zondag 18 januari 2015

Trào lưu Phật giáo cực đoan và chuyến tông du Sri Lanka của Đức Thánh Cha Phanxicô

Video: Hàng trăm nhà sư Phật Giáo lắng nghe Đức Giáo Hoàng nói về khoan dung tôn giáo
VietCatholic Network1/17/2015

(video)  http://www.dailymotion.com/video/x2eyg7n_hang-tram-nha-s%C6%B0-ph%E1%BA%ADt-giao-l%E1%BA%AFng-nghe-d%E1%BB%A9c-giao-hoang-noi-v%E1%BB%81-khoan-dung-ton-giao_news


Trong phóng sự đặc biệt này chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại thủ đô Colombo, Sri Lanka.

Thưa quý vị và anh chị em và anh chị em,

Sau cuộc gặp gỡ xã giao với tổng thống Sri Lanka, lúc 6h45 chiều thứ Ba 13 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Bandaranaike Memorial International Conference Hall cách dinh tổng thống khoảng 4km, gần với quảng trường Độc Lập nơi đã diễn ra lễ tuyên thệ tổng thống hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng vừa qua.

Trong những năm gần đây, Sri Lanka đã vướng vào những xung đột tôn giáo trầm trọng. Mặc dù trong cuộc xung đột này cũng không thiếu những trường hợp các nhà thờ Kitô Giáo bị đốt hay phá phách nhưng chủ yếu là xung đột giữa Phật Giáo và Hồi Giáo.

Tác nhân chủ yếu là phong trào Bodu Bala Sena gọi tắt là BBS được thành lập bởi hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara với hội nghị đầu tiên vào ngày 28 tháng 7 năm 2012. BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ. Phong trào này đã gây ra nhiều vụ tấn công bạo lực nhắm chủ yếu vào các cộng đồng Hồi Giáo tại Sri Lanka.

Trong buổi gặp gỡ các vị đại diện của các tôn giáo lớn tại Sri Lanka, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn thân mến,

Tôi biết ơn được có cơ hội tham gia vào cuộc họp mang lại với nhau bốn cộng đồng lớn nhất trong số những cộng đồng tôn giáo không thể tách rời với cuộc sống của Sri Lanka là Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Kitô giáo. Tôi cảm ơn sự hiện diện và sự đón tiếp nồng hậu của các bạn. Tôi cũng cảm ơn những ai đã có những lời cầu nguyện và cầu chúc, cách riêng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi với Đức Giám Mục Cletus Chandrasiri Perera và Hòa thượng Thero Vigithasiri Niyangoda vì những lời ưu ái của các vị.

Tôi đã đến Sri Lanka theo bước chân của các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô II để chứng minh tình yêu tuyệt vời và sự quan tâm của Giáo Hội Công Giáo dành cho Sri Lanka. Thật là một ân sủng lớn lao cho tôi khi được đi thăm cộng đồng Công Giáo ở đây, để củng cố đức tin Kitô của họ, để cầu nguyện với họ và chia sẻ niềm vui và đau khổ của họ. Cũng là một ân sủng lớn lao như thế để được ở đây với tất cả các bạn, những người nam nữ của những truyền thống tôn giáo vĩ đại, những người chia sẻ với chúng tôi cùng một khát vọng hướng đến sự khôn ngoan, chân lý và sự thánh thiện.

Tại Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo đã khẳng định sự tôn trọng sâu sắc và trường tồn của mình đối với các tôn giáo khác. Giáo Hội khẳng định rằng mình "không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện trong những tôn giáo này. Giáo Hội đánh giá cao phong cách sống và cách ứng xử, giới luật và giáo lý của họ "(Nostra Aetate, 2). Về phần mình, tôi muốn tái khẳng định sự tôn trọng chân thành của Giáo Hội đối với các bạn, đối với truyền thống và niềm tin của các bạn.

Chính là trong tinh thần tôn trọng đó mà Giáo Hội Công Giáo mong muốn hợp tác với các bạn, và với tất cả những người thiện chí, trong việc mưu tìm hạnh phúc của mọi người Sri Lanka. Tôi hy vọng rằng chuyến thăm của tôi sẽ giúp khuyến khích và tăng cường các hình thức hợp tác liên tôn và đại kết đã được thực hiện trong những năm gần đây.

Những sáng kiến đáng khen đã tạo cơ hội cho đối thoại, là điều cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng, như kinh nghiệm đã cho thấy, một cuộc đối thoại và gặp gỡ như vậy, muốn có hiệu quả, cần phải được đặt cơ sở trên việc thể hiện đầy đủ và thẳng thắn những xác tín tương ứng của chúng ta. Chắc chắn, một cuộc đối thoại như thế sẽ làm nổi bật sự đa dạng của chúng ta trong niềm tin, truyền thống và thực hành. Nhưng nếu chúng ta thành thật trong việc trình bày những xác tín của chúng ta, chúng ta sẽ có khả năng nhìn thấy rõ ràng hơn những điểm chung với nhau. Con đường mới sẽ được mở ra cho sự tôn trọng lẫn nhau, sự hợp tác và tình hữu nghị thực sự.

Sự phát triển tích cực như thế trong quan hệ liên tôn và đại kết mang một ý nghĩa đặc biệt và khẩn cấp tại Sri Lanka. Trong nhiều năm qua, những người nam nữ của đất nước này đã là nạn nhân của xung đột dân sự và bạo lực. Điều cần thiết hiện nay là chữa lành và đoàn kết, chứ không phải là gia tăng thêm những xung đột và chia rẽ. Chắc chắn là đề cao và nuôi dưỡng sự chữa lành và tình hiệp nhất là một nhiệm vụ cao quý được ủy thác trên tất cả những ai luôn mang trong tim thiện ích quốc gia, và thực ra cũng là thiện ích của gia đình nhân loại. Hy vọng của tôi là sự hợp tác liên tôn và đại kết sẽ chứng minh rằng con người không cần phải từ bỏ dù là bản sắc dân tộc hay căn tính tôn giáo của mình để có thể sống hòa hợp với anh chị em của họ.

Có biết bao nhiêu cách để những tín đồ của các tôn giáo khác nhau thực hiện sứ vụ này! Có biết bao những nhu cầu cần phải được chăm sóc với bàn tay chữa lành của tình huynh đệ liên đới! Tôi nghĩ đặc biệt đến các nhu cầu vật chất và tinh thần của người nghèo, những người khốn cùng, những ai khao khát một lời an ủi và một niềm hy vọng. Ở đây tôi cũng nghĩ đến quá nhiều những gia đình đang phải tiếp tục thương tiếc cho sự mất mát của những người thân yêu của họ.

Trên tất cả, tại thời điểm này của lịch sử đất nước các bạn, có bao nhiêu người thiện chí đang tìm cách xây dựng lại nền tảng đạo đức của xã hội như một tổng thể? Cầu xin cho sự gia tăng tinh thần hợp tác giữa các nhà lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo khác nhau được thể hiện nơi một dấn thân đặt hòa giải nơi trung tâm của mọi nỗ lực đổi mới xã hội và các cơ chế của nó. Vì thiện ích của hòa bình, niềm tin tôn giáo không bao giờ được phép lạm dụng làm cớ gây ra bạo lực và chiến tranh. Chúng ta phải rõ ràng và dứt khoát thách thức các cộng đồng của chúng ta sống trọn vẹn những giáo lý về hòa bình và chung sống được tìm thấy trong mỗi tôn giáo, và tố cáo những hành vi bạo lực một khi chúng xảy ra.

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn một lần nữa vì sự chào đón hào phóng của các bạn và sự chú ý của các bạn. Cầu xin cho cuộc gặp gỡ huynh đệ này củng cố tất cả những nỗ lực của chúng ta để sống hòa hợp và để truyền bá những phước lành của hòa bình.

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133750.htm

Trào lưu Phật giáo cực đoan và chuyến tông du Sri Lanka của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do1/11/2015

Trong các xã hội phương Tây, các nhà sư Phật giáo là một hình ảnh thanh thản và yên bình, tham thiền nhập định, không muốn làm tổn thương một con ruồi. Tuy nhiên, các Kitô hữu và người Hồi giáo ở Sri Lanka có thể có một cái nhìn rất khác biệt. Nhìn thấy chiếc cà sa, họ có thể liên tưởng đến không phải là yên bình nhưng là một đám đông giận dữ, những nắm đấm hay những viên gạch ném qua cửa sổ!

Khối đa số Phật giáo tại Sri Lanka chống lại việc “xâm lăng” lãnh địa của họ rất quyết liệt. Từ đầu tháng Giêng tới nay, ba nhà thờ Tin Lành Ngũ Tuần đã bị tấn công bởi những đám đông cuồng nộ. Ít nhất một trong những đám đông ấy được dẫn dắt bởi các nhà sư. Nội thất và cửa sổ bị đập vỡ và một trung tâm cầu nguyện bị đốt cháy. Tháng Sáu năm ngoái bạo động chống Hồi giáo ở phía tây đất nước leo thang đến một quy mô lớn hơn. Bốn người thiệt mạng, 80 người bị thương và 10,000 người phải tản cư. Các khu dân cư bị phóng hỏa và nhà cửa bị hôi của.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có một nhận thức sâu sắc hơn về những nguy hiểm mà các nhóm tôn giáo thiểu số ở Sri Lanka phải đối mặt. Thách đố đầu tiên của ngài là tránh làm cho chúng tồi tệ hơn.

Căng thẳng đã tồn tại dai dẳng ở Sri Lanka giữa Phật giáo Tích Lan và phần còn lại của dân số. Chúng được đẩy lên trong bối cảnh của gần 3 thập kỷ xung đột với Hổ Tamil, một cuộc nổi dậy mà cuối cùng đã bị nghiền nát vào năm 2009.

Kể từ đó, những thành phần cực đoan đã tìm thấy tiếng nói của họ trong một nhóm gọi là Bodu Bala Sena - Buddhist Power Force ("Lực lượng quyền lực Phật Giáo"), hoặc BBS. Nhóm này được thành lập vào năm 2012 với tôn chỉ là bảo vệ bản sắc Phật giáo Sri Lanka bằng bạo lực.

Nhóm này có một cái nhìn rất tiêu cực về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau khi Tòa Thánh xác nhận chuyến tông du ba ngày của ngài tại đảo quốc này, BBS đã ra một tuyên bố nói: "Giáo Hoàng Phanxicô phải xin lỗi Phật tử vì các hành động tàn bạo của các chính phủ thực dân Thiên Chúa giáo ở Nam Á".

Phật giáo cực đoan đã trở thành một mối nguy hiểm không chỉ ở Sri Lanka nhưng cả ở Miến Điện. Bạo loạn tương tự chống lại người Hồi giáo đã giết chết ít nhất 200 người trong hai năm qua. Một phong trào ở Miến Điện được gọi là 969 đã nổi lên, và cũng như BBS, người ta có một cái nhìn rất tiêu cực với người Hồi giáo - và ở một mức độ thấp hơn với các Kitô hữu. Các nhóm tôn giáo thiểu số này được xem như những kẻ xâm lược đang muốn tiêu diệt nền văn hóa Phật giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô không có nhiều kinh nghiệm về Phật giáo. Là Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với người Do Thái, người Hồi giáo và Tin Lành. Trong chuyến viếng thăm của ngài tới Trung Đông, ngài đã đi cùng với hai người bạn cũ, một giáo sĩ Do Thái và một lãnh tụ Hồi giáo, những người đã ôm ngài tại Bức tường phía Tây. Hình ảnh đó là một thông điệp mạnh mẽ với thế giới. Nhưng Phật tử hầu như không có mặt ở Á Căn Đình. Hành trình của ngài tới Nam Á sẽ đánh dấu một bước tiến chưa biết sẽ ra sao.

Đối tác chính của ngài, nhân vật đầy thế lực chuyên đứng đàng sau hậu trường chính trị, là thượng tọa Gnanasara, lãnh tụ nóng tính của BBS, và cả thượng tọa Wirathu, nhà lãnh đạo của 969, người thường tự gọi mình là "Bin Laden đầu hói." Một người ở Sri Lanka, một người ở Miến Điện, nhưng họ có những liên kết chặt chẽ. Năm ngoái, họ đã gặp nhau hai lần, và đã tham dự hội nghị Wirathu BBS tại Colombo, thủ đô Sri Lanka, với hơn 5,000 ủng hộ viên. Cặp bài trùng sẽ để chú ý đến mọi chi tiết trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, Đặc biệt, vào ngày thứ Ba 13 tháng Giêng, khi Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật giáo ôn hoà và các vị đại diện cho các tôn giáo khác. Bất kỳ sơ hở nào cũng có thể dẫn đến những khó khăn.

Hai nhà sư này ngày càng có nhiều quyền lực vì nhiều người Sri Lanka và Miến Điện cảm thấy Phật giáo đang lâm nguy. Dù Phật tử vẫn chiếm đa số tại những quốc gia này, người ta có một cảm giác bị tấn công bởi những niềm tin xem ra năng động hơn với nhiều hoạt động cộng đồng thể hiện ra bên ngoài hơn là một đạo Phật lặng lẽ lui vào chiều kích cá nhân.

Để củng cố quan điểm này BBS và 969 nói rằng Phật giáo từ lâu đã bị đẩy vào đường cùng của lịch sử. Họ nhớ lại thời gian cách đây 1,000 năm, trước khi có sự lây lan của Hồi giáo và sự phát triển của các đế quốc phương Tây, gần như tất cả châu Á đều là Phật giáo. Bây giờ các nước: như Malaysia, Indonesia và Bangladesh chủ yếu là người Hồi giáo và Philippines chủ yếu là Công Giáo. Cả ở Miến Điện và Sri Lanka Phật giáo cũng đang tụt giảm trước sự “xâm lăng” của các Kitô hữu và người Hồi giáo. Vì thế, Phật giáo phải được bảo vệ. Trên trang web chính thức của mình BBS nói: "Chủ nghĩa dân tộc Phật giáo là một phương sách cuối cùng để bảo đảm lịch sử không lặp đi lặp lại."

Điều đáng lo ngại là các nhóm này luôn đổ lỗi cho các Giáo Hội châu Âu kích động chủ nghĩa thực dân. Trang web BBS mô tả chủ nghĩa thực dân ở Nam Á là "sự gây hấn tàn bạo của quân Kitô giáo phương Tây theo sự xúi giục của Vatican, Giáo Hội Cải cách Hà Lan và Giáo Hội Anh." (Sri Lanka đã lần lượt bị thống trị bởi người Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh.)

Họ cũng mô tả các nỗ lực truyền giáo ngày nay như một hình thức tinh tế của chủ nghĩa thực dân. Các nhóm Tin Lành như Nhân chứng Jehovah, Seventh-day Adventist và Ngũ Tuần thường là những mục tiêu tấn công của các nhóm quần chúng cuồng nộ.

Nhưng mối đe dọa thực sự, theo BBS và 969, là Hồi giáo. Người Hồi Giáo không chú trọng truyền giáo nhưng dân số của họ sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Wirathu, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time năm 2013, tố cáo người Hồi giáo đã được "nhân giống rất nhanh, và họ đang ăn cắp phụ nữ của chúng tôi, cưỡng hiếp họ.. . Họ muốn chiếm nước tôi." (Cùng năm đó, ông nói với tờ báo Times rằng ông muốn 969 được so với Inglese Defence League - "không thực hiện bạo lực, nhưng bảo vệ công chúng"). Đây là những lo ngại, được thổi phồng lên quá đáng, không phát sinh từ các con số thống kê, vì nói cho cùng người Hồi giáo vẫn dưới mức 10 phần trăm dân số của Miến Điện và Sri Lanka.

Tại Sri Lanka lo lắng có thể bị trầm trọng thêm bởi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Đông. Một trong 10 người Sri Lanka làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở khu vực vùng Vịnh. Rất nhiều phụ nữ phục vụ như người giúp việc hoặc những người lao động không có tay nghề, gửi tiền về nhà để giúp gia đình hay để có thể cho con tới trường. Mahinda Deegalle, một giáo sư về khoa học nhân văn tại Đại học Colgate ở New York, nói rằng điều này không chỉ gây áp lực cho gia đình nhưng có một ảnh hưởng làm rối loạn nền văn hóa Phật giáo. "Những người ra đi đã mang về quê hương những ý tưởng đa dạng và phi truyền thống". Chưa kể là nhiều phụ nữ đã bỏ đạo Phật để theo Hồi Giáo, tự nguyện hay dưới những áp lực nặng nề của xã hội Hồi Giáo Trung Đông.

Theo giáo sư Deegalle, BBS thoạt đầu tập trung vào một sự "hồi sinh nội bộ" và đã không chú ý tới các nhóm tôn giáo thiểu số khác. Thật vậy, thực hành Phật giáo sau ba thập kỷ chiến tranh đã đi xuống và nhuốm nhiều sắc màu thế tục từ các xu hướng quen thuộc của thời hiện đại như tiêu thụ, phá thai và những suy giảm có thể nhìn thấy trong lãnh vực đạo đức như nạn rượu chè, đĩ điếm trên đường phố ngày trở nên phổ biến. Chấn hưng Phật giáo là ưu tiên ban đầu.

Điều làm cho tình hình trở nên tế nhị với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đó là ý tưởng của BBS thu hút khá nhiều sự đồng cảm từ đa số người Tích Lan. Một nhà bình luận đã báo cáo rằng các tài xế taxi ở Colombo phàn nàn một cách công khai về người Hồi giáo có quá nhiều trẻ em. Bài nhạc hiệu của BBS, được viết bởi một ca sĩ lừng danh Sri Lanka thu hút người ta đến độ nó trở thành nhạc chuông điện thoại di động phổ biến nhất tại Sri Lanka năm 2014. Lời bài hát đưa ra một thông điệp rất thẳng thừng: "Đức Phật ơi, những gì Ngài giảng dạy đang gặp nguy hiểm. Đạo của Ngài đang rơi vào thời kỳ đen tối. Đã đến lúc phải tiêu diệt hết những quân gian".

Paikiasothy Saravanamuttu, giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách Pháp Luật, một “think tank” ở Colombo, nói có nhiều người không ủng hộ BBS công khai, nhưng những gì nhóm này nói "tìm thấy một sự cộng hưởng rộng lớn trong quảng đại người dân." Ông giải thích BBS có một "số lượng lớn các cảm tình viên".

Thậm chí phức tạp hơn là đã có những cáo buộc rằng chính phủ tỏ ra thông cảm với BBS. Nhiều bộ trưởng là những khách mời tại các lễ khánh thành những học viện của BBS.

Cho đến nay BBS đã không nhắm đến người Công Giáo. Phu nhân của vị tổng thống vừa thất cử là một cựu Hoa hậu Sri Lanka, bà Shiranthi Rajapaksa. Bà là một người Công Giáo Tích Lan. Nhưng Giáo Hội Công Giáo vẫn dễ bị tổn thương đối với trào lưu Phật giáo cực đoan. Các cuộc tấn công vào nhà thờ không phải là hiếm. Trong năm 2013, chẳng hạn, những kẻ phá hoại đập vỡ một bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria và nhà tạm, và cố gắng đốt cháy một nhà thờ ở Angulana, gần Colombo. Bốn năm trước đây, một đám đông khoảng 1,000 người xông vào một nhà thờ ở thị trấn Crooswatta, hành hung giáo dân bằng dao, búa, gậy gộc và gạch đá, khiến nhiều người bị thương phải điều trị tại bệnh viện.

Đối diện với tất cả điều này, các nhà lãnh đạo Giáo Hội có xu hướng không tố cáo mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc Phật giáo. Thay vào đó, họ nuôi dưỡng mối quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Phật giáo chính thống và cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Chiến lược này đã từng bị chỉ trích. Một nhà phê bình cáo buộc Giáo Hội trở thành "hèn nhát" khi đối mặt với khủng bố.

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục Colombo và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Sri Lanka đã trả lời những lời chỉ trích này trong một cuộc phỏng vấn với UCA News hồi tháng trước. Khi được hỏi về những lời buộc tội là ngài "rất thân cận" với Tổng thống Sri Lanka, ngài nói rằng, tại Sri Lanka, "Công Giáo chúng ta đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng. Khi tôi còn là Giám mục giáo phận Ratnapura, giáo phận của tôi có 21,000 tín hữu giữa một dân số 1,5 triệu người. Là một giám mục, tôi không thể nói những điều có nguy cơ tuyệt chủng dân ta." Ngài nói thêm, là Tổng Giám mục Colombo,"tôi phải suy nghĩ về con chiên của tôi."

http://www.vietcatholic.net/News/Html/133625.htm

Geen opmerkingen:

Een reactie posten