woensdag 21 november 2012

Ðộc quyền vàng miếng và tham vọng chống vàng hóa

Ðộc quyền vàng miếng và tham vọng chống vàng hóa (kỳ 1)
Sunday, November 18, 2012 2:15:52 PM




Trần Vinh Dự (Nguồn: VOA)

Từ khoảng 5 năm trở lại đây, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến vàng trở thành công cụ trú ẩn lý tưởng của cả thế giới. Ở Việt Nam, do nội tệ liên tục có lạm phát cao và mất giá so với các ngoại tệ mạnh, đồng tiền Việt luôn luôn bị “hắt hủi” trong tương quan với đồng đô la Mỹ. Kết hợp lại, câu chuyện vàng hóa và đô la hóa trở thành một bài toán đau đầu của các nhà lập chính sách. Từ 25 tháng 5 năm nay, chính phủ đã thực hiện độc quyền trên thị trường vàng miếng và theo thống đốc trả lời trước Quốc Hội những ngày vừa qua, hệ thống ngân hàng đã liên tục mua vàng của dân từ đầu năm, lên tới con số 60 tấn, tương đương với khoảng $3 tỷ.

(Hình minh họa: Paul J. Richards/AFP/GettyImages)

Liệu việc độc quyền thị trường vàng miếng và việc tăng cường mua vàng của dân có phải là một đối sách hữu hiệu để chống vàng hóa?

Ðô la hóa và vàng hóa

Ðô la hóa hay vàng hóa được hiểu một cách đơn giản là hiện tượng người dân của một nước lựa chọn sử dụng đô la Mỹ hoặc vàng làm phương tiện thanh toán, giao dịch, và dự trữ thay vì sử dụng đồng nội tệ. Lấy một ví dụ tiêu biểu, nếu một khách du lịch đi rút tiền ở Cambodia, nước có hiện tượng đô la hóa cao nhất thế giới, thì thứ tiền mà máy rút tiền tự động ATM nhả cho khách rút tiền không phải là đồng tiền Cambodia mà là đồng đô la Mỹ. Ðồng đô la Mỹ được sử dụng làm đồng tiền chính thức thay cho nội tệ của Cambodia trong tất cả các giao dịch vừa và lớn.
Trong một báo cáo chuẩn bị cho Ngân Hàng Phát Triển Châu Á hồi năm 2008 với tựa đề “Ðô la hóa hay chống đô la hóa: Các hệ lụy cho chính sách tiền tệ” do Patricia Alvarez-Plata và Alicia Garcia-Herrero đồng tác giả, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có mức độ đô la hóa trung bình. Báo cáo này ước tính mức độ đô la hóa ở một nước bằng cách tính tỷ lệ tiền gửi nội địa ở một nước bằng USD trên tổng giá trị tiền gửi ở nước đó. Số liệu mà Patricia Alvarez-Plata và Alicia Garcia-Herrero dẫn chiếu cho thấy tỷ lệ này ở Việt Nam dao động trong khoảng 30% đến 40% và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2000 tới 2004. Mức độ đô la hóa của Việt Nam được báo cáo này xếp cùng nhóm với Nga và Philippines, thấp hơn nhiều so với Lào và Cambodia, nhưng cao hơn hẳn Indonesia, Malaysia, và Thái Lan.
Vàng hóa khác một chút so với đô la hóa ở chỗ nó ít khi được dùng làm phương tiện thanh toán mà thường được dùng làm phương tiện dự trữ. Việt Nam từng có hiện tượng vàng được dùng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch lớn như mua bán nhà đất. Tuy nhiên, từ khoảng 10 năm trở lại đây thì đồng đô la Mỹ đã chiếm giữ vị trí của vàng trong các giao dịch lớn. Tới nay, hiện tượng vàng hóa chỉ còn giới hạn trong vai trò là phương tiện dự trữ giá trị và phương tiện để đầu cơ. Theo số liệu của Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình trình bày trước Quốc Hội ngày 31 tháng 10 vừa qua, thì trong nền kinh tế hiện nay có 300-400 tấn vàng, tương đương với nguồn lực khoảng 15-20 tỷ USD. Số vàng này đang đóng vai trò là phương tiện dự trữ, và không được đưa vào lưu thông hay đầu tư.
Ðứng về mặt điều hành của nhà nước, vàng hóa và đô la hóa ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách tài khóa và tiền tệ của quốc gia. Trong những trường hợp cực đoan như Cambodia, chính sách tiền tệ hầu như không còn bất cứ tác dụng gì vì Ngân Hàng Trung Ương của nước này không thể “bơm” hay “hút” tiền tùy ý từ dân chúng. Tương tự như thế, việc thực thi chính sách tài khóa, đặc biệt là việc dùng biện pháp in tiền để tài trợ chi tiêu chính phủ, trở nên không thực hiện được. Những hạn chế này trong điều kiện kinh tế bình thường không phải là các hạn chế chết người. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế này lâm vào khủng hoảng, việc không có trong tay các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ hữu hiệu có thể đẩy nền kinh tế vào chỗ không có đường thoát. Trường hợp của Hy Lạp trong những năm gần đây là một ví dụ kinh điển. Hy Lạp không bị vàng hóa hay đô la hóa, mà bị “Euro hóa” khi nước này tham gia vào khối đồng tiền chung, và tự đánh mất sự chủ động về tài khóa và tiền tệ.

Xóa vàng hóa bằng cách tăng cường mua vàng của dân

Nền tảng cơ bản để chống vàng hóa và đô la hóa là tăng cường sức mạnh của đồng nội tệ. Ðến lượt nó, điều này lại chỉ có thể thực hiện được khi có một nền kinh tế nội địa vững chắc, một cán cân mậu dịch lành mạnh, và chính sách tiền tệ cẩn trọng.
Việt Nam mặc dù từng có tốc độ tăng trưởng cao trong số các nền kinh tế đang phát triển, nhưng ít nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự tăng trưởng này dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và liên tục tăng đầu tư với chính sách tiền tệ dễ dãi trong khi năng suất lao động lại thụt lùi. Ðiều này dẫn tới thâm hụt mậu dịch và lạm phát cao triền miên. Riêng việc này đã làm cho đồng nội tệ kém hấp dẫn so với ngoại tệ mạnh. Cộng thêm nữa là việc phá giá giật cục, bất thình lình, khiến cho người tiêu dùng không thể trở tay kịp. Kết hợp lại, nó làm cho lòng tin vào đồng nội tệ bị bào mòn qua nhiều năm, và tạo thành một kỳ vọng vững chắc về vòng xoáy trôn ốc đi xuống của đồng nội tệ. Ðó là cơ sở vững chắc của hiện tượng vàng hóa và đô la hóa.
Chưa tạo lập được một nền tảng vững chắc để xóa bỏ vàng hóa và đô la hóa, Việt Nam thường phải dựa vào các biện pháp hành chính. Hai nỗ lực gần đây nhất của Ngân Hàng Nhà Nước liên quan đến thị trường vàng là thực hiện độc quyền vàng miếng và mua vàng từ công chúng.
Theo Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình, việc mua 60 tấn vàng từ công chúng từ đầu năm trở lại đây “đã chuyển số vàng này đổi sang tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội” và “điều này thể hiện mục tiêu chặn đứng vàng hóa và huy động vốn trở lại cho nền kinh tế đã được thực hiện.” Lập luận này khá đơn giản: dân có ít vàng hơn, hiện tượng vàng hóa sẽ phải giảm.
Một điểm cần làm rõ trong tuyên bố của thống đốc là chuyện ngân hàng nào mua 60 tấn vàng. Thực tế là hệ thống ngân hàng thương mại mua số vàng này chứ không phải Ngân Hàng Nhà Nước. Các ngân hàng thương mại mua vàng từ công chúng xuất phát từ nhiều lý do riêng của họ, trong đó có câu chuyện đóng tình trạng “short” trong tài khoản buôn bán vàng của các ngân hàng này và để phục vụ việc người dân rút vàng đã gửi từ vào hệ thống ngân hàng từ trước.
Thế nhưng cứ giả sử là NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại hoặc NHNN trực tiếp mua vàng từ công chúng để chống vàng hóa. Thì nếu như chỉ có riêng động thái này, thì về mặt nguyên tắc, nó không giúp gì được cho mục tiêu chống vàng hóa mà chỉ có chức năng bơm tiền vào nền kinh tế. Việc mua vàng từ công chúng thậm chí có tác dụng ngược lại vì nó đẩy giá vàng trong nước lên cao hơn (nếu cấm nhập cảng vàng) hoặc đẩy nhập khẩu vàng lên cao (nếu vẫn cho nhập khẩu vàng tự do).
Lý do rất đơn giản vì khi có một lượng cầu lớn đến như vậy (60 tấn) hút vàng ra khỏi thị trường thì hoặc là lượng cung phải tăng lên tương ứng qua nhập khẩu, hoặc nếu không thì giá phải tăng. Cả hai hiện tượng này đều không có lợi gì cho việc chống vàng hóa. Trường hợp lượng cung tăng lên do nhập khẩu đồng nghĩa với lượng vàng trong dân vẫn như cũ, chỉ khác là hệ thống ngân hàng gián tiếp nhập khẩu vàng. Trường hợp giá tăng thì thậm chí còn tệ hơn vì động thái mua vào của hệ thống ngân hàng lại tạo ra kỳ vọng về giá vàng tiếp tục tăng (vì nguồn cung khan hiếm hơn sau khi bị hệ thống hút mà không có bổ sung).
Một hệ lụy khác tinh tế hơn là có thể NHNN đã phải in tiền ra để hỗ trợ các NH thương mại mua vàng. Ðó là chưa kể việc tiếp thanh khoản cho hệ thống ngân hàng liên tục trong nhiều tháng từ đầu năm tới nay. Cộng gộp lại, ngay cả việc chống vàng hóa thành công như NHNN tuyên bố thì nó vẫn là một sự đánh đổi nguy hiểm và luẩn quẩn: chống vàng hóa bằng cách tạo thêm rủi ro cho tiền đồng, từ đó tạo tiền đề để quá trình vàng hóa và đô la hóa trở nên sâu sắc thêm. (còn tiếp)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=157911&zoneid=271

Ðộc quyền vàng miếng và tham vọng chống vàng hóa (phần 2)
Monday, November 19, 2012 4:14:30 PM





Trần Vinh Dự (VOA)

Xóa vàng hóa bằng cách độc quyền vàng miếng

Trường hợp độc quyền vàng miếng thì phức tạp hơn đôi chút. Thị trường vàng miếng được kiểm soát bởi 3 đối tượng là người mua, đại lý, và nhà sản xuất. Sản phẩm của thị trường này cũng có thể chia làm hai loại là vàng miếng và vàng nguyên liệu. Trong một thị trường bình thường, có thể có nhiều nhà sản xuất được cấp phép. Giá vàng miếng và vàng nguyên liệu chênh lệch với nhau một mức nhất định vì sản xuất vàng miếng đòi hỏi chi phí đáng kể liên quan đến quy trình cấp chứng chỉ, sản xuất, kiểm soát chất lượng, chống hàng giả. Giá vàng miếng của các nhà sản xuất vàng cũng có thể khác nhau chút đỉnh mặc dù đều được cấp phép vì một số nhãn hiệu vàng miếng phổ biến hơn, vì thế dễ mua bán hơn, các nhãn hiệu vàng miếng khác.
Trong trường hợp ở Việt Nam, nhà nước bắt đầu thực hiện độc quyền vàng miếng từ ngày 25 tháng 5. Kể từ đó, tất cả các đơn vị sản xuất vàng miếng phải ngừng hoạt động. Chỉ có NHNN được quyền sản xuất vàng miếng và lấy thương hiệu SJC. Công ty SJC sau đó được NHNN chỉ định làm đơn vị gia công vàng miếng cho NHNN với mức phí gia công hiện nay là 50 nghìn Ðồng/lượng.
Vì sự thay đổi này, thị trường vàng miếng ở Việt Nam được đặc trưng bởi một nhà sản xuất độc quyền là NHNN. Các thương hiệu vàng khác đã sản xuất từ trước vẫn được cho phép lưu hành. Nhưng theo như sự nhìn nhận của thống đốc, thì mặc dù thời gian qua NHNN “đã tích cực phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng xem lại thì thấy còn có nhiều cách hiểu khác nhau, do vậy, trong dư luận còn lo lắng về vấn đề này”. Trên thực tế, người dân giữ vàng miếng thương hiệu khác vẫn, và đang tiếp tục phải bán với mức giá thấp hơn đáng kể so với thương hiệu vàng SJC. Mức khác biệt này, tùy thương hiệu, từ vài trăm tới trên một triệu đồng một lượng, tức là giống như bán vàng nguyên liệu.
Gạt ra ngoài vấn yếu kém trong tuyên truyền về chính sách, cứ giả sử như thị trường vàng miếng ở Việt Nam đã sạch bóng các thương hiệu khác mà chỉ còn một thương hiệu duy nhất là SJC, thì liệu việc độc quyền này có giúp chống vàng hóa hay không?
Câu trả lời là có, nhưng với chi phí rất đắt cho xã hội.
Khi NHNN đã trở thành nhà cung cấp độc quyền vàng miếng, NHNN có thể chủ động lượng vàng miếng cung cấp ra thị trường tại mỗi thời điểm nhất định. Trên cơ sở đó, NHNN có thể chống đầu cơ vàng miếng một cách khá hiệu quả. Bằng cách bóp nghẹt nguồn cung, NHNN cũng có thể làm cho việc biến vàng thành công cụ dự trữ giá trị của công chúng trở nên khó khăn. Cả hai việc này đều giúp NHNN chống vàng hóa.
Thế nhưng việc này ngay lập tức sẽ dẫn tới các hành vi phản ứng từ thị trường. Ðầu tiên và dễ thấy nhất là việc sản xuất vàng nhái thương hiệu SJC. Vì việc bóp nghẹt nguồn cung, nếu làm, sẽ dẫn tới giá vàng SJC của NHNN tăng giá. Khi chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu và giá vàng SJC càng cao, thì động cơ làm nhái thương hiệu này càng mạnh. Ðiều này dẫn tới chi phí cho xã hội để phục vụ việc giám sát thị trường.
Thứ hai, tất cả những người giữ vàng nguyên liệu hiện nay đều bị thiệt. Nhiều thương hiệu vàng nhỏ ở Việt Nam mặc dù sản xuất từ khi được cấp phép hiện nay vẫn bị coi là vàng nguyên liệu. Vàng nguyên liệu khó giao dịch, và chỉ có thể bán cho các hãng chế tác kim hoàn hoặc cho các hãng sản xuất vàng miếng. NHNN, với tư cách là đơn vị duy nhất có thể sản xuất vàng miếng, có quyền áp đặt lên giá mua của vàng nguyên liệu. Ðiều này có lẽ giải thích vì sao NHNN có thể dễ thu mua tới 60 tấn vàng kể từ đầu năm mà không làm rối loạn thị trường vàng trong nước.
Thứ ba, giá vàng cao do việc xiết chặt nguồn cung (việc mà NHNN chắc chắn phải làm nếu muốn chống vàng hóa), sẽ làm tổn hại đối với người tiêu dùng vàng thành phẩm (thí dụ các đồ trang sức làm bằng vàng) và có lợi cho NHNN.
Thứ tư, quyền của người tiêu dùng, với tư cách là người có quyền cất giữ giá trị, bị vi phạm ở mức độ nhất định vì thị trường vàng miếng bị xiết lại. Thay vì được cất trữ giá trị qua việc mua vàng với giá thông thường, nay họ phải trả mức giá cao hơn.
Rõ ràng, với chính sách độc quyền này, gánh nặng chi phí của việc chống vàng hóa sẽ nằm nhiều hơn ở phía người tiêu dùng. Trong khi đó, NHNN có thể dễ dàng thu lợi bằng cách thao túng nguồn cung ứng vàng miếng. Ðiều này khiến không ít người đồn đoán rằng vai trò của NHNN nay đã trở thành người đi “kinh doanh” vàng. Ở một mức độ nào đó, nếu việc này được thực hiện một cách có hệ thống, nó sẽ làm suy giảm đáng kể uy tín của NHNN.
Tóm lại, chống vàng hóa thông qua độc quyền vàng miếng là một chính sách có tác dụng đúng theo mục tiêu mà nó được thiết kế ra - đó là chống vàng hóa. Tuy nhiên, nó để lại gánh nặng chi phí đáng kể cho xã hội và người tiêu dùng. Việc tích cực mua vàng trong dân dễ được coi là một động thái hướng đến chống vàng hóa thông qua việc làm giảm số vàng trôi nổi trong dân. Tuy nhiên, việc này chỉ thành công khi NHNN tạo ra những sức ép nhất định để buộc người dân phải bán vàng. Có vẻ như NHNN đã làm đúng điều này khi đẩy thương hiệu vàng SJC thành thương hiệu vàng quốc gia trong khi “làm ngơ” các thương hiệu khác và không phổ biến tốt tới người dân về việc tiếp tục cho tồn tại các sản phẩm này, dẫn tới việc người dân phải đổ xô đi bán các thương hiệu vàng này với giá rẻ mạt gần như bằng giá vàng nguyên liệu. Ðộng tác này một lần nữa có lợi cho mục tiêu của NHNN nhưng đã gây thiệt hại cho nhiều người giữ vàng “thiếu thông tin”.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=157948&zoneid=271

 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten