donderdag 26 februari 2015

Chí Tâm- nghệ sĩ cải lương hát hay đàn giỏi

Chí Tâm- nghệ sĩ cải lương hát hay đàn giỏi

T6, 01/30/2015 - 19:07
Trong giới cải lương, Chí Tâm là một nghệ sĩ đặc biệt vừa có giọng hát mùi đóng vai kép chánh mà lại có ngón đàn hay.
Tên thật là Dương Tâm, sinh ở Trà Ôn, Vĩnh Long, cùng quê với danh ca Út Trà Ôn, tuổi con Rồng Nhâm Thìn 1952. Nhà của anh gần rạp hát cho nên hồi còn nhỏ hay theo bà ngoại coi hát bội và theo ba má coi cải lương và mê ca nhạc từ đó. Là con thứ hai trong gia đình, người miền Nam gọi đứa con đầu là thứ hai, và dĩ nhiên đứa kế tiếp là thứ ba, do đó ba đặt cho anh là Tam và khi làm giấy khai sinh đổi thành Tâm.  
Bộ môn cải lương thật phong phú bao gồm cả ca vũ nhạc kịch, có tuồng tích và dung nạp nhiều loại âm nhạc. Thí dụ trong một màn đấu kiếm trên sân khấu thì ban nhạc trổi điệu Pasodoble với bản Dừng Bước Giang Hồ của Hoàng Trọng , nghe rất vui, bà con vỗ tay tán thưởng.
Cậu bé Tâm hay nghe những bản vọng cổ của Út Trà Ôn, Thành Được, Văn Hường, Hề Minh phát ra từ loa phóng thanh của rạp hát trước khi diễn tuồng và bắt chước tập theo. Kế bên nhà có ông tên Minh dạy đàn vọng cổ và anh nhờ ba dắt qua xin học nhịp ca. Đó là người thầy cổ nhạc đầu tiên trong đời, sau đó tập hát với một số tay đàn trong tỉnh cũng như những danh cầm các đoàn cải lương về diễn tại rạp gần nhà.
Năm 13 tuổi, Chí Tâm được ba cho tiền lên Sài Gòn học đàn với lò cổ nhạc Yên Sơn tức nhạc sĩ Út Châu đàn lục huyền cầm và đàn sến trong 3 năm. Thấy Chí Tâm có giọng hát tốt, ông thầy mời thu đĩa và anh lấy tiền cát sê mà trả tiền ăn ở và học phí.
Năm 1965, em bé Chí Tâm đã thành danh với bản vọng cổ Kề Bên Gối Mẹ, Em Bé Bán Báo, Em Bé Đánh Giày… của soạn giả Yên Sơn do hãng đĩa Continental phát hành . Thời đó tiền cát sê một bài vọng cổ thu đĩa được 500 đồng ( khoảng 50 tô phở).
Năm 1967, mới 15 tuổi Chí Tâm được giới thiệu qua đoàn cải lương Tinh Hoa Thủ Đô của bà Bầu Cơ và bắt đầu diễn trên sân khấu với các vai dành cho thiếu niên như Na Tra, Kim Đồng với cát sê 130 đồng mỗi đêm ngang với kép chánh, vai quân sĩ khoảng 30 đồng… Danh hiệu thần đồng Chí Tâm nổi lên từ đó. Những đêm không có vai diễn thì Chí Tâm ra mở màn với bản vọng cổ. Đoàn Tinh Hoa Thủ Đô thường lưu diễn các tỉnh miền Trung được khán giả yêu thích.
Cuối năm 1967, Chí Tâm bể tiếng, từ giọng hát thiếu niên cao vút chuyển sang ồm ồm của tuổi dậy thì 16 tuổi và anh đành phải tạm từ giã đoàn hát mà trở về quê cũ. Anh bắt đàn học đàn sến với một danh cầm tại Vĩnh Long. Năm 17 tuổi anh đi Cần Thơ học nhiếp ảnh rồi học thêm ngón đàn bầu, đờn tranh. Ở đây Chí Tâm thường hay đi đàn sến, đờn bầu cùng với các nhóm bạn văn nghệ trên đài phát thanh Cần Thơ.
Sau đó Chí Tâm lên Sài Gòn chơi gặp đoàn cải lương Dạ Quang Châu mới thành lập và anh gia nhập, chuyên đóng những vai thiếu niên như hoàng tử, công tử  trong các tuồng cổ.  Đoàn nghèo quá, đào kép chánh bỏ đi và ông bầu mời Chí Tâm thay thế, dù lúc đó mới chỉ 17 tuổi trong các tuồng Hàn Tín Luồn Trôn, Hán Sở Tranh Hùng…. Lúc này Chí Tâm bắt đầu tự thu băng với tiếng hát và tiếng đàn của chính mình để bán đĩa mà kiếm sống cho đoàn hát.
Sau một năm đoàn Dạ Quang Châu rã gánh. Trong đêm diễn cuối cùng của đoàn này, có viên quản lý của đoàn Kim Chung ngồi xem Chí Tâm hát và về nói lại với chủ mời anh cộng tác với đại ban cải lương này vào năm 1971.
Thời đó kép nhì đoàn Kim Chung 5 là Minh Vương phải nhập ngũ cho nên Chí Tâm được mời thay thế, đóng chung với Minh Phụng, Lệ Thủy trong các vở như Nhất Kiếm Bá Vương, Máu Nhuộm Sân Chùa, Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm, Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, Mùa Xuân Ngủ Trong Đêm…
Khi Minh Vương trở về thì Chí Tâm sang đoàn Kim Chung 2 diễn chung với đào Mỹ Châu ở rạp Olympic đường Hồng Thập Tự và bắt đầu nổi tiếng trong giới cải lương.
Và soạn giả Loan Thảo mời Chí Tâm thu đĩa. Bản đầu tiên hát chung với Mỹ Châu là Giòng Lệ Thương Đau, bản kế tiếp là tân cổ giao duyên Rừng Lá Thấp anh hát chung với Lệ Thủy và đĩa bán chạy. Kế tiếp là các bản Hận Tha La, Sương Lạnh Chiều Đông… Soạn giả Loan Thảo viết chung với Yên Ba vở tuồng Tiếng Hạc Trong Trăng. Sau đó vở Lan Và Điệp của Loan Thảo- Hoàng Việt ra đời trở nên tuồng hay nhất về chủ đề này và Chí Tâm đóng vai Điệp mà trở nên nổi tiếng hơn nữa.
Cuối năm 1974, nghệ sĩ Hữu Phước và Hương Lan về đoàn Kim Chung và duyên nợ Chí Tâm Hương Lan nảy sinh từ đây.
Sau tháng 4,1975 Chí Tâm đi hát cải lương ở các tỉnh miền Tây. Anh lập gánh cải lương và có mời nhạc sĩ Trần Trịnh, Khánh Băng Phùng Trọng tham gia chơi tân nhạc. Có vở tuồng Khoai Lang Dương Ngọc, Nắng Thu Về Ngõ Trúc và Trần Trịnh viết ca khúc riêng cho các vở này.
Năm 1976, Chí Tâm cùng Hương Lan sang Paris theo sự bảo lãnh của nghệ sĩ Hữu Phước quốc tịch Pháp. Anh trở thành công nhân điện tử suốt 10 năm. Ở trời Tây, Chí Tâm lập đoàn cải lương và trình diễn cho đồng hương ở Pháp và các nước Âu Châu thưởng thức. Đoàn cải lương tên là Năm Châu, tiền bạc do các nghệ sĩ góp lại, tuồng tích thì nghe lại từ các cuốn băng cassette mà diễn theo như Tiếng Trống Sang Canh, Lan Và Điệp… Kép là Chí Tâm và đào là Tài Lương.
Anh kể lại những kỷ niệm như cả đoàn cải lương khoảng hai chục người từ Pháp lái xe sang Đức khoảng mười mấy giờ, dừng lại chỗ nghỉ nấu cơm cùng ăn chung rất vui. Đoàn của anh đã từng diễn cho Cựu hoàng Bảo Đại xem cũng là một lần đáng nhớ. Ở Paris Chí Tâm có dựng vở tuồng Tiên Rồng Dựng Nước diễn cho Tổng Hội Sinh Viên Paris được khán giả tán thưởng.
Năm 1990 Chí Tâm sang Houston và tìm cách định cư hợp pháp tại Hoa Kỳ.  Ở đây anh học thêm tân nhạc với nhạc sĩ Phó Quốc Thăng. Năm 1996 anh phụ trách phòng thu âm cho trung tâm Làng Văn và năm sau mở phòng thu riêng cho các trung tâm như Hải Âu và một số ca sĩ.
Anh tiếp tục viết tuồng, viết những bài ca vọng cổ và viết ca khúc tân nhạc và thu âm cho nhiều nghệ sĩ. Hoạt động rất năng nổ, Chí Tâm giữ các tiết mục đàn cải lương cho đài phát thanh như Đài Little Saigon, Việt Nam Hải Ngoại;  khán giả gọi vào hát vọng cổ và anh đàn cho họ hát qua làn sóng phát thanh trực tiếp.
Chí Tâm có tiết mục Tiếng Tơ Đồng trên đài truyền hình SBTN chung với Ngọc Đan Thanh chuyên về các chủ đề dân ca, nhạc truyền thống dân tộc, vọng cổ…
Cuối tuần, anh thường lưu diễn các nơi vừa đàn vừa hát những bài ca cải lương theo yêu cầu của khán giả. Anh còn dạy đàn lục huyền cầm, đàn sến, đàn bầu cho những ai muốn học âm nhạc dân tộc.
Với nụ cười dễ mến, lời lẽ nhẹ nhàng ấm áp, nghệ sĩ Chí Tâm kể lại cuộc đời sân khấu cải lương của mình cùng bao kỷ niệm. Anh đàn cho nghe mấy khúc vọng cổ, in ra bản Võ Đông Sơ với những nốt nhạc để những ai muốn đàn muốn ca tham khảo. Anh mời nghe vài bản tân nhạc về Phật giáo do anh sáng tác. Anh dự tính sẽ viết vài cuốn sách về  cải lương, về ca nhạc dân tộc.
Khó mà tìm ra một nghệ sĩ cải lương vừa hát hay mà lại đàn giỏi như Chí Tâm. Nghệ sĩ thường phóng túng nhưng nếp sống của anh có vẻ chừng mực. Ngày xưa tôi vẫn thích học đàn vọng cổ, nhưng không có dịp. Có lẽ một ngày sớm nhất, tôi sẽ tới để thụ giáo môn lục huyền cầm với Chí Tâm và các thể loại ca cải lương, bộ môn nghệ thuật đặc biệt của dân tộc Việt Nam.
Trần Chí Phúc / SBTN

http://www.sbtn.tv/vi/giai-tri-doi-song/chi-tam-nghe-si-cai-luong-hat-hay-dan-gioi.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten