vrijdag 16 januari 2015

Khó khăn trên đường đạt 'Giấc mơ châu Á' của Trung Quốc

Thứ sáu, 14/11/2014 | 15:18 GMT+7

Khó khăn trên đường đạt 'Giấc mơ châu Á' của Trung Quốc

Nếu chỉ dùng những khoản đầu tư khổng lồ nhằm đổi lại sự ủng hộ của các nước trong khu vực, "giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương" mà ông Tập Cận Bình mới nêu ra sẽ khó thành công bởi vẫn thiếu đi yếu tố tiên quyết: lòng tin
xi-jinping-ceo-apec-1539-1415849830.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9/11 đọc diễn văn khai mạc hội nghị Tổng giám đốc, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu  Á - Thái Bình Dương. Ảnh: AP
Hôm 9/11, tại lễ khai mạc hội nghị Tổng giám đốc, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên nêu tầm nhìn về một "giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương".
Để minh chứng cho sự nghiêm túc của mình, Bắc Kinh cam kết đầu tư 125 tỷ USD cho các nước láng giềng trong 10 năm tới, đồng thời mạnh tay chi 40 tỷ USD vào quỹ Con đường Tơ lụa, xây dựng các cơ sở hạ tầng nối Trung Quốc với Trung Á, và một tuyến trên biển, nhằm nối Trung Quốc với châu Âu.
Armin Rosen, cây bút từ Business Insider, cho rằng, "giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương" cho thấy Trung Quốc tự coi mình là một lãnh đạo kinh tế ở châu Á và mong muốn đưa vị thế siêu cường mới này trở thành hiện thực một cách thuyết phục. Mặt khác, dường như ông Tập muốn dùng nguồn tiền khổng lồ để khiến các nước nhận ra rằng Trung Quốc đang hỗ trợ khu vực theo cách mà Nhật Bản hay Mỹ không thể sánh kịp.
Tuy nhiên, ngoài sự tổng quát về đường hướng, những bước đi của Bắc Kinh nhằm thật sự đạt đến "giấc mơ" này vẫn thiếu yếu tố tiên quyết: lòng tin và sự ủng hộ.
Theo Wiliiam Perserk từ Bloomberg View, 400 tỷ USD dự trữ tiền tệ và tốc độ tăng trưởng vượt bậc khiến nhiều quốc gia phải kiêng nể trước tiềm năng của Trung Quốc. Tuy nhiên, đầu tư không thôi chưa đủ, Bắc Kinh chỉ có thể đạt được "quyền lực mềm" mong muốn nếu có những hành động xứng tầm của một đối tác toàn cầu đáng tin cậy và có lý lẽ.
Thông qua thương mại và đầu tư, Trung Quốc có thể ràng buộc nhiều nền kinh tế châu Á, Rajiv Biswas, chuyên gia từ tổ chức IHS Global Insight, nhận xét. Nhưng Bắc Kinh đã tự đánh mất những thành quả gây dựng được bằng những chính sách bành trướng trên biển vô lý của nước này.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đặt một giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và  chỉ rút đi sau hơn hai tháng. Hành động này khiến dư luận thế giới hết sức bất bình. Bên cạnh đó, họ còn ráo riết phát triển hạm đội hải quân nước sâu với tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân, thậm chí cả tàu sân bay, có khả năng vận chuyển chiến đấu cơ tàng hình. Sự gia tăng này khiến các nước láng giềng có lý do để lo ngại.
Chẳng ai muốn công nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc trong khu vực khi mà những động thái hung hăng của Bắc Kinh "khiến họ mất dần sự ủng hộ, bất kể số tiền đầu tư họ ném vào các nước láng giềng có lớn đến đâu", Business Insider dẫn lời Samm Sacks, nhà phân tích châu Á tại Eurasia Group, nói. Trung Quốc chỉ có thể đạt được đồng thuận bằng những hành động mang tính xây dựng và hợp tác với các láng giềng châu Á, chứ không thể mua chuộc bằng các con đập, tuyến đường hay nhà máy phát điện trị giá hàng tỷ USD, Sacks nhận xét.
Vũ Hoàng

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/kho-khan-tren-duong-dat-giac-mo-chau-a-cua-trung-quoc-3106290.html

Chủ nhật, 9/11/2014 | 19:55 GMT+7

Tập Cận Bình nêu 'giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương'

Ông Tập Cận Bình hôm nay tại Bắc Kinh phát biểu về tầm nhìn của Trung Quốc cho một "giấc mơ châu Á- Thái Bình Dương", gợi đến "giấc mơ Trung Quốc" mà ông thường nêu ra.
xi-jinping-ceo-APEC-1988-1415534360.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay phát biểu trong lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc APEC (CEO APEC). Ảnh: Xinhua
"Chúng ta có trách nhiệm tạo dựng và hiện thực hóa một giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương cho người dân sống trong khu vực", SCMP dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hôm nay nói tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các Tổng giám đốc, diễn ra ở Bắc Kinh, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC).
Theo ông, đó là giấc mơ "lấy nền tảng từ vận mệnh chung của tất cả các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương".
Trung Quốc sẽ tập trung "xử lý tốt các vấn đề của riêng mình" trong khi vẫn tìm cách "mang tới nhiều lợi ích hơn cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương và thế giới", ông nói.
Bắc Kinh được kỳ vọng đầu tư khoảng 1,25 nghìn tỷ USD ra nước ngoài trong 10 năm tới. "Đối với châu Á-Thái Bình Dương và thế giới nói chung, sự phát triển của Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội và lợi ích vô cùng lớn", ông cho hay.
"Khi sức mạnh tổng thể của Trung Quốc gia tăng", nước này sẽ sẵn sàng đem tới "những sáng kiến và tầm nhìn mới nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực", ông nói và thêm rằng "Trung Quốc muốn sống hòa hợp với tất cả các nước láng giềng".
Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện tại đang vướng vào tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại các đảo trên biển Hoa Đông, và một số nước khác ở Biển Đông, nơi có vị trí chiến lược quan trọng.
Từ khi nhậm chức gần hai năm trước, Chủ tịch Tập thường xuyên đề cập tới khái niệm "giấc mơ Trung Quốc", một thuật ngữ không rõ ràng nhưng luôn thu hút nhiều bàn luận cũng như phân tích xung quanh ý nghĩa của nó.
Vũ Hoàng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten