Trung Quốc "lôi kéo" ASEAN phản công chiến lược vac-xin của Bộ Tứ - QUAD
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Khu vực Đông Nam Á hiện là điểm nóng trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Bắc Kinh không để Washington gây ảnh hưởng với các nước ASEAN về vac-xin ngừa Covid-19 khi thông báo ý định kết hợp với ít nhất bốn nước Đông Nam Á để sản xuất đại trà vac-xin.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần lượt họp với ngoại trưởng bốn nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines tại tỉnh Phúc Kiến từ ngày 31/03 đến 02/04/2021 trong đó có dự án hợp tác riêng lẻ với 4 nước này để sản xuất vac-xin của Trung Quốc.
Huy động nhiều nước ASEAN tham gia sản xuất và phân phối vac-xin
Theo trang Global Times ngày 05/04, Trung Quốc và Indonesia, cũng như Trung Quốc và Malaysia thống nhất về nghiên cứu, phát triển các loại vac-xin, cũng như hợp tác về sản xuất. Trong khi đó, với Singapore, hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác về toàn bộ chuỗi cung ứng trong việc cung cấp vac-xin. Còn với Philippines, hai nước nhất trí tăng cường công tác phê duyệt vac-xin.
Khác với dự án vac-xin của Bộ Tứ - QUAD, chủ yếu sản xuất tại Ấn Độ với mục tiêu cung cấp 1 tỉ liều từ nay đến cuối năm 2022 cho các nước Đông Nam Á và rộng hơn là cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bắc Kinh chủ trương lôi kéo các nước ASEAN trực tiếp tham gia sản xuất và phân phối vac-xin của Trung Quốc.
Hầu hết các nước Đông Nam Á (trừ Việt Nam và Singapore chưa cấp phép sử dụng), được Trung Quốc tặng vac-xin. Indonesia và Malaysia kết hợp vac-xin AstraZeneca trong khuôn khổ chương trình Covax và vac-xin của Trung Quốc để thực hiện chiến dịch tiêm chủng từ đầu năm. Ngày 08/04, Jakarta cho biết đang đàm phán với Bắc Kinh để mua 100 triệu liều của tập đoàn Sinovac Biotech do vac-xin AstraZeneca bị giao chậm.
Một khó khăn khác cho chiến lược vac-xin của QUAD là Ấn Độ, nhà sản xuất chính, đang đối mặt với làn sóng dịch tái bùng phát. New Delhi từng tuyên bố hạn chế xuất khẩu vac-xin AstraZeneca để ưu tiên tiêm chủng trong nước. Trong khi đó, Mỹ, nước phát triển vac-xin Pfizer/BioNTech, dường như chưa sẵn sàng chia sẻ công nghệ. Ngày 05/04, đại sứ Việt Nam tại Mỹ gợi ý Washington hợp tác chuyển giao công nghệ, bằng sáng chế, sản xuất vac-xin. Đến ngày 08/04, Indonesia cũng “đề nghị Mỹ cung cấp vac-xin khi nước này kết thúc tiêm chủng và bán vac-xin ra nước ngoài”.
Ngược lại với các nước phương Tây bị dịch tác động mạnh, Trung Quốc tăng tốc mở rộng ảnh hưởng khắp thế giới thông qua chính sách ngoại giao vac-xin nhờ khống chế được dịch ở trong nước. Đây chính là một trong những lý do để Bắc Kinh không ngừng chỉ trích “chủ nghĩa dân tộc vac-xin”.
Chủng ngừa nền kinh tế Đông Nam Á ?
Thông qua chiến lược vac-xin ở Đông Nam Á, Trung Quốc còn muốn tái khẳng định “luôn là đối tác lớn của vùng”, đồng thời gửi tín hiệu đến các nước ASEAN là nên “ngả theo Bắc Kinh thay vì ngả theo Washington”, theo nhận định của giáo sư Stephen Nagy, Đại học Thiên Chúa Giáo Quốc Tế Tokyo, được trang VOA trích ngày 05/04.
Thúc đẩy hợp tác vac-xin với các nước ASEAN còn nhằm mục đích phục hồi kinh tế khu vực Đông Nam Á, bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do mất doanh thu từ du lịch và giảm xuất khẩu. Từ năm 2020, ASEAN trở thành đối tác hàng đầu của Trung Quốc nên Bắc Kinh cần nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng trở lại và như vậy mới có thể tái khởi động các dự án trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới. Cuối cùng, nếu có được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng, các nước Đông Nam Á mới có thể hy vọng đón được du khách Trung Quốc, chiếm nguồn thu chính của nhiều nước ASEAN.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vừa quyết định tăng tốc tiêm chủng cho dân với mục tiêu đạt 40% vào tháng Sáu và 80% đến cuối năm để chuẩn bị cho Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. Với số dân cư đông nhất thế giới, liệu Trung Quốc có thể vừa bảo đảm đủ được số liều trong nước lẫn tiếp tục chính sách ngoại giao vac-xin trên thế giới?
Trung Quốc "lôi kéo" ASEAN phản công chiến lược vac-xin của Bộ Tứ - QUAD (rfi.fr)
Thượng đỉnh Bộ Tứ: TT Mỹ hứa hẹn một liên minh chống Covid-19 và Bắc Kinh
Đăng ngày:
Ngày 12/03/2021, sau một ngày họp thượng đỉnh trực tuyến với thủ tướng các nước Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc trong khuôn khổ Diễn đàn Đối thoại không chính thức bốn bên (QUAD – Bộ Tứ), tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo một sáng kiến chung : Sản xuất một tỷ liều vac-xin ngừa Covid-19 tại Ấn Độ. Đây cũng là bước đầu tiên của tân tổng thống Mỹ trong cuộc phản công ngoại giao chống Trung Quốc.
Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
« Chúng tôi mong muốn có một khu vực tự do, rộng mở toàn diện, an toàn, thấm nhuần các giá trị dân chủ và không ràng buộc ». Bản thông cáo chung kết thúc cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của QUAD – Bộ Tứ không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ không thể hiểu lầm một điểm: Bốn nước này rõ ràng muốn kềm hãm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Văn bản do Nhà Trắng công bố nhấn mạnh « Chúng tôi tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và tự do hàng hải », đồng thời nhắc đến các tranh chấp chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, những khu vực mà Bắc Kinh thường xuyên tiến hành các hành động quấy nhiễu.
Ngoài những tuyên bố nhằm thể hiện quan điểm, cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Bộ Tứ còn dành cho cuộc chiến chống dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Joe Biden thông báo thành lập một chương trình đối tác đầy tham vọng để tăng mức sản xuất vac-xin, chủ yếu dành cho vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Cụ thể, nỗ lực này sẽ được thể hiện qua việc sản xuất vac-xin Johnson&Johnson của Mỹ tại Ấn Độ. Mục tiêu là không để cho Bắc Kinh độc quyền vac-xin trong khu vực. Cả bốn nước này tuyên bố muốn có một mối liên minh bền vững và lâu dài. Một cuộc họp thượng đỉnh mới, với sự hiện diện của nguyên thủ và lãnh đạo các chính phủ, sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Thượng đỉnh Bộ Tứ: TT Mỹ hứa hẹn một liên minh chống Covid-19 và Bắc Kinh (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten