên trở về quê nhà, mặc các bộ trang phục truyền thống, tiến hành nghi lễ cổ truyền được gọi là charye, theo đó cúng rượu, cháo khoai môn nấu với thịt bò quanh khu đền hoặc bàn thờ tưởng nhớ người quá cố. "Ngày nay, chúng tôi không còn theo phong tục này nữa mà hầu hết mọi người nhân dịp năm mới thường ra nước ngoài du lịch,” Hwoyon Kim, cựu nhân viên của Korean Air nói. (Hình: Kim Jae-Hwan/Getty)

Dưới thời cai trị của nhà độc tài Suharto, từ 1966 tới 1998, cộng đồng gốc Hoa ở Indonesia không được phép công khai đón Tết Nguyên đán. Năm 1998, Suharto từ chức, chấm dứt 32 năm cầm quyền và mở ra một kỷ nguyên mới. Tết Nguyên Đán từ 2002 được đưa thành ngày nghỉ lễ chung trên toàn quốc ở Indonesia. (Hình: Robertus Pudyanto/Getty)

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2015/02/150221_lunar_new_year_asias_biggest_party_vert_tra

Geen opmerkingen:

Een reactie posten