vrijdag 23 april 2021

Thượng đỉnh về Miến Điện: Cuộc trắc nghiệm về uy tín của ASEAN + Đàn áp Biểu tình tiếp diễn, ASEAN và EU rắn giọng với tập đoàn quân sự

 

Thượng đỉnh về Miến Điện: Cuộc trắc nghiệm về uy tín của ASEAN

Biểu tình chống đảo chính quân sự tại Mandalay, miền trung Miến Điện, ngày 10/02/2021. Trong ảnh, chân dung lãnh đạo quân đội Miến Điên, tướng Min Aung Hlaing, bị gạch mặt.
Biểu tình chống đảo chính quân sự tại Mandalay, miền trung Miến Điện, ngày 10/02/2021. Trong ảnh, chân dung lãnh đạo quân đội Miến Điên, tướng Min Aung Hlaing, bị gạch mặt. AP

Vào thứ Bảy tuần này, 24/04/2021, các nước ASEAN sẽ họp thượng đỉnh tại Jakarta để bàn về khủng hoảng ở Miến Điện. Đây được coi là một cuộc trắc nghiệm về uy tín và sự đoàn kết giữa 10 quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh bạo lực không ngừng gia tăng tại Miến Điện.

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, quân đội và cảnh sát đã hạ sát gần 740 người biểu tình chống đảo chính, theo thống kê của một tổ chức ở Miến Điện. Với quyết tâm dập tắt phong trào phản kháng, quân đội Miến Điện sử dụng ngày càng nhiều vũ khí sát thương. Ấy là chưa kể khoảng 3.300 người được cho là đang bị giam giữ mà không biết số phận ra sao. Đàn áp ngày càng khốc liệt khiến khoảng 250.000 người phải tản cư, theo báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Tom Andrews.

Theo hãng tin AFP, sáng nay, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã có cuộc điện đàm với tổng thống Indonesia Joko Widodo về tình hình Miến Điện. Trong cuộc họp báo trực tuyến sau cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Thái Lan Tanee Sangrat nhìn nhận rằng quốc tế đang trông chờ thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta đạt được những kết quả cụ thể để giải quyết khủng hoảng Miến Điện. Theo ông Tanee Sangrat, bây giờ các thành viên của “gia đình ASEAN”, kể cả Miến Điện, phải làm sao bảo toàn sự đoàn kết và uy tín của khối này.

Nhưng không chắc là thượng đỉnh Jakarta cuối tuần này sẽ giúp thay đổi ngay tình hình ở Miến Điện. Thứ nhất, tuy gọi là họp thượng đỉnh, nhưng thật ra chỉ có một số lãnh đạo đến dự, còn các nước khác như Thái Lan thì chỉ cử ngoại trưởng đại diện đến Jakarta, với lý do là thủ tướng Prayut Chan-O-Cha phải ở lại Thái Lan để điều hành chính phủ đối phó với đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại. Manila hôm nay cũng vừa thông báo là tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ cử ngoại trưởng thay mặt đến Jakarta, chứ ông không đến dự. 

Trong khi đó, đích thân lãnh đạo tập đoàn quân phiệt Min Aung Hlaing sẽ đến dự thượng đỉnh, theo tin của tờ báo Nhật Nikkei Asia. Đây sẽ là lần đầu tiên tướng Min Aung Hlaing ra nước ngoài kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02. Theo hãng tin AFP, sự có mặt của tướng Min Aung Hlaing khiến các nhà hoạt động, các tổ chức nhân quyền rất phẫn nộ. Chính phủ do các dân biểu thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi cũng đã phản đối và đòi được quyền tham dự thượng đỉnh Jakarta.

Thứ hai là không dễ gì mà thuyết phục được tập đoàn quân sự Miến Điện ngưng ngay chiến dịch đàn áp khốc liệt những người biểu tình chống đảo chính. Như ta đã thấy, bất chấp những biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của phương Tây, mới nhất là các biện pháp mà Hoa Kỳ vừa thông báo hôm qua, chính quyền quân sự ở Naypyidaw vẫn không tỏ dấu hiệu hòa dịu, mà trái lại càng thẳng tay dìm phong trào phản kháng trong biển máu. 

Thứ ba là cho tới nay các nước ASEAN vẫn bị chia rẽ trên hồ sơ Miến Điện, theo lời ông Tan Sri Syed Hamid Albar, chủ tịch Nhóm Tham vấn về Miến Điện (Advisory Group on Myanmar) của Malaysia. Một bên là những quốc gia thành viên như Cam Bốt và Thái Lan vẫn xem khủng hoảng do cuộc đảo chính là chuyện nội bộ của Miến Điện và phải do chính nhân dân Miến Điện giải quyết. Bên kia là những nước Indonesia, Malaysia, Singapore và trong một chừng mực nào đó Philippines thì vẫn tỏ ra quan ngại và kêu gọi các bên ở Miến Điện nên kềm chế và tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Câu hỏi lớn đang được đặt ra là tại thượng đỉnh Jakarta, ASEAN có sẽ dứt khoát từ bỏ nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của một nước thành viên hay không, để mạnh dạn đề nghị các giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện ? Hay là đại diện các nước thành viên khác chỉ đến để nghe tướng Min Aung Hlaing biện minh cho chiến dịch đàn áp những người chống đảo chính, để cho lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện có thêm tính chính danh với quốc tế.

Đây không chỉ là vấn đề uy tín của ASEAN mà còn là sự tồn tại của chính hiệp hội này. Chủ tịch Nhóm Tham vấn về Miến Điện Tan Sri Syed Hamid Albar cảnh báo là tại thượng đỉnh Jakarta, các lãnh đạo ASEAN phải có những quyết định “mạnh mẽ” và phải kêu gọi ngưng ngay tình trạng bạo lực ở Miến Điện, nếu không, có nguy cơ là Miến Điện sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong khối Đông Nam Á bị nội chiến và đi đến sụp đổ, kể từ khi ASEAN được thành lập năm 1967. Nếu thực tế này xảy ra, nó sẽ đe dọa đến hòa bình và an ninh của toàn khu vực. Trước mắt, theo ông Syed Hamid, tình hình bất ổn hiện nay ở Miến Điện, nếu không được giải quyết êm thấm, sẽ ảnh hưởng đến các nước láng giềng và trong khu vực.

Thượng đỉnh về Miến Điện: Cuộc trắc nghiệm về uy tín của ASEAN (rfi.fr)

Miến Điện: Biểu tình tiếp diễn, ASEAN và EU rắn giọng với tập đoàn quân sự

Ảnh minh họa : Người biểu tình với thiết bị chống hơi cay tren đường phố Rangoon, ngày 20/03/2021.
Ảnh minh họa : Người biểu tình với thiết bị chống hơi cay tren đường phố Rangoon, ngày 20/03/2021. AFP - STR

Làn sóng đòi dân chủ tại Miến Điện tiếp tục thách thức giới quân sự. Trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật 21/03/2021, người dân tại nhiều nơi ở Miến Điện lại xuống đường phản đối quân đội đảo chính. Trước các hành động trấn áp đẫm máu làm gần 250 người chết, nhiều nước ASEAN và Liên Hiệp Châu Âu đã có những lời lẽ cứng rắn hơn với giới quân nhân Miến Điện.

Ngoài con số hàng trăm người thiệt mạng, tính đến hôm nay đã có 2.500 người bị bắt và nhiều nhiều bị mất tích. Tại Mandalay, những người phản đối giương cao biểu ngữ đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, đang bị quân đội giam giữ tại một nơi bí mật từ 49 ngày qua. Còn tại bang Kachin, những người biểu tình tụ tập thắp sáng hàng trăm ngọn nến.

Theo AFP, các cuộc đình công từ giới bác sĩ, giáo viên, nhân viên ngân hàng hay đường sắt từ 6 tuần qua nhằm phản đối chế độ quân sự, làm tê liệt nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.

Trước hành động trấn áp đẫm máu nhắm vào phong trào đấu tranh dân sự, áp lực quốc tế đang gia tăng. Nhiều nước láng giềng trong khối ASEAN cũng như nhiều đại sứ trong khối Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu rắn giọng.

Thông tín viên đài RFI, Carol Isoux, từ Bangkok tường thuật :

« Chúng tôi phản đối hành động bạo lực được sử dụng nhắm vào người dân nước láng giềng Miến Điện của chúng tôi », đất nước « rơi vào bất ổn do việc một nhóm thiểu số hành động chỉ vì những lợi ích riêng của mình ». Những lời lẽ cứng rắn này là từ thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin. Cùng với Indonesia, ông kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp các nước khối ASEAN về tình hình Miến Điện.

Giọng điệu mà các nước láng giềng của Miến Điện sử dụng giờ đây đã tỏ ra dứt khoát hơn so với thái độ trung lập thường thấy và luôn lo lắng tránh can dự vào chuyện nội bộ của các nước thành viên. Nhưng cuộc thảm sát thường nhật nhắm vào người biểu tình tay không vũ khí, những vụ bắt bớ ồ ạt và tùy tiện đã buộc những nước Đông Nam Á này phải giũ bỏ sự dè dặt quen thuộc.

Cuộc họp khẩn cấp sẽ phải xem xét các biện pháp trừng phạt có thể nhắm vào tập đoàn quân sự. Singapore, thành viên của ASEAN là quốc gia nước ngoài mà giới tướng lĩnh Miến Điện có nhiều tài khoản ngân hàng và những lợi ích tài chính nhất. Thế nên, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt phần lớn dựa vào đảo quốc nhỏ này. »

Ngày mai, thứ Hai, 22/03/2021, Liên Hiệp Châu Âu thông báo trừng phạt 11 sĩ quan Miến Điện có tham gia trấn áp. Bruxelles đang hoàn tất các biện pháp cưỡng chế nhắm vào các lợi ích kinh tế của nhiều thành viên tập đoàn quân sự.

Miến Điện: Biểu tình tiếp diễn, ASEAN và EU rắn giọng với tập đoàn quân sự (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten