woensdag 21 november 2012

Kinh tế Việt Nam và Ðông Nam Á: Những sắc màu sáng tối

Kinh tế Việt Nam và Ðông Nam Á: Những sắc màu sáng tối (Kỳ 1)
Saturday, November 10, 2012 1:41:05 PM



Trần Vinh Dự

(Nguồn: VOA)

Gần đây có nhiều quan điểm cho rằng những khó khăn mà Việt Nam đang trải qua một phần là do các biến động bất lợi của kinh tế thế giới. Ðiều đó đúng một phần, nhưng cũng trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi như vậy, các nền kinh tế trong khu vực Ðông Nam Á vẫn đang có những bước cải thiện và phát triển mạnh mẽ, đối lập cơ bản với tình trạng u ám hiện nay của nền kinh tế Việt Nam.
Một khách hàng vừa mua hàng tại tiệm bán sản phẩm của Apple ở Hà Nội. (Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)

Bài viết này sẽ điểm lại (một cách không hoàn chỉnh) một số mảng sáng tối trong bức tranh kinh tế Ðông Nam Á mà Việt Nam là một thành viên.
So sánh chỉ số của các thị trường chứng khoán của Việt Nam (VNINDEX) với một số chỉ số của các thị trường chứng khoán trong khu vực Ðông Nam Á như Philippines (PSEI), Malaysia (KLCI), hoặc Indonesia (JCI) trong khoảng 5 năm trở lại đây có thể thấy sự đối lập cực kỳ rõ nét giữa Việt Nam và các nước còn lại này.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hồi năm 2008 tác động khá giống nhau đến cả 4 nước. Cả bốn chỉ số chứng khoán đều giảm điểm mạnh mẽ, tuy với cung bậc khác nhau. Trong khi VNINDEX của Việt Nam giảm tới khoảng 75% so với mốc tham chiếu đầu năm 2008, thì PSEI và JCI của Philippines và Indonesia mất khoảng 50% trong khi KLCI của Malaysia chỉ mất chưa đến 40%.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 đến nay thì cả 3 nước Philippines, Malaysia, và Indonesia đều có sự bứt phá khá mạnh trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán ở các nước này đều lấy lại được những gì đã mất trong cuộc khủng hoảng vào đầu năm 2010 (Indonesia và Malaysia) hoặc cuối 2010 (Philippines), sau đó tăng mạnh trong các năm 2011 và phần đã qua của 2012.
Tính đến nay, chỉ số JCI của Indonesia đã tăng khoảng 70% so với mốc tham chiếu năm 2008. Chỉ số KLCI và PSEI có mức tăng khiêm tốn hơn nhưng cũng đạt xấp xỉ 50% (KLCI) và 25% (PSEI).
Ngay cả đất nước có nhiều biến động chính trị sâu sắc trong nhiều năm qua như Thái Lan cũng đạt được tốc độ tăng trưởng cực kỳ ngoạn mục trên thị trường chứng khoán. Cùng lâm vào khủng hoảng năm 2008 với chỉ số SET mất khoảng 50% số điểm vào thời kỳ u tối nhất đầu năm 2009, thị trường chứng khoán Thái Lan nay đã khôi phục với chỉ số SET tăng trên 50% so với mốc tham chiếu năm 2008.
Thành tích tăng điểm ngoạn mục này đã đưa các chỉ số chứng khoán của các nước Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan lên mức cao nhất trong mọi thời đại.
Trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang tiếp tục vật lộn với cơn ác mộng kéo dài hơn 5 năm qua. So với thời điểm đen tối nhất hồi đầu năm 2009, VNINDEX chỉ tăng được vài chục phần trăm và so với mốc tham chiếu hồi đầu năm 2008, chỉ số VNINDEX vẫn mất khoảng 60% số điểm.
Cơn ác mộng này vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào là đang đi đến hồi kết.

Các chỉ số tăng trưởng GDP

Về mặt tốc độ tăng trưởng GDP, ngoại trừ Indonesia, có vẻ như không có nước nào trong số 4 nước Ðông Nam Á (Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, và Philippines) có được sự ổn định trong khoảng 5 năm vừa qua.
Trường hợp ổn định nhất trong 5 nước là Indonesia với tốc độ tăng trưởng của 3 năm gần đây ở mức 6.2% (năm 2010), 6.5% (năm 2011), và 6.1% vào năm nay. Trước đó, ngay cả năm tệ hại nhất của kinh tế thế giới là năm 2009 thì tăng trưởng GDP của Indonesia cũng chỉ giảm xuống mức 4.6%.
Trường hợp trải qua nhiều sóng gió nhất là Thái Lan, với mức thụt lùi -2.3% vào năm 2009 và mức tăng trưởng gần như bằng 0 hồi năm 2011. Xen kẽ giữa các năm đó, Thái Lan đạt được tốc độ tăng trưởng bùng nổ năm 2010 với 7.8%. Tới năm 2012, có vẻ như tình hình ở nước này đã ổn định trở lại với mức tăng 4.5%, không cách xa bao nhiêu so với tốc độ tăng trưởng của năm 2007 đổ về trước.
Việt Nam và Malaysia cùng chịu chung số phận với tốc độ tăng trưởng GDP giảm liên tục trong 3 năm gần nhất. Với Việt Nam, tốc độ tăng GDP trượt dốc từ mốc 6.8% năm 2010 xuống còn 5.9% năm 2011 và dự kiến năm nay còn 5.2% (theo Ngân Hàng Thế Giới). Ðối với Malaysia, nước này cũng chứng kiến sự suy giảm điểm tăng trưởng từ 7.2% (năm 2010) xuống còn 5.1% năm 2011 và dự kiến chỉ còn 4.8% trong năm nay.
Malaysia khác với Việt Nam ở một điểm là vào năm 2009, nước này chứng kiến một năm tăng trưởng âm với tốc độ -1.6% trong khi Việt Nam vẫn đạt mức 5.3%.
Philippines chứng kiến sự thăng giáng đáng kể trong mấy năm vừa qua. Tốc độ tăng GDP của nước này đã lên tới mức 7.6% năm 2010, nhưng lại tụt xuống 3.7% vào năm 2011 và tăng cao trở lại ở mức 5% vào năm nay.
Như thế, xét về bức tranh tăng trưởng GDP, có vẻ như mảng sáng nhất của bức tranh Ðông Nam Á nằm ở Indonesia, trong khi các nước còn lại đều chung nhau ở một điểm là sự thăng giáng rất bất thường. Philippines và Thái Lan có được một chút khích lệ khi tốc độ tăng trưởng trở nên khả quan hơn trong năm nay so với năm ngoái.
Ðối với Việt Nam, điểm đáng nói là Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế kém hơn một bậc so với các nền kinh tế khác trong nhóm trên. Vì thế, Việt Nam được kỳ vọng có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn. Và thực tế là từ năm 2007 đổ về trước, Việt Nam đã có nhiều năm tăng trưởng nhanh hơn các nước còn lại trong khu vực. Ðiều này có vẻ như không còn nữa kể từ 5 năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng nhạt nhòa như tất cả các nước còn lại. Tệ hơn thế, xu hướng ngắn hạn lại đang cho thấy tình hình ngày một xấu đi. Kể từ năm 2010, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm liên tục suy giảm, với mức 6.8% năm 2010 xuống còn 5.9% năm 2011 và năm nay chỉ còn 5.2% - theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới.
(Còn tiếp)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=157590&zoneid=271

Kinh tế Việt Nam và Ðông Nam Á: Những sắc màu sáng tối (kỳ 2)
Sunday, November 11, 2012 2:34:08 PM



Trần Vinh Dự (Nguồn: VOA)

Ðối lập trong tăng trưởng tín dụng

Câu chuyện khủng hoảng ở Việt Nam được nhiều người lý giải từ nguồn gốc tăng trưởng tín dụng vô tội vạ trong nhiều năm. So sánh với 04 nền kinh tế khác trong khu vực Ðông Nam Á, có thể thấy rõ sự tương phản rất lớn giữa Việt Nam và các nước này. Ba nước có tăng trưởng tín dụng rất khiêm tốn là Malaysia, Philippines và Thái Lan. Với Thái Lan, tăng trưởng tín dụng năm 2009 chỉ có 3.1%, tăng lên 12.6% năm 2010 và 16.2% năm 2011. Philippines cũng có tốc độ tăng trưởng tín dụng một con số trong 2 năm 2009 và 2010, chỉ tăng lên thành 14.7% vào năm 2011. Malaysia có tốc độ tăng trưởng một con số vào năm 2009 và chỉ nhỉnh trên 10% vào các năm 2010 và 2011.

Giao dịch tại ACB, một ngân hàng bị tình nghi vi phạm trong việc sử dụng tiền đem đầu tư ở nơi khác. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)

Indonesia là nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn nhiều so với 3 nước trên. Tăng trưởng tín dụng năm 2008 ở nước này lên tới 33%, còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam trong cùng năm. Tuy nhiên, tốc độ này đã hạ nhiệt rất nhanh vào năm 2009 và 2010, xuống còn 16.1% và 17.5%. Tăng trưởng tín dụng ở nước này quay trở lại ở mức gần 25% vào năm 2011. Trong nửa đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng cũng đạt 25.8% ở Indonesia so với cùng kỳ năm ngoái. Ðiều này dẫn tới chuyện Ngân Hàng Trung Ương của nước này đang bàn đến các giải pháp để hãm đà tăng này lại.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tín dụng đã được để tăng hầu như vô tội vạ. Suốt từ năm 2001 đến hết 2010, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đều trên mức 20%. Ðặc biệt năm 2007, con số này lên tới 51% vào năm 2007, giảm xuống còn 25.4% năm 2008, nhưng sau đó lại vọt lên xấp xỉ 40% vào năm 2009 và trên 30% vào năm 2010. Trong suốt giai đoạn này, mặc dù chính phủ luôn đề ra các mục tiêu về tăng trưởng tín dụng, nhưng có vẻ không ai thực sự nghiêm túc về các mục tiêu này. Vì thế, tăng trưởng thực tế về tín dụng nội địa luôn vượt ngưỡng cho phép và không ai bị xử phạt.
Rõ ràng, so với các nước khác trong vùng Ðông Nam Á, Việt Nam đã hết sức cẩu thả trong việc điều hành chính sách về tín dụng. Có thể nói theo một cách khác, là Việt Nam trong suốt các năm này đã say sưa trong câu chuyện tăng trưởng, và phải sử dụng tăng trưởng tín dụng như là một chất gây nghiện để có thể tiếp tục “phiêu” trong cơn mơ tăng trưởng kinh tế. Dù thế nào, cho tới giờ này thì ai cũng thấy các hệ quả tai hại của nó, tuy nhiên đã quá muộn.

Lạm phát và lãi suất

Không có gì đáng ngạc nhiên là một nền kinh tế tăng trưởng bằng cách liên tục bơm tín dụng với cường độ cao lại có lạm phát phi mã. Trong tương quan với bốn nền kinh tế còn lại ở Ðông Nam Á, Việt Nam trong năm năm gần đây nhất cũng là một ngoại lệ đáng buồn. Trong khi bốn nước còn lại đều có tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp (dưới 6.5%) trong suốt nhiều năm qua, thì Việt Nam có tốc độ tăng CPI có thể nói là ngoạn mục. Và điều này khiến cho các giải thích ở Việt Nam về việc chỉ số giá tiêu dùng tăng cao do “giá cả thế giới tăng cao” hoặc do “khủng hoảng của thế giới” trở nên rất ngờ nghệch vì cơ cấu kinh tế của Việt Nam không khác quá nhiều so với cơ cấu kinh tế của bốn nước còn lại.
Tốc độ tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Malaysia trong bốn năm qua đều ở mức rất thấp. Năm 2009 chỉ có 0.6%, năm cao nhất là 2011 cũng chỉ có 3.2% và năm nay Ngân Hàng Thế Giới dự kiến tăng CPI của nước này cũng chỉ 2.8%. Thái Lan thậm chí còn có giảm phát vào năm 2009 với chỉ số giá tiêu dùng giảm 0.8%, sau đó tăng lên trên 3% vào năm 2010 và 2011. Năm nay tăng CPI ở Thái Lan cũng chỉ có 3.5%.
Philippines có tốc độ trượt giá cao hơn đôi chút so với Malaysia và Thái Lan, với chỉ số CPI tăng xấp xỉ 4% trong suốt bốn năm vừa qua.
Indonesia là trường hợp cá biệt hơn đôi chút với CPI năm 2008 chút xíu nữa thì xuyên thủng mốc một con số. Tuy nhiên, lạm phát ở Indonesia đã hạ nhiệt từ năm 2009, và tốc độ tăng CPI chỉ còn ở mức xấp xỉ 5%-6% trong bốn năm gần đây nhất.
Ðối lập với bức tranh trên, lạm phát ở Việt Nam gần như chọc thủng mốc 20% vào năm 2008 do kết quả tăng tín dụng như lên đồng hồi năm 2007 (51%). Do tăng tín dụng được siết lại vào năm 2008, chỉ còn 25.4%, lạm phát đã hạ nhiệt vào năm 2009 với 6.5%, nhưng sau đó lại bật cao trở lại mức hai con số vào năm 2010 và năm 2011 cũng gần như xuyên thủng mốc 20%. Trong năm nay, Ngân Hàng Thế Giới dự kiến CPI của Việt Nam sẽ thấp hơn mốc 10% đôi chút.
Ði kèm với lạm phát là lãi suất, chính sách lãi suất của bốn nền kinh tế khác ở Ðông Nam Á hầu như giống nhau - tức là để lãi suất huy động ngắn hạn hầu như không cao hơn bao nhiêu so với tốc độ tăng CPI. Trong một số năm, lãi suất thực ở các nước này là âm. Thí dụ ở Malaysia năm 2011, ở Thái Lan năm 2010 và 2011, hay ở Philippines năm 2011.
Ở Việt Nam, câu chuyện lãi suất nói chung phức tạp hơn các nước còn lại. Về mặt quy định hành chính của nhà nước, lãi suất huy động của Việt Nam không quá cao (8.1% năm 2008, 10.7% năm 2009, và 14% vào hai năm 2010 và 2011). Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng ở Việt Nam đã tham gia vào một cuộc chạy đua lãi suất, với tinh thần tất cả đều vượt rào, trong suốt nhiều năm qua. Lãi suất huy động thực tế thường cao hơn mức tăng CPI khoảng 2-3% và lãi suất cho vay luôn cao hơn lạm phát khoảng 5-6% và cá biệt có những giai đoạn lãi suất cho vay cao hơn CPI đến cả chục phần trăm.
(Còn tiếp)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=157609&zoneid=271

Kinh tế Việt Nam và Ðông Nam Á: Những sắc màu sáng tối (kỳ 3)
Monday, November 12, 2012 3:47:07 PM



Trần Vinh Dự (VOA)

Cán cân thương mại và tỷ giá

Xét về cán cân thương mại, 5 nước Ðông Nam Á chia thành hai nhóm rõ rệt. Malaysia đứng đầu bảng thành tích thương mại quốc tế trong 5 nước này với mức thặng dư 41.6 tỷ USD năm 2009, và tăng đều đặn trong 2 năm tiếp theo lên tới 46.1 tỷ USD năm 2011. Indonessia và Thái Lan có mức thặng dư thương mại khá gần nhau với khoảng hơn 20 tỷ USD mỗi năm trong suốt giai đoạn 2009-2011.

Trade balance(Billion US$)
2008
2009
2010
2011
2012 (E)
Malaysia

41.6
42.5
46.1

Indonesia
9.9
21.2
21.2
23.2
15.4
Philippines
-7.7
-8.8
-11
-15.5

Thailand

19.4
28
23.9

Vietnam
-12.8
-8.3
-5.1
-0.5
-2.2



Philippines và Việt Nam đứng đối lập với 03 nước còn lại. Cả Philippines và Việt Nam đều bị thâm hụt thương mại trong tất cả các năm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Việt Nam có mức thâm hụt cao hơn Philppines năm 2008 (12.8 tỷ so với 7.7 tỷ), nhưng Philippines đã vượt qua Việt Nam trở thành nước có mức thâm hụt thương mại lớn nhất trong số 5 nước kể từ năm 2009.
Do thặng dư thương mại lớn và cán cân vãng lai ổn định, cả 3 nước Malaysia, Indonesia, và Thái Lan đều đạt được mức dự trữ ngoại tệ đáng nể. Năm 2011, Thái Lan có mức dự trữ ngoại tệ lên tới 182 tỷ USD, trong khi Malaysia đạt 133 tỷ và Indonesia đạt 110 tỷ USD.

Foreign exchange reserve (Billion US$)
2008
2009
2010
2011
2012 (E)
Malaysia

96.7
106.5
133.6

Indonesia
51.6
66.1
96.2
110.1

Philippines

44.2
62.4
75.3
78
Thailand

138.4
172.1
182.2

Vietnam
23
14.1
12.4
12.56
20


Ðối với Philippines, dù phải hứng chịu cán cân thương mại liên tục thâm hụt trong nhiều năm, dự trữ ngoại tệ của nước này vẫn liên tục tăng đều đặn trong những năm qua nhờ thặng dư cán cân vãng lai. Năm 2011 nước này đã đạt mức dự trữ 75 tỷ USD.
Ðối lập với cả 04 nước, Việt Nam có mức dự trữ ngoại tệ luôn ở mức rất thấp. Năm 2008 Việt Nam có khoảng 23 tỷ USD trong quỹ dự trữ và điều này được coi như một kỳ tích từ thời đổi mới. Kỳ tích này nhanh chóng biến mất nhường chỗ cho mức dự trữ thấp lẹt đẹt ở mức trên 10 tỷ trong suốt giai đoạn 2009-2011. Trong năm nay, do thâm hụt thương mại hầu như không đáng kể, Việt Nam bắt đầu có mức dự trữ ngoại tệ khả quan hơn, tuy nhiên đây vẫn là mức hết sức mong manh.
Thâm hụt thương mại cao một phần do đồng nội tệ của Việt Nam luôn được ấn định ở mức cao. Việt Nam đã phá giá liên tục trong nhiều năm, nhưng theo nhiều chuyên gia, để vãn hồi cán cân thương mại thì Việt Nam cần tiếp tục phải phá giá đồng nội tệ thêm nhiều nữa. Ðiều này không có gì là đáng ngạc nhiên vì tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với đồng USD và, mặc dù đã nhiều lần phá giá, nếu tính tỷ giá hối đoái thực tế (đã hiệu chỉnh theo lạm phát), thì đồng VND thậm chí đã lên giá chứ không phải phá giá trong khoảng 5 năm vừa qua.

Nợ nần công và tư

Bức tranh nợ công ở Ðông Nam Á cũng có nhiều nét tương phản. Malaysia và Việt Nam đứng chung nhóm có tỷ lệ nợ công trên GDP cao nhất trong số 5 nước. Tỷ lệ này ở Malaysia luôn ở mức ổn định xung quanh mốc 53% trong khi con số này ở Việt Nam giao động quanh mốc 50% từ năm 2009 trở lại đây theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới.
Nợ công ở Indonesia nằm ở mức thấp nhất với tỷ lệ nợ của chính phủ trên GDP giảm dần qua các năm kể từ năm 2008 trở lại đây. Nếu như năm 2008 nợ chính phủ trên GDP của nước này nằm ở mốc 33% thì tới năm 2012 Ngân Hàng Thế Giới ước tính mức này giảm xuống chỉ còn 23.1%. Trong khi đó nợ công ở Philippines và Thái Lan khá gần với nhau và nằm ở mức trên dưới 40%.


Domestic Public Sector Debt (% of GDP)
2008
2009
2010
2011
2012 (E)
Malaysia

53.3
53.1
53.5
53.2
Indonesia
33
28.4
26.1
24.3
23.1
Philippines

33.5
41.4


Thailand

39.4
38.8
37.7
41.7
Vietnam
42.9
51.2
54.2
48.8
49


Tuy nhiên thống kê về nợ công ở Việt Nam theo nhiều chuyên gia là chưa phản ánh đúng thực tế vì cách thống kê của Việt Nam không bao gồm cả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước. Nếu tính cả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước vào số liệu về nợ công, thì mức nợ công “sau điều chỉnh” này có thể lên tới gần 100% GDP.
Về số liệu liên quan đến nợ xấu, theo số liệu do Ngân hàng Thế giới thống kê, tỷ lệ nợ xấu ở cả 04 nền kinh tế trong mẫu so sánh đều ở mức thấp và đang giảm dần kể từ năm 2007. Tỷ lệ nợ xấu ở Malaysia đã giảm từ mức 6.5% năm 2007 xuống còn 2.9%. Tỷ lệ này ở Indonesia đã giảm từ 4.1% xuống còn 2.9% trong cùng thời kỳ. Tương tự như vậy, nợ xấu ở Philippines giảm từ 5.8% năm 2007 xuống còn 3.8% năm 2010 và ở Thái Lan từ 7.9% năm 2007 xuống còn 3.5% năm 2011.

Non-performing loan (%)
200
2008
2009
2010
2011
2012 (E)
Malaysia
6.5
4.8
3.6
3.4
2.9

Indonesia
4.1
3.2
3.3
2.6
2.9

Philippines
5.8
4.5
4.1
3.8


Thailand
7.9
5.7
5.3
3.9
3.5

Vietnam





10%


Ngân Hàng Thế Giới không thống kê số liệu về nợ xấu ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu do thống đốc của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam từng khẳng định trước Quốc Hội, nợ xấu ở Việt Nam hiện nay lên tới 10%. Theo nhiều nguồn phân tích của nước ngoài, tỷ lệ nợ xấu ở Việt Nam thậm chí còn cao hơn nữa. Theo một số chuyên gia, chỉ riêng các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước thôi đã lên tới mức xấp xỉ 10 tỷ USD, tương đương với khoảng gần 7% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng và khoảng gần 10% GDP của Việt Nam hiện nay.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=157646&zoneid=271

 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten