zaterdag 7 februari 2015

Biển Đông : Đài Loan nhờ công ty Trung Quốc vận chuyển vật liệu xây dựng hải cảng trên đảo Ba Bình

Biển Đông : Đài Loan nhờ công ty Trung Quốc vận chuyển vật liệu xây dựng

mediaĐảo Ba Bình có chu vi 2,8 km với diện tích 43,2 hecta, được bao bọc bởi một vòng đá san hô (Google Map)
Đài Loan đã phải nhờ đến một công ty vận tải biển của Trung Quốc để vận chuyển vật liệu cho công trình xây dựng một hải cảng trên đảo Ba Bình, Trường Sa, vào tháng trước, do không tìm được một công ty Đài Loan để làm việc này.
Theo hãng tin Reuters, hôm qua, 06/01/2014, một quan chức lực lượng tuần duyên Đài Loan cho biết là chiếc tàu của một công ty vận tải biển của Thượng Hải đã được một tàu tuần tra Đài Loan hộ tống đến đảo Ba Bình (mà chính quyền Đài Bắc gọi là đảo Thái Bình ). Theo quan chức nói trên, đây là một chuyến hải hành chưa từng có giữa hai nước.
Hai tàu khác của Đài Loan đã giám sát tàu của công ty Trung Quốc khi tàu này bốc dỡ vật liệu xây dựng các cầu tàu trên đảo Ba Bình.
Trung Quốc hiện giành chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông và việc một công ty của Trung Quốc nhận thực hiện một hợp đồng vận chuyển cho Đài Loan cho thấy Bắc Kinh không hề thấy khó chịu về công trình xây dựng cảng trên đảo Ba Bình.
Theo các nhà phân tích, đó chính là vì trước sau gì đảo Ba Bình cũng sẽ lọt vào tay Bắc Kinh, nếu Trung Quốc chiếm Đài Loan, điều họ vẫn tuyên bố sẽ làm nếu Đài Bắc dám tuyên bố độc lập. Mặt khác, nếu xảy ra xung đột trên quần đảo Trường Sa, các nhà phân tích nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ bảo vệ đảo Ba Bình như đảo của chính họ, vì đảo này có giá trị chiến lược rất quan trọng.
Hãng tin Reuters trích lời ông Ian Storey, một nhà phân tích về an ninh khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định rằng việc một tàu Trung Quốc chở hàng cho Đài Loan là khác thường, nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh và Đài Bắc sẽ hợp tác với nhau ở Biển Đông.
Tuy là một đảo nhỏ, nhưng Ba Bình lại là đảo có những cơ sở hạ tầng cao cấp hơn những đảo tranh chấp khác của Trường Sa. Trên đảo này có một phi đạo và có nguồn nước ngọt riêng. Còn công trình xây hải cảng theo dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay.
Ba Bình là đảo duy nhất mà Đài Loan kiểm soát ở Trường Sa và chính quyền nước này đang xem xét việc đưa các tàu vũ trang trú đóng thường xuyên tại đây.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150207-bien-dong-dai-loan-nho-cong-ty-trung-quoc-van-chuyen-vat-lieu-xay-dung/

Đài Loan hoãn mở rộng cảng trên đảo Ba Bình vì nghi có vốn Trung Quốc

mediaĐảo Ba Bình có chu vi 2,8 km với diện tích 43,2 hecta, được bao bọc bởi một vòng đá san hô (Google Map)
Bộ Quốc phòng Đài Loan vào hôm qua, 12/01/2015 xác nhận trước Quốc hội rằng họ đã tạm thời đình chỉ công trình mở rộng cầu cảng trên đảo Ba Bình (Itu Aba) tại vùng quần đảo Trường Sa. Lý do rất đặc biệt : Chính quyền bị tố cáo là đã thuê một chiếc tàu do Trung Quốc bỏ tiền ra đóng để chuyển vận vật liệu xây dựng.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cao Thiên Trung (Kao Tien-chung) đã xác nhận việc tạm hoãn công trình trên đảo mà Đài Loan gọi là Thái Bình, khi trả lời chất vấn của một dân biểu,
Theo nhật báo Đài Loan China Post, trong thời gian gần đây, nhiều dân biểu đối lập đã đặt câu hỏi về quyết định của chính phủ thuê một chiếc tàu « có yếu tố Trung Quốc » để vận chuyển vật liệu xây dựng đến đảo. Đối với một số dân biểu thuộc đảng Đảng Dân Tiến, việc sử dụng chiếc tàu này trong đề án mở rộng bến cảng ở đảo Ba Bình rất đáng quan ngại cho vấn đề an ninh quốc gia của Đài Loan.
Như để biện minh cho chính phủ, dân biểu Lâm Úc Phương (Lin Yu-fang) thuộc Quốc Dân Đảng đang cầm quyền, cho rằng đình chỉ công trình vì các cáo buộc của phe đối lập là một điều vô lý vì chiếc tàu, dù được đóng lên bằng vốn Trung Quốc, nhưng lại được đăng ký tại Libya, chứ không phải là tại Trung Quốc.
Đối với dân biểu này, Đài Loan cần xúc tiến trở lại càng sớm càng tốt công trình trên đảo Ba Bình vì Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo và mở rộng các đảo đá họ đang chiếm đóng trong khu vực.
Đặc biệt đáng lo ngại là công trình trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc, nhưng đã bị Bắc Kinh lấn chiếm từ năm 1988.
Trung Quốc đã bồi đắp, mở rộng rạn san hô mang tính chiến lược quan trọng này, biến nó thành thực thể địa lý lớn nhất quần đảo Trường Sa, rộng gấp ba lần đảo Ba Bình (0,5 km2), cho đến nay từng được cho là đảo lớn nhất ở Trường Sa.
Vấn đề là Bắc Kinh đang hoàn tất một phi đạo dài 2.000 mét trên Đá Chữ Thập, sẽ cho phép các chiến đấu cơ hiện đại của Trung Quốc cất cánh và hạ cánh, kể cả loại Su-27 của Nga hay J-7 và J-8 của Trung Quốc.
Theo Lực lượng Tuần duyên Đài Loan, chịu trách nhiệm kiểm soát đảo Ba Bình, một khi được hoành thành, cầu cảng mới trên đảo này có thể tiếp nhận loại tàu chiến đến 3.000 tấn, tức là lớn gấp đôi các chiếc Đinh Tiên Hoàng, hay Lý Thái Tổ của Việt Nam

http://vi.rfi.fr/20150113-dai-loan//

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan : Đảo Ba Bình chưa bị Việt Nam đe dọa

mediaHải quân Việt Nam ở Trướng Sa. Ảnh 13/04/2010.Reuters
Vài hôm sau khi Bộ Quốc phòng Đài Loan báo động là đảo Itu Aba (Ba Bình) dưới quyền kiểm soát của Đài Bắc tại vùng quần đảo Trường Sa đã nằm trong tầm bắn của lực lượng Việt Nam đồn trú trên đảo Sand Cay (Sơn Ca) lân cận, hai lãnh đạo cao cấp nhất của bộ này vào hôm qua, 29/12/2014 đã lên tiếng cải chính.
Theo ông Nghiêm Minh (Yen Ming), quân đội và căn cứ quân sự tại « tiền đồn » Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình) hiện chưa bị đe dọa nào từ phía Việt Nam.
Theo nhật báo Đài Loan Taipei Times, trả lời chất vấn của các dân biểu Đài Loan, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nghiêm Minh xác nhận rằng các thông tin tình báo mới nhất cho thấy là Việt Nam chưa hề triển khai loại tên lửa phòng không cá nhân trên đảo Sơn Ca (Đài Loan gọi là Đôn Khiêm sa châu), cách đấy chỉ 11km về phía đông.
Theo ông Nghiêm Minh, báo cáo tình báo đã nêu bật việc Việt Nam đã tăng cường hỏa lực cho lực lượng phòng thủ của mình tại vùng quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, trong đó có cả việc trang bị cho các đơn vị đồn trú loại tên lửa di động vác vai.
Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết là các thông tin cũng chỉ ra rằng Việt Nam chưa triển khai tên lửa cá nhân trên đảo Sơn Ca, do đó không có bất kỳ mối đe dọa nào cho các phi cơ vận tải quân sự C-130 hay các tàu tiếp liệu của Đài Loan thường xuyên đến và đi từ Ba Bình.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chánh (Chiu Kuo-cheng) cho biết là loại tên lửa phòng không cá nhân mới của Việt Nam là loại SA-16 và SA-18 do Nga sản xuất, có tính năng tầm nhiệt. Ông Khâu Quốc Chánh cũng xác nhận là trên đảo Sơn Ca, Việt Nam đã đặt hai khẩu pháo 20mm, có tầm hoạt động 2km.
Đối với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan : « Tầm bắn tối đa của loại tên lửa SA-16 và SA-18 tên lửa là 5,5km. Do đó, tên lửa cá nhân và pháo binh của Việt Nam chưa là mối đe dọa cho Ba Bình và các phi cơ vận tải C-130 của chúng ta ».
Các câu trả lời của hai lãnh đạo cao cấp nhất trong Bộ Quốc phòng Đài Loan tuy nhiên đã mâu thuẫn với một báo cáo do chính bộ này gởi đến Giám sát viện Đài Loan, cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng trong khu vực quần đảo Trường Sa do việc Việt Nam vừa cho triển khai loại tên lửa cá nhân.
Bản phúc trình cũng báo động về việc Việt Nam đã tiến hành cải tạo địa hình để mở rộng các hòn đảo và bắt đầu xây dựng thêm căn cứ quân sự để tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.
Đài Loan, cũng như Trung Quốc, đã đòi chủ quyền trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đảo Ba Bình là đảo tự nhiên lớn nhất trong vùng Trường Sa, và là đảo duy nhất nằm dưới quyền kiểm soát của Đài Bắc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141230-bo-truong-quoc-phong-dai-loan-dao-ba-binh-chua-bi-viet-nam-de-doa/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten