vrijdag 30 november 2012

Trung Quốc: Tác hại của chính sách một con được thừa nhận

Về dấu hiệu cáo chung của « chủ thuyết » một con tại Trung Quốc, trên trang quốc tế, báo Le Figaro xác định là chính các chuyên gia có trách nhiệm thực hiện chính sách áp dụng từ năm 1979, đã chủ trương việc dẹp bỏ, hầu hạn chế đà dân số suy giảm và đối phó với các thách thức về mặt kinh tế.
Theo tờ báo, cuộc tranh luận về chính sách một con áp đặt lên người dân Trung Quốc từ 30 năm nay, ngày càng lan rộng, và đây sẽ là một ưu tiên của ê-kíp lãnh đạo mới. Ủy ban kế hoạch hóa gia đình có trách nhiệm thực hiện chính sách này đã cho thấy rõ ý định thay đổi chính sách.
Công cuộc cải tổ chủ yếu là nhắm vào người dân thành thị, về mặt chính thức sẽ có quyền có hai con.
Điều gây chú ý, theo Le Figaro, là chính sách một con đến nay vẫn thường bị giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích, nhưng giờ đây vấn đề có vẻ cấp bách khiến cho ngay cả một cơ quan nhà nước cũng như giới tham vấn như China Development Research Foundation, rất có uy tín, cũng đề nghị bỏ dần chính sách này, cho phép có hai con trên cả nước vào năm 2015, và hoàn toàn bãi bỏ việc kiểm soát sinh đẻ vào năm 2020.
Giới kinh tế Trung Quốc hiện lo ngại về hậu quả của chính sách một con khi mà theo họ, lượng người trong tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm đi vào năm 2016. Kèm theo đó là tình trạng xã hội bị lão hóa : Sinh suất hiện nay ở Trung Quốc là 1,18 và 13,3% dân số trên 60 tuổi. Tỉ lệ này có thể lên 33% vào năm 2050.
Ngoài vấn đề kinh tế, đây còn là một vấn đề xã hội, người dân rất phẫn nộ trước việc cưỡng bức phá thai thường đi kèm với chính sách một con.
Ngày vui cho người Palestine
Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về quy chế nhà nước quan sát viên cho Palestine vào hôm nay, tình hình kinh tế chính trị không mấy tốt đẹp của Pháp như Le Monde nêu bật trong hàng tít lớn trang đầu : « Thất nghiệp bùng nổ », hoặc tít đập vào mắt của Le Figaro : « Đảng UMP trong ngõ cụt »… đó là những chủ đề nổi trội được theo dõi và bình luận nhiều.
Về thời sự quốc tế, như nói trên, sự kiện Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về quy chế nhà nước quan sát viên cho Palestine, rất được báo giới Pháp chú ý, nhưng lại dưới những góc độ khác nhau.
Rõ ràng là Palestine sẽ được hưởng quy chế mới, vì có đến 130 trên tổng số 193 quốc gia thành viên đã cho biết sẽ tán đồng. Báo Cộng sản Pháp L’ Humanité chào mừng sự kiện qua hàng tít lớn trang nhất : « Liên Hiệp Quốc : Cuộc hẹn với lịch sử ». Báo La Croix điềm tĩnh hơn nói đến : « Một bước tiến về phiá Palestine, tại Liên Hiệp Quốc » và xem cử chỉ biểu tượng này là một sự ủng hộ đối với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. La Croix nhìn thấy là Israel đành phải chấp nhận.
Riêng báo Les Echos, thì lại ghi nhận sự hiện diện của một « Nhà nước khập khễnh ở Liên Hiệp Quốc », vì như tờ báo nhắc lại, Palestine không phải là thành viên mà cũng không đơn thuần là quan sát viên vì tổ chức Giải phóng Palestine PLO của ông Yasser Arafat đã là quan sát viên từ năm 1974.
Tờ Le Figaro thì chú ý hơn đến « Sự chia rẽ của Châu Âu trên vấn đề quy chế Palestine », tít lớn trang quốc tế. Tờ báo công nhận quy chế mới là cử chỉ mang tính chất biểu tượng ủng hộ ông Abbas, trước sức mạnh của lực lượng Hamas.
Nhưng nếu Mỹ và Israel từ lâu cương quyết chống đối mọi quy chế tăng tầm quan trọng của Palestine, cuộc bỏ phiếu hôm nay đặt Châu Âu trước sự chia rẽ của mình vì như ngoại trưởng Pháp đã công nhận là Liên Hiệp Châu Âu « không đi đến được một lập trường chung ». Đức, Hà Lan, Cộng hoà Séc dứt khoát là không, trong lúc Anh Quốc cho đến hôm qua vẫn do dự giữa bỏ phiếu thuận hay là không bỏ phiếu.
Nhưng có một điểm mà không ai đụng đến là trợ giúp Palestine (325 triệu euro) vẫn sẽ nguyên vẹn.
Pháp tìm cách giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch
Về tình hình Pháp, ngoài vấn đề kinh tế thất nghiệp, và khủng hoảng trong đảng cánh hữu UMP như Le Figaro nhận xét là « đang trong ngõ cụt », hai sự kiện khác được lưu ý : thứ nhất là cuộc tranh luận về sự chuyển đổi về mặt năng lượng ở Pháp - mà cuộc họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia đặc trách vấn đề này mở ra vào hôm nay - và thứ hai là thông tri của Bộ trưởng Nội vụ Valls về việc hợp thức hóa người không giấy tờ hợp lệ.
Về năng lượng, công trình của Ủy ban nói trên sẽ kéo dài 6 tháng để đưa ra trước Quốc hội ra một chương trình chuyển đổi vào mùa hè tới. La Croix ghi nhận mục tiêu đầu tiên là giảm sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Pháp theo tờ báo, đã cam kết là sẽ giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ đây đến năm 2020, và cũng giảm phần điện hạt nhân từ 75% hiện nay xuống mức 50%.
Theo tờ báo, vấn đề năng lượng thường gây tranh cãi gay gắt ở Pháp, nhưng có một điều mà ai cũng công nhận không thể tiếp tục như trước, và biện pháp được sự đồng thuận ngày nay là tiết kiệm, giảm bớt tiêu thụ, như thế mới bớt lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Một trong những công trình quan trọng đang thực hiện hiện nay trên vấn đề này là việc cải thiện hệ thống sưởi cho các tòa nhà. Lãnh vực thứ hai trong tầm nhắm là hệ thống chuyên chở. Làm sao giảm tối đa chuyên chở đường bộ cũng như việc sử dụng xe hơi riêng.
Quy định mới về việc hợp thức hóa người không giấy tờ tại Pháp
Chủ đề mà báo giới cũng quan tâm là thông tri của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls, về việc hợp thức hóa những người không giấy tờ hợp lệ, được công bố hôm qua, nêu lên những tiêu chí mà báo giới đánh giá khác nhau.
La Croix nhìn thấy có sự uyển chuyển hơn trước một chút, tít trang Xã hội, trong khi Le Figaro đánh giá : « Ông Manuel Valls tạo điều kiện dễ dàng cho việc hợp thức hoá người không giấy tờ ». Le Figaro nêu lại một số điểm chính như tiêu chí đối với một hộ gia đình là cả hai người phải cư ngụ ít nhất 5 năm tại Pháp, có một đứa con đi học ít nhất 3 năm. Còn người lao động không giấy tờ cũng phải hiện diện trên đất Pháp tối thiểu 5 năm, và phải đã làm việc ít nhất 8 tháng trên 24 tháng cuối cùng hoặc 30 tháng trong 5 năm trước ngày xin hợp thức hóa.
Điều được lưu ý nữa là những tiêu chí hợp thức hóa sẽ áp dụng đồng đều như nhau ở mọi nơi, chứ không để xử lý theo tùy trường hợp, tùy nơi, như trước đây. Những tiêu chí mới sẽ được áp dụng vào ngày 3/12 tới đây.
Theo Le Figaro, chính phủ đang đùa với lửa và những thông tri của ông Valls sẽ dẫn đến việc Pháp phải chấp nhận nhập cư nhiều hơn và đây cũng là một hành vi khuyến khích nhập cư lậu.
Báo Les Echos chạy một hàng tít ngược lại : ông Valls cho thấy một đường lối cứng rắn về nhập cư. Ông chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của các tổ chức bảo vệ người không giấy tờ.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121129-chau-a-vung-tien-thu-mua-khu-pho-tai-chanh-city-tai-luan-don

Geen opmerkingen:

Een reactie posten